Phá âm mưu ám sát ông Lưu Thiếu Kỳ ở Campuchia

Thứ Hai, 27/07/2015, 16:00
Ngày 1/5/1963, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao sang thăm Campuchia. Nhưng ít ai ngờ rằng, nếu cơ quan an ninh Trung Quốc, chính phủ Campuchia không kịp thời đập tan một kế hoạch ám sát của đặc vụ Quốc dân đảng Đài Loan thì ông Lưu Thiếu Kỳ đã gặp nạn nơi đất khách quê người…Sau hơn nửa thế kỷ, toàn bộ vụ việc đến nay mới được công khai…
"Nếu được thì giết chết cả Lưu Thiếu Kỳ và N.Sihanouk"

Đầu những năm 1960, tình hình quốc tế rất phức tạp. Để phá vỡ cục diện khó khăn lúc đó, Chính phủ Trung Quốc tiến hành một loạt hoạt động ngoại giao. Tháng 9/1961, cơ quan an ninh Trung Quốc nhận được tin, tình báo Đài Loan đã biết tin ông Lưu Thiếu Kỳ sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc thăm Campuchia và một số nước vào năm 1963. Tháng 10/1961, họ đã cử Thượng tá Trương Bái Chi tới Trạm chỉ huy số 3 đặt ở Sài Gòn để bố trí vụ ám sát Lưu Thiếu Kỳ.

Đặc vụ Đài Loan cho rằng, nếu ám sát Lưu Thiếu Kỳ ở Campuchia thì thuận lợi hơn. Nếu sát hại được cả Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và Thái tử N.Sihanouk thì càng tốt, chỉ giết được 1 trong 2 người cũng đủ để phá hoại quan hệ Trung Quốc - Campuchia. Một tổ công tác ở Phnom Penh tên là "Tổ Cao Miên" được thành lập để thực hiện nhiệm vụ ám sát gọi là "Kế hoạch Tương Giang". 

Nhiều phương án ám sát

Có một Hoa kiều tên Tiêu Thành, quê gốc Quảng Đông, tổ tiên lưu lạc sang Việt Nam, thường xuyên qua lại Việt Nam và Campuchia làm ăn. Năm 1957 bị chính quyền Ngô Đình Diệm cưỡng ép nhập quốc tịch; sợ phải đi lính nên Tiêu Thành đưa cả nhà trốn sang Phnom Penh mở cửa hiệu chụp ảnh để sinh sống. Con trai thứ 2 của Tiêu Thành là Tiêu Quảng muốn về Đại Lục sinh sống, nhưng kinh tế của gia đình không khá giả nên không đáp ứng được.

Quốc vương N.Sihanouk đón chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ tại sân bay.

Tiêu Thành quen Hứa Trạm, một gián điệp của Đài Loan đội lốt chủ thầu xây dựng. Khi biết con Tiêu Thành có nguyện vọng trở về Trung Quốc nhưng thiếu tiền, Hứa Trạm ngỏ ý tài trợ toàn bộ chi phí với điều kiện sau khi về Trung Quốc phải cung cấp tin tình báo cho hắn. Tiêu Thành quyết định "mượn nước đẩy thuyền", để con về nước, sau đó sẽ cắt quan hệ. Tiêu Quảng được Hứa Trạm giới thiệu với Nông Niệm Tường. Nông báo cáo và được cấp trên phê chuẩn. Thế là Tiêu Quảng được huấn luyện 4 tháng tại một ngôi nhà bí mật ở ngoại ô Phnom Penh.

Một ngày cuối năm 1961, Tiêu Quảng khi cởi áo để ra sân đá bóng, vô tình đánh rơi chiếc ví trong có một số giấy tờ liên quan đến việc huấn luyện đặc vụ và mảnh giấy ghi chỉ thị yêu cầu Tiêu Quảng đến Đại sứ quán Trung Quốc xin cấp visa đi Quảng Châu học Trường bồi dưỡng Hoa kiều, thừa cơ thu thập tình báo. Một học sinh Hoa kiều nhặt được, đến báo cáo với sứ quán Trung Quốc ở Phnom Penh. Trần Dương, Bí thư thứ nhất kiêm phụ trách lãnh sự tiếp nhận.

Qua điều tra, phát hiện Tiêu Thành qua lại chặt chẽ với đặc vụ Đài Loan Nông Niệm Tường, liền báo cáo xin phương án xử trí. "Làm rõ tình hình địch, nắm hoạt động của đối tượng, thuyết phục để sử dụng" và Trần Dương được giao trực tiếp phụ trách vụ này.

Cuối năm 1961, khóa huấn luyện đặc vụ của Tiêu Quảng kết thúc. Theo chỉ thị của Nông Niệm Tường, anh ta đến sứ quán Trung Quốc làm thủ tục để về Đại Lục sống. Trần Dương đích thân tiếp và kiên trì giáo dục, Tiêu Quảng đã khai báo toàn bộ vấn đề.

