Quay về thời chiến tranh lạnh?

Chủ Nhật, 25/03/2018, 16:05
Lần cuối cùng Vương quốc Anh tiến hành trục xuất các nhà ngoại giao Nga một cách quy mô là thời kỳ Chiến tranh lạnh.


Khi đó, một sĩ quan KGB hàng đầu đào tẩu vào năm 1971 đã hé lộ cho chính quyền xứ sương mù về quy mô của bộ máy gián điệp Liên Xô ở Anh, khiến Chính phủ Anh vội vàng trục xuất 91 quan chức ngoại giao của Liên Xô bị nghi ngờ là gián điệp.

Ln nht 30 năm

Moskva đã phản ứng giận dữ, gọi tuyên bố về gián điệp của Anh là "một chiến dịch vu khống hoàn toàn" và trả đũa bằng những vụ trục xuất của chính mình. Thời khắc đó đã đánh dấu một mức thấp mới trong quan hệ Anh-Xô, và không thể cải thiện cho tới khi kết thúc Chiến tranh lạnh.

Bây giờ, Thủ tướng Theresa May đang đối mặt với một phiên bản mới của câu chuyện cũ. Đầu tháng 3, một cựu điệp viên người Nga và con gái của ông được phát hiện bất tỉnh trên một băng ghế công viên. Chính quyền Anh sau đó xác định họ bị tấn công bằng một chất độc thần kinh “chỉ được sản xuất duy nhất tại Nga”.  Hiện 2 người này vẫn nằm viện trong tình trạng nguy kịch.

Trong một bài phát biểu một tuần sau đó, Thủ tướng May đổ lỗi cho Nga đã “tán thành với ngôn ngữ chiến tranh”, cáo buộc Moskva "sử dụng vũ lực trái phép" chống lại Vương quốc Anh. Người Nga đã bác bỏ sự liên quan. Tuy nhiên, Anh đã quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao của Nga.

Hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: ABC News).

"Đây sẽ là trục xuất lớn nhất trong hơn 30 năm, và nó phản ánh thực tế rằng đây không phải là lần đầu tiên mà Nhà nước Nga đã hành động chống lại đất nước của chúng tôi", bà May phát biểu tại Hạ viện vào ngày 14-3, tuyên bố những người Nga có một tuần để rời khỏi đất nước. "Thông qua những trục xuất này, chúng tôi sẽ làm suy yếu cơ sở tình báo Nga trong những năm tới tại Anh và nếu họ muốn khôi phục lại, chúng tôi sẽ ngăn họ không làm như vậy".

Ngoài việc tăng cường kiểm tra các cá nhân người Nga, các chuyến bay cá nhân, hải quan và vận tải hàng hóa vào nước này, bà May cho biết Anh cũng sẽ cắt đứt các liên lạc cấp cao với Moskva (bao gồm cả việc thu hồi lời mời thăm cấp nhà nước với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov) làm cho tài sản Nga bị đe dọa. Bà cũng khẳng định Anh sẽ không gửi bất kỳ bộ trưởng chính phủ hoặc các thành viên của gia đình hoàng gia đến World Cup mùa hè này.

Giới quan sát lo ngại, căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Nga không chỉ đe dọa tới hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước mà có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng quốc tế khi Anh đang vận động đồng minh tham gia tiến hành các hành động nhằm vào Nga.

Nguy cơ bùng phát

Trong một tuyên bố chung được phát đi, 4 nhà lãnh đạo gồm Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án vụ đầu độc là vi phạm chủ quyền với nước Anh và cho rằng nhiều khả năng Nga đứng sau vụ việc.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc lần đầu tiên xảy ra vụ tấn công bằng chất độc thần kinh ở lãnh thổ của một nước thành viên kể từ khi khối này được thành lập. Theo các chuyên gia, sự việc sẽ còn bị đẩy đi xa hơn nếu cả hai nước tiếp tục áp dụng các hành động "ăn miếng, trả miếng" cứng rắn. Giải pháp tối ưu lúc này là hai bên cần tiếp tục duy trì các kênh liên lạc, tìm kiếm đối thoại để giải quyết tận gốc những bất đồng.

Trong bất kỳ trường hợp nào, Nga, nơi gọi những vụ trục xuất mới nhất là "hoàn toàn không chấp nhận được, không có căn cứ và thiển cận", sẽ phản ứng lại giống như đã làm khi Mỹ trả đũa vì cho rằng có sự can thiệp của Moskva vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Chiều ngày 17-3, Moskva đã công bố quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh.

Nếu Anh chọn lựa các biện pháp bổ sung, chẳng hạn như nắm bắt tài sản của các đầu sỏ chính trị Nga ở Anh, hoặc tạm ngừng cấp phép RT (Russian Today) của Nga, không nghi ngờ gì Nga cũng sẽ đáp lại bằng một cách tương tự. "Bất kỳ mối đe dọa nào để áp dụng 'các biện pháp trừng phạt' chống lại Nga sẽ bị đáp trả bằng phản ứng tương đương”, Đại sứ quán Nga cho biết. "Phía Anh nên biết điều đó".

Nam Tiên
.
.
.