Quân đội Myanmar nhầm hình ảnh?

Thứ Tư, 19/09/2018, 12:22
Cuốn sách 117 trang của đơn vị tuyên truyền quân sự Myanmar chứa những hình ảnh được chú thích là ở bang Rakhine, nhưng thực ra ở Tanzania và Bangladesh.


Một cuốn sách mới về cuộc khủng hoảng Rohingya do các nhà tuyên truyền quân sự Myanmar viết ra sử dụng những bức ảnh giả và viết lại lịch sử trong nỗ lực biện minh cho việc hàng nghìn người Rohingya bị sát hại từ năm 2017 trong các cuộc tấn công của quân đội mà Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã lên án là hành vi diệt chủng.

Cuốn sách 117 trang, được xuất bản vào tháng 7 vừa qua bởi bộ phận quan hệ công chúng và chiến tranh tâm lý của quân đội Myanmar, bao gồm những gì mà nó gọi là “những bức ảnh tư liệu”. Một cuộc điều tra của Reuters cho thấy nguồn gốc của 3 trong số 8 bức ảnh lịch sử trong cuốn sách đã được giả mạo.

Các bức ảnh trong cuốn sách cho là được chụp ở bang miền tây Rakhine, nhưng thực tế một bức chụp ở Bangladesh, một ở Tanzania và bức thứ ba được mô tả là người Rohingya vào Myanmar từ Bangladesh, nhưng thực tế là họ đang cố rời đi.

Một trong những bức ảnh cho thấy một người đàn ông đứng trên hai cơ thể, cầm một công cụ canh tác. Văn bản cho biết hình ảnh này cho thấy các phật tử bị giết bởi người Rohingya trong các cuộc bạo loạn dân tộc vào những năm 1940. Nhưng một cuộc điều tra của Reuters về bức ảnh cho thấy nó thực ra được chụp trong cuộc chiến tranh độc lập năm 1971 của Bangladesh khi hàng trăm ngàn người Bangladesh bị quân Pakistan giết hại.

Một hình ảnh khác cho thấy một đám đông những người đàn ông khuân vác đồ đạc trên vai đi thành hàng dài, với chú thích: “Người Bengal xâm nhập vào đất nước sau khi chủ nghĩa thực dân Anh chiếm phần dưới của Myanmar". 

Với chú thích này, rõ ràng quân đội Myanmar muốn nói rằng người Rohingya có nguồn gốc Bengal và chỉ mới đến Myanmar trong thời kỳ thuộc địa, kết thúc vào năm 1948. 

Nhưng Reuters xác định bức ảnh trên thực tế là một phiên bản méo mó của một bức ảnh màu chụp năm 1996 của những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc diệt chủng ở Rwanda. Bức ảnh được chụp bởi Martha Rial cho Pittsburgh Post-Gazette.

Một bức ảnh khác màu đen và trắng, cho thấy những người đàn ông trên chiếc thuyền ọp ẹp, với chú thích: Người Bengal vào Myanmar qua đường thủy. Trên thực tế, bức ảnh gốc mô tả những người di cư Rohingya và Bangladesh rời Myanmar vào năm 2015, khi hàng chục ngàn người phải rời khỏi Thái Lan và Malaysia. Bản gốc đã được xoay và làm mờ để hình ảnh trông có vẻ nhiễu hạt. Nó được lấy từ Bộ Thông tin Myanmar.

Phát ngôn viên chính phủ Zaw Htay và một phát ngôn viên quân sự không thể tiếp cận để bình luận về tính xác thực của hình ảnh. U Myo Myint Maung, thư ký thường trực của Bộ Thông tin, từ chối bình luận, nói rằng ông đã không đọc cuốn sách.

117 trang “Chính trị Myanmar và Tatmadaw: Phần I” liên quan đến câu chuyện của quân đội hồi tháng 8-2017, khi khoảng 700.000 người Rohingya chạy trốn khỏi Rakhine tới Bangladesh, theo cơ quan LHQ, báo cáo các vụ giết người hàng loạt, hãm hiếp và hỏa hoạn. Cuốn sách được bán tại các hiệu sách trên khắp thành phố Yangon.

Một báo cáo của LHQ công bố hôm 27-8 cho biết, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing và 5 tướng lĩnh khác phải bị truy tố tội diệt chủng, các tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh. “Những người vi phạm nghiêm trọng nhân quyền được kể ra trong báo cáo của chúng tôi, bao gồm cả các hành động bạo lực tình dục, là thuộc quân đội Myanmar” - bà Rahhika Coomasaswamy, một thành viên của Phái đoàn Điều tra Quốc tế Độc lập về Myanmar - nói. 

“Bộ tư lệnh quân đội Myanmar đã kiểm soát, điều động và chỉ huy hiệu quả binh lính cũng như các lực lượng vũ trang trong các chiến dịch quân sự. Trong báo cáo, chúng tôi liệt kê danh sách tên của các chỉ huy cấp cao nhất. Bằng việc làm đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của họ”.

Các nhà điều tra của LHQ cũng lên án bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo trên thực tế của Myanmar. "Chúng tôi vô cùng thất vọng khi Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã không sử dụng vị thế hay uy quyền đạo đức của bà để ngăn cản hoặc lên án những sự việc đang diễn ra ở bang Rakhine", bà Coomasaswamy nói.

Gia Huy
.
.
.