Rắc rối một cuộc chơi "Ai muốn thành triệu phú?"

Chủ Nhật, 12/07/2020, 13:58
Tháng 4-2020, kênh truyền hình Anh ITV cho phát sóng loạt chương trình "Quiz" kể về câu chuyện Charles, chàng thiếu tá quân đội Hoàng gia Anh chơi thắng cuộc "Who Wants to Be a Millionaire?" ("Ai muốn thành triệu phú?") năm 2001 nhưng bị nghi ngờ lừa đảo và phải hầu tòa. "Quiz" có thể phải kéo dài thêm một mùa nữa vì đã xuất hiện luật sư bào chữa cho Charles?

"Ai muốn thành triệu phú?" là tên quốc tế của một chương trình trò chơi truyền hình có nguồn gốc từ Vương quốc Anh và Bắc Ireland, sáng lập bởi David Briggs, Mike Whitehill và Steven Knight, được nhiều quốc gia mua bản quyền sản xuất và phát sóng, trong đó có Việt Nam với tên gọi "Ai là triệu phú?". 

Về cơ bản, đây là một chương trình truyền hình đố vui thưởng lớn 
trên truyền hình, giải thưởng cao nhất (trong phiên bản Anh) là một tấm séc có trị giá 1.000.000 bảng Anh. Hầu hết các phiên bản của chương trình này trên thế giới đều có giải thưởng cao nhất là tấm séc trị giá 1.000.000 đơn vị tiền tệ ở quốc gia tương ứng.

Phút tuyên bố Charles Ingram thắng cuộc.

Chương trình "Ai muốn thành triệu phú?" ra mắt trên kênh truyền hình Anh ITV từ tháng 9-1998, tới nay đến được câu hỏi chung kết chỉ có 5 người. Trong số những nhà triệu phú thông thái có Charles Ingram, một thiếu tá quân đội Hoàng gia Anh, người nổi tiếng vì gian lận trong chương trình trò chơi truyền hình "Ai muốn thành triệu phú?" phiên bản Anh vào năm 2001. 

Chiến thắng của người này đã gây ấn tượng mạnh với khán giả có mặt tại trường quay. Gần như ngay lập tức, Charles cùng cô vợ Diana và một người tham gia cuộc chơi nữa gợi lên mối nghi ngờ và sau đó trở thành đối tượng của một vụ án hình sự về tội lừa đảo lạ lùng nhất của đầu thế kỷ XXI. Ý tưởng kỳ lạ để thỏa mãn lòng tham đã đảo ngược cuộc sống gia đình Ingram.

Charles Ingram và Chris Tarrant.

"Đấy là một người chơi khó lường nhất từng đến với cuộc chơi này", Chris Tarrant - người dẫn chương trình "Ai muốn thành triệu phú?" - nói như thét vào tai viên Thiếu tá quân đội Anh Charles Ingram như vậy khi anh này giật được giải thưởng chính của chương trình. Ingram thì dúi mặt giữa hai nắm tay và suýt nữa thì khóc khi cô vợ từ ghế khán giả tiến lên về phía mình. Cặp vợ chồng hạnh phúc ngất ngây đang ôm nhau, người dẫn chương trình tiếp tục thét vang: "Nói chung, hai vị có thể tin vào điều này không ạ?"…

Cả Tarrant, cả đội ngũ nhà sản xuất giàu kinh nghiệm của nhà sản xuất chương trình Celador đúng là chưa hề được chứng kiến cảnh này trước đó. Thoạt đầu họ cứ nghĩ rằng người chơi Charles 39 tuổi này chẳng có cơ hội đặc biệt nào, nhưng chàng sĩ quan Ingram cần cù và nghị lực đã quen giữ vững trước mọi thách thức.

