Philippines:

Cảnh sát được tăng thêm quyền chống tội phạm

Thứ Năm, 08/09/2016, 10:30
Trong khi hung thủ gây ra vụ đánh bom tại một chợ đêm ở thành phố Davao làm 14 người chết tối 2-9 còn chưa bị bắt, 2 vụ nổ khác nhau lại xảy ra ở phía Nam và Bắc tỉnh Cotabato hôm 3-9 càng khiến cho bầu không khí thêm căng thẳng. 


Vụ nổ thứ nhất diễn ra tại một tháp điện cao thế thuộc Tổng Công ty Điện lưới quốc gia của Philippines (NGCP) ở thành phố Carmen, phía Bắc Cotabato, nhưng tháp điện này không bị đổ. Vụ nổ thứ hai xảy ra tại nhà Phó Thị trưởng Polomolok Elias Jovero (bị ném lựu đạn), nhưng không ai bị thương, chỉ bị hư hại trần và cửa kính của ngôi nhà.

Hai vụ nổ kể trên xảy ra chỉ 1 ngày sau vụ nổ ở Davao, khiến 14 người chết và 67 người bị thương, trong đó có 15 người trong tình trạng nguy kịch. Cảnh sát đang truy tìm 3 nghi phạm (1 đàn ông và 2 phụ nữ) có liên quan đến vụ nổ tối 2-9.

Cảnh sát trưởng quốc gia (Tư lệnh cảnh sát quốc gia) Ronald dela Rosa cho biết, nhà chức trách đang cố xác định danh tính một người đàn ông hơn 40 tuổi mà các nhân chứng khai báo đã nhanh chóng rời khỏi khu vực mát xa ở chợ đêm vài giây trước khi xảy ra vụ nổ.

Cảnh sát Philippines phong tỏa hiện trường vụ nổ chợ đêm ở thành phố Davao.

Cảnh sát trưởng quốc gia còn thông báo, các nhân chứng đã phác thảo được hình ảnh nghi phạm và cảnh sát cũng xác định, thiết bị nổ tự chế được làm từ đạn súng cối, loại thường được các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan sử dụng. Phát ngôn viên của Tổng thống Martin Andanar cũng cho biết, cảnh sát đã tìm thấy một thiết bị kích nổ tại hiện trường và cuộc điều tra đang được tiến hành khẩn trương để tìm ra kẻ chủ mưu của vụ việc.

Vụ nổ xảy ra vào khoảng 22 giờ 30 phút hôm 2-9 (theo giờ địa phương) tại khu chợ đêm Roxas bên ngoài khách sạn Marco Polo, và diễn ra đúng thời điểm ông Rodrigo Duterte đang có mặt tại thành phố này, nhưng Phó Thị trưởng Davao Paolo Duterte (con trai Tổng thống Rodrigo Duterte) cho biết, Tổng thống vẫn an toàn. Đồng thời thông báo, thành phố này đã nhận được lời đe dọa đánh bom 2 ngày trước khi xảy ra vụ nổ tối 2-9.

Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, Tổng thống Rodrigo Duterte coi đó là hành động tấn công khủng bố và đã ra lệnh phong tỏa đất nước, ủy quyền và tăng thêm quyền cho quân đội, cảnh sát điều tra, làm rõ vụ việc. Sáng 4-9, ông Rodrigo Duterte ban hành "tình trạng vô luật" trên khắp cả nước, đặt quân đội và cảnh sát vào tình trạng báo động đỏ và cảnh giác cao độ.

Ông Rodrigo Duterte cho biết, đây không phải là thiết quân luật, nhưng đòi hỏi nỗ lực của toàn quốc, sự chung tay của quân đội và cảnh sát - cho phép triển khai binh sĩ tại các trung tâm thành phố để hỗ trợ cảnh sát thiết lập trạm kiểm soát và tăng cường tuần tra. Tổng thống Rodrigo Duterte còn nhấn mạnh, Philippines đang đối diện với một cuộc khủng hoảng liên quan đến ma túy, giết chóc không qua xét xử và đây là một môi trường bạo lực không luật pháp.

Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã hủy chuyến thăm chính thức Brunei sau vụ nổ ở Davao, cho dù đó là chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi ông lên nắm quyền. Vì vụ nổ diễn ra vào thời điểm Tổng thống Rodrigo Duterte đang phát động cuộc chiến chống tội phạm ma túy, phiến quân Hồi giáo và quan chức tham nhũng, nên mọi nghi vấn đều được xem xét một cách cẩn trọng.

Tổng thống Rodrigo Duterte chưa quy trách nhiệm cho Abu Sayyaf, nhưng tuyên bố nhóm này từng đưa ra lời đe dọa trước khi xảy ra vụ nổ ở Davao. Thị trưởng thành phố Davao, bà Sara Duterte (con gái Tổng thống Rodrigo Duterte) cáo buộc Abu Sayyaf là thủ phạm. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cũng cho rằng, nhóm phiến quân Abu Sayyaf đứng sau vụ đánh bom tối 2-9, nhằm trả đũa chính phủ sau khi hứng chịu thiệt hại nặng nề về người tại thành trì đảo Jojo.

Nhưng Abu Sayyaf đã bác bỏ cáo buộc này và cho hay, nhóm phiến quân Daulat Ul Islamiya, đồng minh của chúng mới là người đứng sau vụ nổ kể trên. Tuy nhiên, cảnh sát không loại trừ những nghi phạm khác, trong đó có các băng đảng ma túy.

Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa cũng cho biết, Abu Sayyaf là nghi can hàng đầu, cho dù chưa đưa ra cáo buộc chính thức.

Giới truyền thông không loại trừ khả năng ông Rodrigo Duterte là mục tiêu ám sát của các tổ chức tội phạm và các nhóm Hồi giáo cực đoan. Bởi trước đó (1-9), cảnh sát tuyên bố vừa phá âm mưu ám sát ông Rodrigo Duterte sau khi bắt nhiều thành viên của băng buôn lậu, đã bán linh kiện súng (đủ lắp 100 khẩu súng M-16) cho một nhóm người lên kế hoạch sát hại Tổng thống. 

Wilford Palma, thành viên của băng buôn lậu, đã được dẫn giải ra trình diện trong cuộc họp báo tại trụ sở Cảnh sát quốc gia Philippines ở thành phố Quezon và khai nhận, khách hàng đã đặt mua linh kiện súng để ám sát ông Rodrigo Duterte.

Trọng Hậu
.
.
.