Pimco cảnh báo rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Thứ Ba, 18/07/2017, 16:28
Rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu chính là sự đối mặt giữa Mỹ và một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Trung Quốc.


Rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu là gì? Theo một diễn đàn đầu tháng 6 vừa qua về các thị trường trên toàn thế giới do Quỹ Ðầu tư Pimco tổ chức, đó không phải là cuộc chiến thương mại trên quy mô toàn cầu như người ta lo ngại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về việc huỷ bỏ các thỏa thuận, rút lui khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và áp đặt thuế đánh vào các mặt hàng nhập khẩu của những nước bị buộc tội gian lận.

Thay vào đó, rủi ro lớn nhất chính là sự đối mặt giữa Mỹ và một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Trung Quốc. Tại diễn đàn quy tụ các diễn giả danh tiếng như cựu Chủ tịch Hạ viện và là người ủng hộ ông Donald Trump, Newt Gingrich; cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers và cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke.

Giấc mộng Trung Hoa và “Mỹ trên hết”

Để minh chứng cho điều này, một báo cáo của Pimco cho biết: “Có lẽ bi kịch rủi ro lớn nhất không phải là sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại toàn cầu với việc Mỹ đơn phương rút khỏi WTO, mà đúng hơn là một cuộc đàm phán thương mại song phương cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc bên ngoài diễn đàn giải quyết tranh chấp của WTO, một quá trình được đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer gọi là “sự vi phạm”. Chắc chắn, mối quan hệ Mỹ - Trung trở nên phức tạp hơn bao giờ hết trong thời của ông Donald Trump.

Trong khi Tổng thống Trump và chiến lược gia của ông là Steve Bannon đưa Mỹ hướng tới tư tưởng "Nước Mỹ trên hết" và "chủ nghĩa dân tộc kinh tế", Trung Quốc cũng đang cố gắng tự khẳng định mình là nhà vô địch của nền kinh tế toàn cầu hóa.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời đề nghị lấp đầy khoảng trống dường như đã bị bỏ trống của tân Tổng thống Mỹ. Tờ  New York Times viết: "Việc một nhà lãnh đạo nước CHND Trung Hoa có thể đưa ra tuyên bố nắm vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực tự do thương mại nói lên sự thay đổi bất thường, thậm chí bất thường của trật tự toàn cầu trong những tháng gần đây".

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đầu tháng 6 vừa qua, ông Tập tiếp tục đưa ra những quan điểm của mình như những nỗ lực mạnh mẽ nhất cho toàn cầu hóa bằng cách khẳng định lại cam kết của Trung Quốc đối với Hiệp định về thay đổi khí hậu ở Paris. “Khi chính quyền Tổng thống Donald Trump mất đi vai trò truyền thống của Mỹ trong sự thống trị về thương mại và phát triển, Trung Quốc đã lấp đầy khoảng trống này, ngày càng mở rộng dấu chân của mình trên toàn cầu trong mọi lĩnh vực, từ đường sá, cầu cảng mới đến các khoản vay ngân hàng và các dự án năng lượng”, AP cho biết, dẫn chứng việc Bắc Kinh đã thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để làm đối thủ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB).

Ngoài ra, bằng cách từ bỏ Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đàm phán dưới thời chính quyền ông Obama, Tổng thống Trump có thể đã đóng góp cho việc mở rộng quyền lãnh đạo của Trung Quốc ở châu Á.

Cả hai cùng thiệt

Vậy viễn cảnh của một cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là mối đe dọa lớn như thế nào? Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ hơn Mỹ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo thống kê, năm 2015, Trung Quốc xuất khẩu khoảng hơn 480 tỷ USD vào thị trường Mỹ, trong khi chiều ngược lại chỉ đạt khoảng 145 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu để mất thị trường Trung Quốc sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến các ngành sản xuất của Mỹ, từ các sản phẩm nông nghiệp cho đến thiết bị công nghệ, và điều đó sẽ khiến nhiều người Mỹ thất nghiệp. 