Chiến thuật của Charles Ingram quả là độc đáo

Trước khi ngồi vào ghế người chơi "Ai muốn thành triệu phú?", các ứng viên đều phải có nhiệm vụ thực hiện xong công việc đầu tiên - được gọi là "Fastest Finger First", hay "FFF". Điều quan trọng hơn cả là ở đây không cần đến óc liên tưởng, mà phải có phản ứng thật nhanh: với sự trợ giúp của một clicker đặc biệt là một hộp nhựa với thanh kim loại, khi bấm vào thì phát ra tiếng kêu "tách". 

Người tìm cơ hội thành triệu phú phải đưa ra 4 phương án trả lời câu hỏi được đặt trong một trình tự đúng. Trả lời cho thiết bị clicker đó, ở nhà, Charles đã làm và luyện tốc độ - điều đó cho phép anh về nhất trong thời gian quay chương trình vào ngày 9-9-2001: anh đã xếp rất đúng các con chữ để làm nên tên của một thiên truyện trinh thám của nữ nhà văn Agatha Christie là Death on the Nile (Án mạng trên sông Nile) trong thời gian 3,96 giây đồng hồ và được đối diện với người dẫn chương trình Chris Tarrant. "Nếu nói thật, thì tôi không đợi chờ điều gì đặc biệt" - anh ta thú nhận.

Charles và Diana.

Càng gần đến chung kết, câu hỏi càng hóc búa

Ingram bình tĩnh tuy rằng không giải đáp nhanh đến thế 5 câu hỏi đầu tiên, nhưng đến câu hỏi thứ 6 và thứ 7 - tương ứng với phần thưởng 2 nghìn và 4 nghìn bảng, được quyền sử dụng người trợ giúp, thì không có gì báo trước là chàng thiếu tá này sẽ còn tiến xa. Ngày quay đầu tiên kết thúc ở đấy và tất cả các người chơi về nghỉ ngơi. Sang buổi quay tiếp sau, Charles đã thay đổi rõ rệt, anh ta đến trường quay trong trạng thái rất hưng phấn, từng cử chỉ hành động đều thấy tự tin hơn nhiều và ra tuyên bố là sẽ có kế hoạch táo bạo hơn nữa.

Đâu đó trong một góc trường quay, ở chỗ dành cho những người chơi FFF, ông Tecwen Whittock đang ngồi - đấy là một tay kỳ cựu của tất cả các chương trình vui chơi có thưởng trên truyền hình nhưng chẳng một lần đạt được thành công nho nhỏ đáng kể nào, là người bố của ba người con và chủ nhân của thẻ tín dụng có 5 con số. Whittock thu hút sự chú ý của đội "Ai muốn thành triệu phú?" bởi vì ông ta luôn luôn khúc khắc ho.

Trong khi đó, cả Tarrant, cả Ingram hầu như chả chú ý gì đến tiếng ho cũng như mọi âm thanh khác từ bên ngoài: chàng sĩ quan quân đội vẫn cứ tiến lên, tiến tiếp, tiến thẳng đến một triệu bảng. Về sau, người dẫn chương trình kể lại: "Tôi luôn luôn cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình để không có một lời mách khéo nào cả, nhưng thỉnh thoảng đúng là tôi cũng muốn người chơi có câu trả lời đúng".

Điều khiến các nhà tổ chức cuộc chơi trên truyền hình kinh ngạc là Charles không có chỉ số trí tuệ xuất sắc, nhưng đã chẳng một lần phạm sai lầm. Chàng thiếu tá quân đội nhắc lại từng câu hỏi và tất cả 4 phương án trả lời một cách đều đều đơn điệu như thể đang nói chuyện với chính mình và cả khán phòng đông chật, mà người trong khán phòng thì chăm chú quan sát và, rất tự nhiên, phản ứng trước từng suy luận của anh ta. Về sau, Charles có nói rằng điều đó giúp anh rất nhiều.

