Philippines:

Tổng thống sẽ bị điều tra vì cuộc chiến chống tội phạm ma túy?

Thứ Năm, 22/09/2016, 09:29
Dư luận đã có phản ứng khác nhau sau những tiết lộ động trời của ông Edgar Matobato, sát thủ thuộc "biệt đội tử thần" (còn gọi là đội hành quyết Davao) ở thành phố Davao, nơi Tổng thống Rodrigo Duterte từng làm Thị trưởng (1988-2013). 


Và nhất là sau tuyên bố của Chủ tịch Thượng viện Aquilino Pimentel: Tôi vừa bác đề nghị bảo vệ nhân chứng Edgar Matobato của Ủy ban về công lý và nhân quyền, vì không có luật nào của Thượng viện hợp pháp hoá điều này.

Trong tuyên bố hôm 16/9, ông Aquilino Pimentel nhấn mạnh: không có bằng chứng cho thấy tính mạng hay sự an toàn của Edgar Matobato bị đe dọa - ông Edgar Matobato đã rời Thượng viện, lên một chiếc xe lúc 19h30 hôm 15-9 và hiện không rõ "sát thủ" này đang ở đâu.

Tại phiên điều trần ở Thượng viện được phát trên truyền hình hôm 15-9, "sát thủ" Edgar Matobato cho biết, trong những năm 1990, ông đích thân thực hiện 50 vụ ám sát theo lệnh của ông Rodrigo Duterte, và trong số này có một người bị nghi là kẻ bắt cóc, đã bị ném xác cho cá sấu ăn.

Trong buổi điều trần kể trên, ông Edgar Matobato tự nhận là "sát thủ hoàn lương" và tiết lộ nhiều thông tin gây chấn động dư luận. Ông Edgar Matobato cho biết, sau khi giết người, thành viên của "biệt đội tử thần" phân xác tử thi và chôn ở nhiều điểm khác nhau hoặc quấn chặt bằng băng dính để tránh bị nhận dạng.

Tổng thống Rodrigo Duterte và một số quan chức quân đội.

Theo lời ông Edgar Matobato, "biệt đội tử thần" có 300 thành viên và tên gọi ban đầu của đơn vị này là "những cậu bé Lambada". Và đã có hơn 1.000 người là nạn nhân của "biệt đội tử thần" và họ thuộc nhiều loại tội phạm như buôn bán ma túy, hiếp dâm, bắt cóc, cướp giật…

Ông Edgar Matobato tuyên bố, khi làm Thị trưởng Davao, đích thân ông Rodrigo Duterte đã bắn chết một nhân viên của Bộ Tư pháp bằng khẩu tiểu liên Uzi khi người này chặn đường nhóm sát thủ năm 1993. Vẫn theo lời "sát thủ" Edgar Matobato, sau ông Rodrigo Duterte, con trai Tổng thống là Paolo Duterte, hiện là Phó thị trưởng Davao, cũng ra lệnh giết người, giống như cha từng làm trước đây ở thành phố này.

Ông Edgar Matobato cáo buộc ông Paolo Duterte đã ra lệnh sát hại tỷ phú Richard King 2 năm trước, vì họ yêu cùng một cô gái. Ông Edgar Matobato còn cho biết, sau khi đầu thú năm 2009 có tham gia chương trình bảo vệ nhân chứng, nhưng sau đó đã rời khỏi chương trình này và sống lẩn trốn khi ông Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống.

Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa gọi "sát thủ" Edgar Matobato là "nhân chứng giả" và nói "biệt đội tử thần" chưa bao giờ tồn tại ở Davao. Trong khi một số Thượng nghị sĩ như Panfilo Lacson,  Aquilino Pimentel và Alan Peter Cayetano hoài nghi về lời khai của "sát thủ" Edgar Matobato, thì Thượng nghị sĩ Leila de Lima, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền đã chỉ trích quyết định của Chủ tịch Thượng viện Aquilino Pimentel.

Bất chấp việc Văn phòng Tổng thống Philippines phủ nhận cáo buộc của ông Edgar Duterte, nhưng ngày 16-9, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) vẫn thúc giục Manila làm rõ cáo buộc Tổng thống Rodrigo Duterte có liên quan tới nhiều vụ giết người và để Liên hợp quốc chủ trì cuộc điều tra này.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW, ông Brad Adams tuyên bố, Tổng thống Rodrigo Duterte không thể tự điều tra mình, nên điều quan trọng là Liên hợp quốc phải tham gia vào vụ này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cũng coi đây là những cáo buộc nghiêm trọng và Washington đang xem xét một cách nghiêm túc vấn đề này.

Thư ký báo chí của Tổng thống Martin Andanar tuyên bố, Ủy ban Nhân quyền Philippines đã điều tra nhiều năm trước khi ông Rodrigo Duterte làm tổng thống và họ không phát hiện bất kỳ chứng cứ trực tiếp nào xung quanh cáo buộc kể trên.

Chiến dịch chống tội phạm ma túy bằng phương án "bắn chết không cần xét xử" của Tổng thống Rodrigo Duterte đã và đang gây nhiều tranh cãi cả trong và ngoài Philippines. Nhưng theo báo cáo mới nhất của cảnh sát quốc gia Philippines, cuộc chiến chống tội phạm ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động đã mang lại thành công lớn khi cắt giảm 90% nguồn cung cấp ma túy chỉ trong 2 tháng.

Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa khẳng định, cuộc chiến này chưa kết thúc bởi Philippines vẫn có khoảng 3,7 triệu người nghiện ma túy. Theo tờ The Guardian, số người chết không qua xét xử đã hơn 3.500 người, kể từ khi ông Rodrigo Duterte tuyên thệ nhậm chức Tổng thống. Tờ Philippines Stars cho biết, Tổng thống Rodrigo Duterte đã đề nghị khôi phục án tử hình để giải quyết vấn nạn ma túy nghiêm trọng ở Philippines. 

Ngoài việc đẩy mạnh chiến dịch chống tội phạm ma túy, Tổng thống Rodrigo Duterte còn lên kế hoạch lắp camera an ninh tại các cơ quan của chính phủ để giúp ông giám sát hoạt động của công nhân viên nhà nước nhằm bài trừ nạn tham nhũng. Tuy nhiên, ông Rodrigo Duterte cũng trấn an các nhân viên chính phủ rằng, đề xuất này sẽ không vi phạm bất kỳ quyền riêng tư nào vì chỉ tiến hành ở khu vực công.
Mạnh Phong
.
.
.