Quyết liệt chống buôn lậu ở phía Nam

Thứ Năm, 27/07/2017, 14:23
Để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, trong những năm qua, Nhà nước ta đã triển khai nhiều chính sách thông thoáng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, lợi dụng sự ưu đãi này, một số cá nhân, đơn vị đã tìm cách tuồn nhiều loại hàng hóa thuộc dạng cấm nhập khẩu vào trong nội địa tiêu thụ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) đã chỉ đạo cho cán bộ chiến sỹ Phòng 6 phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng của 21 tỉnh, thành (từ Ninh Thuận trở vào đến Cà Mau) triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về buôn lậu và trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện 55 vụ với số lượng hàng nhập lậu ước tính lên đến gần 60 tỷ đồng...

Theo Trung tá Trần Thanh Hiển - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) - Bộ Công an, tình hình buôn lậu trong thời gian qua xảy ra tại các tỉnh từ Ninh Thuận trở vào đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long diễn ra hết sức phức tạp.

Cánh buôn lậu tập trung vào các mặt hàng thuốc lá điếu, điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng đã qua sử dụng (hàng bãi), hàng bách hóa tổng hợp, ngà voi, sừng tê giác, tân dược… với số lượng lớn.

Thông qua các cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất hoặc các cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu để tuồn hàng vào.

Riêng trên địa bàn dọc tuyến biên giới các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang tiếp giáp với Campuchia thì tình trạng buôn lậu thuốc lá điếu và đường cát diễn biến rất nóng bỏng. 

Trước đây cánh buôn lậu thường lợi dụng những điều khoản ưu tiên trong hình thức tạm nhập tái xuất hoặc nhập quá cảnh để đưa các loại hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu vào tập kết tại các cửa khẩu quốc tế như Tân Sơn Nhất và các cảng biển, sau đó làm thủ tục vận chuyển bằng đường biển hoặc đường bộ đi nước thứ 3, nhưng trong quá trình vận chuyển trên đường thì lén mở container móc hàng hóa xuống, độn những loại hàng có giá trị thấp vào trong rồi cho xe kéo đến hải quan cửa khẩu làm thủ tục thông quan.

Bắt thuốc lá lậu tại biên giới tỉnh Long An.

Từ đầu năm 2016 đến nay, chiêu này bị các trinh sát Phòng 6, Cục C74 phối hợp với các lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường và Biên phòng liên tục phát hiện, xử lý nên cánh buôn lậu thay đổi chiêu thức bằng cách cho lập những công ty "ma" ở lãnh thổ Campuchia sát biên giới Việt Nam để kéo hàng hóa qua rồi thuê cánh xe ôm, cửu vạn chuyển ngược trở lại theo đường mòn đưa lên xe tải vận chuyển về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Thủ đoạn mới này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các trinh sát bởi mặc dù biết số hàng hóa đó sẽ được tuồn vào trong nước nhưng trong quá trình vận chuyển đến cửa khẩu thì không thể tiến hành kiểm tra được vì luật không cho phép.

Trong lúc thực hiện các biện pháp theo dõi, lực lượng Công an cũng không thể vượt qua biên giới được vì chưa có ký kết hiệp ước chung về chống buôn lậu nên các trinh sát thường phải ứng trực ở khu vực biên giới, nhiều khi phải nằm 24/24 giờ cả tuần lễ để đón lõng các đối tượng buôn lậu tuồn ngược hàng hóa vào trong nước.

Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, cánh buôn lậu cho đổ thành những đống to như đống rơm ngay sát biên giới rồi thuê người chẻ hàng bằng xuồng cao tốc hoặc đường mòn sang địa phận huyện Đức Huệ, tỉnh Long An và huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, sau đó sử dụng xe gắn máy phân khối lớn vận chuyển về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Những đối tượng này thường trang bị các loại hung khí để sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng nếu bị phát hiện, kiểm tra. 

Một vấn đề hóc búa nữa mà các trinh sát Cục C74 nói riêng và lực lượng chống buôn lậu nói chung phải đối mặt, đó là hầu hết các vụ buôn lậu, chủ hàng không bao giờ xuất đầu lộ diện. Khi thu gom tại các bãi rác thải ở các nước, họ thường thuê một đơn vị vận chuyển ở nước sở tại làm thủ tục gửi hàng.

Tại Việt Nam, họ thuê lòng vòng qua nhiều công ty giao nhận, vận chuyển trước khi đến tay một công ty giao nhận thứ cấp 5 hoặc 6 đứng ra làm tờ khai hải quan. Các công ty giao nhận được thuê phải có khả năng thông quan điện tử chứ không phải thực hiện kiểm hóa theo hình thức trực tiếp, đặc biệt các công ty giao nhận đều không biết chủ hàng thực sự là ai nên việc truy tìm và xử lý tận gốc mất rất nhiều thời gian, nhiều khi không thể truy tìm ra được vì họ sẵn sàng vứt bỏ hàng hóa ngay khi bị phát hiện.

Để khắc phục những khó khăn, lãnh đạo Cục C74 đã chỉ đạo cho cán bộ chiến sỹ chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, thu thập thông tin về các đường dây buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác như Biên phòng, Hải quan và quản lý thị trường sẵn sàng đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu ở mọi lúc, mọi nơi.

Thượng tá Lê Thơm - Trưởng phòng 6, Cục C74 cho biết: Trong khoảng hai tháng trở lại đây, cánh buôn lậu tập trung mạnh vào các mặt hàng tân dược, điện tử, điện máy, điện lạnh, đồ gia dụng đã qua sử dụng (còn gọi là rác).

