Pháp đập tan âm mưu khủng bố

Thứ Tư, 14/09/2016, 18:12
Ngày 9/9, Công tố viên Paris Francois Molins cho biết, IS đã chỉ đạo 3 phụ nữ vừa bị cảnh sát Pháp bắt trong một âm mưu tấn công nhắm vào thủ đô. Và đây là bằng chứng cho thấy, IS đang dùng phụ nữ như những kẻ tấn công khủng bố. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết, cảnh sát đã theo dõi các nghi can kể trên trong một thời gian dài. 


Trước đó (3/9), cảnh sát phát hiện chiếc xe Peugeot 607 đỗ gần Nhà thờ Đức Bà tại Paris, chở 6 bình gas cùng nhiều tài liệu tiếng Arab và họ đã bắt 4 đối tượng tình nghi, trong đó 1 người nằm trong diện theo dõi của tình báo Pháp. Ngoài 6 bình gas, cảnh sát còn phát hiện 3 chai đựng dầu trong xe nhưng không tìm thấy kíp nổ.

"Nếu đó là âm mưu tấn công thì phương pháp này rất lạ", một cảnh sát cho biết. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cho biết, 3 phụ nữ bị bắt trong độ tuổi 19-39 và họ đã bị cực đoan hóa, là kẻ cuồng tín và có khả năng đang chuẩn bị thực hiện một hành động bạo lực. Và khi truy bắt 3 phụ nữ kể trên, một cảnh sát đã bị đâm. Nghi can Ines (kẻ tấn công cảnh sát, đã tuyên thệ trung thành với IS và muốn báo thù cho Abu Muhammad al-Adnani, người phát ngôn của IS vừa bị tiêu diệt ở Syria hồi cuối tháng 8) đã viết thư vĩnh biệt để lại cho mẹ trước khi rời nhà ở Boussy-Saint-Antoine.

Trước đó, khi điều trần trước Ủy ban Quốc phòng và Quân lực ở Quốc hội, Giám đốc Tổng cục An ninh nội địa Patrick Calvar từng cảnh báo về hình thức tấn công khủng bố mới bằng chất nổ tại các địa điểm đông người - bọn khủng bố đang chuyển sang giai đoạn dùng xe gài chất nổ.

Pháp tăng cường canh phòng tại khu vực Nhà thờ Đức Bà.

Khi phát biểu nhân chuyến thăm Hy Lạp hôm 9/9, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho biết, cảnh sát nước này vừa triệt phá một nhóm khủng bố, nhưng vẫn còn một số nhóm khác chưa bị bắt.

"Chủ nghĩa thế tục không có gì mâu thuẫn với việc theo đạo Hồi ở nước Pháp, miễn là và quan trọng nhất là họ phải tuân thủ pháp luật", hãng CNN vừa dẫn lời Tổng thống Pháp, khi ông Francois Holland phát biểu về những thách thức của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đối với nền dân chủ.

Tổng thống Francois Holland còn kêu gọi loại bỏ các giáo sĩ Hồi giáo có tư tưởng cực đoan được đào tạo từ nước ngoài, và tạo ra một hệ thống đạo Hồi phù hợp với luật pháp và văn hóa Pháp. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp, hơn 2.100 công dân Pháp đang tham gia vào những cuộc "thánh chiến", trong đó 680 người ở Syria và Iraq, hơn 200 người đã quay về nước và những người này tiềm ẩn nhiều nguy cơ thực hiện khủng bố trên đất Pháp. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cho biết, có 20 địa điểm thờ phụng của Hồi giáo bị đóng cửa vì chủ nghĩa cực đoan từ tháng 12-2015 đến nay.

Gần 2 tháng trước (28/7), cảnh sát Pháp đã xác định danh tính thủ phạm thứ hai tham gia vụ tấn công tại nhà thờ ở Normandy hôm 26/7 là Abdel Malik Petitjean, một thanh niên Hồi giáo 19 tuổi. Ngày 26/7, cảnh sát đã tiêu diệt 2 kẻ bắt cóc con tin tại nhà thờ ở thị trấn Saint-Etienne-du-Rouvray gần thành phố Rouen, vùng Normandy, và đã bắt 5 người liên quan.

Ngày 9/9, người phát ngôn Bộ Nội vụ Bỉ Jan Jambon cho biết, từ đầu năm 2017, hai nhà máy năng lượng hạt nhân của nước này sẽ được bảo vệ bởi một đơn vị chống khủng bố được vũ trang đặc biệt. Bỉ đã quyết định thành lập một đơn vị cảnh sát mới, với khoảng 1.660 nhân viên cùng nhiều trang thiết bị và vũ khí hiện đại, chịu trách nhiệm giám sát các Đại sứ quán, tòa án và nhà máy hạt nhân.

Trước đó (tối 7/9), tại thủ đô Brussels đã xảy ra vụ tấn công bằng dao khiến 2 cảnh sát bị thương nhẹ, còn thủ phạm, 24 tuổi mang quốc tịch Morocco, có tiền án trộm cắp đã bị bắt. Vụ tấn công xảy ra tại quận Molenbeek, khu vực sinh sống của một số đối tượng có liên quan đến các vụ khủng bố của IS. Nghi can đã tấn công 2 cảnh sát khi họ tìm cách tiếp cận đối tượng này sau khi nhận được thông báo của người dân phát hiện một kẻ lạ mặt cầm dao trong Công viên Bonnevie.

Giới truyền thông Đức vừa tiết lộ, Chính phủ đã quyết định tăng ngân sách để đối phó với khủng bố. Văn phòng Liên bang về bảo vệ Hiến pháp (BFV) vừa đề xuất tăng ngân sách hơn 152 triệu euro trong bối cảnh gia tăng các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố cũng như các vụ tấn công mạng.

Cục tình báo Liên bang Đức (BND) cũng có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho việc giải mã các tin nhắn vốn được đối tượng tội phạm hay phần tử khủng bố sử dụng để liên lạc. Bộ Nội vụ Đức còn đề xuất các biện pháp an ninh mới, trong đó có tăng thêm 15.000 cảnh sát để đối phó với kiểu tấn công "sói đơn độc" từng xảy ra ở nước này.

Thiện Lân
.
.
.