Phanh phui vụ bê bối Contragate

Thứ Bảy, 05/10/2019, 09:54
Ngày 5-10-1986, quân đội của chế độ Sandinista ở Nicaragua đã bắt giữ Eugene Hasenfus sau khi chiếc máy bay do ông điều khiển bị bắn rơi; 2 người khác trên máy bay chết trong vụ tai nạn.


Khi bị thẩm vấn, Hasenfus đã thú nhận rằng ông đang vận chuyển viện trợ quân sự đến Nicaragua cho Contra - một lực lượng chống chính phủ được Mỹ thành lập và tài trợ. Quan trọng hơn, ông tuyên bố rằng hoạt động này thực sự được tiến hành bởi Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Tin tức về những tiết lộ của Hasenfus đã gây ra náo động tại Mỹ. Bởi trước đó 2 năm, vào 1984, do nạn tham nhũng và sự bạo tàn của lực lượng Contra, Quốc hội Mỹ đã thông qua Điều luật sửa đổi Boland (Boland Amendment), trong đó đặc biệt ngăn cấm CIA hoặc bất kỳ cơ quan nào khác của Mỹ hỗ trợ cho Contra. Tổng thống Ronald Reagan khi đó chính là người đã ký Điều luật sửa đổi Boland. Vì vậy, nếu lời khai của Hasenfus là đúng, thì chính quyền Reagan và CIA đã vi phạm luật pháp.

Ronald Reagan (trái) gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger, Bộ trưởng Ngoại giao George Shultz, Tổng chưởng lý Ed Meese, và Tham mưu trưởng Don Regan tại Phòng Bầu dục.

Mặc cho sự phủ nhận từ Tổng thống, Phó Tổng thống George Bush (Bush-cha), và các quan chức khác của Reagan rằng CIA không liên quan gì đến chuyến bay, các cuộc điều tra liên tục của cánh nhà báo và Quốc hội đã bắt đầu làm sáng tỏ cái gọi là vụ bê bối Contragate. Vụ bê bối này liên quan đến việc Mỹ bí mật bán vũ khí cho Iran. Một phần trong số tiền thu được từ giao dịch này được sử dụng để bí mật tài trợ cho cuộc chiến của Contra ở Nicaragua.

Lời biện minh chính thức cho các vụ vận chuyển vũ khí là một phần của chiến dịch giải thoát 7 con tin người Mỹ đang bị Hezbollah, một nhóm bán quân sự có quan hệ Iran liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Kế hoạch là để Israel vận chuyển vũ khí cho Iran, Mỹ tiếp tế cho Israel và Israel trả tiền cho Mỹ. Những người nhận Iran hứa sẽ làm mọi thứ trong khả năng của họ để đạt được việc thả con tin.

Tuy nhiên, như tài liệu của một cuộc điều tra Quốc hội, vụ buôn bán vũ khí bí mật do Reagan tài trợ đầu tiên cho Iran đã bắt đầu vào năm 1981 trước khi bất kỳ con tin nào của Mỹ bị bắt ở Liban. Thực tế này đã loại trừ lời giải thích "vũ khí cho con tin" mà chính quyền Reagan tìm cách bào chữa cho hành vi của nó.

Một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ, bắt đầu vào tháng 12-1986, đã tiết lộ kế hoạch này cho công chúng. Nhiều nhân vật của chính quyền Reagan được mời ra làm chứng, trong đó có Trung úy hải quân Oliver North, phụ trách việc điều phối bán vũ khí và chuyển tiền cho Contra. Cụ thể, lời chứng của ông đã chứng tỏ thái độ không tôn trọng của chính quyền Reagan đối với các nghị quyết và hành động của Quốc hội.

Vụ bê bối đã làm rung chuyển chính quyền của Reagan và làm lung lay niềm tin của công chúng vào Chính phủ Mỹ. Cuối cùng, 11 thành viên của chính quyền Tổng thống đã bị kết án sau một loạt các cáo buộc liên quan đến vụ bê bối này. Hasenfus đã bị Tòa án Nicaragua xét xử và kết án 30 năm tù, nhưng đã được thả ra chỉ vài tuần sau đó.

Trong chiến dịch tranh cử năm 1988, Phó Tổng thống Bush nói ông không biết gì về bê bối Contragate, rằng ông "đứng ngoài cuộc". Mặc dù nhật ký của ông có viết ông là "một trong số ít người biết đầy đủ các chi tiết", ông liên tục từ chối thảo luận về vụ việc và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Một cuốn sách được xuất bản năm 2008 bởi nhà báo và là chuyên gia chống khủng bố người Israel Ronen Bergman khẳng định rằng ông Bush đã được báo cáo bí mật về vụ việc từ Amiram Nir, cố vấn chống khủng bố của Thủ tướng Israel, Yitzhak Shamir, khi Bush đang thăm Israel. "Nir có thể đã buộc tội Tổng thống sắp tới. Việc Nir bị giết trong một vụ tai nạn máy bay bí ẩn ở Mexico vào tháng 12-1988 đã làm nảy sinh nhiều thuyết âm mưu", Bergman viết.

Xuân Trường
.
.
.