Quá trình truy bắt và đối mặt với tên tội phạm có 3 tiền án

Thứ Ba, 06/10/2015, 11:08
Quá trình theo dõi và truy bắt đối tượng giết người Lê Minh Duy (tự Dón) cực kỳ công phu và gian khổ. Do hành tung của Duy rất mờ ám và tên này thường xuyên di chuyển nên các trinh sát truy nã đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để truy xét và tìm dấu vết của Duy.

Chưa kể Duy là đối tượng có nhiều tiền án, địa bàn lẩn trốn trải dài qua nhiều tỉnh thành, do Duy có nhiều mối quan hệ rộng, dính dáng đến nhiều đối tượng xã hội đen. Chính những yếu tố này đã khiến cho việc truy bắt đối tượng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Tổ chức bắt giữ đối tượng truy nã giết người như phim

Thiếu tá Võ Duy Thắng, Phó Đội trưởng Đội 4 Phòng Cảnh sát truy nã (PC52) Công an TP Hồ Chí Minh, vốn xuất thân lính hình sự, là một trinh sát dày dạn kinh nghiệm trong việc truy bắt các đối tượng truy nã (ĐTTN) đặc biệt nguy hiểm. Theo Thiếu tá Thắng, nguyên tắc của cán bộ chiến sĩ (CBCS) Cảnh sát truy nã khi thi hành nhiệm vụ là luôn phải có biện pháp phù hợp nhất trong các tình huống và đặc biệt là phải giữ an toàn sức khỏe tính mạng cho bản thân CBCS, bảo vệ sự bình yên, không gây nguy hiểm cho nhân dân, và chưa kể ĐTTN cũng phải lành lặn, tâm phục khẩu phục…

Trong nhiều vụ truy bắt ĐTTN đáng nhớ, Thiếu tá Thắng kể lại vụ truy bắt đối tượng Lê Minh Duy (tự Dón, SN 1982, quê Thạnh Phú, Bến Tre) mang án giết người nguy hiểm. Bản thân đối tượng này có 3 tiền án (2 tiền án cố ý gây thương tích và 1 tiền án cướp giật tài sản). Khi gây án giết người ở khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh năm 2013 thì Duy cũng chỉ mới ra trại được 1 tháng thì tiếp tục phạm tội.

Đối tượng Lê Minh Duy (tự Dón) sau khi bị bắt giữ - Đối tượng Trần Quang Trinh lúc bị bắt năm 2013.

Quá trình theo dõi và truy bắt đối tượng này cực kỳ công phu và gian khổ. Do hành tung của Duy rất mờ ám và đối tượng thường xuyên di chuyển nên các trinh sát truy nã đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để truy xét và tìm dấu vết của Duy. Chưa kể Duy là đối tượng có nhiều tiền án, địa bàn lẩn trốn trải dài nhiều tỉnh thành, do Duy có nhiều mối quan hệ rộng, dính dáng đến nhiều đối tượng xã hội đen. Chính những yếu tố này đã khiến cho việc truy bắt đối tượng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Sau khi về Bến Tre, quê của Duy để xác minh, tìm hiểu thì các trinh sát được biết Duy đang lẩn trốn ở Bình Dương. Tìm đến đây, các trinh sát lại được tin Duy đã ra Nha Trang đầu quân cho một đám xã hội đen. Tiếp tục lên đường ra Nha Trang thì mới biết, do vừa xô xát với một nhóm giang hồ khác tại đây nên Duy lại lẩn về Bình Dương… Truy tìm đến đây thì các trinh sát mất dấu vết của Duy.

Không nản lòng, các trinh sát tiếp tục truy tìm thêm các nguồn tin khác, một thời gian sau trinh sát nắm được thông tin Duy có quen một cô gái trước đây làm ở quán bar tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh nên rất có thể Duy đã về đây lẩn trốn. Từ đó các trinh sát đã ra quân rà soát hàng loạt các quán bar trên địa bàn quận này nhưng vẫn không thấy tung tích Duy… 

Tuy nhiên, đến ngày 18/4/2015 các trinh sát đã nắm được thông tin Duy có thể đang làm bảo kê kiêm bảo vệ ở một quán bar trên đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. 

