Phá vụ nội gián “sông Hồng” góp phần làm thất bại kế hoạch hậu chiến của địch

Thứ Ba, 15/08/2017, 09:15
Như chúng ta đều biết, sau khi Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam được ký kết (27-1-1973), Mỹ và chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một mặt tìm cách phá hoại Hiệp định, rắp tâm giành chiến thắng ở chiến trường; đồng thời đẩy mạnh thực hiện kế hoạch hậu chiến với âm mưu cài cắm người vào nội bộ ta để thực hiện chiến lược lâu dài. Vụ nội gián “Sông Hồng” tại Ðồng Tháp là điển hình cho kế hoạch trên. Kẻ làm tay sai cho địch đã chui vào nội bộ ta, hoạt động nhiều năm, gây nhiều tội ác mới bị phát hiện, xử lý.


Khoảng giữa năm 1980, thông qua nguồn tin do quần chúng cung cấp cho Công an địa phương, lực lượng An ninh Đồng tháp đã tiến hành thẩm tra, xác minh, phối kiểm với tài liệu nghiên cứu trong hàng vạn hồ sơ địch để lại; đồng thời khẩn trương khai thác một số sĩ quan cảnh sát đặc biệt của chế độ Sài Gòn cũ, lực lượng An ninh địa phương đã xác định chính xác đầu mối nội gián ngụy danh “Thanh Bạch” của Ty Cảnh sát Quốc gia tỉnh Kiến Phong (trước năm 1975) đánh vào nội bộ ta (Tỉnh ủy Kiến Phong trong kháng chiến chống Mỹ) do L.V.C. , quyền Trưởng ty của Đồng Tháp làm nội gián cho địch và vợ y là N.T.D. làm tình báo viên liên lạc.

Quang cảnh diễn ra buổi ký kết Hiệp định Paris.

Xác minh ngược về quá khứ cho thấy: Tháng 8-1972, L.V.C. đã cung cấp cho địch nhiều tài liệu quan trọng như: chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy và hàng trăm báo cáo tin tức, danh sách cán bộ một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh, kể cả một số cơ sở nội tuyến của ta… Vì vậy, địch đã bắt và ám sát một số cơ sở của Cách mạng, đánh phá căn cứ của ta làm 9 chiến sĩ hi sinh, gây nhiều thiệt hại cho Cách mạng. 

Sau ngày giải phóng miền Nam, L.V.C. đã khai man lý lịch nhằm tránh phát hiện của ta để thực hiện mưu đồ chui sâu, leo cao nên y đã được cất nhắc lên tới chức Quyền Trưởng ty. Lợi dụng danh vụ đó, L.V.C. đã đưa được nhiều đối tượng xấu vào làm việc trong một số cơ quan ở địa phương. Y còn quan hệ với một số tên phản động, nhân viên CIA cũ, câu kết với một số phần tử xấu ngoài xã hội có tư tưởng bất mãn với chế độ và hoạt động chống phá Cách mạng.

Với đầy đủ tài liệu, chứng cứ trong tay về hoạt động nội gián của L.V.C. và đồng bọn, sau khi báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, lãnh đạo Công an Đồng Tháp quyết định bóc gỡ khẩn cấp mạng lưới nội gián nguy hiểm này. Bắt 25 đối tượng, thu nhiều tang vật, nhiều tài liệu phản động.

Qua kết quả đấu tranh, khai thác L.V.C., Cơ quan điều tra phát hiện thêm một số đối tượng khác địch đã cài cắm vào một số cơ quan trong tỉnh, khẩn trương thẩm tra, xác minh và xử lý tiếp. Với 25 đối tượng đã bắt, Cơ quan điều tra đã nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo các cơ quan chức năng đưa truy tố trước pháp luật.

Với tinh thần cảnh giác Cách mạng cao, qua hơn một năm kể từ ngày xác lập (ngày 11-3-1979 đến ngày 31-7-1980), chuyên án đã kết thúc. Thắng lợi trên còn là bài học quý báu về công tác bảo vệ an ninh nội bộ, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả Cách mạng, bảo vệ an toàn cơ quan, xây dựng chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh; là bài học về tinh thần cảnh giác trong công tác tổ chức, tuyển dụng và quản lý cán bộ.

Khổng Hà
.
.
.