Phá án qua… mắt kính

Thứ Tư, 08/07/2020, 10:20
Để trốn tránh việc truy lùng của cảnh sát, giờ đây nhiều tên tội phạm đã nhờ tới phẫu thuật thẩm mỹ để thay hình đổi dạng.

Tuy nhiên, có một thứ khó có thể thay đổi, đó là độ cận của mắt. Đây chính là cơ sở để có những chuyên gia chuyên hỗ trợ cảnh sát truy bắt những kẻ bị truy nã.

Giáo sư nhãn khoa hỗ trợ cảnh sát bắt tội phạm

Ông Graham Strong, nguyên giáo sư giảng dạy bộ môn Nhãn khoa và Thị giác tại đại học Waterloo, Ontario, Canada cho biết cơ duyên của ông với ngành pháp chứng nhãn khoa bắt đầu một cách rất tình cờ. 

Vào năm 1989, một cảnh sát đã liên hệ với phòng khám của ông Strong để nhờ trợ giúp: "Có một cặp mắt kính bị bỏ lại gần một đầm lầy nơi thi thể của một phụ nữ trẻ được tìm thấy. Một trong các nghi phạm là một người đeo kính lâu năm, gần đây vừa làm mất kính cũ nên phải mua thêm kính mới, và cặp kính ở hiện trường có nhiều nét tương đồng với kính cũ của người này. 

Cảnh sát muốn tôi giám định xem liệu cặp kính ở hiện trường có phải kính của nghi phạm hay không. Lúc đó, tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu nhưng tôi tự tin rằng mình có thể làm được. Và cuối cùng tôi đã thực hiện thành công yêu cầu của cảnh sát. Tôi bắt đầu dấn thân vào ngành này từ đó".

Giáo sư Graham Strong.

 Hiện tại, giáo sư Strong là chuyên gia duy nhất trong ngành có đủ chuyên môn để tư vấn cho lực lượng cảnh sát cũng như đóng vai trò nhân chứng chuyên gia ở các phiên toà. 

Chuyên môn của ông Strong là so sánh mắt kính. Theo giáo sư Strong, bốn yếu tố quan trọng nhất trong việc so sánh và giám định mắt kính bao gồm gọng kính (màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng), độ cận, chất liệu của mắt kính và gọng kính, các tuỳ chỉnh riêng biệt của người đeo (ví dụ như một số người thường làm chặt gọng lại để kính không trượt khỏi sống mũi, hoặc tráng một lớp chống xước lên mắt kính…). 

Sau đó, thông số và các đặc điểm của cặp kính tại hiện trường và cặp kính nghi phạm sử dụng sẽ được ghi lại một cách độc lập bởi hai nhân viên nhập liệu khác nhau để đảm bảo sự công bằng và tính chính xác của dữ liệu. 

Các tuỳ chỉnh riêng biệt của kính, cộng với nhiều yếu tố ảnh hưởng đến một cặp kính trong quá trình sản xuất cũng được xác minh để tính toán ra mức sai số chấp nhận được giữa hai cặp kính. 

Nếu cặp kính ở hiện trường và cặp kính của nghi phạm hoàn toàn trùng khớp về số liệu, điều này chỉ có nghĩa là hai cặp kính đó giống nhau, chứ chưa chắc là cả hai đều thuộc về một chủ vì cũng có nhiều cá nhân có trùng độ cận, khoảng cách đồng tử… Đến đây, ông Strong sẽ sử dụng các dữ liệu thống kê và sinh trắc học để xác minh xem các thông số đó có phổ biến hay không, phổ biến đến mức nào và đưa ra kết luận.

Một trong những vụ án làm nên tên tuổi của ông Strong là vụ án cưỡng hiếp và sát hại người mẹ đơn thân Deborah Timlock tại thị trấn Collingwood, thành phố Ontario, Canada vào năm 1989. Vật chứng chính của vụ án bao gồm vết giày trên một quả cà chua bị giẫm nát và một cặp kính râm gọng kim loại. Nghi phạm chính của vụ án là người hàng xóm của nạn nhân, Jim Brown và cho dù dấu giày trên quả cà chua trùng khớp với dấu giày của nghi phạm, cảnh sát vẫn chưa có đủ bằng chứng kết tội Brown.

Kẻ sát hại cô Deborah Timlock - Jim Brown.

