Quan hệ Mỹ - Iran: 10 ngày, nhiều cung bậc

Thứ Ba, 07/08/2018, 09:05
Những ngày cuối tháng 7, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đã leo thêm nhiều bậc thang căng thẳng, thậm chí xuất hiện tin đồn Mỹ đang có kế hoạch tiến đánh Iran.


Ngày 27-7, Hãng tin ABC News của Úc dẫn lời một nhân vật cấp cao trong chính quyền của Thủ tướng nước này, ông Malcom Turnbull, nói Mỹ đang “chuẩn bị” đánh bom các cơ sở hạt nhân của Iran. Nhân vật này còn dự báo cuộc tấn công có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng sau.

Tin đồn chiến tranh

Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh tình hình căng thẳng giữa Washington và Tehran đang ngày càng gia tăng. Mới đây, Iran mạnh mẽ tuyên bố cuộc chiến chống lại Tehran sẽ là “mẹ của tất cả các cuộc chiến tranh”. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump gay gắt cảnh báo Iran sẽ phải đối mặt với những hậu quả chưa từng có trong lịch sử.

Úc, một thành viên của liên minh tình báo toàn cầu có tên Ngũ Nhãn (Five Eyes), được cho là sẵn sàng tham gia chiến dịch tấn công Iran, thông qua việc yêu cầu các cơ sở quốc phòng xác định mục tiêu ở Iran. Anh cũng có thể cung cấp sự hỗ trợ tương tự. 

Trong khi Canada và New Zealand “dường như sẽ không đóng vai trò gì trong chiến dịch quân sự ở Iran”, theo ABC. 

Tuy nhiên, nguồn tin quân sự của ABC cũng nhấn mạnh sự khác biệt giữa việc một quốc gia trực tiếp tham gia chiến dịch, với việc hỗ trợ cung cấp thông tin tình báo về các cơ sở của Iran.

Trong khi đó, tờ Sputnik dẫn lời Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết ông không có lý do gì để tin rằng Mỹ đang chuẩn bị cho chiến dịch này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng khẳng định thông tin Washington sẽ tấn công phủ đầu Iran vào tháng 8 mà ABC News đăng tải là một câu chuyện viễn tưởng.

Tuyên bố này được ông Mattis đưa ra trong một buổi họp báo hôm 27-7 tại Washington khi các phóng viên yêu cầu ông bình luận về thông tin chấn động mà hãng thông tấn nổi tiếng của Úc đã công bố. “Tôi không biết người Úc lấy thông tin đó từ đâu. Tôi tin rằng đó không phải là thứ đang được xem xét ngay bây giờ và tôi nghĩ nó hoàn toàn là một câu chuyện viễn tưởng” - người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh - “Đó là điều tốt nhất tôi có thể cung cấp cho các bạn”.

Quan hệ Iran - Mỹ đã trở nên gay gắt từ tháng 5-2018, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA, hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran) và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Xây dựng “NATO Ả-rập” để cô lập Iran

Song song với tin đồn chiến tranh là thông tin về việc chính quyền Mỹ đang âm thầm thúc đẩy việc thành lập một liên minh an ninh và chính trị mới với 6 nước Ả-rập ở Vùng Vịnh cùng Ai Cập và Jordan, nhằm ngăn chặn Tehran mở rộng ảnh hưởng.

Ít nhất 4 nguồn tin cho biết Nhà Trắng muốn nhìn thấy sự hợp tác sâu sắc hơn về phòng thủ tên lửa, huấn luyện quân sự, chống khủng bố giữa các nước trong liên minh, cũng như như tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao tại khu vực. Kế hoạch thành lập liên minh mà các quan chức Nhà Trắng và Trung Đông gọi là “NATO Ả-rập”, với thành viên là các đồng minh Hồi giáo Sunni của Mỹ, có thể sẽ gây căng thẳng giữa Mỹ và Iran, một nước theo Hồi giáo Shiite.

Hy vọng của chính quyền Mỹ là nỗ lực đó, tạm được biết đến với tên gọi Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA), có thể được thảo luận tại một hội nghị vào ngày 12 đến 13-10, một số nguồn tin cho biết. Nhà Trắng xác nhận đang thảo luận về ý tưởng thành lập liên minh với “các đối tác khu vực của chúng tôi lúc này và đã được vài tháng”.

Các quan chức Saudi Arabia từng đưa ra ý tưởng về một hiệp ước an ninh trước chuyến thăm của ông Trump tới Riyadh hồi năm ngoái. Khi đó, Tổng thống Mỹ tuyên bố hai bên đạt được một thỏa thuận vũ khí lớn, nhưng kế hoạch thành lập liên minh chưa được khởi động. MESA sẽ đóng vai trò như một bức tường chống lại sự bành trướng của Iran, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và sẽ mang lại sự ổn định cho khu vực Trung Đông. Nguồn từ một số nước Ả-rập liên quan cũng cho hay họ đã biết về những nỗ lực mới nhằm khởi động kế hoạch.