Trong một cuộc chiến thương mại, các công ty như Apple sẽ đối mặt với sự sụp đổ khủng khiếp trong dây chuyền cung ứng và phải đẩy giá sản phẩm tăng mạnh để bù lại, có thể khiến một lượng lớn khách hàng quay lưng. Điều này càng nghiêm trọng khi thị trường điện thoại thông minh ở Trung Quốc lớn gần gấp đôi thị trường Mỹ và Tây Âu cộng lại.

Viện Peterson đã nghiên cứu kịch bản khi Mỹ tiến hành chiến tranh thương mại với cả Trung Quốc và Mexico dựa trên những đe dọa của ông Trump. Viện này tính ra rằng Mỹ có thể rơi vào suy thoái kinh tế và mất khoảng 4,8 triệu việc làm khu vực tư nếu áp thuế nhập khẩu 45% lên hàng hóa Trung Quốc, 35% lên hàng hóa phi dầu mỏ từ Mexico và nếu 2 nước này cũng có những biện pháp trả đũa tương tự.

Trong thực tế, những hàng rào thuế quan Mỹ dựng lên là lợi bất cập hại. Chẳng hạn, năm 2009, Mỹ áp thuế 25-35% đối với lốp xe tải và xe hơi nhập từ Trung Quốc trong vòng 3 năm. Ngành sản xuất lốp xe trong nước gia tăng khi mới triển khai, nhưng sau đó những nước khác đã nhanh chân thế chỗ Trung Quốc. Theo Thời báo Los Angeles, lốp nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia đã gia tăng gấp đôi về giá trị. Và vì giá lốp xe tăng, việc làm ngành bán lẻ lốp xe giảm. Viện Peterson ước tính số việc làm mất trong ngành bán lẻ lớn hơn số việc làm tạo ra trong ngành sản xuất.

Mặt khác, bản báo cáo cũng chỉ ra rằng, Mỹ "sẽ bị tổn thương khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ hoặc rút về một lượng lớn tiền gửi từ các kho bạc của Mỹ". Đồng thời, Nhà Trắng cần ảnh hưởng của Bắc Kinh trong việc kiềm chế các tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, và Tổng thống Trump cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã tạo ra một mối quan hệ cá nhân trong cuộc họp tại Mar-a-Lago vào tháng 4 vừa qua.

 "Nói tóm lại, chúng ta thấy được mặt trái trong mối quan hệ thương mại Trung - Mỹ có thể trở nên gay gắt, có nguy cơ bị tính toán sai ở cả hai bên, và các ảnh hưởng tiêu cực bên ngoài càng tăng thêm thông qua nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính”, Pimco cho biết.

Vẫn chưa rõ ràng

Pimco cảnh báo, chính quyền của ông Donald Trump vẫn còn trong những ngày đầu và có rất ít chi tiết về chính sách thương mại "Mỹ trên hết" như một chính sách thương mại thực sự đòi hỏi. Nó cho biết cải cách thuế doanh nghiệp, chi tiêu cơ sở hạ tầng và "các thỏa thuận thương mại để mở rộng thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và khuyến khích các công ty đầu tư vào Mỹ..., tất cả đều là một lợi thế cho sự tăng trưởng.

Trong khi những người tham gia diễn đàn Pimco lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, thì những người khác lại lo ngại khi Mỹ rút khỏi Hiệp định về thay đổi khí hậu ở Paris. Jeff Schott, thành viên cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đưa ra gợi ý cho CNN Money rằng, các quốc gia khác có thể sử dụng thuế carbon đối với hàng hóa của Mỹ để trả đũa việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận của 195 quốc gia. Mức thuế quan có thể tăng lên theo lượng carbon phát sinh trong quá trình sản xuất ra sản phẩm.

"Nếu bất kỳ quốc gia nào đưa ra thuế carbon, có nguy cơ các quốc gia khác có thể cũng sẽ áp đặt những hạn chế của chính họ" - nhà kinh tế học Gregor Irwin thuộc Công ty Tư vấn rủi ro Global Counsel phát biểu trên CNN Money - "Bạn chỉ có nguy cơ bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh thương mại lỗi thời".

Hồng Định
.
.
.