Phải chăng nước Mỹ đã tung ra lời tuyên chiến?

Thứ Ba, 07/01/2020, 18:25
Sau cái chết của tướng Qassem Suleimani, một cơn giận dữ đang sôi sục trên đất nước Iran. Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đe dọa sẽ có một cuộc trả thù khủng khiếp với Mỹ, còn Esmail Ghaani, người vừa lên kế nhiệm Qassem Suleimani lãnh đạo lực lượng Quds Force thì hứa "vùng Trung Đông sẽ đầy xác người Mỹ".


Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các bên "kiềm chế tối đa" và rằng "Thế giới không thể cho phép xảy ra một cuộc chiến tranh nữa ở vùng Vịnh". Về phần mình, phát biểu trước báo giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khi ra lệnh hạ sát Qassem Suleimani, ông không định "khởi động một cuộc chiến tranh" mà là "đặt dấu chấm hết cho một cuộc chiến tranh" .

Hành động cả quyết hay tính toán sai lầm của Tổng thống Trump?

Sáng sớm ngày 3-1-2019, tướng Qassem Suleimani, người đứng đầu Quds Force, lực lượng tinh nhuệ nhất của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bị giết chết trong khu vực sân bay Bagdad-Iraq sau một trận không kích bằng tên lửa từ máy bay không người lái của Mỹ. 

Cuộc không kích được đích thân Tổng thống Donald Trump hạ lệnh. Đây là một hành động đối đầu dữ dội nhất của Mỹ đối với Iran kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Liệu có thể xem đây như là một lời tuyên chiến hay không? Một tuyên bố ngắn gọn của Lầu Năm Góc mô tả vụ này như là "một hành động tự vệ căn bản" nhằm bảo vệ những người Mỹ và quyền lợi của nước Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng. 

Một sự leo thang bất ngờ trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran và nó sẽ gây ra những phản ứng đáp trả. Chắc chắn rằng Iran sẽ tìm cách trả đũa khốc liệt, hoặc trực tiếp ra tay, hoặc thông qua mạng lưới hùng mạnh của các lực lượng chư hầu của họ trong vùng. Trong thời gian sắp tới, các đại sứ quán, các căn cứ quân sự của Mỹ và hàng ngàn người Mỹ đang làm việc ở Trung Đông và Nam Á sẽ là những đối tượng dễ bị thương tổn nhất

Ngày 3-1, lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố quốc tang trong ba ngày để tưởng niệm tướng Qassem Suleimani và cảnh cáo rằng sẽ có  "một sự trừng phạt thích đáng đang chờ đợi những tên tội phạm đằng sau cái chết tử vì đạo của tướng Suleimani". 

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, người được đào tạo tại Mỹ và có hai năm kinh nghiệm trong cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Mỹ năm 2015 thì đánh giá cuộc không kích của Mỹ như một hành động khủng bố quốc tế. "Người Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả tàn khốc gây ra bởi cuộc phiêu lưu vô lại này"- Ông đã viết lời khẳng định này trên Twitter. Truyền hình nhà nước của Iran thì bình luận rằng vụ không kích này là một "tính toán sai lầm lớn nhất" của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới II.

Trong những cuộc khủng hoảng trước đây, Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng thường xuyên tung ra những lời hăm dọa, nhưng lần này cái chết của tướng Suleimani đã gây ra những nỗi lo ngại thật sự đối với những người có kinh nghiệm. 

Tướng David Petraeus, người đã từng là Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Iraq và là Giám đốc CIA dưới thời Tổng thống Obama hiểu rất rõ về Suleimani, người đã đối đầu với ông trong cuộc chiến 8 năm của Mỹ ở Iraq. 

Trên tờ the New Yorker, Petraeus dự đoán: "Iran chắc chắn rằng đang rất sốc ở thời điểm này, Bản luận tội Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ rất dài và gay gắt. Còn đối với nước Mỹ thì sao? 

