Quá nhiều thách thức với tân thủ tướng Malaysia

Thứ Tư, 11/03/2020, 14:43
Kết quả của tuần lễ hỗn loạn trên chính trường Malaysia thật là bất ngờ. Các đảng phái chính trị đã từng bị thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử năm 2018 lại quay trở lại nắm quyền. Dù có trở lại cầm quyền nhưng hình ảnh của các đảng này đã thực sự bị hoen ố nghiêm trọng bởi những vụ bê bối liên quan tới tham nhũng trong quá khứ.


Sự kiện này trên thực tế cũng đã thủ tiêu mọi thành quả của cuộc bầu cử năm 2018, một cuộc bầu cử đã từng được toàn thế giới chào đón như một chiến thắng của nền dân chủ và sự minh bạch.

Một cuộc đảo chính trong nội bộ

Ngày 1/3, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Muhyiddin Yassin, 72 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng, trở thành vị Thủ tướng thứ 8 của Malaysia. Chính trường Malaysia đã có một tuần lễ cực kỳ hỗn loạn gây ra bởi sự từ chức đầy bất ngờ của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad. Từ trước đến nay, Muhyiddin chưa bao giờ được xem là một ứng cử viên nặng ký cho chức Thủ tướng Malaysia. Nhưng Muhyiddin đã thành công trong việc lôi kéo UMNO (Đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất) và một số đảng đối lập khác, những đảng đã thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018 chuyển sang ủng hộ mình (với lời hứa sẽ đưa họ trở lại cầm quyền).

Ông Muhyiddin Yassin đọc tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng.

Muhyiddin Yassin từng là thành viên của UMNO và là Phó Thủ tướng của Najib Razak. Khi ông ta lên tiếng phản đối Chính phủ của Najib cản trở cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước 1MDB (1Malaysia Development Bhd), ngay sau đó Muhyiddin bị cách chức và bị trục xuất khỏi đảng UMNO.

Sau đó, Muhyiddin đã gia nhập vào đảng của Mahathir và trở thành trợ thủ đắc lực của ông này. Cùng với một số đảng đối lập họ đã lập ra Liên minh của Hy vọng và đánh bại Liên minh cầm quyền do UMNO lãnh đạo trong cuộc bầu cử năm 2018. Trong Chính phủ của Mahathir được thành lập sau đó, Muhyiddin giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.    

"Tôi cảm thấy bị Muhyiddin lừa dối, anh ta đã âm thầm chuẩn bị cho âm mưu này từ lâu và giờ anh ta đã thành công", cựu Thủ tướng Mahathir đã nói như vậy vào ngày 1-3. Ông Mahathir cũng khẳng định rằng mình đã có được sự ủng hộ của đa số các nghị sĩ, ngay cả sau khi nhà vua Abdullah Ri'ayatuddin đã chỉ định Muhyiddin làm Thủ tướng.

Ngày 20/2, khi bàn bạc với nhóm nghị sĩ của đảng cầm quyền, Muhyiddin đã thuyết phục Thủ tướng Mahathir Mohamad rút khỏi liên minh cầm quyền và thành lập một liên minh mới với UMNO, đó là cách để có thể hủy bỏ kế hoạch đã ấn định trước để cho Anwar Ibrahim lên nắm quyền sau 2 năm. Từ chối đề nghị của Muhyiddin, Thủ tướng Mahathir đã đột ngột nộp đơn từ chức lên nhà vua vào ngày 24/2.

Giải thích cho hành động này, ông nói: "Tôi từ chối làm việc với những kẻ đang là bị cáo của những phiên tòa hình sự". Tuyên bố này của ông rõ ràng để ám chỉ các nghị sĩ của UMNO, một trong số đó là cựu Thủ tướng Najib Razak, người bị truy tố vì đã biển thủ phần lớn số tiền trong quỹ đầu tư quốc gia 1MDB, có ít nhất 5 nhà lãnh đạo khác của UMNO cũng dính líu vào vụ này.

Giờ đây, sau khi ông Muhyiddin ngồi ghế Thủ tướng, liên minh cầm quyền mới sẽ phải hoạt động theo những đường lối của đảng UMNO (với 39 nghị sĩ) và của đảng PAS (Parti Islam Se-Malaysia) theo khuynh hướng Hồi giáo (với 18 nghị sĩ). Đảng UMNO đã lãnh đạo liên minh cầm quyền trong vòng 6 thập kỷ và chỉ bị đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2018, nhưng rất nhiều thành viên của đảng này vẫn còn đang giữ các vị trí chủ chốt trong các cấp chính quyền và các tập đoàn gắn kết với nhà nước.

Chiến thắng vang dội của Liên minh Vì Hy Vọng trong cuộc bầu cử năm 2018. ông Mahathir Mohamad (đứng giữa); ông Muhyiddin Yassin (bên phải)

Đảng PAS cầm quyền tại hai tỉnh nhỏ là Kelantan và Terengganu, ở đây họ đã ưu tiên bổ nhiệm những người Hồi giáo vào các vị trí chủ chốt, thay vì nghỉ vào ngày Chủ nhật, họ đã chọn ngày nghỉ là thứ 6 bởi lý do tôn giáo.

Dưới sự lãnh đạo của PAS, Hadi Awang, người đứng đầu tỉnh Kelantan đã cho áp dụng những đạo luật Hồi giáo khắc nghiệt như đánh đòn những tên trộm và ném đá đến chết những kẻ ngoại tình. Việc này đã làm dấy lên một mối lo ngại trên toàn đất nước Malaysia, một đất nước đa tôn giáo.

