Philippines:

Tổng thống thanh lọc Cảnh sát "bẩn"

Thứ Năm, 09/02/2017, 15:16
Theo Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, gần 40% cảnh sát tham gia các hoạt động phi pháp, nên phải làm trong sạch lực lượng này.


"Tôi sẽ đưa các lực lượng vũ trang Philippines vào cuộc chiến chống ma túy, coi vấn nạn ma túy là mối đe dọa an ninh quốc gia, và kêu gọi các lực lượng vũ trang hỗ trợ", tuyên bố hôm 2-2 của Tổng thống Rodrigo Duterte được coi là chỉ đạo.

Theo đó, quân đội sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Việc này diễn ra sau khi Bộ Quốc phòng tuyên bố, những lời nói của Tổng thống Rodrigo Duterte chưa đủ để quân đội can thiệp vào cuộc chiến chống tội phạm ma túy do ông phát động.

Được biết, hôm 1-2, Bộ Quốc phòng đã kiến nghị lên Tổng thống Rodrigo Duterte ban hành sắc lệnh cho phép quân đội tham gia cuộc chiến chống tội phạm ma túy, trong đó trao quyền cho binh lính được phép bắt những "kẻ bất lương" trong lực lượng cảnh sát. "Một sắc lệnh chính thức liên quan tới chỉ đạo của Tổng thống là cơ sở pháp lý để binh sỹ thực hiện", đại diện Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Người phát ngôn các lực lượng vũ trang Restituto Padilla cho biết, trách nhiệm của quân đội trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy đang được thảo luận và chưa rõ kết quả.

Nhưng theo Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon, quân đội có khả nă

ng tham gia cuộc chiến chống tội phạm ma túy, nhưng việc này sẽ chỉ giao cho một số đơn vị đặc nhiệm. Và trong khi quân đội chưa chính thức được giao nhiệm vụ, còn cảnh sát bị tước quyền, Cơ quan Chống ma túy của Philippines sẽ đảm trách vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy.
Một nghi phạm ma túy giơ tay xin hàng khi bị cảnh sát vây bắt tại Philippines.

"Cảnh sát các anh là những kẻ tham nhũng nhiều nhất. Các anh tham nhũng tới tận xương tủy. Tham nhũng trong cả hệ thống. Hãy thanh lọc hàng ngũ các anh. Hãy xem lại các vụ việc. Hãy đưa tôi danh sách những kẻ xấu xa", ngay sau chỉ trích của Tổng thống Rodrigo Duterte là quyết định tạm ngưng cuộc chiến chống ma túy (từ 3 giờ ngày 30-1). Theo ông Rodrigo Duterte, gần 40% cảnh sát tham gia các hoạt động phi pháp, nên phải làm trong sạch lực lượng này.

Sau tuyên bố của ông Rodrigo Duterte, Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa đã ra lệnh giải thể tất cả các đơn vị chống ma túy, để tập trung toàn lực chống tham nhũng trong nội bộ. "Cảnh sát biến chất hãy coi chừng. Chúng ta không còn cuộc chiến chống ma túy nữa. Giờ đây chúng ta tiến hành cuộc chiến chống những kẻ xấu xa", hãng tin UPI dẫn lời Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa.

Theo tờ Inquirer, quyết định kể trên được đưa ra sau vụ một số cảnh sát chống ma túy bắt cóc tống tiền doanh nhân Hàn Quốc Jee Ick-joo. Mặc dù đã giết nạn nhân, nhưng những cảnh sát "bẩn" vẫn nói dối vợ doanh nhân Jee Ick-joo là ông còn sống để lấy 100.000 USD tiền chuộc. Doanh nhân Jee Ick-joo bị bắt tại nhà riêng ở thành phố Angeles, giống như cảnh sát trấn áp tội phạm ma túy. Trong khi đó hãng ABS-CBN News cho biết, sau khi bị siết cổ đến chết, ông Jee Ick-joo bị thiêu trong một nhà hoả táng ở Bagbagin, thành phố Caloocan do cựu sĩ quan cảnh sát điều hành.

Cục Điều tra quốc gia Philippines (NBI) đã thẩm vấn các công nhân ở nhà hỏa táng này và tìm thấy tro cốt của nạn nhân tại đây. Bộ Tư pháp Philippines cũng vừa phải thừa nhận, doanh nhân Jee Ick-joo đã bị bóp cổ đến chết, xác bị thiêu sau khi ông bị đưa về trụ sở cảnh sát hôm 18-10-2016.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã phải xin lỗi về việc này và hứa trừng trị nghiêm hung thủ. Ngày 26-1, ông Rodrigo Duterte đã gửi lời xin lỗi đến Chính phủ Hàn Quốc và tuyên bố "sẵn sàng treo cổ những cảnh sát làm loạn và gửi đầu họ đến Seoul".

Trước đó (18-1), hãng AFP dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, cảnh sát Philippines đã bắt và đang thẩm vấn 8 nghi can, trong đó có 3 cảnh sát "bẩn". Theo giới chuyên môn, Tổng thống Rodrigo Duterte từng treo giải thưởng 5 triệu peso (khoảng 100.000USD) để "lấy đầu" những cảnh sát có liên quan tới cái chết của doanh nhân Jee Ick-joo.

Tuy đưa ra những chỉ trích kể trên, nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn đứng ra bảo vệ ông Ronald dela Rosa, chỉ huy chiến dịch truy quét tội phạm ma tuý. Bởi trước đó (22-1), một số nghị sĩ đã kêu gọi ông Ronald dela Rosa từ chức sau khi để một vài cảnh sát "bẩn" bắt cóc và sát hại doanh nhân Jee Ick-joo.

Tờ Philippine Star cho biết, trong số những nghị sĩ yêu cầu ông Ronald dela Rosa từ chức có Chủ tịch Hạ viện Pantaleon Alvarez, đồng minh của Tổng thống Rodrigo Duterte. Theo ông Pantaleon Alvarez, Cảnh sát trưởng quốc gia Ronald dela Rosa nên từ chức để Tổng thống Rodrigo Duterte không bị khó xử trong vụ việc này.

Ngày 23-1, Cố vấn cấp cao của Tổng thống, ông Christopher Go cho biết, ông Rodrigo Duterte hoàn toàn ủng hộ ông Ronald dela Rosa. Tổng thống Rodrigo Duterte từng cam kết chi 43.000 USD để thưởng cho những ai chỉ điểm bắt giữ cảnh sát bao che hay bảo kê tội phạm ma túy.

Theo thống kê, có ít nhất 3,7 triệu người nghiện ma túy đá methamphetamine và khoảng 600.000 người sử dụng ma túy đã khai báo với chính quyền.

Khắc Dũng
.
.
.