Phút hoàn lương của kẻ giết người 7 năm lẩn trốn

Thứ Ba, 17/05/2016, 09:54
Sau hơn 7 năm lẩn trốn, Vũ Hoài Khanh (SN 1981, trú tại thôn Thượng Trà, xã Tân Dân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), đối tượng cuối cùng trong vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Tân Dân, huyện Kinh Môn đã đến cơ quan Công an đầu thú, kết thúc hành trình 7 năm lẩn trốn.

Trong vụ án này, Vũ Hoài Khanh không phải là đối tượng chính, trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân Nguyễn Đăng Cường tức Cường Đương (trú tại huyện Kinh Môn) nhưng 7 năm qua, Khanh chưa có một giấc ngủ an lành. 

1. Được sự động viên của cán bộ Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương, Vũ Hoài Khanh tỏ ra khá cởi mở khi tiếp chuyện chúng tôi. Bảy năm lưu lạc, những xô đẩy của dòng đời giúp người thanh niên lầm lạc năm nào trở lên chín chắn hơn. Khanh bộc bạch với chúng tôi về những sai lầm năm nào, khát vọng hoàn lương, ước mơ được trở thành một người bình thường và cả giờ phút cam go đấu tranh với chính mình khi quyết định đến cơ quan Công an đầu thú.

- Khanh biết mình bị cơ quan cảnh sát điều tra truy nã từ khoảng thời gian nào?

+ Sau khi gây án, tôi nhận được điện thoại của đồng bọn báo tin Cường đương đã chết nên lập tức bỏ trốn vào Bình Dương lẩn trốn, từ đó đến nay. Tôi biết thông tin về vụ án và việc bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương truy nã qua mạng Internet, trong một lần đọc báo, Khanh trả lời.

- Vì sao ngay lúc đó, Khanh không trở về quy án để nhận được khoan hồng của pháp luật?

+ Năm đó tôi còn trẻ người, non dạ... nhận thức pháp luật không được như bây giờ. Hơn nữa, tôi cũng lo sợ đã phạm vào tội giết người thì sẽ chẳng có ngày trở lại với gia đình và cộng đồng nên cứ trốn chui, trốn lủi, Khanh bộc bạch.

- Nói như vậy nghĩa là anh quyết định ra đầu thú vì đã tin vào chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ?, tôi hỏi Khanh.

+ Đó chỉ là một trong các lý do. Sau khi được cán bộ Công an huyện Kinh Môn phối hợp với lực lượng Công an xã tổ chức vận động, tôi thấy những lời phân tích của họ hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa, bao năm lẩn trốn, tôi chưa bao giờ làm tròn được nghĩa vụ của một người cha, trách nhiệm của một đứa con... Nói đến đây, tôi thấy đôi mắt Khanh đỏ hoe.  Khanh nhắc đến cậu con trai bị bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ, suốt bao năm qua do ông bà nội nuôi dưỡng, thiếu vắng hoàn toàn tình cảm của người cha và sự yêu thương của người mẹ. Cậu bé do bệnh tật từ nhỏ mà đến giờ vẫn chưa thể giao tiếp được như một đứa trẻ bình thường...

Đối tượng Khanh tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương.

Trong con người Vũ Hoài Khanh, đối tượng từng một thời ngang dọc ấy, điểm yếu nhất có lẽ là tình cảm. Khanh lo sợ những đứa con thơ của anh ta sẽ đi vào vết xe đổ của bố chúng... Đây chính là yếu tố tâm lý, các cán bộ Công an huyện Kinh Môn phối hợp với lực lượng Công an xã lựa chọn để thuyết phục, động viên Khanh quay đầu lại là bờ. 

Về phần Khanh, sau khi bỏ trốn, đối tượng này vào Bình Dương rồi lập gia đình với một người phụ nữ trẻ kém anh ta vài tuổi. Suốt 7 năm đó, sự vất vả của Khanh không phải là đời sống vật chất còn nhiều khó khăn mà chính là sự day dứt về tinh thần. 7  năm qua, Khanh chưa bao giờ có được một giấc ngủ an lành. Để có một quyết định đúng đắn, là đến cơ quan Công an đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật, Khanh đã phải đấu tranh với bản thân rất nhiều. 

