Quyết nói không với “thiên đường thuế”

Thứ Năm, 07/12/2017, 16:06
Trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng đối với bản “danh sách đen” về “thiên đường thuế”, bao gồm khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Trước đó (30-11), Ủy ban châu Âu đã công bố bản “danh sách đen” và các chuyên gia EU đã đề xuất 2 bản danh sách. Trong đó, bản “danh sách đen” gồm những quốc gia không tôn trọng các quy định về minh bạch và hợp tác thuế của EU và có thể sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt. 

Còn bản “danh sách xám” gồm những quốc gia không tôn trọng các quy tắc, nhưng quyết tâm thay đổi chế độ thuế của mình cho phù hợp với các tiêu chuẩn của EU. Theo tuyên bố của Ủy viên Tài chính EU Pierre Moscovici, danh sách do EU công bố sắp tới sẽ chi tiết hơn danh sách của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố trước đó. 

Theo giới chuyên môn, quốc gia nào cũng muốn chống “thiên đường thuế”, nhưng đây là cuộc chiến không có hồi kết bởi nói dễ, song làm khó vô cùng. Tháng 4-2016, thế giới từng bị sốc khi “Hồ sơ Panama” với 11,5 triệu tài liệu về các cá nhân và tổ chức trốn thuế bị Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phanh phui. 

Tới đầu tháng 11-2017, dư luận lại chấn động khi “Hồ sơ Paradise” với 13,4 triệu tài liệu bị rò rỉ từ công ty luật quốc tế Appleby. Sau khi “Hồ sơ Paradise” bị tiết lộ, EU đã yêu cầu các quốc gia trong khối nhanh chóng đạt thỏa thuận về bản danh sách đáng tin cậy về các "thiên đường thuế" để công bố vào ngày 5-12. Và khi những quốc gia và vùng lãnh thổ bị “điểm danh”, họ sẽ bị xử phạt nếu không hợp tác trong việc minh bạch hồ sơ thuế.

Các nhà hoạt động dựng cảnh chống nạn trốn thuế trước hội nghị quốc tế tổ chức tại London (Anh).

Động thái kể trên diễn ra sau khi tờ Financial Times cho biết, có tới 5,8 tỷ bảng Anh tiền thuế đã chảy ra ngoài Vương quốc Anh trong năm 2016, qua việc các tập đoàn đa quốc gia đặt lợi nhuận vào công ty con của mình ở các nước khác. 

Con số kể trên do Cơ quan quản lý Thuế và Hải quan Anh (HMRC) đưa ra và được đánh giá là đã tăng 50% so với dự đoán trước đó của Chính phủ. Theo tờ The Times, HMRC đã hướng sự tập trung rà soát tới các tập đoàn đa quốc gia, sau các chính sách dưới thời cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne. Chính phủ Anh cũng từng đề xuất đánh thuế các trang mạng xã hội và các nhà cung cấp mạng Internet. 

Mấy ngày trước, người đứng đầu Cơ quan Thuế Israel Moshe Asher cho biết, Israel đang lên kế hoạch đánh thuế đối với các tập đoàn Internet lớn như Google và Facebook trong vòng một năm. Theo ông Moshe Asher, Israel đang nỗ lực thu thập dữ liệu, kể cả các số liệu ở nước ngoài để trong 1 năm tới có thể đưa ra các hóa đơn về thuế cho Google và Facebook. 

Đại diện của Cơ quan Thuế Israel xác nhận, họ đang xây dựng các bản đánh giá về thuế cho những công ty đa quốc gia. Israel là quốc gia tiếp theo để cùng với EU trong nỗ lực siết chặt quản lý thuế đối với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Động thái này diễn ra khi Ủy ban châu Âu dự kiến đưa ra các đề xuất về việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn, trong đó có Google và Apple trong năm 2018. 

Năm tháng trước (tháng 6-2017), Cơ quan quản lý chống độc quyền của EU đã phạt Google 2,7 tỷ USD do hãng này lạm dụng vị thế thống trị của mình trong các dịch vụ tìm kiếm và hệ điều hành di động. Theo giới truyền thông, Pháp là quốc gia dành nhiều nỗ lực nhất để tăng thuế tại EU đối với các tập đoàn công nghệ, trong đó có Google và Facebook.

Người biểu tình kêu gọi ký tên kiến nghị tập thể đòi tập đoàn Apple phải đóng thuế nghiêm túc.

Được biết, Google đang phải đối mặt với một cuộc điều tra trên diện rộng về hoạt động kinh doanh của hãng trong bối cảnh giới chức Mỹ tiến hành xem xét cách thức mà "gã khổng lồ" công nghệ này xử lý dữ liệu của người dùng và đưa ra các kết quả tìm kiếm. Và bang Missouri của Mỹ đã yêu cầu điều tra để xác định xem Google có vi phạm đạo luật chống độc quyền và bảo vệ khách hàng hay không. 

Nhưng trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin từng tuyên bố, Washington không ủng hộ đề xuất của Pháp đánh thuế tổng doanh thu của các tập đoàn công nghệ quốc tế như Google và Amazon. Năm 2016, Mỹ đã phản ứng giận giữ trước việc giới chức châu Âu quyết định thu hơn 14 tỷ USD tiền thuế từ Apple. 

Thượng nghị sỹ Suleiman Kerimov, một trong những người giàu nhất nước Nga với số tài sản khoảng 6,3 tỉ USD, đã bị bắt tối 20-11 tại thành phố Nice của Pháp. Và ông Suleiman Kerimov đã chính thức bị điều tra với cáo buộc rửa tiền, trốn thuế và đối mặt với bản án 10 năm tù, nếu bị kết tội. Theo hãng Reuters, ông Suleiman Kerimov có thể được tại ngoại nếu đồng ý nộp hộ chiếu, không rời khỏi hạt Alpes-Maritime, đóng phí bảo lãnh 5,9 triệu USD và đến trình diện cảnh sát nhiều lần trong tuần.
Phạm Huy Anh
.
.
.