Đỉnh cao của cảm xúc khán giả là một trong những phần cuối chương trình, khi Ingram đến với câu hỏi cuối cùng nếu giải được sẽ thành triệu phú. Câu hỏi như thế này: "Con số gồm một đơn vị và một trăm con số không thì gọi là gì?" Charles lần lượt gọi tên từng phương án: googol (10100 tức 10 lũy thừa 100), megatron (1.000.000), gigabit (bội số của 109) và nanomole (bội số của 10-9).

- Tôi không tin… - Ingram nói.

- Charles, anh đã nói như thế khi trả lời câu hỏi thứ 2 - Tarrant nhận xét sau khi cả khán phòng cười rộ vui vẻ, còn Charles thì lộ rõ vẻ căng thẳng.

- Tôi nghĩ đó là nanomole, nhưng cũng có thể là gigabit - Ingram bắt đầu phân tích. - Tôi không nghĩ rằng mình có thể trả lời được câu hỏi đó… Tôi không nghĩ rằng đó là megatron nhưng cũng không nghe thấy có nói gì về googol.

Có tiếng ho từ phía khán phòng.

- Googol, googol, googol… Tôi cần phải suy nghĩ đã, nó có thể là googol, nhưng tôi không biết nó là gì. Tôi không nghĩ nó là megatron, gigabit hay là nanomole. Thật thà mà nói, tôi cho đấy là googol.

- Nhưng chính anh đã nói là chưa bao giờ nghe thấy nói về nó cơ mà - người dẫn chương trình nhận xét.

- Chắc chắn nó là googol. Tôi sẵn sàng làm liều đây. Tôi không nghĩ rằng nó là megatron, gigabit hay là nanomole. Chắc chắn nó phải là googol.

Lại có tiếng ho từ phía khán phòng.

- Chính xác, chính xác.

Sau khi pha trò một chút với khán giả, cuối cùng Ingram và Tarrant đi đến thống nhất là câu trả lời chung kết chính là "googel".

- Anh đã chọn từ đó bởi vì chưa bao giờ anh nghe nói về nó, mà lại nghe nói về 3 từ khác. Charles, anh đã được phần thưởng một triệu bảng - người dẫn chương trình trịnh trọng tuyên bố vào thời điểm ông ta và Ingram đang bàng hoàng thấy mình ngợp trong đám pháo hoa bằng giấy nhiều màu.

Tarrant tỏ ra rất hào hứng: "Quả thật, tôi không biết phương pháp của anh ta như thế nào, nhưng chung cuộc thì Ingram đã giành chiến thắng". Cuộc đối thoại về phương pháp giữa hai người đã không được tiến hành, tuy nhiên sau đó Ingram có giải thích vì sao anh ta có thể vượt qua 15 câu hỏi: "Trong quân đội thì không bao giờ anh có được đầy đủ các thứ dự trữ, anh chỉ có thể giảm bớt sự mạo hiểm để thực hiện bằng được sứ mệnh của mình. Chính điều đó tôi đã làm được trong buổi quay hôm ấy. Tôi xem xét từng câu hỏi một, dồn hết tâm trí để cố gắng loại đi những phương án quá mù quáng rồi cân nhắc tất cả các đáp án còn lại. Nếu như cảm thấy mình có được 80% tự tin thì tôi mới đi tiếp" - Ingram mô tả lại. 

Ngoài ra, anh ta còn khẳng định rằng có lưu ý đến phản ứng của khán giả sau mỗi câu trả lời và tiếng thở dài nặng nhọc của một vài người dường như đã giúp mình trả lời đúng câu hỏi thứ 10 với phần thưởng 32 nghìn bảng.

Bóng dáng người vợ trẻ

Diana, vợ Charles, cũng có lần từng tham gia chơi "Ai muốn thành triệu phú?" và dừng lại cũng ở mức thưởng đó - 32 nghìn bảng. Cũng nhận đúng bằng số tiền như thế ở tư cách người chơi đố vui có thưởng là người em trai của cô. Hai chị em đã cùng nhau viết một cuốn sách những lời khuyên bổ ích gửi cho Nhà xuất bản John Brown Publishing, tuy nhiên sách đã không được ấn hành. Giá mà bây giờ Diana có thể viết về kinh nghiệm có một không hai của chồng thì cuốn sách của chị em cô còn cao hơn nữa.

