Peru: Những bóng hồng xinh đẹp trong lực lượng cảnh sát giao thông chống tham nhũng

Thứ Tư, 25/06/2014, 12:30

Để phòng chống tham nhũng, Chính quyền Peru đã có quyết định hết sức táo bạo đó là tăng cường sự hiện diện của những nữ cảnh sát trong lực lượng này. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, với bản tính và phẩm chất đặc trưng của phái nữ, công tác phòng chống tham nhũng ở nước này sẽ có được nhiều bước tiến đáng kể trong thời gian tới

"Vũ khí bí mật" của cảnh sát Peru

Trong khoảng thời gian bốn năm làm cảnh sát giao thông, Estefany Cerro Flores cùng chiếc  xe gắn máy đã đi qua khắp các ngõ ngách trên đường phố ở Lima. Estefany Cerro Flores đã nhìn và nghe thấy rất nhiều câu chuyện về tình trạng tham nhũng ở đất nước mình.

Tình trạng người điều khiển giao thông vi phạm pháp luật và hối lộ những người thực hiện công vụ là hiện tượng rất phổ biến ở Mỹ Latinh. Nhiều vụ việc như say rượu khi lái xe gây tai nạn chết người hay nhân viên xe buýt có hành vi tấn công, bạo lực với hành khách, tài xế lái xe thiếu thận trọng, bỏ chạy khi bị nhân viên cảnh sát yêu cầu dừng xe để kiểm tra, những lời lăng mạ phân biệt giới tính... "Có một điều thực sự rất đáng lo ngại là những người điều khiển phương tiện giao thông luôn có ý nghĩ rằng, họ có thể giải quyết lỗi vi phạm của mình bằng cách đưa tiền cho cảnh sát", Estefany Cerro Flores nói. Để giải quyết vấn đề nghiêm trọng này, kể từ cuối những năm 1990, Chính phủ Peru đã tiến hành một thử nghiệm mới: sử dụng nữ cảnh sát tuần hành trên các đường phố của thủ đô. Hiện nay, nữ cảnh sát giao thông ở Peru chiếm tỷ lệ 4% trong tổng số nhân viên cảnh sát của lực lượng này.

Nữ cảnh sát Loly Estefany Cerro Flores.

Nhiều người cho rằng, phụ nữ, trên phương diện lý thuyết có nhiều khả năng trung thực hơn so với nam giới. Một kết quả nghiên cứu được Proetica, một cơ quan nghiên cứu về tham nhũng của tổ chức minh bạch quốc tế chi nhánh Peru công bố năm 2012 cho thấy, 66% nhân viên cảnh sát nam có biểu hiện tham nhũng khi thực hiện công vụ, trong khi đó ở những đồng nghiệp nữ, con số này chỉ có 19%. "Cán bộ tham nhũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của lực lượng cảnh sát nói riêng và những cơ quan chống tham nhũng của Peru nói chung. Theo quan điểm của tôi, khi một người say rượu lái xe gây tai nạn thì họ dứt khoát phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người vô tội", Cerro Flores nói với phóng viên Tờ GlobalPost.

Hiện mức lương mà Cerro Flores nhận được vào khoảng 700 USD/tháng. Kể từ tháng 8/2013, Cerro Flores đã báo cáo hơn 30 trường hợp tài xế xe cố tình đưa hối lộ cho cô trên các đường phố. "Một số người không nhận thức được rằng, từ hành vi vi phạm giao thông thông thường, họ có thể bị kết tội đưa hối lộ. Nhiều lần tôi đã giải thích nhưng những gì tôi nhận được là sự tức giận của họ. Đôi khi tôi cũng cảm thấy thất vọng về hành xử của mọi người. Khi về nhà vào buổi tối, mệt mỏi giống như có thể chết trên đôi chân của mình. Nhưng tôi yêu công việc này", Cerro Flores nói.

Tham nhũng vẫn là một thử thách chưa thể giải quyết

Tham nhũng tràn lan là vấn nạn mà nhiều quốc gia châu Mỹ Latinh đang phải đối mặt. Lĩnh vực có tỷ lệ tham nhũng cao là lĩnh vực công cộng. Những nhân viên cảnh sát suy đồi đạo đức sẽ nhận hối lộ - những món tiền thường chỉ đủ mua một chai soda để cho qua chuyện. Theo Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ La tinh, thanh niên ở độ tuổi từ 15 - 29 tử vong do tai nạn giao thông cao nhất trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong và làm giảm 2% GDP trong khu vực. "Và không nơi nào trong khu vực này tồi tệ hơn Peru. Đây là khu vực có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao nhất", đại diện Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ Latinh nhận định. "Hãy quan sát những gì đang xảy ra trên đường phố ở Lima. Những người điều khiển phương tiện giao thông cẩu thả và thiếu ý thức. Họ bấm còi inh ỏi và tăng tốc khi cần phải nhấn phanh hay đèn đỏ. Họ đột nhiên lại chuyển hướng trên đường mà không có bất cứ tín hiệu nào. Đó là thói quen ở đây. Đánh dấu phân định làn đường dành cho các loại xe, lối cho người đi bộ có khi là sự lãng phí sơn. Tất nhiên, tôi cũng tán đồng việc sử dụng nữ cảnh sát tuần hành trên các đường phố. Hy vọng rằng, sự xuất hiện của họ sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan hơn trong những năm tới".

Tuy nhiên, một số người lập luận rằng, việc sử dụng cán bộ nữ trong lực lượng cảnh sát nhằm phòng chống tham nhũng là phân biệt giới tính, "phản bội" quan điểm của Công giáo vốn coi phụ nữ như những gì "tinh khiết" nhất. Có ý kiến chỉ trích rằng, đây là thử nghiệm sai lầm, đến từ một chính phủ có nhiều bê bối.

Nạn tham nhũng ở Peru và Mỹ Latinh có nguồn gốc sâu xa do phải trải qua thời kỳ thuộc địa khá dài. Nhiều chuyên gia cũng đổ lỗi cho sự thiếu ý chí chính trị của chính quyền đương nhiệm trong việc giải quyết vấn đề. Chưa có giải pháp "mạnh tay" trong phòng chống tham nhũng và hình phạt với những người có hành vi tham nhũng chưa được xử lý nghiêm khắc

T.Phạm (tổng hợp)
.
.
.