Giáo sư Strong được cảnh sát yêu cầu xác định xem liệu cặp kính được tìm thấy ở hiện trường có phải là cặp kính tên Brown đã đeo trong một tấm ảnh chân dung của hắn được chụp ở một lần bắt giữ trước đó. 

Chỉ nhờ vào đốm sáng phản chiếu của đèn flash trên võng mạc của Brown, ông Strong có thể tính ra khoảng cách đồng tử cùng 20 số liệu khác nhau, từ đó kết luận cặp kính tại hiện trường chính là kính của Brown đeo trong ảnh. Chứng cứ không thể chối cãi này, cùng với vết giày trên quả cà chua đã góp phần giúp bồi thẩm đoàn kết án thủ phạm tù chung thân với tội danh hiếp dâm và giết người.

Một chiến tích đáng chú ý khác của giáo sư Strong là vụ bắt giữ tên giết người hàng loạt Allan Legere với biệt danh "Con quái vật vùng Miramichi". Vào tháng 5-1989, tên sát nhân này đã bỏ trốn nhân lúc được cai ngục đưa đi khám bệnh. 

Tại thời điểm đó, Legere đang thụ án tù chung thân vì giết người và trong suốt 7 tháng chạy trốn, hắn tấn công 3 hộ gia đình dọc sông Miramichi và tra tấn, sau đó giết hại thêm 4 người bao gồm bà chủ cửa hàng Annie Flam, hai chị em Donna và Linda Daughney, cha xứ James Smith. Sau vụ tấn công thứ 3, cảnh sát đã bắt gặp và truy đuổi một người đàn ông ngay gần hiện trường nhưng thất bại. 

Để xác định chắc chắn rằng kẻ bị truy đuổi trong khu vực chính là Allan Legere, cảnh sát Canada đã yêu cầu ông Strong giám định xem cặp kính kẻ tình nghi đánh rơi khi bị truy đuổi có phải là cặp kính tên Legere đeo khi trốn tù hay không. Các thông số đều trùng khớp, tuy nhiên cả độ cận lẫn chất liệu mắt kính đều rất phổ biến, chính vì vậy ông Strong phải chuyển sang phân tích gọng kính. 

Ông nhanh chóng nhận ra đây là một loại gọng kính có xuất xứ từ châu Âu, đã ngừng sản xuất từ lâu và chỉ còn trong hệ thống trại giam ở Canada. Chỉ có đúng 6 cặp gọng này được bán ra, và 5 tù nhân khác vẫn còn giữ kính của họ, chính vì vậy cặp kính này chắc chắn thuộc về "con quái vật vùng Miramichi" và kẻ bị cảnh sát truy đuổi chính là hắn. Hắn bị bắt lại vào cuối tháng 11-1989, bị kết án tù chung thân và hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Ste-Anne-des-Plaines, một trong những nhà tù nghiêm ngặt nhất Canada.

"Con quái vật vùng Miramichi" Allan Legere.

Một lần khác, ông Strong đã giải oan cho một người vô tội. Người đàn ông này bị nghi theo dõi nạn nhân qua cửa sổ phòng ngủ vì ống nhòm của ông này được điều chỉnh hoàn toàn khớp với cự ly từ nhà ông đến phòng nạn nhân. Tuy nhiên ông Strong đã chứng minh được rằng nghi phạm này bị tật ở mắt và nếu đối chiếu những thông số trên ống nhòm với thị lực của nghi phạm thì nghi phạm sử dụng chiếc ống nhòm này để ngắm chim ở sân sau nhà.

Khác với người đồng nghiệp của mình, ông Gordon Sanderson, nguyên giảng viên bộ môn Nhãn khoa Đại học Y Dunedin, lại chuyên về mảng phân tích thị giác. Ông thường được cảnh sát yêu cầu giám định xem nạn nhân hoặc thủ phạm đã nhìn thấy gì, liệu có yếu tố nào ảnh hưởng đến tầm nhìn của họ hay không…đặc biệt là trong các vụ tai nạn giao thông. 

