Thế "chân vạc" ở Syria?

Thứ Tư, 06/12/2017, 09:33
Ngày 29-11 vừa qua, tin cho biết quân đội Trung Quốc đang lên kế hoạch triển khai các nhóm đặc nhiệm thuộc Lực lượng “Hổ Siberia” đóng tại tỉnh Thẩm Dương và Lực lượng Ðặc nhiệm “Hổ đêm” ở tỉnh Lan Châu tới Syria.


Nếu thông tin này chính xác, Syria có thể sẽ trở thành một chiến trường cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa 3 bên: Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Diệt khủng bố từ xa

Theo giải thích của Bắc Kinh, việc đưa quân tới Syria nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố thuộc đảng Hồi giáo Turkistan (TIP) hay còn gọi là “Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan”, lực lượng đã tuyển mộ khoảng 5.000 người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương để đưa tới Syria trong vài năm gần đây.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria sắp kết thúc, Trung Quốc đã có những bước đi mạnh mẽ nhằm đối phó với mối đe dọa của các phần tử khủng bố hồi hương để gây bạo loạn trong Khu tự trị Tân Cương.

Theo các nguồn tin đối lập Syria, các nhóm Hồi giáo cực đoan châu Á hiện đang hỗ trợ một chiến dịch quân sự của Liên minh khủng bố - đối lập Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) do Jabhat Fatah al-Sham (nguyên là Jabhat al-Nusra, chi nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda ở Syria) ở vùng nông thôn miền Bắc tỉnh Hama, giáp với phía nam tỉnh Idlib.

Máy bay không người lái (UCAV) của Không quân Trung Quốc.

Gần đây, TIP đã trở thành một trong những lực lượng vũ trang mạnh nhất trên địa bàn tỉnh Idlib của Syria. Điều này có thể đã khiến Bắc Kinh sốt ruột và buộc phải xem xét khả năng tung ra một hành động quân sự chống lại TIP ở Syria, trước khi các tay súng của chúng có cơ hội trở lại Trung Quốc.

Hạ tuần tháng 11 vừa qua, trong cuộc gặp với cố vấn của Tổng thống Syria - ông Bouthaina Shaaban, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ca ngợi các nỗ lực của chính quyền Syria trong việc xử lý lực lượng chiến binh đến từ Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan.

Dấn thêm một bước

Nếu thông tin Trung Quốc phái hai đơn vị đặc nhiệm đến Syria là đúng thì đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa quân vào Syria. Năm 2015, Chính phủ Syria từng cho phép khoảng 5.000 binh sĩ Trung Quốc vào lãnh thổ của họ với tư cách là quân đồng minh và đóng tại khu vực phía tây Latakia. Các cố vấn quân sự của Trung Quốc cũng được triển khai ở đó cùng với các vũ khí không quân và hải quân.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Syria bùng phát năm 2011, Trung Quốc luôn sát cánh cùng Nga trong việc bảo vệ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, đối đầu với phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Bắc Kinh và Moscow nhiều lần đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Syria do phương Tây trình lên.

Tuy nhiên, nếu như Nga hậu thuẫn tích cực cho chính quyền Assad bằng một chiến dịch quân sự mạnh mẽ thì Trung Quốc gần như “im hơi lặng tiếng” trong khía cạnh này. Cho đến gần đây, sự tham gia của Trung Quốc vào Syria mới chỉ tập trung phần lớn vào việc giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình. Bắc Kinh duy trì lập trường công khai là “không can thiệp” vào tình hình nội bộ đất nước Syria.

Mọi việc bắt đầu thay đổi từ hồi năm 2016 khi một chuẩn đô đốc của Hải quân Trung Quốc thực hiện chuyến thăm chính thức đến Damascus và đưa ra cam kết giúp Syria đào tạo, huấn luyện quân sự cũng như một vài hỗ trợ khác. Giới chuyên gia tin rằng, Trung Quốc đang hy vọng giành được một vai trò nổi bật hơn trong cuộc khủng hoảng ở Syria.

