Pháp:

Biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát

Thứ Hai, 27/02/2017, 13:55
Nhiều cảnh sát đã bị thương khi đụng độ xảy ra tại các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều thành phố như Paris, Nice, Poitiers, Montpellier… Và hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình để ủng hộ Theo - thanh niên da màu, 22 tuổi, bị cảnh sát hành hung và xâm hại hôm 2-2 tại thành phố Aulnay-sous-Bois, và phản đối bạo lực cảnh sát.


Mặc dù Theo đã ra viện hôm 16-2, nhưng nhiều cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát vẫn tiếp diễn. Theo ông Dominique Sopo, Chủ tịch hiệp hội "SOS Racisme", cảnh sát hành hung Theo không phải là vụ đơn lẻ, vấn đề là cần lên án bạo lực cảnh sát.

Và ông cũng bày tỏ sự thất vọng khi cuộc gặp giữa đại diện các Hiệp hội Chống phân biệt chủng tộc tuần qua tại Điện Matignon (Phủ Thủ tướng) đã không đưa ra được các giải pháp cụ thể. Trong số người tham dự biểu tình có Nghị sĩ đảng Sinh thái Noel Mamere và ứng cử viên Tổng thống của phong trào "Nước Pháp bất khuất" Jean-Luc Melenchon.

Người biểu tình trên đường phố Paris.

Theo giới truyền thông, các vụ đụng độ kể trên diễn ra hôm 18-2, khiến cảnh sát phải huy động một lực lượng khá hùng hậu để ngăn chặn bạo lực. Mặc dù cảnh sát đã huy động hàng chục xe tải đỗ dọc các tuyến phố dẫn đến quảng trường Cộng hòa nhằm ngăn chặn các hành vi bạo động, nhưng người biểu tình vẫn xô đổ các rào chắn và ném gậy gộc, lon bia, gạch đá về phía cảnh sát buộc họ phải đáp trả bằng lựu đạn cay.

Riêng tại Thủ đô Paris, hơn 2.300 người (có thông tin nói 5.000 người) đại diện cho các hiệp hội và các tổ chức công đoàn đã tập trung tại quảng trường Cộng hòa để kêu gọi chống phân biệt chủng tộc. Người biểu tình giương cao các biểu ngữ như "Công lý cho Theo", "Hãy dừng bạo lực", "Phản đối phân biệt chủng tộc"…

Riêng cuộc biểu tình tại thành phố Rouen đã biến thành bạo động khiến cảnh sát phải bắt giữ 8 người. Và vụ cảnh sát trấn áp, xâm hại thanh niên da màu Theo đang làm “nóng” chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp, khi tình hình đã trở nên hỗn loạn, nhiều tài sản bị đập phá, buộc cảnh sát phải bắt giữ hàng trăm đối tượng quá khích.

Trước đó (11-2), khoảng 2.000 người đã tụ tập bên ngoài một tòa án đòi công lý cho Theo. Ban đầu cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, nhưng sau đó một số đối tượng quá khích đã xô xát với cảnh sát và tình hình trở nên hỗn loạn, khiến nhiều ôtô bị đốt cháy, nhiều cửa hàng và tài sản tư nhân bị đập phá. Và cuộc biểu tình tối 11-2 đã kết thúc trong bạo động dữ dội.

Cũng trong ngày 11-2, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra ở các thành phố khác như Caen, Nantes, Rouen, Toulouses… Giới truyền thông cho rằng, trong 2 tuần qua, khu vực ngoại ô Thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn ở Pháp đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình kéo dài, thậm chí biến thành bạo động.

Tổng thống Francois Hollande đã lên tiếng trấn an dân chúng, kêu gọi hòa giải giữa người dân và lực lượng cảnh sát, nhưng động thái này cũng không thể xoa dịu cơn thịnh nộ của dư luận. Dư luận cho rằng, cảnh sát đã quá lạm dụng các đợt kiểm tra giấy tờ, đặc biệt tại khu vực người da màu ở các vùng ngoại ô Paris.

Theo một thống kê, một thanh niên da màu ở các vùng ngoại ô bình dân bị kiểm tra giấy tờ nhiều gấp 7 lần so với cư dân da trắng hay người châu Á và vụ việc ở Aulnay-sous-Bois được coi là giọt nước tràn ly, khiến sự giận dữ của cư dân ngoại ô bùng phát, trở thành cơ hội cho các nhóm thanh niên thất học đập phá, cướp bóc và tấn công lực lượng công quyền.

Ngày 14-2, trong chuyến thăm Aubervilliers, vùng ngoại ô phía Đông Bắc của Thủ đô Paris, ông Francois Hollande nhấn mạnh: "Công lý phải được thực thi" - công lý cho Theo, đồng thời lên án các vụ bạo động xảy ra liên tiếp trong những ngày qua. "Chúng ta có thể cùng nhau sống trong một xã hội hòa bình, nhưng phải tôn trọng luật lệ và phải xử lý nghiêm những trường hợp không tuân theo nguyên tắc này", Tổng thống Francois Hollande nhấn mạnh.

Người dân biểu tình để ủng hộ Theo.

Trước đó (13-2), Bộ trưởng Nội vụ Bruno Le Roux cũng lên án "mọi hình thức bạo lực", và kêu gọi người dân "hết sức bình tĩnh". Ông Bruno Le Roux nhấn mạnh, công lý sẽ được thực thi, và chính quyền cũng không dung thứ cho bất kỳ kẻ nào lợi dụng tình hình để đập phá, hôi của hoặc kích động tấn công cảnh sát.

Bởi trong đêm 13-2, cảnh sát đã bắt 25 kẻ quá khích tại các thành phố của tỉnh Seine Saint-Denis (vùng 93). Và các cuộc đập phá đã lan tới một số thành phố của tỉnh Val dOise (vùng 95) và Yvelines (vùng 78). Trước đó (12-2), cảnh sát đã bắt 37 đối tượng tại khu vực gần thành phố Aulnay-sous-Bois, ngoại ô Thủ đô Paris, do có hành động quá khích, xô xát với lực lượng chống bạo loạn.

Trọng Hậu
.
.
.