Cuối tháng 3/1963, Tân Hoa xã thông báo ông Lưu Thiếu Kỳ sẽ đi thăm 4 nước Indonesia, Myanmar, Campuchia và Việt Nam trong thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5. Đặc vụ Đài Loan quyết định thực hiện kế hoạch ám sát ông ở Campuchia, bởi: nội bộ Campuchia bất ổn, thế lực chống Cộng thân Mỹ rất mạnh; ở Sài Gòn có đại sứ quán của Đài Loan, rất gần Phnom Penh, thuận lợi cho việc vận chuyển vũ khí khí tài phục vụ việc ám sát và di chuyển; đặc vụ Đài Loan ở Campuchia nhiều, có nội tuyến trong nhiều cơ quan.

Nhóm Trương Bái Chi đã thiết kế mấy phương án mưu sát ông Lưu Thiếu Kỳ. Cuối cùng, phương án được chọn là: đào hầm ngầm, đặt thuốc nổ trên con đường ông Lưu Thiếu Kỳ tất yếu phải đi từ sân bay về Hoàng cung, thời gian là ngày 1/5. Từ tháng 10/1961 đến năm 1963, đặc vụ Đài Loan đã thông qua phương thức "gửi bưu kiện ngoại giao" của cơ quan đại diện chính quyền Sài Gòn ở Phnom Penh để vận chuyển thuốc nổ, kíp mìn, đạn cháy, lựu đạn, súng giảm thanh… phục vụ cho kế hoạch ám sát

Ông Viên Canh, người có công lớn trong việc phá án.

Bất ngờ chặn được 10 bức mật thư

Phía Trung Quốc sớm biết được âm mưu và hoạt động của đặc vụ Đài Loan, nên ngày 28/3/1963 đã thành lập tổ lãnh đạo an ninh trung ương do Dương Thượng Côn, Phó Tổng thư ký Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng trung ương làm Tổ trưởng, để đảm bảo an toàn cho chuyến thăm của Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ.

Trung tuần tháng 4, ông Lưu Thiếu Kỳ bắt đầu thăm Indonesia. Cơ quan an ninh Trung Quốc phát hiện, đặc vụ Đài Loan ở Đông Nam Á và Indonesia gia tăng hoạt động. An ninh Trung Quốc xác định, Cục Tình báo Đài Loan nhất định sẽ tiến hành ám sát, nhưng phương thức và phương pháp cụ thể vẫn chưa rõ. Để làm rõ âm mưu của đối phương, Bắc kinh quyết định trưng dụng Viên Canh ở Bộ điều tra, Tế Sinh - Vụ trưởng Kiều ủy và Dương Thế Thụy ở Bộ công an, lập đoàn tiền trạm bay sang Campuchia để phụ trách công tác bảo vệ chuyến thăm của ông Lưu Thiếu Kỳ.

Ngày 7/4/1963, Đoàn tiền trạm của Viên Canh đã đáp chuyên cơ qua Hà Nội tới Phnom Penh tiếp xúc với những cốt cán Hoa kiều, tổ chức theo dõi, giám sát các đặc vụ Đài Loan, thu thập tư liệu về các băng nhóm xã hội đen.

Ngày 11/4/1963, đặc vụ Trần Hải Thông gặp Tiêu Thành tại địa điểm bí mật ở biên giới, giao cho ông ta hộp giấy trong đựng 2 kíp mìn, nói là "linh kiện vô tuyến điện", dặn đưa cho Nông Niệm Tường. Ngày 16/4/1963, Tiêu Thành kể lại với Trần Dương và Đoàn tiền trạm. Viên Canh nói ngay: đó là 2 kíp mìn điện quân dụng của Mỹ, không phải linh kiện vô tuyến điện.

Viên Canh phán đoán: "Kẻ địch đã chuẩn bị hành động!". Ông quyết định gặp mặt tình báo viên mang mã số P021 để tìm hiểu tình hình, truy tìm đích đến của kíp mìn. P021 cho biết thông tin quan trọng: số thư của Nông Niệm Tường gửi cơ quan đặc vụ Đài Loan mà Tiêu Thành chuyển từ ngày 12 đến 17/4/1963 đang ứ đọng tới 9 bức ở trạm liên lạc bí mật ở biên giới Việt Nam - Campuchia do mấy ngày liền không có người lấy.

Nông Niệm Tường yêu cầu Tiêu Thành liên hệ và đưa cho ông chuyển gấp một lá thư khẩn. Nhóm Viên Canh dự đoán 10 lá thư này có liên quan chặt chẽ đến việc sắp xếp cụ thể "Kế hoạch Tương Giang" nên yêu cầu Tiêu Thành nhanh chóng lấy về. Mở ra xem, ngoài 2 thư chuyển tiếp còn nguyên kiện, khi xem xét kỹ 8 bức còn lại, Viên Canh khẳng định nhất định có chứa điều bí mật gì đó.