Tổng thống Assad từng ca ngợi “sự hợp tác cực kỳ quan trọng” giữa cơ quan tình báo hai nước Syria và Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ. Ông Assad cho rằng mối quan hệ Syria - Trung Quốc “ngày càng phát triển”.

Chia 3

Hoạt động quân sự ở Syria không chỉ cho phép Trung Quốc chống lại mối đe dọa từ tổ chức TIP từ cách xa lãnh thổ của mình hàng chục nghìn dặm, mà còn cho phép nước này thò tay vào cuộc chiến ở Syria, thể hiện vị thế của cường quốc quân sự thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga; đồng thời nâng cao tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi, vốn là địa bàn tranh giành “độc quyền” của Moscow và Washington.

Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố IS sắp kết thúc, những hoạt động quân sự này còn có thể giúp Bắc Kinh giành được một vị trí quan trọng trong quá trình tái thiết Syria, mà không tốn quá nhiều công sức cho một cuộc chiến đã sắp tàn cục.

Lực lượng “Hổ Siberia” đóng tại tỉnh Thẩm Dương.

Việc can thiệp quân sự vào Syria khiến Bắc Kinh có tiếng nói quan trọng đối với chính quyền Damascus trong việc khôi phục nền kinh tế của đất nước này hậu chiến, giúp các doanh nghiệp nước này nhận được các hợp đồng xây dựng hạ tầng cơ sở khổng lồ, được chia sẻ “miếng bánh” đầu tư vào vùng đất nhiều dầu mỏ bậc nhất Trung Đông này.

Quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Syria được thiết lập vào ngày 1-8-1956. Trung Quốc có Đại sứ quán tại Damascus và Syria cũng có Đại sứ quán ở Bắc Kinh.

Trung Quốc và Syria có quan hệ thương mại đáng kể. Năm 2009, thương mại song phương giữa 2 nước có giá trị gần 2,2 tỷ USD, theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và khối lượng thương mại tương tự được dự đoán bởi Bộ Kinh tế Syria năm 2010. Tuy nhiên, thương mại gần như hoàn toàn theo một chiều. Xuất khẩu từ Syria sang Trung Quốc chiếm ít hơn 1% trong tổng khối lượng thương mại ở mức 5,6 triệu USD, trong khi xuất khẩu từ Trung Quốc sang Syria trị giá 2,2 tỷ USD làm cho Syria chủ yếu là nước nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc.

Trung Quốc đang tích cực tham gia vào ngành công nghiệp dầu của Syria. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc là đối tác liên doanh với công ty dầu quốc gia của Syria và Royal Dutch Shell trong Công ty Dầu mỏ Al-Furat, liên minh sản xuất dầu chính trong nước. Tập đoàn Al-Furat sản xuất khoảng 100.000 thùng mỗi ngày. Sinochem là một công ty dầu khác của Trung Quốc đã rất tích cực tham gia vào các cuộc đấu thầu thăm dò dầu mỏ gần đây. CNPC và Sinopec của Trung Quốc đang giúp khôi phục sản lượng theo hợp đồng khôi phục các mỏ dầu trưởng thành ở Syria.

Một số nguồn tin phỏng đoán rằng, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UCAV) vào các tay súng của TIP tại thành phố Idlib vào ngày 17-11 vừa qua, có thể liên quan đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Syria, bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ phủ nhận đây là hoạt động của họ.

Không quân Trung Quốc được biết đến là một trong những lực lượng sử dụng UCAV lớn nhất trên thế giới. Phán đoán này càng có khả năng, bởi Nga cũng đã từng tung ra các hoạt động tương tự nhằm vào các tay súng khủng bố người Chechnya (Chechen) ở khu vực miền Bắc Lattakia. 

Vĩnh Đông
.
.
.