Phanh phui 1.000 cảnh sát, lính cứu hộ vờ trầm cảm trục lợi tiền trợ cấp

Thứ Tư, 20/07/2016, 12:51
Sau vụ khủng bố 11-9-2001, cảnh sát, lính cứu hỏa, người dọn vệ sinh ở thành phố New York được báo chí ca ngợi rất nhiều vì họ đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, New York Times mới đây đưa tin, không ít đối tượng trên đã làm giả hồ sơ bị trầm cảm, bệnh tật nhằm trục lợi tiền trợ cấp của nhà nước.


Số tiền bị xà xẻo không hề nhỏ. Các công tố viên cho biết, có thể có đến 1.000 người gian lận và thu về số tiền khoảng 400 triệu USD. Hành vi sai trái này đi ngược lại với hình ảnh những cảnh sát và lính cứu hỏa dũng cảm đã làm việc hết mình trong ngày 11-9. "Hành vi của họ thật sự gây sốc" chuyên gia luật Cyrus Vance cho hay.

Số nhân viên cứu hộ bị thảm họa bệnh tật vẫn tăng

Chỉ một tuần sau vụ khủng bố 11-9, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã tuyên bố, không có vấn đề gì nguy hại lâu dài đối với sức khỏe con người. 

"Tôi rất vui mừng để trấn an người dân New York và Washington, D.C. rằng, không khí môi trường sống là an toàn để hít thở"- lãnh đạo EPA, ông Christie Whitman cho biết vào thời điểm đó. 

Nhiều lính cứu hộ bị ung thư.

Thế nhưng, sau đó nhiều người bắt đầu ngã bệnh. Đầu tiên, các nhân viên cứu hỏa bắt đầu bị bệnh về đường hô hấp mãn tính. Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Lao động Selikoff năm ngoái nói rằng có ít nhất 1.646 nhân viên cứu hộ mắc bệnh ung thư. 

Từ năm 2001 đến 2004, chính phủ liên bang đã thành lập một quỹ đền bù cho tất cả những nạn nhân của chất độc hại hoặc bị chết trong thảm kịch. Sau nhiều năm tạm dừng, tới năm 2011, Quốc hội Mỹ đã cho hoạt động lại quỹ này. Hai năm sau đó, các nhà chức trách đã bổ sung thêm 50 loại ung thư khác nhau vào danh mục bệnh đủ điều kiện hưởng bồi thường. 

Chương trình chăm sóc y tế cho các nạn nhân hết hạn trong tháng 10-2015, và quỹ đền bù cho nạn nhân sẽ hết hạn sau 1 năm nữa (tháng 10-2016), trừ khi Quốc hội Mỹ quyết định rót nhiều tiền hơn. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu và các bác sĩ đang tìm kiếm mối liên kết nào đó để kết luận mối liên quan giữa vụ khủng bố và bệnh tật. 

Trong một nghiên cứu toàn diện nhất của vấn đề này cho đến nay, Sở Y tế thành phố New York không tìm thấy mối liên hệ thật sự rõ ràng giữa bệnh ung thư và các mảnh vụn, khói bụi tại nơi các tòa nhà sụp đổ. 

Nghiên cứu được công bố vào năm 2012 trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, dựa trên sự theo dõi 55.778 cư dân New York - những người đã có mặt tại Tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế (WTC) trong ngày xảy ra cuộc tấn công và đã có tên trong chương trình chăm sóc sức khỏe. 

Trong số những người quan sát, 1.187 người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến giáp và u tủy tăng cao.

Đóng kịch trước cơ quan chức năng

Việc nhà nước và các tổ chức không ngừng hỗ trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng sau thảm họa khủng bố là một sứ mệnh nhân đạo. Tuy nhiên, nhiều người nhân cơ hội này đã tìm cách "đục đẽo" ngân sách.

Báo chí Mỹ cho biết, không ít cảnh sát nghỉ hưu và lính cứu hỏa New York đã bị bắt vì gian lận để xin trợ cấp an sinh xã hội cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ khủng bố 11-9-2001. 

Theo điều tra của cảnh sát New York, nhiều người trong số trên đã hỏi cùng một bác sĩ tâm thần cách nói dối về bệnh tình và triệu chứng. 

Họ được khuyên nói theo một "kịch bản" giống nhau: "Tôi ngủ chập chờn vào ban ngày. Tôi thường mở TV để cảm thấy như có người bên cạnh. Tôi từng là một người khỏe mạnh và năng động. Giờ tôi cứ trằn trọc thâu đêm. Người thân luôn phải hỗ trợ, nhắc nhở tôi. Tôi không thể làm bất cứ việc gì".

  Bức ảnh chứng minh Glenn Lieberman nói dối về sức khỏe tâm thần của mình

Cảnh sát về hưu Glenn Lieberman, nhận được hơn 175.000 USD từ quỹ an sinh xã hội ngoài lương hưu, bị cáo buộc giả vờ bị tổn thương tâm lý quá nặng nề bởi vụ khủng bố 11-9 nên khó hoạt động, không thể lái xe, mua sắm hoặc quản lý tiền bạc. Tuy nhiên, cảnh sát sau đó công bố bức ảnh ông này cười rạng rỡ khi ngồi trên một chiếc ca nô, được chụp sau năm 2001. 

Một cảnh sát về hưu khác, Richie Cosentino, nhận được hơn 207.000USD từ an sinh xã hội với lý do tương tự. Bức ảnh đăng trên Facebook của Cosentino cho thấy, ông ta vui vẻ cầm một con cá lớn vừa bắt được. Đáng chú ý, ngày ông đăng bức ảnh này là 11-9-2012.