Sau một lần đổ vỡ rồi cả những tháng ngày lưu lạc, sống mà không bằng chết, Khanh chỉ muốn có một giấc ngủ an lành, một mái ấm gia đình đủ đầy... Một điều mà với tất cả những người khác là bình thường, có khi chỉ là quy luật sinh học của con người thì với Khanh đó lại là điều xa xỉ. 

Nỗi đau ngày càng nhân lên khi Khanh không biết chia sẻ, giãi bày với ai để vơi đi nỗi niềm cay đắng ấy, ngay cả với người vợ đầu gối má kề. Khanh lo sợ, nếu sự việc bị lộ tẩy, vợ Khanh sẽ không bao giờ tha thứ cho anh ta. Đêm đêm trong những giấc ngủ không an lành, những hình ảnh hãi hùng của 7 năm về trước lại hiện về trong trí nhớ.

2. Đó là một ngày giữa tháng 12-2009. Hôm đó, ông Nguyễn Văn Thạch (ở khu 3, thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn) mở tiệc chiêu đãi khách của con trai là Lương Nguyễn Tiến Luận còn có biệt danh Luận “sẻ”, một trong những đối tượng hình sự cộm cán, hiện đang thụ án tại Trại giam số 5 Bộ Công an. 

Những người dự tiệc hôm đó có Lương Văn Giang; Phạm Hải Anh Nguyễn Văn Dũng còn có biệt danh Dũng “Cháy”; Trần Văn Công; Thân Văn Cường, Đỗ Huy Hùng, Trần Xuân Thanh (cùng trú tại tỉnh Hải Dương); Nguyễn Đức Hảo (trú tại Hải Phòng); Lê Khánh Trình và Phạm Văn Thuận (ở tại Đông Triều, Quảng Ninh) cùng một số người bạn của Luận với khoảng 30 người. 

Cùng ngày hôm đó, gia đình anh Trần Khắc Khuê cũng ở Minh Tân, tổ chức khánh thành nhà mới, có mời một số khách đến ăn cơm. Trong số khách mời có Nguyễn Đăng Cường tức Cường Đương; Nguyễn Văn Phức; Đinh Huy Cường; Ngô Anh Tuấn; Trần Văn Năng cùng ở Kinh Môn và Hoàng Trung Giang ở Đông Triều. Đối tượng Dũng “cháy” cũng là một khách mời của Khuê, sau đó cũng đến dự buổi liên hoan khánh thành nhà. 

Bữa tiệc kéo dài đến khoảng 19 giờ cùng ngày thì kết thúc, hầu hết mọi người đều trong tình trạng say rượu. Trong lúc ngồi uống nước, anh Phức có châm thuốc mời anh Lâm, một người có mặt trong bữa rượu... 

Trong lúc này, đối tượng Năng cũng có những lời nói không lọt tai khiến Phức tỏ ra rất khó chịu. Phức cho rằng Năng giễu cợt anh ta khi cho rằng Phức không đủ tư cách để mời anh Lâm hút thuốc lá khi đối tượng này bất ngờ dùng tay giật điếu thuốc trên miệng Lâm vứt đi. Đang có hơi men, Phức cũng không kiềm chế được bản thân, dùng ghế đập vào đầu Năng. Thấy vậy, Cường Đương, Dũng “Cháy” và một số người đứng dậy can ngăn nhưng bị các đối tượng trong nhóm đối phương gạt đi...

Sự việc tưởng dừng ở đây, nếu không có mâu thuẫn giữa Dũng “Cháy” và Cương Đương từ trước đó. Khi bị Cường Đương tỏ ý coi thường, Dũng “cháy” vô cùng tức giận. Sẵn máu yêng hùng, đối tượng này liền gọi đồng bọn là Đỗ Huy Hùng (SN 1990, trú tại Kinh Môn) và Thân Văn Cường để trả thù… Khi đó, Khanh cùng với Trần Văn Công (SN 1979, trú tại Kinh Môn) đang ngồi ở quán phở trong nhà Công. Khi được Công rủ đi trả thù cho Dũng “cháy”, Khanh liền đồng ý, đối tượng này cũng mang theo một con dao nhọn…. 

Nạn nhân của vụ án là Cường Đương đã bị Hùng, Trình và một số đối tượng trong ổ nhóm chém tử vong. Về phần Khanh và Công, đến muộn hơn nên không trực tiếp tham gia vào vụ giết người. Khi Khanh và Công vào đến hiện trường vụ án thì nạn nhân Cường đương đã tử vong. 

