Làn sóng di cư từ Afghanistan đến Châu Âu:

Phù phiếm giấc mơ thiên đường

Thứ Sáu, 13/11/2015, 17:30
Hàng ngàn người Afghanistan đặt cược cuộc sống vào tay các băng nhóm tội phạm mỗi ngày để tìm kiếm cơ hội đến châu Âu. Chúng đưa ra "chiếc bánh vẽ" về cuộc sống thiên đường ở Châu Âu để thu hút người di cư.


"Chiếc bánh vẽ" về thiên đường Châu Âu

Gia đình Haji Qasem Mohammadi từng là hình mẫu mơ ước của rất nhiều người: có của ăn, của để, một ngôi nhà xinh đẹp và gia đình hạnh phúc. Bị kịch đến khi cậu con trai duy nhất của gia đình bỏ đi không quay lại. "Thằng bé đã bỏ nhà đi mà không có sự đồng ý của chúng tôi", Mohammadi vừa nói vừa nhìn vào khoảng không vô định trước mắt, những nếp nhăn bắt đầu hằn rõ trên trán.

"Khoảng hai tháng trước, Hussain xin đi du lịch tới Iran. Thằng bé nói rằng, nó đến đó để nghỉ cùng bạn bè nhưng không trở lại. Chúng tôi rất lo lắng cho Hussain. Nó mới 16 tuổi. Hàng đêm, tôi đều thức dậy và nghĩ về thằng bé. Đầu tôi như căng ra. Một kẻ buôn người đã lôi kéo nó bằng những hình ảnh lung linh như mặt trăng và các ngôi sao ở Châu Âu", Mohammadi nói.

Theo Mohammadi, những kẻ buôn người luôn nói rằng, chúng có thể đảm bảo an toàn cho người di cư cũng như khoản thu nhập mà người di cư sẽ nhận được khi làm việc ở miền đất hứa. Hussain - con trai Mohammadi đã trả hàng ngàn euro để được những tay buôn người đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, sau đó qua các nước vùng Balkan để đến Đức. Đó là con đường phổ biến nhất cho những người tị nạn muốn đi đến Đức.

Theo Cơ quan tình báo Đức (BND) thì băng đảng buôn người chuyên nghiệp quốc tế đang triệt để khai thác sử dụng tuyến đường này. Mới đây, Cảnh sát liên bang Đức tiến hành truy quét tại 24 thành phố và bắt bảy nghi can tham gia đường dây buôn bán người. BND cho biết, những kẻ buôn người đã cung cấp giấy tờ giả và vé máy bay cho người tị nạn với giá lên đến 10.000 euro/người.

Hơn 3.000 người bị chết đuối hoặc mất tích trong năm nay khi di chuyển bằng thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp.

Mohammadi nói rằng, ông từng không muốn nói chuyện với Hussain. "Bây giờ, Hussain cho biết đã hối hận về quyết định của mình. Những lời hứa của bọn buôn người không bao giờ trở thành sự thật. Hussain hiện đang sống tại một trung tâm tị nạn với nhiều người tị nạn khác. Thằng bé muốn được quay trở lại Afghanistan. Hussain không hài lòng với tình hình hiện tại ở Đức. Thằng bé nói rất nhớ nhà. Hussain, giống như nhiều người trẻ khác đã ảo tưởng về cuộc sống thiên đường ở Đức", Mohammadi nói.

"Chỉ là một giấc mơ và ảo tưởng"

Mohebullah Rezai là một nạn nhân khác trong làn sóng di cư từ Afghanistan đến Châu Âu. Anh đã mất vợ và con gái trong cuộc hành trình nguy hiểm này. Rezai muốn đến Đức để đoàn tụ với người thân nhưng giờ đây, anh cảm thấy hối hận về quyết định của mình.

"Người dân Afghanistan không nên mạo hiểm với mạng sống của mình. Những tay buôn người nói rằng mọi thứ rất dễ dàng và chúng tôi đã đưa cho họ tất cả tiền mặt. Chúng tôi phải chờ đợi nhiều giờ trong rừng, ăn, ngủ vạ vật và sống tạm bợ", Rezai nói. Do chở quá tải, chiếc thuyền gỗ chở hành khách, trong đó có gia đình Rezai đã thủng khiến hàng chục người thiệt mạng. "Châu Âu chỉ là một giấc mơ và ảo tưởng. Nếu hỏi những tay buôn người, họ sẽ nói rằng, không có ai bị chết đuối và hình ảnh trên truyền hình từ rất lâu rồi", Rezai buồn bã nói.

Theo các chuyên gia an ninh ở Afghanistan, nạn di cư ở quốc gia này đang bùng nổ trong những tháng gần đây. Nhiều người Afghanistan rút tiền tiết kiệm, bán đồ đạc, đất đai, nhà cửa để trả tiền cho cuộc hành trình không chắc chắn và không an toàn. "Họ bán tất cả mọi thứ để lấy tiền đến Thổ Nhĩ Kỳ rồi tiếp tục cuộc hành trình dài ngày. Hàng ngàn người Afghanistan đang rời khỏi đất nước mỗi ngày", một chuyên gia an ninh Afghanistan nói.

Tại Afghanistan, nhiều người tin rằng, Chính phủ Đức bảo đảm mọi quyền lợi cho công dân Afghanistan đến Đức. Thậm chí, có tin đồn ở Kabul rằng, Đức đã hứa sẽ đón nhận 800.000 người Afghanistan. Do đó, nhiều người Afghanistan chấp nhận nguy hiểm của cuộc hành trình kéo dài nhiều ngày để đến Đức. "Tình hình an ninh ngày càng tồi tệ và tình hình kinh tế ảm đạm ở quốc gia Nam Á chính là "yếu tố thúc đẩy" người dân rời khỏi Afghanistan", Gerhard Schindler, người đứng đầu BND nhận định.

Mới đây, Đại sứ quán Đức tại Kabul đã phát động chiến dịch tuyên truyền cho người dân Afghanistan về quyền tị nạn và các thủ tục tại Đức. "Thông điệp của chúng tôi là người Afghanistan phải ở lại đất nước mình. Đất nước này cần họ và thuộc về họ. Afghanistan cần những người trẻ để xây dựng đất nước", Jakob von Wagner, phát ngôn viên của Đại sứ quán Đức tại Kabul nói.

Làn sóng người di cư đến Châu Âu vẫn nóng lên từng ngày. Ước tính, hơn 800.000 người đã tìm cách di cư đến châu Âu xin tị nạn trong năm nay. Nhiều người trong số họ đến từ Syria hay Afghanistan. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hơn 3.000 người đã bị chết đuối hoặc mất tích khi di chuyển bằng thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp.
T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.