Phanh phui tập đoàn giáo dục quốc tế chuyên cung cấp bằng giả

Thứ Bảy, 13/06/2015, 11:00
Nhà chức trách Pakistan ngày 23 tháng 5 vừa qua cho biết, họ quyết định yêu cầu Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) hỗ trợ điều tra Công ty Axact có trụ sở tại thành phố cảng Karachi sau khi công ty này bị cáo buộc điều hành “nhà máy sản xuất bằng cấp giả trên phạm vi toàn cầu” với số tiền thu được lên tới hàng chục triệu USD.

Chiêu trò cung cấp bằng giả

Với rất nhiều thông tin trên mạng Internet thì Công ty Axact được rất nhiều người biết đến bởi họ cho rằng đây là một công ty chuyên về giáo dục nổi tiếng thế giới. Với những gì được quảng cáo trên mạng thì Axact hoạt động dưới quy mô rộng lớn với hàng trăm trường đại học và trung học. 

Những ngôi trường này mang những cái tên rất hàn lâm với hình ảnh các giáo sư tươi cười. Các trang web của Axact trông rất đáng tin cậy, quảng cáo cung cấp bằng cấp trong hàng chục lĩnh vực khác nhau như y tá, kỹ sư. Hàng loạt bài viết sinh động ca ngợi họ được đăng tải trên trang web CNN iReport cùng những đoạn video ấn tượng và cả các chứng chỉ được Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, mang chữ ký của Ngoại trưởng John Kerry. 

“Chúng tôi là một trong những trường học nổi tiếng nhất thế giới. Hãy đến đây, trở thành thành viên của Đại học Newford để bay cao trên bầu trời tri thức”, một người phụ nữ tự xưng là Trưởng khoa Luật của một trường thuộc Công ty Axact giới thiệu.

Với những lời đường mật cùng với những bằng chứng là chữ ký của ngoại trưởng rồi chứng chỉ mang tầm cỡ quốc tế đã khiến nhiều người tin tưởng và đổ dồn tiền bạc với hy vọng con em mình được mang tầm quốc tế. Sau một thời gian dài hoạt động thì Axact đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan điều tra. 

Theo kết quả điều tra của báo New York Times (Mỹ) thì những lời quảng cáo, những sự hào nhoáng và đào tạo chuyên nghiệp chỉ là những thông tin nhảm, không hề có thật. Không một trường học nào của Axact cấp bằng là có thật, dẫu nó mang những cái tên na ná như trường thật, chẳng hạn Columbiana. Trong khi đó, các giáo sư, giảng viên được giới thiệu trong những đoạn video quảng cáo đều là… diễn viên. 

Khi nghe được thông tin này không ít người cảm thấy hoang mang thực sự bởi họ không thể tin được rằng một cơ sở giáo dục tầm cỡ đến như vậy lại là một công ty lừa đảo.

Cũng theo New York Times, đội ngũ nhân viên của Axact lên tới 2.000 người, làm việc cật lực theo ca để tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Họ là những người Pakistan trẻ tuổi, có học vấn tốt, thành thạo tiếng Anh hoặc tiếng Arập. Tuy nhiên, đội ngũ này lại tham gia tích cực vào việc bán đủ các loại bằng cấp, từ bằng tốt nghiệp phổ thông cho tới bằng tiến sĩ và mạng xã hội trở thành phương tiện giúp họ ẩn danh và che giấu các hành vi bất hợp pháp. Vì có những việc làm thể hiện sự không trung thực nên cơ quan điều tra đã quyết định làm sáng tỏ mọi chuyện.

Điều tra

Bài phóng sự điều tra của New York Times cáo buộc Axact đã lợi dụng sự nở rộ của hoạt động giáo dục trực tuyến để lừa gạt khách hàng đăng ký những khóa học không có thật hoặc thuyết phục họ rằng kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc của họ đã đủ để được cấp một loại bằng nào đó. 