Vô số các kịch bản có thể xảy ra, từ việc trả đũa thông qua các lực lượng ủy nhiệm, bắt cóc các công dân Mỹ, tấn công các đồng minh của Mỹ, thậm chí có thể có những âm mưu tạo ra một điều gì đó ngay trên đất Mỹ. Chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến một sự tập trung binh lực ở trong vùng Trung Đông".

Người dân thủ đô Tehran, Iran tập hợp biểu tình phản đối việc Mỹ hạ sát tướng Qassim Suleimani.

Kiến trúc sư trưởng của sức mạnh Iran

Tướng Qassem Suleimani, một cựu công nhân xây dựng, một vận động viên có thể hình tráng kiện, mái tóc trắng như tuyết với một bộ râu và lông mày mầu muối tiêu, khi tuổi còn rất trẻ đã nhanh chóng nổi bật nhờ vào những chiến công lập được trong cuộc chiến tranh Iraq-Iran (1980-1988). 

Sau khi gia nhập lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, ông nhanh chóng leo lên chức chỉ huy của lực lượng Force Quds (1998), một lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ, sánh ngang với các đơn vị US SEALS, Delta Force hay Ranger của Mỹ. Suleimani là một viên chỉ huy đáng sợ nhất và cũng được ngưỡng mộ nhất ở Trung Đông. Hàng ngàn tín đồ đã chết khi tin và đi theo những lời hiệu triệu "hãy tử vì đạo" này của ông ta.

Trong hơn hai thập kỷ vừa qua, Suleimani, một người Hồi giáo dòng Shia đã có ảnh hưởng gấp nhiều lần ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo Al Qaeda và IS (là những phong trào của người Hồi giáo Sunni) trong việc định hình bộ mặt của Trung Đông. Để chống lại sự có mặt của Mỹ tại Irac, từ năm 2003- 2011, ông ta đã cung cấp cho các chiến binh Iraq tên lửa, bom và những loại đạn có thể xuyên thủng vỏ thép xe tăng M1 của Mỹ. 

"Tay ông ta vấy đầy máu của những người lính Mỹ", Tướng David Petraeus, cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Iraq đã đánh giá như vậy. Mỹ xếp Quds vào danh sách những tổ chức khủng bố và cá nhân Suleimani thì bị áp đặt lệnh trừng phạt vì liên quan tới vụ ám sát Đại sứ Arab Saudi tại Mỹ năm 2011. 

Cũng trong năm đó, Suleimani đã vạch ra một chiến dịch hỗ trợ và vực dậy chế độ của Tổng thống Bachar al-Assad khi mà chế độ này đang gặp nguy khốn trong cuộc nội chiến ở Syria. 

Cũng chính Suleimani là người đều đặn gửi vũ khí và viện trợ cho Hezbollah ở Liban và nâng đỡ phiến quân Houthi ở Yemen. Ông ta tổ chức thu nạp, nuôi dưỡng các lực lượng dân quân ở Pakistan và Afghanistan, đào tạo và sau đó gửi họ sang chiến trường Syria sát cánh chiến đấu cùng những chiến binh trong lực lượng Force Quds. 

Trong bài phỏng vấn dành cho tờ The Guardian, Petraeus đã nhận định: "Dân chúng vùng Vịnh đã coi Suleimani như là một nhân vật bất khả xâm phạm, ở Iran ông ta dường như quyền uy hơn cả tổng thống, chỉ đứng sau duy nhất một người: lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, có thể nói rằng ở các khu vực Shia ở Trung Đông, không ai có thể so sánh được với Suleimani về các sức mạnh hữu hình".

Sau một thập kỷ giấu mình hoạt động trong bóng tối và điều hành những chiến dịch bí mật ở bên ngoài lãnh thổ của Iran, một thập kỷ trở lại đây Suleimani đã tự tin bước ra ánh sáng, xuất hiện công khai trên các diễn đàn. 