"Nếu chính phủ mới chỉ gồm có Muhyiddin và phe nhóm của ông ta, đó sẽ là một Chính phủ Malyasia không có sự đóng góp của những người không phải là gốc Malai, trong khi những người này chiếm tới 40% dân số", James Chin, chuyên gia về chính trị học ở Đại học Tasmanie, nhận xét.

Cơ quan chống tham nhũng của Malaysia cũng đã tiến hành điều tra nhiều nhà lãnh đạo của PAS bị tố cáo tham nhũng và biển thủ công quỹ từ quỹ 1MDB vào năm ngoái. Tuy nhiên chưa có một đơn tố cáo nào được chính thức nộp cho tòa án.

Dẫu rằng uy tín của UMNO và PAS đã xuống rất thấp trong con mắt của phần lớn người dân Malaysia, việc hai đảng này có cơ hội trở lại cầm quyền, thật trớ trêu phần lớn lại nhờ vào hai gương mặt chính trị đã thua trắng tay: Mahathir và Anwar.

Trước khi tham gia chạy đua trong cuộc bầu cử năm 2018, hai đối thủ kình địch này đã thỏa thuận thành lập một liên minh với điều khoản mấu chốt: nếu thắng cử Mahathir sẽ chuyển giao quyền lực cho Anwar sau khoảng thời gian hai năm. Nhưng từ khi lên cầm quyền, Mahathir luôn từ chối đưa ra mốc thời gian chính xác để chuyển giao quyền lực còn Anwar thì không ngừng gây sức ép đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong một lần trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg vào tháng 9-2019, khi được hỏi liệu ông ta có thể lên nắm quyền vào tháng 5/2020 được không? Anwar đã tuyên bố: "Hiển nhiên rằng việc chuyển giao quyền lực sẽ phải thực hiện trong khoảng thời gian này, nhưng tôi không nghĩ rằng tôi cần phải ráo riết yêu cầu một ngày giờ cụ thể nào đó".

Ngày 21/2/2020, hai nhà chính trị này đã đi đến một thỏa thuận cuối cùng rằng Mahathir sẽ rời khỏi chức vụ thủ tướng sau khi kết thúc hội nghị hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tổ chức tại Malaysia vào tháng 11-2020. Nhưng cuộc "đảo chính nội bộ" mà Muhyiddin đã tiến hành khiến cho thỏa thuận mới nhất giữa Mahathir và Anwar trở thành vô nghĩa.

Xung đột chính trường khiến kinh tế suy giảm

Cuộc tranh giành quyền lực trên chính trường Malaysia hiện nay chắc chắn sẽ làm suy giảm lòng tin của quốc tế đối với Chính phủ Malaysia và gây ra những tổn thất kinh tế. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo các đảng phái ở Malaysia phải tìm cách thỏa hiệp và đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột. Với một hệ thống chính trị hơn 10 đảng và các đảng thường  xuyên thay đổi đồng minh và chuyển từ phe này sang phe kia thì rất khó để khẳng định ai sẽ hỗ trợ cho ai.

Biểu tình ở thủ đô Kuala Lumpur tối 1 tháng 3 để phản đối việc Muhyiddin Yassin lên làm thủ tướng và đưa đảng UMNO quay trở lại cầm quyền.

Tân Thủ tướng Muhyiddin không phải là nhà lãnh đạo có bề dày kinh nghiệm. Cựu Thủ tướng Mahathir thì luôn tỏ rõ ý định sẽ trở lại nắm quyền và khẳng định mình đã có được sự ủng hộ của đa số các nghị sĩ. Ông cũng tuyên bố sẽ yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, cuộc bỏ phiếu này chắc chắn đánh đổ chính phủ của tân Thủ tướng Muhyiddin.

Trước nguy cơ đó, tân Thủ tướng Muhyiddin đã nghĩ ra một kế hoãn binh bằng cách đình hoãn kỳ họp Quốc hội Malaysia cho đến tận tháng 5, trong khoảng thời gian đó ông sẽ tiến hành vận động để lôi kéo một số đảng địa phương.

Muhyiddin cũng hy vọng thông qua việc thành lập nội các và đề cử các bộ trưởng và thực thi một số chính sách ban đầu ông sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi và đứng vững trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tháng 5.

Thời gian tới đây nếu các chính đảng ở Malaysia vẫn tiếp tục giành hết thời gian và sức lực cho những hoạt động chính trị nghị trường,  những cuộc vận động hay thỏa hiệp để giành đủ đa số phiếu để giành quyền thành lập chính phủ khi đó những nền tảng của một nền dân chủ nghị viện sẽ bị phá vỡ.

Những khoảng trống quyền lực, một khi không thành lập được chính phủ giống như tuần vừa qua, sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho nền kinh tế: thị trường chứng khoán rơi tự do, đồng ringgit liên tục bị mất giá.

Malaysia hiện là một trong những nền kinh tế chủ lực của Đông Nam Á với thu nhập tính theo đầu người xấp xỉ 10.000 USD. Đất nước này cũng là mắt xích chủ chốt cho chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện và điện tử.

Để có thể duy trì đà tăng trưởng, Malaysia cần có một kế hoạch rõ ràng và có sức thuyết phục để có thể thu hút được đầu tư trực tiếp của nước ngoài nhằm hiện đại hóa nền công nghiệp của mình. Một chính phủ năng động và ổn định khi đó sẽ là điều tuyệt đối cần thiết.

Các nhà lãnh đạo của cả hai phe phái đang đối đầu nhau hiện nay ở Malaysia rất ít khi giới thiệu về tầm nhìn chính trị và kinh tế của họ cũng như đưa ra một cương lĩnh phát triển . Sự thất vọng của cộng đồng quốc tế với tình hình của Malaysia sẽ càng tăng lên. Đối với người Malaysia đây không còn là thời điểm để lún sâu hơn nữa trong những cuộc cãi vã về chính trị.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.