Từ nguồn tin này, nhiều ngày liên tiếp, các trinh sát đã thay nhau giám sát quán bar này đồng thời sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để xác định trong số bảo vệ bảo kê của quán bar thì tên nào là đối tượng mà các trinh sát đang tìm. Chi tiết này khá khó khăn vì tấm hình của Duy mà các trinh sát có được khá mờ và đã chụp cách đây nhiều năm nên không còn dễ nhận ra được tên này. Tuy vậy, quan sát trong số bảo vệ bảo kê, các trinh sát thấy nổi lên đối tượng tên Dón, có một số đặc điểm hình dáng khá giống với Duy.

Để xác minh, các trinh sát đã phải vài lần vào quán bar này như những vị khách bình thường nhằm quan sát, theo dõi đối tượng. Theo giác quan nghề nghiệp và quan sát cử chỉ hành động của đối tượng, các trinh sát đánh giá khoảng 70-80% Dón chính là Duy. Dù chưa khẳng định 100%, tuy nhiên, tối 21/4/2015, Thiếu tá Thắng cùng tổ trinh sát có 6 CBCS đã tới quán bar này để chuẩn bị hành động.

“Do địa bàn phức tạp và đối tượng truy nã thuộc dạng hung hãn, manh động, có băng nhóm, có đối tượng hỗ trợ nên chúng tôi sử dụng 6 CBCS có nghiệp vụ cao để hành động. Chúng tôi có chủ ý không bắt đối tượng bên trong quán bar mà chờ tên này đi ra phía ngoài sẽ hành động. Sau khi đã sắp xếp đâu vào đó, tôi và một đồng chí khác đứng ngay ngoài cửa quán bar, cả hai chủ động sẽ chia ra là tôi đứng đối diện đối tượng và đồng chí kia bọc sau lưng. 

Và khi tên này ra phía ngoài cửa quán bar để hút thuốc, đúng như chủ ý đã định, tôi liền gọi: “Duy, khỏe không?”. Theo phản xạ đối tượng này lập tức quay qua nhìn tôi và trả lời: “Ờ, khỏe. Mà anh là ai vậy?”. Lúc này thì chúng tôi biết chắc chắn đó là Duy. Ngay lập tức tôi khống chế đối tượng trong khi tên này không kịp có hành động phản ứng gì. Đồng thời lúc đó các CBCS khác xông tới hỗ trợ và quây thành vòng tròn bảo vệ ngay để tránh các đối tượng manh động khác can thiệp hay giải vây cho Duy…”, Thiếu tá Thắng kể lại.

Cán bộ điều tra lấy lời khai của Duy.

Có thể thấy, việc truy tìm, theo dõi, giám sát và cuối cùng là “cất vó” đối tượng giết người này là cả một quãng thời gian khá dài. Tuy nhiên, đây cũng là điều khá hợp lý bởi đối tượng lẩn trốn có nhiều tiền án nguy hiểm, lẩn trốn qua nhiều địa bàn nên việc bắt giữ cũng không thể gấp gáp hay “đột biến” được. Đúng như lời Thiếu tá Võ Duy Thắng nhấn mạnh: “Chiến công của cán bộ chiến sĩ Công an nói chung và Cảnh sát truy nã nói riêng không phải là chiến công nổi, khiến nhiều người chú ý hay tán dương mà trên hết là sự an toàn cho người dân, cho cán bộ chiến sĩ và cả người dân, có biện pháp phù hợp trong các tình huống diễn ra, đạt được mục đích đề ra”.

Nói về giải pháp “đột biến”, Thiếu tá Thắng cho rằng, dù CBCS Cảnh sát truy nã vẫn cần vận dụng trong các tình huống cấp thiết, tuy nhiên, giải pháp này không toàn diện và ít dùng phổ biến vì nó là con dao hai lưỡi. Có thể sẽ nhanh đạt kết quả nhưng nếu không được thì rất dễ trở thành mối nguy hiểm cho CBCS và người dân…

Bị đâm chết vì… ghẹo gái!

Theo kết luận điều tra thì Duy cùng đối tượng Trần Quang Trinh (SN 1986, cùng quê Bến Tre) đã gây ra vụ án giết người xảy ra vào đầu tháng 9/2013 ở địa bàn quận Bình Tân khiến một người tử vong. Trước đó, sau khi bị bắt giữ, Trần Quang Trinh khai nhận, sáng 3/9/2013 Trinh từ Bến Tre lên Long An dự đám giỗ nhà bạn gái. Cùng ngày, Duy là bạn thân của Trinh cũng chạy xe lên TP Hồ Chí Minh thăm bạn gái tên Trần Thị Liễu E. (28 tuổi).

