Quyền được chết

Thứ Sáu, 09/10/2015, 15:00
Một lần nữa chủ đề quyền được chết lại được dư luận Mỹ và nhiều nước trên thế giới đề cập sau khi California trở thành bang thứ 5 của Mỹ cho phép bệnh nhân được chết với sự trợ giúp của bác sỹ. Trước đó, các bang Oregon, Washington, Vermont và Montana đã thông qua chủ đề nhạy cảm này.

Ngày 5/10, Thống đốc bang California Jerry Brown đã ký phê chuẩn luật "Lựa chọn chấm dứt sự sống", vốn gây nhiều tranh cãi trong chính giới và dư luận Mỹ. "Tôi không biết sẽ làm gì nếu mình đang chờ chết trong tình trạng đau đớn. Nhưng tôi chắc rằng sẽ là niềm an ủi nếu có thể cân nhắc các giải pháp mà luật này cho phép. Tôi sẽ không từ chối quyền đó với những người khác", Thống đốc Jerry Brown tuyên bố khi đặt bút ký để California trở thành bang thứ 5 hợp pháp hóa quyền được chết, còn được gọi "cái chết nhân đạo", "cái chết êm ái", "cái chết êm dịu".

Dự luật này được đệ trình sau khi bệnh nhân Brittany Maynard phải chuyển từ bang California tới bang Oregon để được chết hồi tháng 11/2014, bởi bác sỹ chẩn đoán có khối u ác tính trong não và thời gian sống không còn nhiều. Và vụ này đã gây tranh cãi gay gắt giữa phe ủng hộ và chống đối.

Theo quy trình, người ta có thể giúp bệnh nhân kết thúc sự sống nếu có 2 bác sỹ cùng kết luận: bệnh nhân chỉ còn sống dưới 6 tháng, tỉnh táo về tinh thần, có nguyện vọng được chết để không phải chịu đau đớn về thể xác do bệnh tật hành hạ. Những người ủng hộ đã phải cố gắng vận động trong hàng thập kỷ để California hợp pháp hóa vấn đề này (từng thất bại 6 lần trước khi thành công). Nhưng phe chống đối lại coi quyền được chết sẽ khuyến khích một số thân nhân vô đạo đức gây áp lực buộc bệnh nhân tự sát, hoặc công ty bảo hiểm tranh thủ đưa ra giải pháp có lợi cho họ thay vì phải trả tiền cho những loại thuốc điều trị đắt tiền.

Brittany Maynard chia sẻ trong 1 đoạn video.

Trong khi nhiều người coi đây là lối thoát đạo đức, nhân đạo cho cả bệnh nhân và bác sỹ thì những người phản đối lại coi "cái chết êm ái" là vô đạo đức…

Ngày 17/3, với 436 phiếu thuận, 34 phiếu chống và 83 phiếu trắng, Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật "cái chết êm dịu". Theo kết quả thăm dò trước đó, có tới 96% người dân Pháp được hỏi ủng hộ điều luật này. Ngày 3/2/2009, Eluana Englaro, người phụ nữ Italia sống 17 năm trong tình trạng thực vật, đã được đưa tới một bệnh viện tư để được giải thoát bằng "cái chết nhân đạo". Luxembourg trở thành quốc gia thứ ba trong Liên minh châu Âu cho phép hợp pháp hóa "cái chết nhân đạo", sau khi quốc hội thông qua (tháng 2/2008) quyền được chết nằm trong tay bệnh nhân, bác sỹ và người thân đều không có quyền quyết định.

Cũng trong năm 2008, một Tòa án ở Seoul đã cho phép bà Kim Ok Kyung, 76 tuổi, sống trong tình trạng thực vật từ tháng 2/2008, được tìm đến "cái chết êm ái". Và đây là lần đầu tiên một trường hợp được tòa án cho phép tại Hàn Quốc dưới sự đồng ý của người thân. Điều đáng nói là từ năm 1941, Thụy Sĩ đã là "thiên đường" cho những người muốn tìm đến "cái chết nhân đạo". Và đã có hơn 1.000 "con bệnh nan y" trên thế giới tìm đến Thụy Sĩ để được hỗ trợ từ bỏ cuộc sống với điều kiện bác sỹ không được can thiệp, và người trợ tử không nhận bất cứ lợi ích gì từ người chết.

Hà Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa "cái chết nhân đạo" bởi từ tháng 4/2002, người muốn chết sẽ không phải chịu nỗi đau đớn giày vò và độ tuổi được chọn cái chết êm ái là trên 12. Và kể từ đó, trung bình mỗi năm có khoảng 3.100 trường hợp được trợ tử ở Hà Lan. Thậm chí, Chính phủ Hà Lan còn cho phép thành lập đội cứu trợ cung cấp "cái chết nhân đạo" nếu bác sỹ từ chối tiến hành việc này. Bỉ là quốc gia duy nhất cho phép trợ tử không giới hạn tuổi tác.

Ngày 13/2/2014, sau những tranh cãi nảy lửa, Quốc hội Bỉ đã thông qua luật cho phép bác sỹ thực hiện "cái chết nhân đạo" đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối. Bố mẹ, bác sỹ và nhà tâm lý sẽ phải đồng thuận trước khi quyết định được đưa ra cho phép bố mẹ nộp đơn xin trợ tử trong trường hợp đứa con không đủ năng lực sống. Trước đó (năm 2002), Bỉ đã luật hóa "cái chết nhân đạo" ở người lớn.

Theo báo cáo của Ủy ban Liên bang về kiểm soát và đánh giá về "cái chết êm dịu", riêng năm 2013, Bỉ có 1.807 người chọn giải pháp này, tức là có 5 người/ngày không muốn duy trì cuộc sống khổ cực về thể xác - mức cao kỷ lục kể từ năm 2002. Con số này tăng 27% so với 1.432 trường hợp năm 2012. Số trường hợp trợ tử tăng từ 24 ca năm 2002 lên 500 ca năm 2007 và vượt ngưỡng 1.000 vào năm 2011 với 1.133 trường hợp. Tháng 5/2013, Christian de Duve, người đoạt giải Nobel Y học năm 1974 cũng chọn cho mình "cái chết êm dịu" khi 95 tuổi. 

Quốc Dũng
.
.
.