Phi hạt nhân hóa Triều Tiên Giấc mơ xa?

Thứ Năm, 23/08/2018, 16:10
Ngày 8-8, Mỹ đã có động thái nhắc nhở Bình Nhưỡng đừng để Washington phải chờ quá lâu trong việc tiến hành giải giáp hạt nhân hoàn toàn.


Trong một bài phát biểu ngày 8-8, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cho biết: "Họ phải hiểu rằng cộng đồng quốc tế vẫn hy vọng họ sẽ từ bỏ hạt nhân và vì vậy chúng tôi sẵn sàng chờ đợi nếu họ muốn chờ đợi, nhưng chúng tôi không muốn chờ đợi quá lâu".

Mỹ “không muốn chờ lâu”

Những động thái của chính quyền Mỹ vừa qua cho thấy nước này sẵn sàng chờ đợi Chủ tịch CHDCND Triều Tiên thực hiện tiến trình phá hủy hoặc giao nộp dần vũ khí hạt nhân, nhưng họ cũng tỏ thái độ rõ ràng rằng, nếu không thấy có tiến triển, họ sẽ không kiên nhẫn chờ đợi quá lâu.

Vậy nếu Triều Tiên vẫn cứ trì trệ trong việc tiến hành phi hạt nhân hóa, liệu Mỹ có thể làm gì? Hôm 14-8, tờ Fox News cho đăng một bài viết của ông Harry J. Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng thuộc Trung tâm Vì Lợi ích quốc gia, phân tích những tình huống xảy ra nếu Triều Tiên “nuốt lời” với Tổng thống Trump.

Một căn cứ quân sự của CHDCND Triều Tiên nhìn từ vệ tinh

Theo giới phân tích, những bình luận gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên có thể báo hiệu khả năng lãnh đạo Kim Jong-un muốn phá vỡ cam kết mập mờ của mình với Tổng thống Trump trong việc tháo dỡ vũ khí hạt nhân và từ bỏ chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Trong chuyến thăm đến Iran kéo dài 3 ngày, hôm 9-8, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho tuyên bố: “Mặc dù Triều Tiên đã đồng ý cam kết giải trừ quân bị trong các cuộc đàm phán với Mỹ, nhưng chúng tôi sẽ duy trì lâu dài khoa học hạt nhân của mình bởi vì chúng tôi biết rằng người Mỹ sẽ không từ bỏ sự thù địch của họ đối với chúng tôi”.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra một tuyên bố thông qua Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên: “Chừng nào Mỹ còn từ chối ngay cả những ‘nghi thức’ cơ bản cho đối tác đối thoại của họ, bám vào ‘kịch bản’ hành động đã ‘lỗi thời’ mà các chính quyền trước đó đã cố gắng thực hiện, nhưng thất bại, người ta không thể mong đợi bất kỳ tiến bộ trong việc thực hiện những tuyên bố chung Mỹ - Triều, bao gồm việc phi hạt nhân”.

Bình Nhưỡng bất bình

Ông Harry cho rằng rõ ràng những tuyên bố như vậy cho thấy Triều Tiên ngày càng không hài lòng với Mỹ. Dường như Bình Nhưỡng thấy rằng “các biện pháp thiện chí” gần đây của họ đã không được chính quyền Tổng thống Trump đền đáp tương xứng. 

Những “biện pháp thiện chí” này bao gồm: tạm dừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa; tuyên bố đã tháo dỡ địa điểm thử nghiệm hạt nhân; và trao trả hài cốt 55 binh lính Mỹ, những người đã bị chết trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên trước đây.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không có hành động nào trong những biện pháp này của Triều Tiên có ý nghĩa nhiều trong việc chấm dứt mối đe dọa bom hạt nhân và tên lửa hạt nhân từ Bình Nhưỡng. Việc trao trả hài cốt của chỉ khoảng 1% của 5.300 lính Mỹ mất tích và đã chết ở Triều Tiên dường như còn quá nhỏ...

Giới quan sát cho rằng có vẻ như ông Kim quyết tâm làm suy yếu các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ và quốc tế đối với Triều Tiên, cũng như muốn có được tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng một số người cho rằng ngay cả khi ông Kim có được những thứ này, Bình Nhưỡng vẫn tìm được lý do để duy trì ít nhất một số vũ khí hạt nhân của mình.

Vì vậy, nếu Triều Tiên ‘nuốt lời’, không thực hiện những hứa hẹn của mình trong việc chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân, Mỹ và các đồng minh có thể làm gì để đáp lại? Theo ông Harry, có thể chỉ có 3 phương án lựa chọn vào thời điểm này, nhưng không có phương án nào dễ thực hiện.