Bằng cách này, Axact đã lừa được các nạn nhân từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Anh, Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh. Nhiều gia đình đã nghe theo những lời quảng cáo đó và đổ hàng trăm ngàn đô la vào việc học tập để mang về một tấm bằng hay một chứng chỉ quốc tế. Chính nhờ vào sự cả tin đó mà đội ngũ Axact đã lừa gạt được không ít người.

New York Times cho biết, các nhân viên bán hàng của Axact áp dụng rất nhiều mánh khóe để lừa khách hàng. Chẳng hạn, họ đóng giả nhà tuyển dụng, gọi điện thoại cho các sinh viên, hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm với mức lương cao với điều kiện sinh viên phải hoàn thành các khóa học từ xa.

Thậm chí, để tăng độ tin cậy, họ còn mạo danh các quan chức Chính phủ Mỹ, thuyết phục khách hàng mua chứng chỉ đắt tiền hoặc văn bản chứng thực. Với chiêu thức này, không ít người đã “sập bẫy” vì tin rằng các trường đại học mà Axact quảng cáo là trường học thật và họ sẽ nhanh chóng được tham gia các khóa học từ xa.

Trụ sở Công ty Axact tại thành phố cảng Karachi, Pakistan.

Tất nhiên, để được cấp bằng, khách hàng phải chi ra một số tiền không hề nhỏ. Bằng cấp càng cao, giá càng cao. Ví dụ, một bằng trung học có giá khoảng 350 USD, còn bằng tiến sĩ có giá từ 4.000 USD trở lên. Một khách hàng ở Ả rập Xê út nói đã trả tới 40.000 USD để được Axact cấp bằng. Hay một người Ai Cập chi 12.000 USD để có bằng tiến sĩ công nghệ của trường đại học giả mạo Nixon. Ước tính, lợi nhuận từ việc bán bằng giả của Axact lên đến hàng triệu USD mỗi tháng, tức hàng chục triệu USD mỗi năm.

Sau khi New York Times đăng bài phóng sự gây chấn động trên, Axact cáo buộc tờ New York Times đăng bài “vô căn cứ và không đạt tiêu chuẩn”, câu kết với những công ty truyền thông đối thủ nhằm phá hoại đài truyền hình Bol sắp hoạt động của Axact. Sau phản ứng của Axact, một phát ngôn viên của New York Times khẳng định: “Chúng tôi tự tin vào bài báo và thấy không có gì phải đính chính cả”. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Chaudhry Nisar Ali Khan đã ra lệnh mở cuộc điều tra về cáo buộc của New York Times. Chỉ trong vòng vài giờ, các điều tra viên, dưới sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, đã khám xét và đóng cửa văn phòng của Axact tại Karachi và Thủ đô Islamabad. Trong quá trình khám xét, họ thu giữ máy tính, tài liệu và thẩm vấn hơn 30 người, nhưng không có thành viên nào trong ban lãnh đạo cao cấp của Axact có mặt tại trụ sở công ty. Bộ Nội vụ Pakistan tuyên bố, các nhà điều tra sẽ xác định liệu Axact có “liên quan đến những hoạt động bất hợp pháp, làm tổn hại hình ảnh Pakistan” hay không. 

Hôm 23 tháng 5 vừa qua, ông Chaudhry cũng cho biết, Bộ Nội vụ Pakistan đang viết một bức thư gửi FBI để nhờ trợ giúp pháp lý, đồng thời liên hệ với Interpol để có được một số thông tin về các trường ĐH. Theo ông Chaudhry, cuộc điều tra ban đầu nhằm vào Axact sẽ hoàn tất trong vòng 10 ngày. Mọi việc sẽ được phơi bày ra ánh sáng và với những gì mà ban điều tra của báo New York Times có trong tay thì đây không phải là một sự vu khống trắng trợn. Họ khẳng định rằng sẽ chiến đấu tới cùng để tìm ra công lý. Những việc làm gian dối của Axact không chỉ cứ che đậy là sẽ bịt mắt được công chúng, sẽ thoát được lưới pháp luật.

Hà Xuân
.
.
.