Điển hình vào lúc 23 giờ đêm 25-4-2017, các trinh sát của đơn vị phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh và Công an quận Bình Tân kiểm tra hành chính đối với kho hàng số 125 đường Tây Lân, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, phát hiện bên trong có chứa 201 quạt điện, 199 cục nóng - lạnh máy điều hòa, 98 nồi cơm điện, 23 máy giặt cùng nhiều loại thiết bị điện khác đã qua sử dụng nhưng người quản lý không thể chứng minh được nguồn gốc nhập khẩu, không xuất trình được các loại hóa đơn chứng từ (ngoài một tờ khai Hải quan nhưng lại ghi là phụ tùng máy ép mới 100%).

Các trinh sát tiếp tục kiểm tra container hàng hóa nhập khẩu do Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Phương Nam (trụ sở đóng tại 92, đội 3, ấp 4, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), phát hiện 78 động cơ nổ của ôtô đã qua sử dụng nhưng chủ lô hàng không chứng minh được tính hợp pháp trong công tác xuất nhập khẩu.

Nhiều lô hàng điện tử, điện lạnh nhập lậu được phát hiện tại cảng Cát Lái.

Qua công tác phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường và Phòng PC46 Công an TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra, giám sát các loại hàng hóa nhập khẩu, các trinh sát Phòng 6, Cục C74 phát hiện tại kho hàng số 122/2 Tạ Uyên, phường 4, quận 11 của Công ty TNHH Phương Thịnh, phát hiện một lượng lớn thiết bị y tế, hàng trăm máy giặt công nghiệp cùng rất nhiều máy lạnh, tủ lạnh cũ (tạm tính lên đến trên 5 tỷ đồng) .

Đối với mặt hàng tân dược do bị kiểm soát rất gắt gao, nhưng vì lợi nhuận rất hấp dẫn, lại dễ vận chuyển với số lượng lớn nên khi vừa cập cảng trong nước, cánh buôn lậu lập tức cho làm thủ tục vận chuyển sang nước thứ 3, sau đó dùng nhiều thủ đoạn tuồn qua biên giới đưa về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tiêu thụ khiến cho lực lượng Công an phải tốn rất nhiều thời gian, công sức mới triệt phá được.

Trong hai tháng vừa qua, các trinh sát Phòng 6 đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ buôn lậu tân dược các loại, trong đó nổi cộm nhất là vào đầu tháng 5-2017, các trinh sát Phòng 6, Cục C74 phát hiện một đường dây vận chuyển một số loại tân dược có giá trị cao từ các nước châu Âu quá cảnh sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh rồi tiếp tục vận chuyển sang Campuchia.

Sau khi kiểm tra lại thông tin xuất nhập khẩu quốc tế, các trinh sát nhận thấy đây là việc làm bất thường bởi Campuchia là đất nước đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu rất thấp, lại có đường bay quốc tế trực tiếp đến nhiều nước trên thế giới nên không lý do gì mà phải vận chuyển lòng vòng cho tốn thêm nhiều chi phí.

Tiếp tục đeo bám, đến ngày 6-5 thì phát hiện nhân viên giao nhận thuộc công ty Con Ong tiếp nhận 41 kiện hàng (khai là tân dược) trên chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ về và tiến hành làm thủ tục để chuyển tiếp bằng đường bộ sang Campuchia nhưng không vận chuyển số kiện hàng này vào sâu trong nội địa mà tập kết ở một kho hàng sát biên giới tỉnh Tây Ninh.

Nhận định số hàng này chắc chắn sẽ được xé nhỏ rồi tuồn vào trong nước qua đường mòn dân sinh, các trinh sát đã chia nhỏ đội hình ứng trực 24/24h trên toàn tuyến và phát hiện, các đối tượng đã thuê đám bốc vác chuyên nghề cõng hàng lậu đưa 41 kiện hàng trên lên chiếc xe tải biển số 62C-037.96 do tài xế Cao Hiền Hữu điều khiển đậu sẵn tại một địa điểm hoang vắng ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Sau khi chất đầy hàng, chiếc xe này lập tức chuyển bánh chạy thẳng về kho hàng 450 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4 nhưng chưa kịp cất giấu thì bị các trinh sát Phòng 6, Cục C74 phối hợp với Công an quận 4 ập vào bắt giữ.

Bị bắt quả tang, tài xế Cao Hiền Hữu đã khai nhận lô hàng này hoàn toàn là  tân dược nhưng do vận chuyển thuê nên không biết xuất xứ, số lượng, chủng loại, chỉ biết nhận tiền thuê vận chuyển từ nhân viên Công ty Con Ong ở số 39B đường Trường Sơn, quận Tân Bình.

Phát hiện ngà voi giấu trong container chở gỗ từ châu Phi Việt Nam.

Theo Thượng tá Lê Thơm, trong thời gian qua tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất còn xuất hiện tình trạng nhập trái phép các loại vũ khí do các đối tượng tội phạm sử dụng để gây án.

Cụ thể vào ngày 20-2-2017, qua công tác nắm tình hình, các trinh sát phối hợp với Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện 4 kiện hàng bao gồm 24 nòng súng bằng kim loại, 1 cò súng, 1 ống ngắm có xuất xứ từ Hoa Kỳ gửi về cho ông Nguyễn Văn Hiệp, ngụ số 200/4 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh.

Cùng ngày, lực lượng phối hợp tiếp tục phát hiện thêm 3 kiện hàng ghi số vận đơn 5344-5345-5346/NK/PMD bên trong có chứa 23 nòng súng bằng kim loại được gửi cho Đỗ Thị Bích Châu, ngụ tại 180 đường Trường Chinh, phường 13, quận Tân Bình.

Đức Cương
.
.
.