Các sáng kiến tương tự của các chính quyền Mỹ trước đây trong việc xây dựng một liên minh chính thức hơn với các đồng minh Vùng Vịnh và Ả-rập đều thất bại. Washington, Riyadh và Abu Dhabi cáo buộc Iran làm mất ổn định khu vực, gây bất ổn ở một số quốc gia Ả-rập thông qua các nhóm ủy thác và ngày càng tăng cường đe dọa Israel.

Mối quan hệ đầy "sóng gió"

Mối quan hệ Mỹ-Iran liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng trong hàng thập kỷ qua, đặc biệt là sau vụ khủng hoảng con tin 40 năm trước. Năm 1979, Mỹ quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau vụ nhóm sinh viên Iran đột kích và bắt cóc 52 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin tại Đại Sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran. Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng xấu đi. Đến tháng 1-1981, sau nhiều nỗ lực ngoại giao, 52 con tin Mỹ cuối cùng cũng được trả tự do sau 444 ngày bị bắt giữ.

Tháng 6-1985, Mỹ bí mật hội đàm với Iran và trao đổi vũ khí với nước này, để đổi lại vụ Iran giúp Mỹ giải phóng các con tin bị bắt giữ ở Liban. Sự kiện này đã gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Reagan. Tháng 8-1987, Mỹ tham gia vào hàng loạt các cuộc đối đầu với lực lượng Iran.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại và dầu lửa đối với Iran sau khi cáo buộc Tehran đỡ đầu cho bọn khủng bố cũng như theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Iran phủ nhận tất cả những cáo buộc trên. Năm 1996, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt Iran-Libya, nhằm ngăn cản các quốc gia khác đầu tư lớn vào Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani

 Và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

Đến thời cựu Tổng thống George W.Bush, vấn đề mâu thuẫn nhất giữa Mỹ và Iran chính là chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Từ năm 2003, Mỹ cáo buộc Iran tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân trong khi phía Tehran khẳng định mục đích chương trình hạt nhân của họ chỉ là sản xuất điện.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, mối quan hệ Mỹ-Iran có những dấu hiệu cải thiện tích cực. Tháng 7-2015, Iran và nhóm cường quốc thế giới P5+1 đã đạt được thỏa thuận hạt nhân sau hơn một thập kỷ đàm phán. Theo thỏa thuận này, các lệnh trừng phạt do Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran phải đồng ý hạn chế dài hạn (10 năm) chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Washington và Tehran lại một lần nữa rơi vào trạng thái căng thẳng khi vào tháng 5-2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt với Tehran.

Sẽ có cuộc gặp “vô điều kiện”?

Diễn biến mới nhất về quan hệ Mỹ-Iran là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ dịu giọng, nói ông có thể gặp lãnh đạo Iran “bất cứ lúc nào”. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italia tại Nhà Trắng hôm 30-7, ông Donald Trump tuyên bố sẽ gặp các lãnh đạo Iran “vào bất cứ lúc nào họ muốn” mà không đưa ra bất kỳ điều kiện nào nếu như lãnh đạo Iran sẵn lòng gặp. “Tôi sẽ gặp bất cứ ai. Gặp nhau không có gì sai hết”, Tổng thống Mỹ Trump nói.

Tuyên bố của ông Trump dường như phá vỡ chính sách đối đầu Iran của chính ông khi mà chỉ vài ngày trước, ông đe dọa Tổng thống Iran Hassan Rouhani phải “chịu hậu quả nghiêm trọng” vì chống đối Mỹ, còn giới chức Washington quyết tâm làm suy yếu chính quyền Tehran. Washington đã cam kết sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt cho đến khi nào Tehran thay đổi các chính sách của họ ở khu vực, trong đó có việc ủng hộ các nhóm chiến binh.

Mặc dù tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Iran mà không cần điều kiện tiên quyết, song ông Trump cũng không chắc liệu Iran có sẵn sàng hay không. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ dường như hy vọng rằng, những tháng gây áp lực với Iran bằng các vòng trừng phạt, kể cả chiến dịch chiến tranh thông tin, sẽ buộc giới lãnh đạo Iran phải ngồi vào bàn đàm phán.

Giới quan sát kỳ vọng Mỹ-Iran cũng sẽ có một cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử như giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên hồi tháng 6. Như ông Trump nói, “gặp gỡ không có gì là sai”, trái lại nó thắp lên hy vọng về cảm thông và hòa giải.

Bàng Cương
.
.
.