Pervez Musharraf: Anh hùng hay tội đồ?

Chủ Nhật, 22/12/2019, 18:39
Ngày 17- 12, một tòa án Pakistan đã tuyên án tử hình đối với cựu Tổng thống Pervez Musharraf (giai đoạn 2001-2008) vì tội phản quốc và bác bỏ tính hiệu lực của Hiến pháp.

Hiện đang sống lưu vong ở Dubai sau khi được phép xuất cảnh để chữa bệnh năm 2016, ông Musharraf bị liệt vào danh sách những trường hợp bị truy nã gắt gao nhất. Đây là lần đầu tiên một cựu lãnh đạo quân đội Pakistan bị tuyên án tử hình, dù tuyên án vắng mặt. Từng một thời là người hùng của Pakistan, nhưng nay ông Musharraf phải đối mặt với án tử hình vì tội phản quốc.

Cuộc tiếm quyền của tướng quân đội

Pervez Musharraf sinh năm 1943 trong gia đình thuộc tầng lớp trung lưu tại Thủ đô New Dehli, Ấn Ðộ (khi đó Ấn Ðộ đang là thuộc địa của Anh). Năm 1947, sau khi xảy ra cuộc chia cắt Ấn Ðộ, gia đình ông P.Musharraf di cư sang Pakistan sống tại TP Karachi (Pakistan). 

Ở thời điểm đó, hàng triệu người đã rời miền Bắc Ấn Độ để tới Pakistan, quốc gia mới được thành lập với chủ yếu dân số theo đạo Hồi. Từ năm 1949 đến 1956, Musharraf theo cha là nhà ngoại giao làm việc tại Ðại sứ quán ở Thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ).

Năm 1961, ông Musharraf vào Học viện quân sự. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan pháo binh với quân hàm Trung uý, ông Musharraf tham gia cuộc chiến Pakistan-Ấn Ðộ. Trong cuộc chiến tranh Pakistan-Ấn Ðộ năm 1971, ông Musharraf chỉ huy Tiểu đoàn đặc nhiệm đóng tại bang Punjab, một bang miền Bắc Ấn Độ. Sau đó, chỉ huy sư đoàn pháo binh và thành lập Sư đoàn đặc nhiệm ở Kashmir.

Cuộc đời binh nghiệp của ông Musharraf khá hanh thông. Năm 1991, ông được phong hàm Thiếu tướng. Năm 1995 được thăng lên Trung tướng. Năm 1998, dưới thời của Thủ tướng Nawaz Sharif, Musharraf được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan. 

Tuy nhiên, sau thất bại của Pakistan trong cuộc chiến trong vùng Kashmir do Ấn Ðộ kiểm soát vào tháng 7-1999, Thủ tướng Sharif và ông Musharraf bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Thủ tướng Sharif buộc tội Musharraf chịu trách nhiệm về thất bại của quân đội Pakistan trong cuộc chiến này và chuẩn bị loại bỏ ông Musharraf bằng cách định bố trí Trung tướng Ziauddin Butt, Tổng giám đốc tình báo Inter-Services vào chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân đội trong khi Musharraf đang trên đường từ Sri Lanka về nước. 

Thủ tướng Sharif đã ra lệnh cho máy bay thương mại chở ông Musharraf không được hạ cánh trên đất Pakistan. Tuy nhiên, quân đội đã không ủng hộ Thủ tướng. Quân đội Pakistan đã nắm quyền kiểm soát sân bay Karachi để cho phép máy bay chở Musharraf hạ cánh, và bắt đầu cuộc đảo chính.

 Ngày 14-10-1999, hai ngày sau cuộc đảo chính, ông Musharraf tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ban hành Lệnh Hiến pháp tạm thời. Tháng 6-2001, Tổng thống Pakistan R.Tara hết nhiệm kỳ. Ông Musharraf thay thế làm Tổng thống Pakistan từ ngày 20-6-2001.

Ông Pervez Musharraf khi ở đỉnh cao quyền lực.

Ngày 30-4-2002, Musharraf tổ chức trưng cầu dân ý và ông giành phần lớn số phiếu ủng hộ ông làm Tổng thống với nhiệm kỳ 5 năm. Ngày 1-1-2004, ông P.Musharraf giành 658 trong số 1.170 phiếu của các nghị sĩ Pakistan, trở thành Tổng thống chính thức nước này đến tháng 10-2007.