Biết tin Trinh đang ở Long An, trưa cùng ngày, Duy điện thoại rủ Trinh lên TP Hồ Chí Minh nhậu, sau đó cả hai sẽ cùng về Bến Tre. Trinh đồng ý nên khoảng 15h, Trinh từ Long An chạy xe lên TP Hồ Chí Minh. Khi Trinh đi đến khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) thì trời đổ mưa, vì vậy mà Trinh tấp vào nhà của người anh họ ở gần đó và ăn nhậu ở đây. Đến khoảng 20h cùng ngày, Trinh gọi điện thoại rủ Duy qua nhà anh họ của mình nhậu cùng. Ít phút sau, Duy chạy xe máy chở Liễu E. sang và nhậu cho đến 22h. Lúc này dù đã rất say xỉn nhưng Trinh tiếp tục rủ Duy đi tìm quán khác để lai rai. Sau đó, Duy chở Trinh, còn Liễu E. chạy xe gắn máy một mình.

Trên đường, cả ba vào cây xăng Phước Tân trên ở tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) đổ xăng. Lúc này Lê Anh Tuấn (27 tuổi, quê Kiên Giang) cùng bạn là Lê Minh Thừa (25 tuổi, ngụ Cà Mau), Nguyễn Quốc Vinh (23 tuổi, ngụ An Giang) đi trên hai xe gắn máy cũng vào đổ xăng. Thấy Liễu E. đi xe gắn máy biển số Vĩnh Long nên Tuấn nhận là đồng hương rồi buông lời trêu ghẹo. Thấy bạn gái bị trai lạ chọc trước mắt, Duy và Trinh cùng phản ứng lại, dẫn đến hai bên cự cãi, nhưng được nhiều người can ngăn.

Do đêm đã khuya nên sau khi đổ xăng thì Liễu E. chạy xe một mình về nhà trước, còn Duy chở Trinh đi về hướng công viên Phú Lâm, quận 6 tìm quán nhậu.

Về nhóm của Tuấn, do ấm ức chuyện cãi vã với Duy và Trinh nên Tuấn bàn với Thừa, Vinh rượt theo để đánh cho hả giận và được hai người này đồng ý. Đuổi theo đến trước số nhà 365, tỉnh lộ 10 thuộc phường An Lạc A (Bình Tân) thì nhóm của Tuấn bắt kịp và ép xe Duy vào lề rồi dùng nón bảo hiểm, dây thắt lưng đánh Duy và Trinh. Do bất ngờ không kịp phòng bị nên Trinh bị nhóm của Tuấn đánh gây thương tích nặng, chảy máu khá nhiều. Riêng Duy bỏ chạy thoát thân sang bên kia đường.

Sau khi hành hung đối thủ, nhóm của Tuấn bỏ đi. Dù bị thương tích, Trinh vẫn vào quán ăn ven đường, chụp lấy một con dao thái thịt rồi cùng Duy đuổi theo nhóm của Tuấn để đánh trả thù.

Khi đến trước tiệm hớt tóc P.T, trên đường Đất Mới, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Duy và Trinh đuổi kịp, nên liền ép xe Tuấn. Khi Tuấn chưa kịp phản ứng gì thì bị Trinh vung dao đâm một nhát ngay hông khiến nạn nhân ngã xuống đường… Sau đó Thừa, Vinh chở Tuấn đi cấp cứu nhưng Tuấn đã chết trước khi đến bệnh viện. Hôm sau nghe tin Tuấn tử vong, Trinh và Duy bỏ trốn về Bến Tre. 

Đến ngày 9/10/2013, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát  Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an quận Bình Tân đã bắt giữ được Trinh khi tên này đang uống cà phê ở một tiệm tạp hóa gần nhà. Trong khi đó, Duy trốn biệt tích cho đến khi bị các cán bộ Cảnh sát truy nã lùng ra tung tích và bắt gọn.

Ngày 21/4/2014 Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử lưu động vụ án “Giết người” và “Cố ý gây thương tích” đối với Trần Quang Trinh, Nguyễn Quốc Vinh và Lê Minh Thừa. Tại phiên xử, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Sau khi xem xét tình tiết vụ án, cùng những chứng cứ, tài liệu liên quan, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trinh 19 năm tù về tội “Giết người”, Vinh 10 tháng tù, Thừa 11 tháng tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”. Riêng Duy sẽ bị đưa ra xét xử trong thời gian gần nhất.

Ánh Xuân
.
.
.