Quản ngục “luộc” chết tù nhân!

Thứ Sáu, 07/10/2016, 15:58
Báo Daily Beast kể chuyện quản ngục "luộc" chết tù nhân bằng vòi tắm nước nóng. Nhân viên giảo nghiệm tử thi thì thúc thiêu xác để hủy chứng cứ.

Câu chuyện quản ngục "luộc" chết tù nhân bắt đầu năm 2012, khi Cảnh sát Miami (bang Florida, Mỹ) đến nhà  Andre Chapman báo tin: em trai Darren Rainey của ông  “chết vì té xỉu trong nhà tắm” của Trại cải huấn Dade ở Miami.

Yêu cầu gia đình mau thiêu xác để xóa chứng cứ

Chapman thậm chí chẳng biết người em bị bệnh tâm thần phân liệt của mình bị chuyển đến Miami. Ông chưa kịp nguôi nỗi buồn thương em, nhân viên giảo nghiệm tử thi ở hạt Miami-Dade lại yêu cầu thiêu xác Rainey. Ông kể: “Tôi hỏi ông ấy: “Xác em tôi trông thế nào ?”. Ông ấy đáp “Trông được. Đấy là trước khi tôi biết em tôi bị đẩy vào nhà tắm rồi bị xối nước đun gần sôi đến chết”.

Sau khi biết em trai chết vì bị phỏng nặng, Chapman lại gọi cho nhân viên giảo nghiệm pháp y (từ đây, hoạt động này sẽ được viết tắt là M.E). Người này lại thúc ông thiêu xác Rainey, nói cách khác là để tiêu hủy chứng cứ. Một khi nghe theo lời thúc ấy, không còn khả năng lấy xác Rainey để tiến hành cuộc M.E độc lập, nên Chapman không chấp nhận thiêu xác em. Ông lại liên lạc lần thứ ba, hỏi: “Ông còn nhớ tôi đã hỏi xác em tôi trông thế nào chứ ?”. Nhân viên M.E đáp rằng ông ta không nhớ, theo Chapman.

Daily Beast minh họa tù nhân bị “luộc” chết bằng vòi nước nóng

Theo báo cáo y tế ban đầu, xác Rainey lúc được kéo ra khỏi nhà tắm của nhà tù có thân nhiệt lên tới 104,09 độ F. Văn bản này ghi nhận thân thể Rainey bị phỏng nặng 90%, rất nóng và da tuột ra khi tay của nhân viên y tế chạm vào!

Văn bản này có kèm theo đơn kiện của Chapman lên cấp tòa liên bang Mỹ. Đơn kiện đề ngày 5-11-2014. Bị đơn là Sở trừng giới Florida.

Quản giáo ác ôn dở trò “dội nước trị liệu”

Đơn  kiện mô tả Rainey bị bệnh tâm thần phân liệt nặng, bị giam vì tội tàng trữ ma túy, nhưng ông đang được chữa trị tâm lý vào lúc ông tạo ra sự hỗn loạn trong xà lim: “Rainey quậy phá, suy nghĩ lầm lạc và trét đầy phân trong xà lim. Vài ngày sau, ông trét cả phân lên thân thể,một biểu hiện của bệnh tâm thần nghiêm trọng”.

Nhưng thay vì nhờ nhân viên y tế tâm thần can thiệp, hai quản giáo Roland Clark và Cornelius Thompson  lại “áp dụng biện pháp tra tấn, trả đũa một tù nhân bị tâm thần”, theo đơn kiện. Cách tra tấn là “dội nước trị liệu”. Đó là một gian tắm bị xuống cấp, vòi xả nước nóng ở một khu vực khóa kỹ, cũng là nơi tù phạm “không thể kiểm soát vòi nước hoặc nhiệt độ của nước”, theo đơn kiện.

Quản giáo có quyền quyết định nhốt tù phạm trong gian tắm bao lâu, và một khi bị nhốt vào đó, tù nhân không thể rời khỏi vòi nước tắm, trừ phi được quản giáo mở cửa cho ra.  Ngày hôm ấy, Rainey trét phân đầy cơ thể,  bị lôi đi “dội nước trị liệu”. Đơn kiện viết: hai quản giáo  Clarke và  Thompson đầy hiềm thù và thích chơi trò tàn ác, bật vòi nước nóng xối lên Rainer để trả đũa việc ông trét phân lên cơ thể và xà lim”.

Theo tù phạm Mark Joiner kể với báo Miami Herald, hai quản giáo mặc kệ Rainey la hét, van xin “Làm ơn ngưng đi, làm ơn ngưng đi”. Câu nói cuối cùng mà Rainey nghe được: “Tắm cho đã đi mày”. Những tiếng kêu thét của ông bị phớt lờ, và ông bị luộc suốt 2 giờ, theo đơn kiện. Cuối cùng, y tá phát hiện Rainey “nằm sắp dưới sàn gian tắm”, không trả lời, mạch không đập và không thở. Họ ráng giúp Rainey tỉnh lại nhưng ông đã chết.

Các cơ quan làm lơ, bao che cho nhau trong vụ “luộc” tù nhân này?

Ngày 22-1-2016, báo Miami Herald dẫn nguồn tin từ cơ quan bảo vệ pháp luật: Xem ra xác Rainey không hề bị phỏng! Thay vào đó, nhân viên M.E kết luận nguyên nhân cái chết của Rainey là “ngẫu nhiên”, hậu quả của những “phức tạp” gồm việc ông bị tâm thần phân liệt, bị bệnh tim và việc “bị nhốt” trong nhà tắm ngày 23-6-2012.   