Sau khi xảy ra vụ khủng bố 11-9, Mỹ đưa quân tới Afghanistan với mục tiêu chống khủng bố. Thời điểm đó, là Tổng thống Pakistan, Musharraf đã trở thành đồng minh của Mỹ khi quyết định cắt quan hệ với Taliban của Afghanistan, đồng thời tạo điều kiện để Mỹ cùng NATO tiếp tế cho lực lượng tại Afghanistan qua lãnh thổ Pakistan. 

Ông Musharraf từng ra lệnh cho nhiều chiến dịch quân sự chống lại các nhóm vũ trang trên lãnh thổ Pakistan. Việc quyết định trở thành đồng minh của Mỹ chống lại Taliban của ông Musharraf đã giúp  Pakistan được dỡ bỏ cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây áp đặt sau vụ thử vũ khí hạt nhân năm 1998. 

Mỗi năm, Pakistan nhận được viện trợ quân sự hơn 1 tỷ USD và khoảng 600 triệu USD viện trợ kinh tế từ Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, người Hồi giáo cực đoan ở Pakistan cho rằng ông Musharraf đang phản lại tôn giáo Al Qedar tuyên bố chống lại Tổng thống P.Musharraf. Số lượng các cuộc khủng bố đẫm máu tại Pakistan tăng nhanh, Tổng thống P.Musharraf đã ba lần thoát hiểm khỏi ba vụ đánh bom.

Dưới thời lãnh đạo của ông Musharraf, Pakistan có nền kinh tế tương đối ổn định, thị trường tự do và hình thành nhiều hạn mức tín dụng góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế trong nhiều năm. 

Từ năm 2000, Tổng thống Musharraf tiến hành cải cách kinh tế. Nền kinh tế Pakistan phát triển nhanh ở mức trên dưới 7%/năm. Dự trữ ngoại tệ đạt 16 tỷ USD so với 1 tỷ USD khi ông Musharraf bắt đầu nắm quyền. Ðầu tư trực tiếp nước ngoài vào Pakistan tăng mạnh, đạt gần 8 tỷ USD trong năm tài chính 2006-2007. GDP đầu người tính theo sức mua (PPP) tăng gấp đôi so với bảy năm trước đạt 2.600 USD/năm 2007.

Tuy nhiên, cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông không hề êm ả. Năm 2007, ông Musharraf tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần 2, đình chỉ Hiến pháp Pakistan. Tổng thống Musharraf khẳng định ông đã làm như vậy để ổn định đất nước và chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang trỗi dậy. 

Nhưng quyết định này đã khiến Mỹ và những người ủng hộ dân chủ chỉ trích mạnh mẽ khi cho rằng tổng thống áp đặt tình trạng khẩn cấp giữa lúc ông đang đối mặt với sự chống đối ngày càng mạnh chống lại quyền cai trị của ông. 

Trong thời gian Pakistan bị đặt vào tình trạng khẩn cấp (từ tháng 11-2007 đến tháng 2-2008), tất cả các quyền tự do dân sự, nhân quyền và quy trình dân chủ đều bị đình chỉ. Các công tố viên cho biết ông Musharraf đã vi phạm hiến pháp của Pakistan bằng cách áp đặt tình trạng khẩn cấp. 

Dưới áp lực của phương Tây, Musharraf sau đó đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và tổ chức cuộc bầu cử mà đảng của ông Musharraf là PML-Q thất thế và đảng Nhân dân Pakistan (PPP) nắm giữ quyền lực. 

Tháng 8-2007, ông Musharraf từ chức tổng thống. Ông đã phải lưu vong sang Dubai và sau đó Anh. Năm 2010, ông Musharraf thành lập đảng mới có tên All Pakistan Muslim League (APML). Tuy nhiên, đảng này không nhận được nhiều ủng hộ từ cử tri Pakistan.

Ông Pervez Musharraf khi còn là tướng quân đội.

Hành trình dài trong vòng lao lý

Năm 2013, ông Nawaz Sharif trở lại làm Thủ tướng Pakistan và từ đây quá trình tố tụng ông Musharraf vì tội phản quốc bắt đầu diễn ra. Tháng 3-2013, sau 4 năm sống lưu vong, ông Musharraf trở về Pakistan với mục đích  tham gia cuộc tổng tuyển cử. 

Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau khi về nước, giữa tháng 4-2013, ông bị quản thúc tại gia sau khi bị cảnh sát thẩm vấn về các cáo buộc lạm dụng quyền lực trong thời gian cầm quyền từ năm 1999-2008. Tháng 8-2013, Musharraf bị buộc thêm ba tội danh liên quan tới vụ ám sát lãnh đạo đối lập, cựu Thủ tướng Benazir Bhutto ở Rawalpindi hồi tháng 12-2007. 

Dù Chính phủ của Musharraf đổ cho phe Taliban ám sát bà Bhutto, nhưng bản phúc trình năm 2010 của Liên hợp quốc cho rằng cái chết của bà Bhutto đã có thể được ngăn chặn nhưng chính quyền của Tổng thống Musharraf đã không có đủ biện pháp bảo vệ bà.

Ngày 10-10-2013, ông Musharraf bị bắt giữ với cáo buộc liên quan đến vụ tu sỹ cấp cao Abdul Rashid Ghazi của Thánh đường Đỏ bị giết hại trong một vụ tấn công của quân đội hồi tháng 7-2007. 

Ông Musharraf bị cáo buộc đã lệnh cho quân đội thực hiện vụ tấn công thánh đường này làm hơn 100 người thiệt mạng, trong đó có 90 sinh viên và 11 nhân viên an ninh. Ông Musharraf cũng phải đối mặt với tội danh phản quốc do đã đình chỉ Hiến pháp và ban bố tình trạng khẩn cấp năm 2007.

Tháng 2-2014, ông Musharraf ra hầu tòa lần đầu tiên để đối mặt với các tội danh phản quốc. Ngày 31-3-2014, quá trình truy tố đã tập hợp đầy đủ chứng cứ buộc tội để trình lên phiên tòa đặc biệt xét xử ông Musharraf vào tháng 9-2014. 

Tuy nhiên, do những kháng án liên quan, phiên tòa xét xử kéo dài nhiều năm. Ngày 18-1-2016, Tòa án chống khủng bố của Pakistan tuyên bố cựu Tổng thống Musharraf trắng án trước cáo buộc sát hại thủ lĩnh bộ lạc Baloch, Nawab Akbar Bugti năm 2006.

Ông Pervez Musharraf tại một phiên tòa ở Islamabad, Pakistan ngày 20-4-2013.

Tháng 3-2016, sau khi được Tòa án Tối cao cho phép xuất cảnh để điều trị bệnh, ông Musharraf đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ông Musharraf cam kết sẽ trở lại sau vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, ông đã "một đi không trở lại".

Cho tới lúc này, ông Musharraf là một nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử Pakistan. Những người phản đối thì cho rằng ông đã tạo điều kiện cho cuộc ám sát đối thủ chính trị của ông là bà Bhutto trong khi những người ủng hộ thì coi ông là người đã đứng lên bảo vệ đất nước trước những mối đe dọa từ cả trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao vị thế của Pakistan trên trường quốc tế.

Với phán quyết vào ngày 17-12 vừa qua, ông Musharraf là cựu lãnh đạo quân đội đầu tiên trong lịch sử Pakistan bị tuyên án tử hình vì chiếm quyền lực trái phép. Tuy nhiên, do Pakistan và UAE không có hiệp ước dẫn độ và giới chức UAE được cho là sẽ không bắt giữ cựu Thủ tướng Pakistan.

Sau khi cựu Tổng thống Musharraf bị tuyên án tử hình, quân đội Pakistan thể hiện "sự xót xa và đau lòng" sau khi một phiên tòa đặc biệt diễn ra, tuyên án tử hình đối với cựu Tổng tư lệnh và cũng là cựu Tổng thống nước này. Cơ quan báo chí của quân đội còn khẳng định ông Musharraf "chắc chắn không bao giờ là một kẻ phản bội". 

"Quyết định do tòa án tối cao đưa ra với cựu Tổng thống Pervez Musharraf khiến toàn bộ lực lượng vũ trang Pakistan vô cùng xót xa và đau lòng. Một quân nhân xuất sắc, người đã phục vụ đất nước hơn 49 năm, người đã đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc chắc chắn không bao giờ là một kẻ phản bội", tuyên bố của quân đội khẳng định, đồng thời cho biết thêm: "Lực lượng vũ trang Pakistan mong rằng công lý sẽ được thực thi, phù hợp với Hiến pháp của nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan".

Với tuyên bố này, có thể thấy một lần nữa quân đội lại đứng về phía người đã từng là chỉ huy của họ. 

Minh Khuê (tổng hợp)
.
.
.