Tuyên bố kết thúc chiến tranh

Thứ nhất, không để lại một lý do nào cho Triều Tiên có thể viện dẫn để duy trì chương trình hạt nhân của mình. Xưa nay, Bình Nhưỡng vẫn viện dẫn lý do họ đang ở trong cuộc chiến với Seoul để phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Vì vậy, Tổng thống Trump có thể xúc tiến để hai bên chính thức tuyên bố kết thúc chiến tranh, một điều mà theo giới quan sát là “sẽ không có hại gì”.

Ông Harry J. Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Vì Lợi ích quốc gia.

Để làm việc này, Tổng thống Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, có thể thu xếp một hội nghị thượng đỉnh 3 bên với ông Kim Jong-un, tại Khu vực phi quân sự, chia tách 2 miền Triều Tiên. Hoặc thậm chí có thể thay đổi Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Triều Tiên vừa mới tuyên bố gần đây thành Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn-Triều. Tại hội nghị thượng đỉnh này, tất cả 3 nhà lãnh đạo, có thể cùng với Trung Quốc và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, sẽ ký một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Trong trường hợp, Nhà Trắng quan ngại về việc tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh mới, Tổng thống Trump cũng có thể tuyên bố kết thúc chiến tranh theo cách riêng của ông, bằng cách nhắn tin trên mạng Twitter. Hoặc, nếu muốn theo một cách truyền thống hơn, Tổng thống Trump có thể đưa ra một tuyên bố chính thức hơn, phát biểu hoặc tổ chức một cuộc họp báo.

Áp lực tối đa 2.0

Tuy nhiên, ngay cả khi có tuyên bố chấm dứt chiến tranh từ phía Mỹ, mà Triều Tiên thậm chí vẫn không nói về phi hạt nhân hóa, thì có lẽ Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ phi hạt nhân hóa. Khi đó, chính sách của Mỹ sẽ phải thay đổi, để phản ánh thực tế mới này. Đó là áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên, mà một số người gọi là “Áp lực tối đa 2.0”.

Nói một cách đơn giản, phương án này chính là những biện pháp trừng phạt kinh tế và ngăn chặn với một mức độ cứng rắn hơn nhiều so với những gì mà Mỹ đã áp đặt lên Triều Tiên, cho đến nay. Mỹ và các đồng minh có thể thúc đẩy những hành động như: cấm vận dầu và khí đốt toàn diện; trục xuất ngay lập tức tất cả công nhân lao động Triều Tiên trên toàn thế giới về nước; phong tỏa hải quân tiềm tàng để đảm bảo ông Kim không thể bán được bất kỳ quả bom nào từ kho vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa của mình để lấy tiền mặt.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Mỹ cần phải vượt qua một rào cản lớn, đó chính là Trung Quốc. Với việc Washington và Bắc Kinh đang ở trong một cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt, có rất ít khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ để gia tăng áp lực lên ông Kim, bởi Triều Tiên có thể trở thành “lá bài” cuối cùng mà Trung Quốc có thể sử dụng với Mỹ. 

Với 99% ngoại thương của Triều Tiên đi qua Trung Quốc, dưới hình thức này hay hình thức khác, một chiến lược gây áp lực tối đa mới lên Bình Nhưỡng sẽ phụ thuộc vào ý chí của Bắc Kinh. Và Trung Quốc có thể sẽ lợi dụng điều này để yêu cầu Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại với những điều kiện mà Tổng thống Trump có thể thấy rất khó chấp nhận.

Biện pháp quân sự?

Nếu Tổng thống Trump không thể đàm phán với Bắc Kinh để triển khai phương án Áp lực 2.0, ông có thể dùng tới phương án cuối cùng: Tấn công quân sự vào các địa điểm hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng với việc Triều Tiên đã xây dựng được 65 đầu đạn hạt nhân, có thể dễ dàng phân tán khắp đất nước, thì cơ hội phá hủy tất cả chúng trong một cuộc tấn công quân sự gần như bằng không. Một cuộc tấn công như vậy cũng có thể dẫn ông Kim đến một sự lựa chọn nguy hiểm. Ai dám đảm bảo Bình Nhưỡng không nổi giận và phóng bất kỳ vũ khí hạt nhân nào còn sót lại, khi Mỹ và các nước đồng minh không thể phá hủy hết chỉ với một đòn tấn công?

Thực tế cho thấy Triều Tiên đã làm bối rối một số nhà ngoại giao hàng đầu của thế giới trong nhiều thập kỷ. Có thể họ sẽ làm như vậy trong nhiều thập kỷ tới. Không ai biết chắc chắn tương lai trên bán đảo Triều Tiên như thế nào.

Từ những phân tích trên, ông Harry cho rằng thật đáng buồn là việc ép buộc Triều Tiên đồng ý với “tiêu chuẩn vàng” về phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược được và có thể kiểm chứng được, là một “giấc mơ không thể”.

Vĩnh Đông
.
.
.