Pháp đưa ra những dấu hiệu nhận biết trẻ em đã "cắn câu" khủng bố

Thứ Tư, 12/12/2018, 19:20
Ngoài việc chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các đối tượng khủng bố bằng vũ khí hiện đại, Pháp cũng đẩy mạnh chống tổ chức này bằng tuyên truyền.


Mới đây, Paris đã phát động một chiến dịch chống tư tưởng cực đoan, trong đó cung cấp 9 biểu hiện chi tiết của trẻ em, để cảnh báo các bậc cha mẹ rằng, chúng có thể bị bọn khủng bố tuyển dụng. AP ngày 3-12 cho hay.

Khi trẻ quá khích hùa theo cực đoan

Sau hàng loạt các cuộc tấn công ở Paris, chính phủ Pháp đã vô cùng mạnh tay đối với các vấn đề liên quan đến khủng bố. Cảnh sát nước này từng thẩm vấn cha con một cậu bé 8 tuổi, chỉ vì cậu nói rằng ủng hộ quân "thánh chiến" tấn công thành phố Paris hồi năm 2016 làm 150 người chết; tấn công tòa soạn Charlie Hebdo và từ chối tưởng niệm các nạn nhân sau thảm họa. 

Một hiệp hội tôn giáo ôn hòa cho rằng, cuộc thẩm vấn cậu bé Ahmed và cha cậu là chứng cứ của sự "cuồng loạn tập thể" sau cái chết. Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Najat Vallaud-Belkacem lại nói rằng, trường của cậu bé đã phản ứng "hoàn toàn chính xác" khi đã thông báo lại  hành vi của cậu cho các nhà chức trách và cảnh sát. 

Bà Belkacem nói rằng, không có hành động pháp lý nào chống lại trẻ em nhưng đơn khiếu nại về hành vi cáo buộc là tàn bạo của người cha đối với nhân viên nhà trường đã được gửi đi. Các ý kiến ủng hộ và phản đối việc thẩm vấn Ahmed đã trở thành chủ đề nóng nhất trên phương tiện truyền thông Pháp. Ahmed và cha cậu đã được lệnh phải đến trình diện ở một đồn cảnh sát ở Nice.

"Điều này thực sự là điên rồ. Nó đã vượt qua tất cả các quy tắc", luật sư của gia đình Ahmed, ông Sefen Guez Guez nói, "Chúng ta đã quá nghiêm túc về lời nói của một đứa trẻ 8 tuổi, khi mà nó không hiểu những gì nó nói". Ông Guez Guez là người đầu tiên tiết lộ cuộc thẩm vấn cậu bé trên tài khoản twitter. 

Ông tuyên bố rằng, đã có một lời buộc tội chính thức chống lại Ahmed, và ông đã cáo buộc hiệu trưởng trường đã có hành động bạo lực đối với cậu bé sau tuyên bố ủng hộ khủng bố. Trong khi đó, cảnh sát và các quan chức giáo dục lại khẳng định họ không buộc tội Ahmed vì hành vi của cậu bé và thái độ của người cha là những vấn đề trong quá khứ và phủ nhận các cáo buộc của ông Guez Guez.

Mặc dù hành động này gây ra tranh cãi rất nhiều, nhưng Paris vẫn kiên quyết chống cực đoan ngay từ những đối tượng nhỏ tuổi là trẻ em. Không chỉ kiểm duyệt chặt chẽ thông tin trên internet, chính phủ nước này còn thành lập một trang web phản đối tuyên truyền thánh chiến, và đưa ra một chiến dịch cảnh báo sớm cho các bậc cha mẹ về hành vi bất thường của con cái.

Younes, 13 tuổi, em trai của chủ mưu vụ khủng bố Paris Abdelhamid Abaaoud, đã được tuyển mộ để tham gia IS.

Dấu hiệu nhận biết?

Dưới đây là 9 biểu hiện giúp phát hiện ra một đứa trẻ có thể đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cực đoan:

Trẻ  thận trọng với những người bạn cũ, ít giao lưu và cho rằng họ "không trong sạch". Trẻ có biểu hiện từ chối sự quan tâm từ các thành viên trong gia đình.

Trẻ nhanh chóng thay đổi thói quen ăn uống, không ăn bánh mỳ.

Trẻ không thích và bỏ bê học hành, ngay cả các môn năng khiếu, vì cho rằng, việc học là một phần của âm mưu cải hóa.

Trẻ dừng nghe nhạc vì bị ảnh hưởng từ các "sứ mệnh cực đoan". Trẻ không muốn xem tivi hay tới các rạp chiếu phim vì có thể nhìn thấy hình ảnh bị cấm.

Trẻ ngừng chơi thể thao, vì bị ảnh hưởng rõ rệt của sứ mệnh thánh chiến.

Trẻ thay đổi cách ăn mặc, đặc biệt là trẻ em gái thường thích quần áo trùm kín thân. Thường xuyên lên mạng xã hội, vào các trang web cực đoan, thu mình trong thế giới thực, ngại giao tiếp với người khác, ngại các chỗ đông người.

Sau khi cung cấp những biểu hiện này đến các bậc cha mẹ, chính phủ Pháp cũng lưu ý: "Tùy thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể, việc xác định được những dấu hiệu này cũng không đồng nghĩa với việc đứa trẻ đó đã bị cực đoan hoàn toàn". 

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chính phủ đã thái quá trong việc chống khủng bố, khi mà chiến dịch đã vấp phải một số ý kiến mỉa mai, giễu cợt trên các tài khoản Twitter, đặc biệt là các biểu hiện về quần áo và ăn uống. Một người sử dụng Twitter viết rằng: "Chính phủ đề nghị bạn phải cảnh giác với những người không ăn bánh mỳ" hay "Bất cứ ai nói rằng họ không thích nước sốt, bạn có thể bắt giữ họ".

Chính phủ Pháp cũng đã đưa ra những  lưu ý, cảnh báo trên cùng thời điểm ở một trang web có địa chỉ stop-djihadisme.gouv.fr, để phản đối sự tuyên truyền chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. 

Một đoạn video dài 2 phút trên trang web đã cảnh báo rằng, tham gia IS hoặc các nhóm thánh chiến khác không phải là "một hộ chiếu đến thiên đường" mà là một "tấm vé đến địa ngục". Trang này có cách tiếp cận gần giống với một trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ có vai trò làm "nản lòng" và làm các chiến binh thánh chiến tiềm năng "vỡ mộng", khi tham gia vào một tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Nguyễn Lai
.
.
.