Phòng, chống tội phạm tại các khu công nghiệp ở Bình Dương

Thứ Tư, 29/03/2017, 10:28
Theo Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, do đặc điểm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là quần thể liên hoàn các doanh nghiệp, tuy có ranh giới địa lý tách biệt nhưng trong tổng thể đan xen với các khu dân cư, trung tâm hành chính, dịch vụ… nên tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp.


Điểm "nóng" tội phạm

Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong những năm gần đây có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh.

Hiện toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp (KCN), 17 cụm công nghiệp (CCN), 1 khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, 18.841 doanh nghiệp, trong đó 2.275 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 16.566 doanh nghiệp trong nước...

Các khu, cụm công nghiệp (KCCN) và cơ sở kinh doanh tập trung chủ yếu tại các khu vực đô thị hóa nhanh, được xác định là các địa bàn trọng điểm của tỉnh gồm: TP Thủ Dầu Một (8 KCN), thị xã Dĩ An (6 KCN, 1 CCN), Thuận An (3 KCN, 2 CCN), Bến Cát (7 KCN, 1 CCN) và Tân Uyên (1 KCN, 3 CCN).

Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, số lượng dân nhập cư đến làm ăn sinh sống rất đông, khoảng gần 1 triệu người (chiếm gần 50% dân số của tỉnh); tình hình tội phạm trên địa bàn Bình Dương còn diễn biến phức tạp, trở thành một trong 18 địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm của cả nước.

Tại các địa bàn KCCN, xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm, hoạt động cướp, cướp giật tài sản, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, tín dụng "đen", trộm cắp và tiêu thụ tài sản, làm giả tài liệu cơ quan tổ chức, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy…

Bên cạnh đó, do tính chất vùng giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và Bình Phước nên các đối tượng hình sự, băng nhóm tội phạm thường lợi dụng để ẩn náu, lẩn trốn và hoạt động phạm tội…

Hơn nữa, hoạt động của các loại tội phạm lại ngày càng tinh vi với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Từ đó, gây ảnh hưởng và tác động xấu đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan chức năng và lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh này.

Một băng nhóm giang hồ bị Công an Bình Dương triệt phá.

Theo Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, do đặc điểm các KCCN là quần thể liên hoàn các doanh nghiệp, tuy có ranh giới địa lý tách biệt nhưng trong tổng thể đan xen với các khu dân cư, trung tâm hành chính, dịch vụ… nên tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp.

Theo số liệu thống kê từ năm 2012 - 2016 trên địa bàn các KCCN của Bình Dương đã xảy ra 4.782 vụ phạm pháp hình sự; trung bình mỗi năm xảy ra 956 vụ.

Qua thực tiễn cho thấy tại các KCCN ở Bình Dương nổi lên một số loại tội phạm như giết người, cố ý gây thương tích có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp; tội phạm trộm cắp tài sản cũng tương tự; tội phạm cưỡng đoạt tài sản, đối tượng gây án đa số có tiền án, tiền sự, phần lớn hoạt động theo băng, nhóm; thủ đoạn cưỡng đoạt của tội phạm rất đa dạng.

Nổi lên một số trường hợp là công nhân làm việc trong các KCCN đi làm về vô cớ bị các đối tượng chặn đường đánh, chém gây trọng thương, sau đó chúng đe dọa, buộc nạn nhân phải nộp tiền bảo kê nếu không sẽ tiếp tục bị xâm hại sức khỏe thậm chí tính mạng; đối tượng từng là công nhân tại các KCCN nhưng sau khi thôi việc trở lại gây áp lực cho chủ doanh nghiệp bằng cách quậy phá nơi làm việc, chặn đường đánh, đe dọa công nhân, bắt buộc công nhân phải đình công để gây áp lực buộc chủ doanh nghiệp hằng tháng phải nộp tiền bảo kê cho chúng.

Điển hình như vụ Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện, xử lý băng nhóm chuyên bảo kê, đâm thuê, chém mướn do Nguyễn Trọng Mười (tức Mười Thu quê Nghệ An) cầm đầu, bắt, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ hơn 10 loại vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ…

Một số vụ do các đối tượng lưu manh chuyên nghiệp cầm đầu các băng, nhóm từ các tỉnh, thành phố phía Bắc, và miền Tây Nam bộ đến tranh giành địa bàn tại các KCCN.

Đối tượng hình sự chuyên nghiệp đã mở rộng phạm vi chi phối trên nhiều lĩnh vực như mua bán phế liệu; mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; tổ chức cờ bạc, mại dâm, kinh doanh vũ trường, cho vay nặng lãi, bảo kê…

Nhiều "hàng nóng" của các băng nhóm bị Công an thu giữ.

Huy động sức mạnh tổng hợp để phòng, chống tội phạm

Đại tá Phạm Quốc Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết, qua thực tiễn công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các KCCN tỉnh Bình Dương nổi lên một số vấn đề phức tạp, đặc biệt như KCN Sóng Thần 1, 2; KCN Mỹ Phước 1, 2, 3.