Vào năm 2008, khi Mỹ và Iran đang cạnh tranh nhau quyết liệt để tạo dựng ảnh hưởng của mình tại Iraq, viên tướng này đã thông qua Tổng thống Iraq lúc đó là Jalal Talabani để gửi một thông điệp đầy ngạo mạn đến Petraeus, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Iraq lúc đó: "Thưa tướng quân, tôi - Qassem Suleimani chính là người kiến trúc ra toàn bộ chính sách đối ngoại của Iran đối với Iraq, Liban, dải Gaza và Afghanistan". Thông điệp của Suleimani rất rõ ràng: "Người Mỹ sẽ phải đương đầu với ông ta ở khắp mọi nơi"- Petraeus nhấn mạnh.

Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã đăng dòng tweet sau nhắn gửi Tổng thống Iran Hassan Rouhani " Đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ nữa nếu các ông không muốn phải gánh chịu trong rên xiết những hậu quả mà các ông chưa từng gặp phải .. nước Mỹ giờ đây không còn là nước Mỹ trong quá khứ nữa". 

Suleimani đã đáp trả Trump bằng những lời lẽ sau: "Phẩm giá của tổng thống của chúng tôi không cho phép ông ấy hạ mình để đáp trả ông, nhưng chúng tôi đang ở rất gần ông, gần đến mức ông không tưởng tượng nổi. Chúng tôi đã sẵn sàng, bởi chúng tôi là những chiến binh của trận chiến này".

Tướng Qassim Suleimani.

Thời điểm cần tới những cái đầu tỉnh táo

Vào thời khắc đoàn xe của Suleimani bị trúng rốc két nổ tan tành ở gần sân bay Bagdad, Tổng thống Trump đang nghỉ lễ năm mới ở khu phức hợp Mar-a-Lago, Palm Beach. Với một thái độ kiềm chế hiếm gặp, ông Trump chỉ lẳng lặng đưa lên một lá cờ Mỹ trên twitter mà không đi kèm bình luận gì.

Trong bản thông cáo phát đi sau đó, Lầu Năm Góc tố cáo Suleimani trong những tháng gần đây đã tổ chức, chỉ huy các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở đồn trú của quân đội Mỹ và đồng minh trong công cuộc hợp tác quốc tế để chống lại Nhà nước hồi giáo tự xưng IS. Mới đây nhất vụ hàng ngàn người biểu tình xông vào đốt phá Đại sứ quán Mỹ ở Bagdad cũng có bàn tay đạo diễn của Suleimani

Từ khi chính quyền của Tổng thống Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ và Iran liên tục leo thang trong cuộc đối đầu. Chính quyền Trump luôn tuyên bố không tìm kiếm một cuộc chiến tranh hay tìm cách thay đổi chính quyền tại Iran, nhưng khi ra quyết định tiêu diệt tướng Suleimani, chính quyền của Tổng thống Trump trên thực tế đã châm ngòi cho một cuộc xung đột với quy mô rộng lớn hơn, khốc liệt hơn và nhất là rất khó dự đoán các diễn biến có thể xảy ra.

Đối với Iran, cái chết của Suleimani là một vết thương thực sự, một lưỡi dao đâm thẳng vào trái tim của chế độ. Với những gì mà giới lãnh đạo Iran thể hiện trong mấy ngày vừa qua , các nhà quan sát đều tin rằng việc Iran tung đòn đáp trả là chắc chắn, chỉ có điều là họ sẽ tiến hành ở đâu và vào lúc nào mà thôi. 

Điều toàn thế giới đang lo ngại là cả hai phía Mỹ và Iran vì tính toán sai lầm sẽ biến cuộc đối đầu hiện nay thành một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp, đó sẽ là lúc nổ ra một cuộc chiến tranh tàn khốc lôi kéo các đồng minh của cả hai phía vào cuộc, vùng Trung Đông một lần nữa lại phải gánh chịu những tàn phá của một cuộc chiến tranh.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.