Phanh phui đường dây buôn bán trẻ em Nam Á vào Anh làm nô lệ

Thứ Năm, 14/04/2016, 18:17
Theo thông tin từ tờ The Sun hôm 3-4, những bé trai, bé gái khoảng 10 tuổi đã bị một băng nhóm buôn người hoạt động ở tỉnh Punjab (Ấn Độ) bán đến Anh với giá  5.300 bảng Anh/trẻ. Các nạn nhân nhỏ tuổi bị bán là trẻ em sống sót sau trận động đất ở Nepal cũng như con cái trong những gia đình nghèo khó ở Ấn Độ.


Theo bài báo trên, những trẻ em người Nepal và Ấn Độ bị bán cho các gia đình giàu có của xứ sở sương mù để làm nô lệ không công. Người đứng đầu đường dây này có tên Makkhan Singh. Sau khi "khách hàng" chọn được một đứa trẻ, một đường dây dẫn sang Anh sẽ thực hiện việc vận chuyển. Giá trung bình của một bé trai là 500.000 rupee (5.300 bảng Anh) và người mua sẽ phải trả phí vận chuyển. Ngay sau khi tờ The Sun tiết lộ thông tin, bà Theresa May, quan chức chính phủ Anh, đã yêu cầu cảnh sát lập tức điều tra vụ việc này.

Theo ước tính, toàn thế giới có hàng triệu người đã trở thành nạn nhân của các đường dây buôn bán người và phải làm việc trong tình trạng nô lệ.

Ngoài việc lên án nạn buôn bán trẻ em là "một tội ác ghê tởm", bà May cũng đã yêu cầu Cơ quan điều tra tội phạm quốc gia Anh điều tra ngay vụ việc. Bà cũng kêu gọi tờ The Sun cung cấp các thông tin đã biết để giúp cơ quan điều tra nhanh chóng triệt phá đường dây buôn người. "Không được để một trẻ em nào trên thế giới bị bắt khỏi gia đình và phải làm việc như một nô lệ. Vì vậy, trong năm 2015 chúng tôi đã ban hành đạo luật chống buôn bán nô lệ mới để tăng cường bảo vệ trẻ em cũng như bỏ tù bọn buôn bán", bà May nhấn mạnh. The Sun cũng cho biết, hầu hết những đứa trẻ bị bán là nạn nhân sống sót từ vụ động đất 7,8 độ richter vào tháng 4-2015 tại Nepal khiến hàng chục người thiệt mạng.

Các báo cáo của Trung tâm Tư pháp xã hội Anh cũng cho thấy, việc thực thi pháp luật đã tạo "kẽ hở" cho tội phạm có tổ chức. Điều này dẫn tới nhiều nhóm tội phạm sử dụng các trường đại học "ma", kết hôn giả, tài liệu giả cùng mạng lưới các luật sư và tài khoản bất hợp pháp để buôn người và sử dụng lao động bất hợp pháp. Ở Anh, không ít các nạn nhân đến từ Liên minh châu Âu đã bị "mắc kẹt" với các băng nhóm tội phạm và phải bán sức lao động để "gán nợ". Các băng nhóm tội phạm tuyên bố rằng, các nạn nhân đã nợ chúng chi phí đi lại, ăn ở, tài liệu nên nạn nhân phải làm việc để trừ vào tiền mua thực phẩm và chỗ ở.

Vừa thoát khỏi động đất, trẻ em Nepal đã bị các đường dây buôn người chăn dắt.

Cũng đề cập đến vấn nạn "nô lệ thời hiện đại" ở Anh, trong một bài phóng sự điều tra được đăng trên Reuters mới đây có nhấn mạnh thông tin: Năm 2014, Bộ Nội vụ Anh ước tính có tới 13.000 nạn nhân đang sống trong tình cảnh bị áp bức ở Anh, hầu hết đến từ Albania, Nigeria và Romania. Họ bị áp bức, hãm hiếp và đánh đập. Những người này chủ yếu xuất thân từ những gia đình nghèo khó và họ thường nghĩ rằng, phương Tây là cơ hội để thoát khỏi cảnh cơ cực.

Những nạn nhân này, trong đó có nhiều trẻ em, bị vận chuyển qua Nga, Đức, Pháp. Một số phải đi bộ qua rừng nhiều ngày trời. Họ phải ngủ trong các lán trại và trốn trong những thùng xe tải bẩn thỉu. Ở trong đó, họ phải giữ im lặng, không được cử động và thở ngột ngạt. Thậm chí, họ phải đi vệ sinh ngay tại đó. Khi đến Anh, họ bị những kẻ buôn người giam giữ như tù nhân và bị ép trồng cần sa để trả cho số nợ lên đến 46.000USD (chi phí được đưa sang Anh). Nơi trồng cần sa là những ngôi nhà có hệ thống làm nóng phức tạp, những chiếc bóng điện cao áp bỏng rát…

Vân Trường -L.K. (tổng hợp)
.
.
.