Đó là tất cả những gì Chapman biết về chuyện gì đã xảy ra với người em, vì đã phải mất 3 năm thì cơ quan M.E có được kết luận về cái chết của Rainey. Khi cuộc giảo nghiệm này đã kết thúc, Chapman không thể biết được gì hơn nữa. Ông nói: “Chán lắm, họ đang bày trò ở đó. Tôi hoàn toàn không biết gì. Họ không muốn để lộ ra”. Nỗi chán chường của ông càng dâng cao, khi nhìn thấy giấy chứng tử ghi “chết không rõ lý do”.

Dân Mỹ đòi công lý cho Railey.

Darren Caprara là lãnh đạo cơ quan M.E ở hạt Miami-Dade, giải thích, cuộc điều tra hình sự đã cản trở hoạt động của họ: “Chúng tôi không bình luận gì cho đến khi vụ này đóng lại”. Ông còn nói rằng M.E  là một quy trình có liên quan nhiều cơ quan, nên phải mất 3 năm mới có kết luận. Ông còn nói vụ việc bị gây sức ép, vì Chapman nói những động tác thủ công của nhân viên M.E trên xác Rainey là một nỗ lực che giấu nguyên nhân cái chết đáng ngờ.

Cho đến nay, chỉ mỗi nữ công tố viên trưởng Katherine Fernandez Rundle-của hạt Miami-Dade và cảnh sát hạt này là cho phép tiếp cận những kết luận của M.E, nhưng họ từ chối bình luận. Một sĩ quan cảnh sát của hạt gởi e-mail cho báo Daily Beast, có nội dung từ chối cấp băng ghi hình video về lần tắm chết người của Rainey, với lý do cung cấp thì sẽ vi phạm an ninh và “mô tả cái chết” vốn được ghi trong luật riêng tư của bang Florida. 

Theo Daily Beast, kết luận M.E giúp hai quản giáo Clark và Thompson không cố tình cho vòi nước nóng sôi bỏng, vì vào ngày Rainey chết, thời tiết ở bang Florida rất nóng. Còn theo báo Miami Herald, kết luận M.E cho biết hai quản giáo này “không cố ý” làm hại Rainey, khi họ kéo tù phạm này vào nhà tắm, với lý do người Rainey dính đầy phân.  Một nguồn tin cho biết, đó là một sự cố “bất thường” liên quan việc hai quản giáo “đã có một quyết định thật sự ngu ngốc, nhưng họ không cố tình làm hại hoặc giết Rainey. 

Bắt Rainey đứng dưới vòi nước sôi suốt 2 giờ là phạm tội hình sự

Hai quản giáo Clark và Thompson  vẫn có thể bị buộc tội giết người, nếu Phòng Công tố Miami-Dade tìm được đủ chứng cứ để kết luận: để Rainey đứng dưới vòi nước nóng đang chảy suốt 2 giờ là tội hình sự. Hai người này hiện đã không còn làm quản giáo. 

Các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đang điều tra cái chết đáng ngờ của Rainey.  Năm ngoái, FBI đã điều tra Sở Trừng giới bang Florida, sau khi nữ tù phạm Bernadette Gregory, 42 tuổi, được tìm thấy chết bằng cách dùng vải trải giường để tự treo cổ.

Có lẽ bi kịch vĩ đại nhất là bức tường im lặng, cùng sự thờ ơ của các cơ quan câu giờ thực hiện cuộc điều tra. Một nguồn tin cho hay: không ai có thể kết thúc vụ này. Nó khiến người ta phải động não, khi thật sự chỉ là hai kẻ hành động ngu xuẩn và không chính đáng, dẫn đến tai nạn.

Với người anh Chapman, nỗi buồn đau mất em vào tay “những người lẽ ra được chúng tôi tín nhiệm” giống như một hình thức hành hình thời hiện đại, gợi nhớ thời xa xưa, khi người thuộc cộng đồng da màu thiểu số bị tổ chức cực hữu Ku Klux Klan thiêu sống. 

Chapman nói phải chi hai quản giáo có thể “nếm hưởng” các tra tấn của họ: “Làm sao ta có thể biết được cảm xúc gì, khi kẻ nào đó đẩy người thân vào nhà tắm nước nóng rồi để mặc người ấy gào thét van xin: “Cho tôi ra, tôi không muốn tắm nữa !”. Ông nói: “Tôi muốn họ nói trực tiếp với tôi, về cảm giác của họ”.

Gia đình Chapman càng đau lòng khi chính quyền chẳng cho họ biết gì thêm: “Tôi chỉ muốn biết tại sao không có công lý trong chuyện này. Nếu tôi bắn một cảnh sát, họ sẽ săn lùng tôi. Trong khi họ lại được cho là đúng khi làm điều tệ hại. Thật là  vô lý quá”.

Từ khi biết vụ tắm nước nóng hiểm ác có thể đã giết chết em mình, Chapman quyết định phải làm rõ trắng đen : “Tôi nhớ được tất cả. Sau 3 năm im lặng, chính quyền cần phải làm rõ trắng đen. Những gì hai quản giáo đã làm là quá phi nhân. Họ đẩy em tôi vào nhà tắm như một con chó và giết em tôi”.

Nguyễn Hùng (Tổng hợp)
.
.
.