Pháp: Bắt nhiều người di cư bất hợp pháp

Thứ Sáu, 08/03/2019, 13:05
“Tổng cộng 63 người di cư đã bị bắt, nhiều người trong số này đang trốn trên chiếc phà của công ty DFDS Seaways có trụ sở ở Đan Mạch”, trích tuyên bố hôm 3-3 của cảnh sát. Các công tố viên quận Boulogne cho biết, 12 người di cư dự kiến sẽ phải hầu tòa, trong khi một số khác được thả do đều là trẻ vị thành viên hoặc thiếu chứng cớ.


Những người bị bắt sẽ được chuyển tới Sở cảnh sát Calais. Theo giới truyền thông, trong ngày 3-3, cảnh sát đã phát động chiến dịch truy lùng kéo dài khoảng 12 giờ sau khi hàng chục người di cư tràn vào một cảng ở miền Bắc nước Pháp và leo lên 1 chiếc phà neo đậu tại đây để tìm đường tới xứ sở sương mù.

Được biết, khoảng 100 người di cư đã tràn vào khu vực bến tàu của cảng Calais vào tối 2-3 và hàng chục người đã tìm cách lên chiếc phà khởi hành từ cảng Dover của Anh vừa cập bến. Trước đó (1-3), một tòa án Pháp đã phạt tù đối với 2 người Iraq và 1 người Iran với tội danh đưa người di cư bất hợp pháp tới Anh.

Cảnh sát truy bắt người di cư bất hợp pháp.

Theo giới chức cảng Calais, để đột nhập vào khu vực cảng, những người di cư phải qua 1 lối đi bộ mà nhân viên cảng thường hay sử dụng. Giới truyền thông cho biết, bất chấp những nỗ lực của các cơ quan chức năng Pháp, người di cư từ Afghanistan, Iraq và Iran cùng những kẻ buôn người vẫn nghĩ ra nhiều cách để vượt qua eo biển Manche để tới Anh.

Gần 5 tháng trước (23-10-2018), hãng AP từng cho biết, cảnh sát Pháp bắt đầu di dời khoảng 1.800 người di cư (muốn vượt eo biển Manche để tới Anh) khỏi 1 trại tạm cư bên ngoài thành phố cảng Dunkirk, miền Bắc nước này.

Và trại tạm cư ở Grande-Synthe được coi là điểm dừng chân cho dân di cư hầu hết là người Kurd của Iraq, nơi những đối tượng buôn người thường hoạt động. Và hiện “lục địa già” đang nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tăng cường lực lượng an ninh trong bối cảnh Anh sắp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức buôn người có thể lợi dụng tình hình này để đẩy mạnh hoạt động.

Giới chuyên môn cho rằng, thực trạng gia tăng dòng người xin tị nạn đã gióng lên hồi chuông báo động tại Anh và gây áp lực lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Theresa May trong việc phải đưa ra biện pháp ứng phó với vấn nạn này. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng vừa công bố thống kê cho biết, có 55.756 người đã vượt Địa Trung Hải tới Tây Ban Nha trong năm 2018.

Theo thống kê, chỉ trong năm 2018, khoảng 500 người đã băng qua eo biển Manche để tới Anh, trong khi con số này trong năm 2017 chỉ 13 người. Bộ Nội vụ Pháp cho biết, 276 người đã tới vùng biển nước Anh thành công trong năm 2018. Vẫn theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, 504 người đã tìm cách vượt eo biển Manche để tới Anh trong năm 2018 và phần lớn ghi nhận vào 2 tháng cuối năm.

Pháp mạnh tay với người nhập cư bất hợp pháp.

Hơn 2 tháng trước (4-1), hãng AFP từng cho biết, chính phủ Pháp đã công bố kế hoạch hành động chống lại việc người di cư tìm cách vượt eo biển Manche tới Anh bằng đường biển. Và theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp, những biện pháp này được bổ sung vào kế hoạch hành động chung được chính phủ Pháp và Anh công bố hôm 31-12-2018.

Giới truyền thông Anh cũng cho biết, Hải quân Hoàng gia đã được triển khai tới eo biển Manche để xử lý việc gia tăng một lượng lớn người di cư đang bị đe dọa tính mạng khi họ cố gắng tới các vùng biển phía Nam nước Anh.

Khoảng 1,5 tháng trước (24-1), Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner và Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid đã gặp nhau tại London và đạt được thỏa thuận. Theo đó, Anh cam kết hỗ trợ hàng triệu USD để Pháp triển khai thiết bị giám sát mới nhằm ngăn chặn người nhập cư trái phép vào xứ sở sương mù qua eo biển Manche.

Đồng thời chia sẻ thông tin, lắp camera CCTV tại những cảng biển và khu vực tại Pháp mà người di cư có thể lên thuyền vượt eo biển đến Anh. Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javidcũng đã yêu cầu quân đội triển khai tàu thuyền tới eo biển Manche để ngăn chặn hoạt động di cư gia tăng tại vùng biển này. Đây được coi là động thái nhằm thúc đẩy nỗ lực để chấm dứt tình trạng người vượt biển trái phép bằng thuyền nhỏ từ Pháp vào Anh.

Ngày 4-3, Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ trích chính phủ Hungary bóp méo sự thật về vấn đề người di cư của Liên minh châu Âu (EU). Theo người phát ngôn EC Margaritis Schinas, Hungary tìm cách "vẽ bức tranh đen tối" về một "mưu đồ bí mật" nhằm đưa thêm nhiều người di cư tới châu Âu.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban cáo buộc Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker ủng hộ nhập cư bất hợp pháp và đẩy nền văn minh EU vào tình trạng nguy hiểm khi cho phép nhập cư hàng loạt. Đồng thời kêu gọi EU cần tôn trọng quyền của các quốc gia thành viên.

Trịnh Huyền My
.
.
.