Pháp:

Huy động hơn 50.000 cảnh sát bảo vệ bầu cử

Thứ Bảy, 22/04/2017, 14:53
"Không có mối đe dọa nào bị loại trừ và đe dọa khủng bố luôn thường trực và ở cấp độ cao" là tuyên bố của tân Bộ trưởng Nội vụ Matthias Fekl, người mới nhậm chức gần 1 tháng sau bê bối tài chính của người tiền nhiệm Bruno Le Roux (từ chức hôm 21-3).


Bộ trưởng Matthias Fekl còn cho biết đã gửi thông báo tới tất cả các địa phương về các biện pháp phòng ngừa cần thiết, cũng như những biện pháp can thiệp trong tình huống khó khăn.

Và theo lệnh của ông Matthias Fekl, hơn 50.000 cảnh sát được huy động để bảo đảm an ninh cho các điểm bỏ phiếu hôm 23-4. Khi trả lời phỏng vấn tờ Le Journal Du Dimanche, ông Matthias Fekl nhấn mạnh, đây là biện pháp cần thiết để đối phó với các mối đe dọa khủng bố.

Pháp đã tăng cường an ninh sau các vụ tấn công khủng bố.

Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Nội vụ cũng bác bỏ mọi nghi vấn gian lận trong bầu cử sau khi có tin cho rằng, có hàng nghìn cử tri đăng ký đi bỏ phiếu tại 2 hoặc 3 đơn vị bầu cử.

Theo tờ Le Monde, các lực lượng thực thi luật pháp sẽ theo dõi sự bùng phát của những người quá khích từ tất cả các bên trong thời điểm nhạy cảm này.

Còn theo thông báo của Bộ Nội vụ, ngoài lực lượng chống khủng bố Sentinelle, hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh được huy động để bảo đảm an ninh tại 67.000 điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng một diễn ra vào ngày 23-4.

Hãng AFP vừa dẫn lời Công tố viên thành phố Paris Francois Molins cho biết, cảnh sát đã tìm thấy 3kg chất nổ, mấy khẩu súng và 1 lá cờ của IS sau khi bắt 2 nghi can hôm 18-4 tại thành phố Marseille, vì tình nghi âm mưu tấn công khủng bố. Được biết, 1 trong 2 đối tượng đã cải sang đạo Hồi trong thời gian ngồi tù.

Theo giới truyền thông, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng, gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia nói chung và cuộc bầu cử Tổng thống nói riêng, từ tháng 3 đến nay, cảnh sát đã bắt 19 đối tượng tình nghi âm mưu tấn công khủng bố. Và để tránh những can thiệp từ bên ngoài đối với kết quả cuộc bầu cử, cơ quan chức năng Pháp còn tăng cường các biện pháp an ninh điện tử đối với việc truyền phát các kết quả.

Theo đó, tất cả kết quả sẽ được tập trung và xác thực tại Bộ Nội vụ. Giới chuyên môn cho rằng, ngoài những quan ngại kể trên, cảnh sát còn quan tâm tới những bất ổn khác.

Bởi trước đó cảnh sát đã siết chặt an ninh ở các nơi công cộng sau vụ tấn công tại nhà ga tàu điện ngầm ở thành phố Saint Petersburg (Nga).

Theo đó, an ninh của Pháp đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Bên cạnh đó là làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở Paris (phản đối vụ cảnh sát bắn chết 1 công dân Trung Quốc).

Cảnh sát Pháp tại cuộc đột kích lục soát nhà hai nghi phạm âm mưu tấn công khủng bố ở Marseille.

Hơn 1 tháng trước (19-3), khoảng 7.500 người đã biểu tình phản đối các hành động bạo lực của cảnh sát và đó là cuộc biểu tình thứ 2 thuộc loại này được tổ chức tại Paris kể từ đầu năm tới nay. Thượng tuần tháng 4, cảnh sát bắt 2 nghi can vị thành niên tại miền Nam nước Pháp vì tình nghi âm mưu tiến hành một vụ tấn công khủng bố.

Cảnh sát cho biết, nhiều trẻ em gái đã nằm trong số các đối tượng vị thành niên bị bắt trong các chiến dịch chống khủng bố gần đây vì bị tình nghi âm mưu tấn công hoặc có tiếp xúc với các thành viên IS hoặc những người ủng hộ nhóm khủng bố này.

Vụ cảnh sát bắn nhầm 2 người khi Tổng thống Francois Hollande đang phát biểu tại thị trấn Villognon cũng là chủ đề được nhắc tới trong dịp này.

Được biết, chốt an toàn của khẩu súng không khóa nên vô tình khai hỏa. Theo giới chuyên môn, bảo vệ an toàn cho cuộc bầu cử vòng một (23-4) và vòng hai (7-5) là thách thức lớn nhất của tân Bộ trưởng Matthias Fekl.

Dư luận đều có chung nhận xét, chưa khi nào cuộc chạy đua vào Điện Elysee lại khó đoán như lần này bởi mọi người thấy rằng, 4/11 ứng cử viên có cơ hội lọt vào vòng hai (sẽ diễn ra vào ngày 7-5).

Theo kết quả thăm dò mới nhất của hãng Ipsos-Sopra Sterna, ứng cử viên trung dung độc lập Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen có khả năng cùng nhận được 22% phiếu bầu, trong khi tỷ lệ ủng hộ dành cho ứng cử viên cực tả Jean-Luc Melenchon là 20%.

Và cuối cùng là ứng cử viên bảo thủ Francois Fillon với 19%. Khoảng cách 3% giữa 4 ứng cử viên hàng đầu cho thấy đây là một cuộc đua rất khó đoán định. Có người nói rằng, cử tri Pháp đang mất phương hướng trong việc bầu chọn Tổng thống.

Trong khi đó, tập đoàn Linkfluence, chuyên phân tích các tìm kiếm phổ biến và xu hướng trên mạng xã hội cho biết, bà Marine Le Pen đang là chính khách được bàn luận nhiều nhất tại Mỹ.

Sự quan tâm dành cho 3 ứng cử viên là Emmanuel Makron, Francois Fillon và Jean-Luc Melenchon đều dưới 5% trong các cuộc tranh luận trên các trang mạng xã hội ở Mỹ, nhưng có gần 50% ý kiến nhắc tới ứng cử viên Marine Le Pen.

Thiện Lân
.
.
.