Quân đội Mỹ - những tiềm ẩn tai nạn hạt nhân

Thứ Tư, 21/10/2020, 09:30
Nếu có ai đó hỏi rằng vụ tai nạn hạt nhân nào lớn nhất thế giới thì có lẽ bạn không cần phải suy nghĩ mà trả lời ngay: Vụ Chernobyl. Đúng, đó là vụ nổ lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl xảy ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 ở Ukraine khi đó vẫn là một phần lãnh thổ của Liên Xô.


Vụ nổ lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở thành phố Pripyat là vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử và là vụ tai nạn lớn đầu tiên được đánh giá là sự kiện cấp bảy, cấp cao nhất theo bảng phân loại sự cố hạt nhân quốc tế.

Đây chỉ là vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất đã xảy ra trên thế giới nhưng có nhiều vụ tai nạn hạt nhân lớn khác còn chưa được tiết lộ hoặc chưa đạt đến mức độ nổ hoặc rò rỉ phóng xạ, nhưng vì những tai nạn này mới đứng ở bờ vực của thảm họa  vì vậy hầu hết chúng được đưa vào bí mật quốc gia.

Sáu năm trước khi xảy ra vụ tai nạn Chernobyl, Hoa Kỳ, nước đứng ở hai đầu  "bức màn sắt" với Liên Xô đã gặp một tai nạn hạt nhân đạt đến ngưỡng nguy hiểm nhất. Mặc dù cuối cùng do được áp dụng các biện pháp cứu chữa thích hợp, phản ứng nhanh nên đã tránh xảy ra hậu quả xấu nhất.

Kho bom hạt nhân của Quân đội Mỹ.

Máy bay ném bom B-52 và bom hạt nhân suýt nữa trở thành "thứ nhất thế giới" 

Đêm 15 tháng 9 năm 1980, tại căn cứ không quân Grand Fork ở bắc Dakota, một máy bay ném bom chiến lược B-52H đứng trên đường băng đang chuẩn bị chuyến bay huấn luyện ban đêm. Chiếc máy bay B-52H này mang theo 8 tên lửa không đối đất tầm ngắn AGM-69A được trang bị đầu đạn hạt nhân và 4 quả bom hạt nhân B-28. Mọi việc chuẩn bị xong máy bay chuẩn bị cất cánh thì một động cơ đột nhiên bốc cháy dữ dội. 

Khi động cơ bốc cháy phi hành đoàn lập tức sơ tán khỏi chiếc máy bay ném bom chiến lược và các nhân viên cứu hỏa của sân bay bắt đầu công việc chữa cháy. Do gió Tây Nam thổi mạnh với tốc độ 26 - 35 dặm/giờ, ngọn lửa khổng lồ bị gió thổi liên tục táp vào thân máy bay làm cho việc khống chế nó cực kỳ khó khăn. Cuối cùng, với những nỗ lực của những người lính cứu hỏa chuyên nghiệp và các nhân viên cứu hộ, chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52H mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân bị hỏa hoạn bao vây trong ba giờ được phủ kín trong lớp bọt chống cháy, tránh được các vụ nổ xảy ra. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu phát sinh vụ nổ hạt nhân

Sau vụ tai nạn, quân đội Hoa Kỳ đã mở nhiều cuộc điều tra vụ tai nạn này. Các chuyên gia nói với Ủy ban điều tra rằng nếu đám cháy đêm đó không được khống chế thì chiếc máy bay ném bom B-52H sẽ bị thiêu rụi hoàn toàn và toàn bộ bom đạn trong khoang máy bay cùng với các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sẽ phát nổ.

Mặc dù sự phát nổ của thuốc nổ thông thường chưa chắc đã kích hoạt một phản ứng dây chuyền của đầu đạn hạt nhân nhưng nó có thể làm phát tán một lượng lớn bụi phóng xạ vào bầu khí không khí làm ô nhiễm một diện tích khoảng 60 dặm vuông do các cơn gió mạnh lúc bấy giờ.

Ngoài ra, trong vòng 20 dặm xung quanh khu trung tâm của vụ tai nạn hơn 70.000 người sẽ ngay lập tức bị tiếp xúc với phóng xạ cực mạnh. Căn cứ vào sự lưu thông bầu không khí lúc đó, bụi phóng xạ sẽ được gió đưa đi xa hơn và rộng hơn, thậm chí làm ô nhiễm mặt đất rồi xâm nhập vào hệ thống cấp nước và lan rộng hơn nữa vào các khu vực dân cư. Vì đây là bụi phóng xạ của vũ khí hạt nhân có độ tinh khiết cao nên cường độ phá hủy của nó sẽ vượt xa sức mạnh hủy diệt của vụ nổ nhiên liệu hạt nhân có độ tinh khiết thấp của nhà máy điện Chernobyl.

Điều tra tai nạn

Hai nguyên nhân chính gây ra tai nạn đã được phát hiện trong cuộc điều tra: Cháy động cơ và các khiếm khuyết trong tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và bom hạt nhân.

