Phụ nữ Ai Cập "đổ xô" đi học võ karate

Thứ Bảy, 07/02/2015, 11:00
Một xu thế rất đáng quan tâm ở Ai Cập hiện nay là ngày càng nhiều phụ nữ theo học võ karate - điều mà trước đây rất ít khi xảy ra. Ước tính, có 1.250 câu lạc bộ karate, phân bổ rải rác trên 27 tỉnh, thành của Ai Cập, với khoảng 350.000 người theo học, rất nhiều trong số đó là nữ giới.
Học võ để bảo vệ mình

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu xã hội học Ai Cập thì một trong những nguyên nhân thúc đẩy phụ nữ Ai Cập đi học võ karate là tình trạng bạo lực tình dục diễn ra khá phổ biến ở nước này. Theo thống kê, số vụ việc phụ nữ Ai Cập bị tấn công tình dục tăng vọt trong bốn năm trở lại đây.

Những thông tin như lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra trinh tiết người biểu tình, nhiều phụ nữ độ tuổi từ 15 - 49 bị lạm dụng tình dục tại nơi công cộng… gây bức xúc trong dư luận. "Bất kỳ cô gái nào đi bộ trên đường phố cũng phải nhìn ngó tứ phía vì nguy hiểm luôn rình rập. Rất khó tìm thấy sự an toàn trên đường phố", Yilmaz - một vận động viên karate nói: "Tôi cảm thấy rằng, những cô gái học karate hay bất kỳ môn võ phòng thân nào sẽ cảm thấy ít sợ hãi hơn so với những người khác vì nếu bất cứ điều gì xảy ra, họ cũng sẽ biết làm thế nào để bảo vệ bản thân".

Tiến sĩ Abdel Hameed - người đứng đầu Liên đoàn Karate Ai Cập cho rằng, karate thực sự có thể giúp giải quyết vấn đề nan giải này trong xã hội Ai Cập. "Karate dạy về sự tôn trọng người khác. Điều đầu tiên là dạy cho trẻ em cách cúi đầu, cách tôn trọng huấn luyện viên, bạn bè, đồng nghiệp, rồi cách chinh phục kẻ thù. Karate mang lại sự tự tin, đặc biệt là với phụ nữ trong nền văn hóa Ai Cập càng cần nhiều sự tự tin hơn nữa. Suy nghĩ về phụ nữ luôn phải ở nhà làm nội trợ không còn phù hợp trong thời đại ngày nay", Tiến sĩ Abdel Hameed nói. Phụ nữ và trẻ em gái Ai Cập bắt đầu làm quen với môn võ karate từ những năm 1970. Liên đoàn Karate Ai Cập được thành lập vào năm 1972. Hiện nay, khoảng 1/3 những người trong Liên đoàn Karate Ai Cập là phụ nữ.

Vượt qua những rào cản

"Tôi đến từ một gia đình trung lưu ở Ai Cập và tôi không bao giờ tưởng tượng đến việc đi du lịch ở một địa danh nào đó ngoài Ai Cập, đi trên máy bay hoặc nhìn một thứ tương tự như thế",  Shymaa Abou el-Yazed, đội trưởng đội karate nữ của Ai Cập và cũng là một nhà vô địch thế giới chia sẻ. Shymaa Abou el-Yazed năm nay 28 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Shubra, một khu phố miền trung Cairo. "Tôi đã đến những nơi mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng đến. Một trong những nơi đó là Bremen, Đức - địa danh diễn ra giải vô địch karate thế giới", Shymaa Abou el-Yazed nói.

Ngày càng nhiều phụ nữ Ai Cập theo học karate.

Trong giải đấu này, phụ nữ Ai Cập đã giành được cả huy chương vàng đồng đội và cá nhân. Abou el-Yazed được coi là người tiên phong, dám vượt qua rào cản và định kiến xã hội. Cô là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Ai Cập trở lại với môn võ karate sau khi lập gia đình và có con. "Không người phụ nữ nào ở Ai Cập quay trở lại môn võ này sau khi kết hôn. Tôi đã chứng minh cho mọi người thấy sự nỗ lực của bản thân để theo đuổi ước mơ", Shymaa Abou el-Yazed nói. Hiện nay, Abou el-Yazed đã có bằng thạc sĩ về thể thao và cô hy vọng sẽ có được một công việc ở Bộ Thanh niên và Thể thao.

Abou el-Yazed nói rằng, ở Ai Cập dường như không có khái niệm thể thao dành cho phụ nữ và trẻ em gái. "Những người cho con gái chơi thể thao thường là người hâm mộ thể thao, vận động viên hay bác sĩ. Có người từng hỏi tôi rằng, là phụ nữ, sao tôi lại chơi môn thể thao bạo lực như vậy thay vì múa ballet", Abou el-Yazed nói.

Mặc dù số lượng nữ giới tham gia theo học những môn võ thuật, trong đó có karate tăng đáng kể, nhưng theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu thì cuộc đấu tranh để giành quyền bình đẳng cho phụ nữ ở Ai Cập vẫn là con đường dài phía trước. Phụ nữ Ai Cập "đổ xô" đi học võ karate không chỉ đơn thuần là trào lưu, mà nó còn phản ánh sự thay đổi trong xã hội Ai Cập hiện đại. "Xã hội Ai Cập đang có những thay đổi mạnh mẽ và tôi hy vọng, các môn võ thể thao sẽ thu hút thêm nhiều người trên khắp Ai Cập theo học trong những năm tới", Tiến sĩ Abdel Hameed nói.

Mạnh Tường
.
.
.