Những vụ việc đáng tiếc và thương tâm nhất với ông bao gồm vụ một người lái xe bị loá mắt bởi ánh mặt trời đã đâm chết một người đi bộ mặc quần áo trùng màu với mặt đường, hoặc một người đi ô tô đâm chết một người lái xe máy mặc đồ tối màu vào ban đêm. Đôi khi ông Sanderson cũng được mời làm nhân chứng chuyên gia cho các vụ giết người, và vụ án oan của David Bain là một trong những kỉ niệm đáng nhớ đối với ông.

Giáo sư Gordon Sanderson (ngồi).

Vào ngày 20-6-1994, tại Dunedin, New Zealand, cả gia đình Bain bao gồm hai vợ chồng Robin và Margaret cùng ba đứa con Arawa, Laniet và Stephen đã bị bắn chết. Người sống sót duy nhất là cậu con trai cả 22 tuổi David Bain vì trong lúc vụ thảm sát xảy ra, cậu đang đi giao báo. 

Vào tháng 5-1995, cơ quan điều tra kết luận David là thủ phạm của vụ án, và cậu bị kết án tù chung thân. Tuy nhiên, cựu vận động viên rugby Joe Karam nhất quyết cho rằng David vô tội và sau khi đến thăm cậu 200 lần trong tù cũng như viết 4 quyển sách về vụ án, Joe Karam đã vận động để toà án xét xử lại vụ thảm sát này vào năm 2007. 

Một trong những vật chứng quan trọng của vụ án là một chiếc mắt kính được tìm thấy trên sàn phòng nạn nhân Stephen, em trai của David. Chiếc mắt kính còn lại được tìm thấy trong phòng David, cùng với một gọng kính lắp vừa hai chiếc mắt kính này.

Tại phiên toà năm 1995, cơ quan công tố cáo buộc hai chiếc mắt kính này rơi từ chiếc kính David đang đeo khi cậu xô xát và bắn chết em trai vào sáng ngày xảy ra thảm án. Ông Sanderson đã giám định cặp kính và khẳng định cặp kính này là của bà Margaret, mẹ David chứ không phải của David. Thêm vào đó, hai chiếc mắt kính bám đầy bụi, chứng tỏ chúng đã nằm ở trên sàn từ rất lâu chứ không phải từ khi xảy ra vụ án. 

Tuy nhiên, những nhận định của ông Sanderson lại không được đưa ra tại phiên toà vào năm 1995. Phải đến năm 2007, sau khi David đã ngồi tù 12 năm, những bằng chứng này mới được nhắc lại và trở thành một điểm quan trọng trong phiên toà. 

Sau 3 tháng xét xử, David Bain đã được giải oan, xoá tội và được đền bù một số tiền lớn. Hiện anh đã đổi tên thành William Davies, đã kết hôn với một cô giáo tiểu học, có một cậu con trai và anh đang làm việc tại một xưởng cơ khí.

Anh David Bain - người bị kết án oan 12 năm.

Phần thưởng lớn nhất là góp phần tìm ra sự thật

Nổi tiếng là vậy nhưng cả ông Graham Strong và ông Gordon Sanderson đều thừa nhận rằng họ cũng không kiếm được nhiều tiền lắm từ việc giúp đỡ cảnh sát phá án. 

Với Gordon Sanderson, việc tìm ra sự thật mới là phần thưởng giá trị nhất: "Cho dù đang tư vấn cho bên bị hay bên nguyên, tôi cũng luôn cố gắng giữ thái độ khách quan. Có những luật dành riêng cho các nhân chứng chuyên gia, và tôi không được phép bẻ cong lời khai hoặc vật chứng. Dĩ nhiên, điều này sẽ khiến cho một số luật sư không muốn nhờ tôi tư vấn nữa".

 Với ông Graham Strong, nghề tay trái này là một đam mê của ông cho dù ông từng bị lỡ chính tuần trăng mật của mình vì nó: "Vào năm 1990, tôi và vợ quyết định bay sang Úc để vừa đi chơi tuần trăng mật, vừa dự hội thảo chuyên ngành. Thế nhưng tôi lại buộc phải có mặt để làm chứng tại một phiên toà xét xử một vụ giết người tại Ontario, Canada. 

Cực chẳng đã, tôi đành phải huỷ chuyến bay đến Úc nhưng cuối cùng, phiên toà lại bị huỷ vào phút chót. Kết quả là vợ tôi đi du lịch một mình ở Úc, và chúng tôi tổ chức tuần trăng mật… tại nhà". 

PV
.
.
.