Sau khi được phía Trung Quốc thông báo về âm mưu của đặc vụ Đài Loan, ông N.Sihanouk rất kinh ngạc và đề nghị lùi chuyến đi lại. Nhưng hoãn chuyến thăm là chuyện rất trọng đại.  Chiều 22/4/1963, Tổ an ninh họp, Thủ tướng Chu Ân Lai và Bí thư thường vụ TW Bành Chân đồng ý với ý kiến của họ. Ngày 23/4/1963, Lưu Thiếu Kỳ và Trần Nghị đồng ý hoãn thăm Campuchia.

Ngày 24/4/1963, Thủ tướng Chu Ân Lai suy nghĩ: hai nước mới lập quan hệ ngoại giao, lần đầu nguyên thủ Trung Quốc đi thăm, nếu hoãn sẽ ảnh hưởng bất lợi nên báo cáo Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông đồng ý để Lưu Thiếu Kỳ, Trần Nghị thăm Campuchia và chỉ thị "Thăm đúng kế hoạch, hẹn kỳ phá án". Ngày 25/4/1963, Lưu Thiếu Kỳ gửi điện cho Dương Thượng Côn đồng ý vẫn đi Campuchia theo kế hoạch. Chu Ân Lai cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan: chuyến thăm tiến hành đúng kế hoạch. Tuy nhiên, 10 bức thư của đặc vụ Đài Loan vẫn không giải mã được. Mọi người lòng như lửa đốt. 

Phá toàn bộ kế hoạch ám sát 48 giờ trước khi chuyến thăm diễn ra

 Chiều 25/4/1963, chuyên gia giải mã Diêu Lương Tuấn tới Phnom Penh. Đến 3 giờ sáng thì dưới ánh đèn tử ngoại đã hiện lên các thông tin về vị trí đường hầm, họ tên hung thủ.

Nội dung các bức điện của đặc vụ Đài Loan gồm: địa điểm ra tay là trên đường từ sân bay về Hoàng cung, đặc vụ có nhà ở ven đường, sẽ đào đường hầm từ đó ra quốc lộ, chôn thuốc nổ; danh sách hơn 20 đặc vụ tham gia hành động để nếu thành công thì khen thưởng, nếu chết thì đó là danh sách cấp tiền tuất; "Tổ Cao Miên" xin ý kiến Đài Loan: nếu N.Sihanouk ngồi cùng xe với Lưu Thiếu Kỳ thì cứ cho nổ bom.

Việc cấp bách khi đó là nhanh chóng tìm ra vị trí chính xác của đường hầm đặt thuốc nổ và tìm cho ra hung thủ thực hiện là Trần Đức An và Trương Đạt Xương. Tối 26/4/1963, nhóm Viên Canh đã xác định được nơi ở của Trương Đạt Xương. Có một đường hầm đào từ tầng 1 ra đường, bên trong chất một lượng lớn thuốc nổ. Nếu kích hoạt thì cả trạm xăng ở đối diện ngôi nhà cũng phát nổ, không ai có thể thoát chết. 

Ông Lưu Thiếu Kỳ và phu nhân, bà Vương Quang Mỹ.

Lãnh đạo Campuchia thấy ngày giờ chuyến thăm của Lưu Thiếu Kỳ đã cận kề, liền tuyên bố thực hiện giới nghiêm từ ngày 28/4/1963 và quyết định hành động vào đêm hôm đó. Bộ An ninh Campuchia đã bắt được Trương Bái Chi, Nông Niệm Tường và 44 tên khác, tìm được trong nhà Nông Niệm Tường một lọ thuốc độc, 2 quả mìn loại MK2 dưới đáy chậu cây cảnh và một thiết bị hẹn giờ; tiếp đó phá vỡ âm mưu của "Tổ 3" đặc vụ Đài Loan ở Sài Gòn vận chuyển 15kg thuốc nổ C4 vào Phnom Penh. Trinh sát phát hiện, Trương Đạt Xương và 3 người khác lên xe Jeep chạy về phía Sài Gòn. Viên Canh tổ chức truy đuổi, bắt được Trương và 1 tên, còn 2 tên khác chạy thoát.

2 kẻ cầm đầu kế hoạch ám sát như Trương Bái Chi, Nông Niệm Tường bị Tòa án quân sự Campuchia kết án tử hình, nhưng sau đó không thi hành án. Năm 1970, Lonnon đảo chính lật đổ Quốc vương N.Sihanouk đã thả nhóm này. Tiêu Thành bị lộ, đặc vụ Đài Loan định bắt cóc ông. Theo chỉ thị của Chu Ân Lai, Trần Dương đã cho người đón cả gia đình ông 7 người sang (Myanmar).

Ngày 3/6/1963, cả gia đình Tiêu Thành lên máy bay tới Bắc Kinh, sau đó được bố trí vào làm trong Hiệu ảnh quốc doanh Diễm Phương ở Quảng Châu.

Thu Thủy (theo NDNB)
.
.
.