Phá nhiều đường dây đưa người vào châu Âu

Thứ Tư, 21/03/2018, 21:46
Văn phòng Tổng Chưởng lý Libya đã ra lệnh bắt hơn 200 đối tượng buôn bán người, gồm người Libya và người nước ngoài, vì tham gia vào một mạng lưới đưa người nhập cư sang châu Âu bất hợp pháp.


Người đứng đầu Văn phòng Tổng Chưởng lý Libya Al-Seddik al-Sour vừa thông báo, cơ quan này đã ra lệnh bắt hơn 200 đối tượng buôn bán người, gồm người Libya và người nước ngoài, vì tham gia vào một mạng lưới đưa người nhập cư sang châu Âu bất hợp pháp. 

Theo ông Al-Seddik al-Sour, trong số những đối tượng bị ra lệnh bắt có người làm việc ở cơ quan an ninh, ban quản lý của các trại tị nạn, thậm chí nhân viên Đại sứ quán của các nước châu Phi ở Libya. 

Và những đối tượng kể trên đã tham gia vào hoạt động nhập cư bất hợp pháp, buôn bán người, tra tấn, giết người và hãm hiếp. Ông Al-Seddik al-Sour còn cho biết thêm, có mối liên hệ trực tiếp giữa những kẻ buôn người nhập cư với các nhóm thánh chiến của IS.

Trước đó (13-3), cảnh sát Tây Ban Nha thông báo, đã bắt 155 người, phần lớn là công dân Trung Quốc, sau khi phá vỡ một đường dây đưa người từ Trung Quốc tới Anh và Ireland. 

Theo cảnh sát Tây Ban Nha cho biết, đường dây buôn người kể trên hoạt động rất kín đáo, tinh vi, có tổ chức và họ phải mất 3 năm điều tra mới phá được. 

Cảnh sát cho biết, 5 người Trung Quốc nhập cư trái phép đã đồng ý đứng ra làm chứng chống lại đường dây buôn người kể trên để được tham gia vào chương trình bảo vệ nhân chứng. 

Theo giới truyền thông, cảnh sát Tây Ban Nha đã tiến hành điều tra sau khi nhân viên sân bay Barcelona nhận thấy số lượng gia tăng đáng kể thẻ căn cước giả được công dân Trung Quốc sử dụng khi tới sân bay này để đến Anh. 

Qua điều tra được biết, mỗi nạn nhân phải chi khoảng 25.000 USD cho chuyến đi này và sau khi tới được Khu vực tự do đi lại Schengen trong Liên minh châu Âu (EU), họ sẽ tạm trú trong các căn hộ ở những vùng khác nhau của Catalonia, miền Đông Bắc Tây Ban Nha, cho đến khi nhận được thẻ căn cước giả được sản xuất tại Trung Quốc.

Các đối tượng buôn người bị bắt.

Trước đó, cảnh sát Romania phối hợp với cảnh sát Đức đã phá vỡ một đường dây buôn người quốc tế, chuyên vận chuyển người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Đức. 

Cảnh sát Romania đã bắt kẻ cầm đầu nhóm buôn người cùng một số tang vật, còn cảnh sát Đức cũng đã tiến hành lục soát một số địa điểm tình nghi trên lãnh thổ Đức. 

Theo giới truyền thông, cảnh sát phòng chống tội phạm thành phố Timisoara, phía Tây Romania đã lục soát nơi ở của các kẻ tình nghi cũng như một số nhà nghỉ nghi là giam giữ người di cư. 

Theo cảnh sát Romania, đây là một đường dây chuyên đưa người di cư (đã đưa trót lọt hơn 2.000 người di cư vào Tây Âu) từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Bulgaria, Serbia, Romania, Hungary tới Áo và Đức. 

Để đặt chân tới Tây Âu, mỗi người di cư phải trả cho bọn buôn người từ 4.000 tới 5.000 euro. Để tránh bị phát hiện, các thành viên của nhóm buôn người kể trên đều được đào tạo cách sử dụng thành thạo những ứng dụng trên điện thoại di động như Whatsapp hoặc Viber, thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu (GPS), được đăng ký từ nhiều nước khác nhau. 

Khi tới biên giới của bất kỳ nước nào, tất cả điện thoại đều bị khóa để tránh máy ghi vào bộ nhớ địa điểm vượt biên trong trường hợp có ai đó bị bắt. Tại những quốc gia chúng đi qua đều có bảo kê (đều là người Arab) và liên hệ với nhau thông qua các ứng dụng điện tử.

Tân Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer vừa tuyên bố, sẽ có các biện pháp cứng rắn đối với những đối tượng phạm tội là người nhập cư, cũng như đẩy nhanh việc hồi hương những người bị bác đơn xin tị nạn. Đồng thời cam kết, sẽ làm nhiều hơn để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng tị nạn. 

Theo thống kê, đã có hơn 1 triệu người đến Đức và khoảng một nửa trong số này đến từ Syria, Iraq và Afghanistan. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng vừa cảnh báo, châu Âu sẽ đánh mất giá trị truyền thống vốn có, nếu không ngăn được làn sóng nhập cư. 

Phát biểu trước hàng chục nghìn người ủng hộ ở thủ đô Budapest hôm 15-3, ông Viktor Orban cho rằng, châu Âu trong đó có Hungary, phải đối mặt với làn sóng lớn người nhập cư luôn tiềm ẩn mối đe dọa tới an ninh, ổn định và lối sống của người dân trong khu vực. 

Đồng thời khẳng định, các thế lực bên ngoài đã tiếp tay với các phần tử xấu để làn sóng người nhập cư diễn ra, đe dọa nền văn hóa truyền thống, hệ thống luật pháp và lối sống của người dân. 

Về phần mình, Ủy viên phụ trách các vấn đề di cư châu Âu Dimitris Avramopoulos cho biết, EU sẽ đưa ra những điều kiện nghiêm ngặt hơn trong việc cấp thị thực đối với công dân các nước châu Phi và một số nước khác nếu họ từ chối tiếp nhận lại những người di cư kinh tế. Và đây là biện pháp nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư vào châu Âu.

Mạnh Phong
.
.
.