Nguyên nhân gây cháy trong động cơ B-52H: Cuộc điều tra cho thấy lý do động cơ bị bốc cháy khi khởi động là do nhân viên bảo trì mặt đất đã lắp đặt lại bộ lọc nhiên liệu không chính xác. Mục đích của bộ lọc trong hệ thống nhiên liệu là để ngăn cản các hạt nhỏ trong nhiên liệu đi vào động cơ. Khi bộ lọc không được lắp đặt chính xác nó sẽ gây ra vấn đề cho việc cung cấp nhiên liệu.

Các nhân viên bảo trì đã lắp bộ lọc nhiên liệu không đúng vị trí làm cho nhiên liệu dư thừa tràn ra ngoài động cơ và gây ra hỏa hoạn khi động cơ được khởi động. Sự rò rỉ nhiên liệu liên tục là một lý do quan trọng làm cho việc dập tắt đám cháy từ bên ngoài rất khó khăn.

Chiếc máy bay B-52H đậu trên sân bay ở căn cứ không quân Grand Fork ở Bắc Dakota.

Bản thân tên lửa không đối không tầm ngắn AGM-69A có khuyết điểm. Tên lửa tầm ngắn AGM-69A là vũ khí thiết kế để thâm nhập vào mạng lưới phòng không của Liên Xô được gắn ở giá treo dưới cánh của máy bay B-52. Giá treo trên hai cánh máy bay có thể mang theo 12 AGM-69A và các giá treo bên trong có thể mang được 8 tên lửa nữa, như vậy có nghĩa là một máy bay B-52 có thể mang 20 tên lửa AGM-69A.

Mỗi tên lửa AGM-69A sẽ có một đầu đạn nhiệt hạch W69 trọng lượng khoảng 170-200 kg. Tuy nhiên, thiết kế của thân tên lửa tầm ngắn AGM-69A có khiếm khuyết về cấu trúc nên không đủ mạnh và nó đã bị cấm sử dụng trên máy bay B-52 từ năm 1990 và đến năm 1999 việc tháo gỡ đầu đạn hạt nhân W69 ra khỏi tên lửa đã được hoàn thành.

Khuyết điểm của bom hạt nhân B28: Ngoài các lỗ hổng về cấu trúc trong thiết kế của tên lửa tầm ngắn AGM-69A thì loại bom hạt nhân B-28 được lắp đặt trên máy bay B-52H cũng có những lỗi về thiết kế! Khiếm khuyết này là nếu quả bom tiếp xúc với nhiệt độ cao trong một thời gian dài tương tự như đám cháy kéo dài trong 3 giờ đêm hôm đó thì hai dây dẫn ngay bên trong gần vỏ bom có thể bị đoản mạch và gây ra vụ nổ của thuốc nổ thường để kích nổ nhiên liêu hạt nhân. 

Nguy hiểm hơn các nhà máy điện hạt nhân

Khi chúng ta luôn thấy nhiều tin tức về các vụ tai nạn lớn nhỏ khác nhau xảy ra trong các nhà máy điện hạt nhân, trong đó một số vụ gây ra sự rò rỉ phóng xạ, chẳng hạn như sự tan chảy của lõi nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản do trận động đất năm 2011. Nhìn chung mà nói sự an toàn phần cứng của các nhà máy điện hạt nhân dân sự đã được cải thiện rất nhiều sau vụ tai nạn Chernobyl và hầu hết các mối nguy hiểm tiềm ẩn của các vụ tai nạn đã được chuyển sang phía "con người".

Tuy nhiên, so với các vụ tai nạn của các nhà máy điện hạt nhân dân sự, quân đội Mỹ nơi có "kho vũ khí hạt nhân" mạnh nhất thế giới có rất nhiều các lỗ hổng trong khâu quản lý an toàn vũ khí hạt nhân. Trên thực tế những lỗ hổng này phần lớn là do yếu tố "con người". Ví dụ, một nguy cơ an toàn hạt nhân do con người gây ra 12 năm trước là một ví dụ điển hình.

Năm 2007, không quân Mỹ đã lắp nhầm 6 tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân loại tiên tiến nhất AGM-129 lên một máy bay ném bom chiến lược B-52 mà chiếc máy bay này chưa từng được thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí hạt nhân.

Phi hành đoàn cũng không được biết gì về số tên lửa hạt nhân có trong khoang chiếc máy bay. Điều này đã dẫn đến việc phi hành đoàn B-52 bay với 6 tên lửa hành trình mang dầu đạn hạt nhân này bay trong 36 giờ qua nhiều căn cứ không quân trên lãnh thổ nước Mỹ nhưng không được trang bị các biện pháp an toàn thông thường. Đây là một sai lầm chết người của quân đội Mỹ nhưng may mà đã không có sự cố gì xảy ra.

Nguyễn Đình Thiêm (Theo "Xinhuanet.com")
.
.
.