"Quả bóng" có thể hủy diệt thế giới

Thứ Sáu, 01/12/2017, 11:23
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam dự Hội nghị APEC và thăm chính thức nước ta, đoàn của ông luôn mang theo một “quả bóng”, được bảo vệ cực kỳ cẩn thận.


Đó là một “quả bóng” đáng sợ nhất thế giới. Một khi được sử dụng, “quả bóng” đó có thể mang đến cái chết của hàng chục triệu người, thậm chí là sự hủy diệt của trái đất.

Bạn có đoán ra được “quả bóng” đó là gì chưa? Nó chính là “quả bóng hạt nhân” (nuclear football) của các tổng thống Mỹ.

Thật ra, dù được gọi là “quả bóng”, nhưng hình dáng của nó chẳng có chút gì giống với quả bóng, mà giống một chiếc cặp hoặc một chiếc vali hơn. Trong thực tế, nó là một chiếc vali, và tên tiếng Việt của nó là “vali hạt nhân”. Nó là chiếc vali chứa những thứ có thể được sử dụng để kích hoạt một cuộc tấn công hạt nhân.

Mỹ là quốc gia đầu tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và cũng là nơi khai sinh chiếc vali hạt nhân đầu tiên. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Tổng thống John F. Kennedy lo ngại những phần tử cực đoan trong giới lãnh đạo Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Liên Xô mà không được sự chấp thuận của ông. Ngoài ra, ông cũng muốn mình có thể phát động cuộc tấn công hạt nhân chiến lược ở mọi nơi. Chiếc vali hạt nhân ra đời từ đó.

Chiếc vali có thể được tổng thống Mỹ sử dụng để ra lệnh cho một cuộc tấn công hạt nhân khi ông không có mặt tại các trung tâm mệnh lệnh cố định, chẳng hạn như Phòng Tình trạng Nhà Trắng. Nó hoạt động như một trung tâm di động trong hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ. Nó được giữ bởi một sĩ quan phụ tá.

Vali hạt nhân sẽ không bao giờ rời tổng thống và cuộc tấn công hạt nhân được tổng thống kích hoạt bằng một thẻ nhựa chứa mã vạch thực hiện cuộc tấn công hạt nhân.

Chiếc vali được làm bằng nhôm, do Hãng Zero Halliburton sản xuất, đặt trong lớp vỏ da nên trông giống như một chiếc vali bình thường. Vật dụng chứa trong vali gồm một quyển sách “Black Book”, chứa các phương án trả đũa hạt nhân; danh sách các địa điểm tối mật để tổng thống ẩn náu khi cần; tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ liên lạc khẩn cấp; thẻ chứa mã kích hoạt tấn công hạt nhân.

Sau khi tổng thống đã lựa chọn phương thức tấn công, lệnh này sẽ được chuyển đến Lầu Năm Góc, dùng mã xác nhận có niêm phong; rồi lệnh được chuyển đến Sở chỉ huy chiến lược Mỹ tại Căn cứ không quân Offutt tại Nebraska, Mỹ.

Sau đó, lệnh tấn công được đưa đến đội thực hành, dùng mật mã đã được mã hóa. Mật mã này phải trùng khớp với mật mã đội thực hành đang giữ trong két sắt. Khi đó, cuộc tấn công bắt đầu.

Về cơ bản, quyền kích hoạt cuộc tấn công hoàn toàn thuộc về tổng thống. Về lý thuyết, tổng thống là người kích hoạt nhưng bộ trưởng Quốc phòng sẽ là người trực tiếp thực hiện. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể bất tuân nếu nghi ngờ động cơ của tổng thống.

Tuy nhiên, điều này sẽ phạm luật đảo chính và tổng thống có thể bãi nhiệm  bộ trưởng Quốc phòng, chỉ định thứ trưởng Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ.

Theo Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, về lý thuyết, phó tổng thống có thể tuyên bố tổng thống không đủ tỉnh táo đưa ra một quyết định đúng đắn, nhưng khi đó phó tổng thống cần phải được hầu hết Nội các đứng sau lưng.

Vụ tấn công sẽ được triển khai 15 phút sau khi được tổng thống kích hoạt. Vũ khí kích hoạt từ vali không được tiết lộ, nhưng theo CNN, Mỹ có 975 đầu đạn hạt nhân luôn sẵn sàng sử dụng, và mỗi đầu đạn này đều mạnh gấp 10-20 lần so với quả bom đã hủy diệt thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945.

“Quả bóng hạt nhân” chính là biểu tượng của sức mạnh Mỹ và cho thấy trọng trách nặng nề của tổng thống Mỹ.

Xuân Trường
.
.
.