Trong vụ án này, sự liều lĩnh của các đối tượng là chúng truy sát đến cùng, gây ra cái chết rất thương tâm cho nạn nhân... gây hoang mang dư luận trên địa bàn. Sau khi biết tin Cường Đương tử vong, Hùng, Dũng “Cháy”, Công, Khanh, Cường, Thanh, Trình bỏ trốn. 7 đối tượng sau đó lần lượt bị bắt giữ và đầu thú, trong đó có đối tượng đang bỏ trốn tại Campuchia. Về phần Khanh, đối tượng này cũng không một lần liên lạc với những người thân trong gia đình.

- Khanh đã bao giờ kể lại với chị Hà Thị Thủy, vợ Khanh về quá khứ lầm lạc của mình; về việc Khanh đang có lệnh truy nã?, tôi hỏi Khanh.

+ Tôi chưa bao giờ nói với cô ấy về việc mình có quyết định truy nã... Mỗi khi vợ tôi hỏi về quê hương bản quán, tôi lại lấy lý do kinh tế để thoái thác không đưa cô ấy về nhà.

- Vì sao hai đứa con của Khanh sau này lại mang họ của chị Hà Thị Thủy?

Đó cũng là điều tôi luôn day dứt trong những năm qua. Vì sợ nhân thân mình bị lật tẩy, tôi đã không dám trở về địa phương đăng ký kết hôn.

Suốt bao năm lẩn trốn, Khanh không một lần liên lạc với gia đình. Về phần Công an tỉnh Hải Dương cùng với việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ truy bắt Khanh, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với Công an huyện Kinh Môn và lực lượng Công an xã đã thông qua những người thân, quen trong gia đình thuyết phục Khanh đến cơ quan Công an đầu thú. 

Mỗi lần gặp cán bộ Công an, mẹ Khanh lại rưng rưng nước mắt vì thương, nhớ cậu con trai. Khi Khanh bỏ đi, con trai của Khanh chưa đầy 2 tuổi… Cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh, sau khi cha mẹ ly hôn, bố trốn lệnh truy nã, sống dựa hoàn toàn vào sự chăm sóc của ông bà thật vô cùng đáng thương. Đây có lẽ cũng là tâm tư của Khanh… Suy nghĩ của Công an huyện Kinh Môn cũng là những tâm tư, tình cảm của Vũ Hoài Khanh. 

7 năm tha phương cầu thực, Khanh đã có một mái ấm hạnh phúc cùng một người phụ nữ quê Thanh Hóa. Thế nhưng người đàn ông ấy luôn mong mỏi được trở về quê hương bản quán; được thắp hương lên phần mộ của tổ tiên, chăm sóc cha mẹ đã ở vào cái tuổi xế chiều, đứng bóng. Ngoài nỗi ám ảnh tội lỗi do hành vi phạm tội đã gây ra, Khanh còn day dứt về việc anh ta không làm tròn thiên chức của người con, trách nhiệm của người cha và một người chồng…

Suy nghĩ thật lâu, Khanh quyết định về Công an huyện Kinh Môn đầu thú vào những ngày đầu tháng 4-2016. Khi có mặt tại Ủy ban nhân dân xã, người đàn ông ấy, chỉ có một nguyện vọng duy nhất là được ăn một bữa cơm sum họp với những người thân trong gia đình. Hiểu được suy tư của Khanh, nguyện vọng của anh ta đã được đáp ứng. 

Bữa cơm sau 7 năm xa cách, nước mắt Khanh như chảy ngược vào trong... đó là nước mắt của ngày sum họp nhưng cũng là hạnh phúc và hy vọng một tương lai tươi sáng hơn. 

Đêm hôm đó, khi vợ con đã ngon giấc, Khanh lặng lẽ xách ba lô có mặt tại cơ quan Công an. Khanh không muốn vợ và những đứa con thơ chứng kiến cảnh tượng ấy... Khanh cũng không dám đối mặt với chị Thủy để thừa nhận anh ta đã lừa dối vợ trong suốt bao năm qua. 

Trong Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương những ngày này, Khanh chỉ mong muốn rằng, vợ Khanh sẽ tha thứ cho anh ta; cho Khanh một cơ hội làm lại cuộc đời...

Xuân Mai
.
.
.