Đây là những KCCN có nhiều tuyến giao thông liên thông với các tuyến quốc lộ 1, tỉnh lộ ĐT 743, đại lộ Bình Dương… nên các loại tội phạm có điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội và sau khi gây án đối tượng có thể bỏ trốn qua các tỉnh lân cận, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý của lực lượng Công an.

Các địa bàn trên cũng là nơi tập trung đông dân cư, nên tình hình tội phạm trộm cắp tài sản có chiều hướng gia tăng trong cơ cấu tội phạm, nổi lên là trộm xe máy, trộm cắp tài sản ở khu dân cư, nhà trọ, trộm cắp tài sản trong công ty…

Bên cạnh đó, lợi dụng sơ hở của doanh nghiệp trong quá trình quản lý, vận chuyển, giao nhận, kiểm kê hàng hóa…, các băng nhóm trộm cắp tài sản đã cấu kết với thủ kho, lái xe, bảo vệ móc nối trộm hàng ra ngoài tiêu thụ.

Điển hình của thủ đoạn này là băng nhóm do tên Nguyễn Văn Phương (36 tuổi, quê Nam Định) cầm đầu.

Thủ đoạn của chúng là phân công thành viên móc nối với bảo vệ của các công ty để trộm cắp tài sản, khi băng nhóm đột nhập vào công ty thì bảo vệ có nhiệm vụ cảnh giới cho các đối tượng trộm cắp.

Công an thị xã Bến Cát đã xác lập chuyên án đấu tranh triệt xóa bắt 18 tên, làm rõ 20 vụ trộm cắp tài sản do băng nhóm này gây ra với tài sản bị thiệt hại khoảng 500 triệu đồng…

Hay băng nhóm do tên Nguyễn Hoài Hận (37 tuổi, quê An Giang) cầm đầu đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong khâu tuyển dụng nhân viên của các công ty vận tải container để lập hồ sơ giả đưa thành viên của băng nhóm vào làm ở các công ty này, sau đó có sự móc nối giữa các đối tượng bên trong và bên ngoài trộm cắp, tiêu thụ hàng hóa vận chuyển trên container khi xe đi trên đường.

Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Bình Dương đã xác lập chuyên án đấu tranh, bắt 21 đối tượng, làm rõ 70 vụ trộm cắp tài sản của băng nhóm này gây ra, tài sản thiệt hại ước tính trên 50 tỷ đồng.

Thường xuyên tổ chức tuần tra, đảm bảo ANTT trong khu công nghiệp Bình Dương.

Đại tá Nguyễn Hoàng Thao nhấn mạnh, nếu để xảy ra những vụ việc bất thường hay tội phạm phức tạp tại các KCCN tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị, dễ gây bất ổn xã hội, chưa kể còn nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác.

Do đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo áp dụng đồng bộ các biện pháp bảo đảm an ninh cho công nhân, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp xảy ra, tạo môi trường ổn định cho công nhân làm việc và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, việc tổ chức và phân công lực lượng bảo đảm an ninh được thực hiện chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Trong đó, Đồn Công an KCN (đã thành lập được 2 đồn ở KCN VSIP và KCN Sóng Thần) là lực lượng chuyên trách ở cơ sở…

Tính từ năm 2011 đến tháng 12-2016, Công an tỉnh đã mở 16 đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, chuyển hóa tình hình an ninh trật tự tại địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh; đấu tranh triệt xóa 256 băng, nhóm tội phạm, trong đó có nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm…

Đã xây dựng được 91 câu lạc bộ phòng chống tội phạm; 240 câu lạc bộ chủ nhà trọ, với gần 12.000 thành viên...

Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp gắn chặt với quá trình đô thị hóa, số lượng các KCCN và công nhân cũng sẽ tăng lên - dự kiến đến năm 2025 sẽ có 40 KCN, 18 CCN với trên 1 triệu công nhân làm việc. Do đó, nguyên nhân và điều kiện phát sinh các vụ việc phức tạp và tình hình tội phạm trong công nhân sẽ vẫn tồn tại, gia tăng.

Vì vậy, công tác phòng, chống tội phạm xâm phạm về trật tự xã hội tại các KCCN được Bình Dương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò và tầm quan trọng, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Tại cuộc Tọa đàm khoa học "Công tác phòng, chống tội phạm tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương" tổ chức mới đây tại Bình Dương, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, đã chỉ đạo Công an tỉnh Bình Dương nhiều nhiệm vụ cấp thiết.

Trong đó, Công an tỉnh Bình Dương cần phải chú trọng làm tốt hơn nữa biện pháp vận động quần chúng; xác định đây là biện pháp cơ bản, chiến lược, làm nền tảng cho các biện pháp công tác khác của lực lượng Công an.

Tập trung đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện vận động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", huy động sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm...

Phú Lữ - Đức Mừng
.
.
.