Các đối tượng được cho là đã xin lời khuyên từ một "chuyên gia tư vấn" có tên là Thomas Hale và một cảnh sát về hưu tên Joseph Esposito. Một cuộc điện thoại bị cảnh sát nghe trộm cho thấy Esposito tư vấn cho một người chuẩn bị được các quan chức an ninh xã hội kiểm tra. 

"Khi anh đến đó, câu đầu tiên họ thường hỏi anh là “anh đến đây bằng gì?” Cậu sẽ phải đáp lại rằng “chị tôi chở tôi đi”. Câu hỏi tiếp theo thường sẽ là “ai nấu ăn, dọn dẹp, mua sắm trong nhà anh?”, anh sẽ phải trả lời là “mẹ tôi'". Khi gặp bác sĩ, ông ta sẽ hỏi anh, không phải để thử độ chân thật mà chỉ muốn xem liệu anh có tập trung không. 

Họ sẽ hỏi anh rằng bình thường anh làm gì trong ngày? Chi tiêu thế nào? Lúc đó, anh phải nói rằng “tôi không ngủ ngon vào ban đêm. Mỗi đêm tôi dậy 3-4 lần. Khi xem TV, tôi liên tục chuyển kênh vì không thể tập trung xem. Tôi chỉ bật TV để trong nhà có giọng nói thôi”. 

Esposito nói tiếp rằng: "Nếu họ yêu cầu anh đánh vần từ world (thế giới), thì anh phải đánh vần là w-r-l-d. Họ sẽ yêu cầu anh đánh vần ngược lại. Anh phải làm như suy nghĩ một lúc và không thể đánh vần được". 

Sau đó, có thể họ sẽ hỏi “100 trừ 7 bằng bao nhiêu”. Anh biết đấy, kết quả là 93 (tầng 93 là một trong những tầng bị không tặc đâm ở tòa tháp phía Bắc ( một trong hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại New York bị không tặc tấn công), đồng thời chuyến bay 93 của hãng United Airlines là một trong số các phi cơ bị không tặc khống chế) nhưng anh phải giả vờ tập trung rồi trả lời là 86 hoặc 85. Anh phải thể hiện anh không chắc chắn về câu trả lời.

Esposito còn khuyên rằng: "Khi nói chuyện, đừng nhìn thẳng vào bác sĩ, thi thoảng hãy cúi đầu xuống và đừng trả lời ngay lập tức. Hãy giả vờ do dự để cho thấy anh rất chán nản. Anh không ham muốn bất cứ điều gì. Nếu có thể, hãy giả vờ đột nhiên bị hoảng loạn". Esposito, Hale và hai người có liên quan khác sau đó phải ra hầu tòa và nộp tổng cộng hơn 2 triệu USD tiền bảo lãnh.

Tỷ lệ cảnh sát bị ung thư tăng cao sau thảm họa 11/9

Theo một nghiên cứu gần đây, từ sau vụ đánh bom ngày 11-9-2001 ở Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở cảnh sát đã tăng hơn 50%.

Cảnh sát thường ít bị ung thư nhất nhờ sức khỏe vượt trội, nhưng một nghiên cứu kéo dài 20 năm ở Mỹ cho thấy tỷ lệ cảnh sát mắc bệnh hiểm nghèo đã tăng cao kể từ sau thảm kịch 11-9-2001. 

Theo Fox News, các nhà khoa học đã xem xét hồ sơ y tế của gần 40.000 cảnh sát làm việc vào ngày 11-9 năm ấy và theo dõi tỷ lệ ung thư của họ. Kết quả cho thấy tỷ lệ ung thư ở cảnh sát thời kỳ 2002-2014 tăng hơn 50% so với những năm 1995-2001. Có 859 cảnh sát được phát hiện bệnh, trong đó 11 người bị nhiều hơn một loại ung thư. 

56% số cảnh sát trên đến hiện trường trong vòng 24 giờ sau khi cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay đâm sập tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York năm 2001 xảy ra, đó là thời điểm các đám mây độc hại dày đặc nhất. Những người còn lại làm nhiệm vụ vào các thời điểm khác nhau.

Các bệnh phổ biến nhất được tìm thấy ở những cảnh sát này bao gồm ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú (với nữ giới). Ngoài ra có sự gia tăng của 4 loại ung thư hiếm là ung thư não, ung thư thận, ung thư tuyến giáp và u lympho không Hodgkin. Chỉ có 16,5% cảnh sát bị ung thư do hút thuốc.

Đại diện của Sở Cảnh sát New York, Raymond Kelly cho rằng, trường hợp cảnh sát thành phố mắc bệnh ung thư đã tăng gấp 5 lần so với thời gian trước khi hai tòa tháp đôi ở Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công khoảng 6 năm. Đặc biệt, trường hợp mắc bệnh ung thư tuyến giáp tăng gấp 10 lần, ung thư hạch tăng 3,5 lần. Cuộc nghiên cứu này không được tiết lộ cụ thể song Sở Cảnh sát New York muốn thông báo điều này để cảnh báo các thành viên của mình, Kelly khẳng định thêm. 

Tiến sĩ Jim Melius, chủ tịch chương trình y tế dành cho các nạn nhân của vụ tấn công WTC cho rằng, tất cả những người hít phải khói bụi trong vụ khủng bố 11-9 hoặc chịu ảnh hưởng của khói độc từ phần nhiên liệu máy bay đều có nguy cơ mắc ung thư. Vì vậy, có thể đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư của cảnh sát New York tăng mạnh.

Văn Nguyễn - ( tổng hợp)
.
.
.