Nhưng câu chuyện của Ingram sẽ chẳng bao giờ được vào bất cứ loại sách cẩm nang nào, còn sách của chị em Diana thì chẳng bao giờ nhìn thấy ánh sáng: vợ chồng Ingram đã không được nhận một triệu bảng: thay vào đó, họ và Tecwen Whittock hay ho hắng đã phải hầu tòa vì tội gian lận.

Ngay khi kết thúc cuộc chơi, một trong số nữ nhân viên phục trang của đội "Ai muốn thành triệu phú?" là Eve Winstanley đã ngó vào phòng của cô vợ Ingram với dự tính là cô ta hẳn phải ồn ào đón nhận chiến thắng của người chồng. Tuy nhiên, nom hai vợ chồng nhìn có vẻ căng thẳng lắm. Cô gái đề nghị hai người nâng ly uống cạn, nhưng Diana lại từ chối, viện cớ rằng ngay ngày hôm sau đã phải đi làm.

"Tôi đâu có nghĩ rằng một người vừa thắng một triệu bảng mà ngay ngày hôm sau lại tất tả đi làm. Còn ngài Ingram thì cất cao giọng, giơ hai tay lên trời nói một câu gì đó đại loại như "Đừng vội bắt đầu". Anh ta không nhìn vào tôi cũng như vào vợ, mà nhìn chăm chăm vào… bức tường", - Winstanley mô tả tình hình trong phòng phục trang. Sự lạ lùng trong hành động cử chỉ của hai vợ chồng đã được Rob Taylor - ông chủ của Celador - để ý đến, còn người dẫn chương trình Chris Tarrant thì ngược lại, chẳng nhận thấy điều gì đặc biệt.

Khi cuộc chơi đã tàn

Đến ngày hôm sau thì sự việc bắt đầu tiến triển theo cách đáng phải có. Trong khi biên tập lại những cảnh quay để cho lên sóng, một cộng sự đã để ý đến tiếng ho và xét theo vị trí đặt micro, anh ấy đã xác định được đó là tiếng ho của Tecwen Whittock. Xem đi xem lại thật kỹ, những người làm hậu kỳ của Celador đã phát hiện ra được - theo họ - một ký hiệu đặc biệt cho phép anh chàng Ingram đi đến tận chung kết cuộc chơi. Lập tức hãng Celador thông báo cho cảnh sát, sau đó, cuộc điều tra bắt đầu.

Tecwen Whittock.

Ông Paul Smith - người đại diện của Celador - trực tiếp xem lại cảnh quay có sự tham gia của Ingram và quyết định không đưa chúng lên sóng, đồng thời ông gọi điện cho Charles thông báo là tạm thời chưa trao thưởng cho anh ta chừng nào còn chưa làm rõ một số khúc mắc. Ingram chấp nhận việc đó với vẻ ngạc nhiên khá là lịch sự.

Chương trình cuộc chơi "Ai muốn thành triệu phú?" lần ấy với sự tham gia của Charles vậy là không được đưa lên truyền hình, tuy nhiên thông tin về chiến thắng của Ingram vẫn cứ lọt ra trên báo chí, mặc dù có điều kiện là không được tiết lộ kết quả cuộc chơi cho đến khi nó được đưa lên sóng.

Kết luận của tòa án

Tòa án quận Southwark (London) trở thành địa điểm diễn ra một trong số vụ xét xử lạ lùng nhất thế kỷ XXI. Tang chứng chính của vụ án là những băng đĩa ghi lại suốt quá trình quay, nó được các nhà chấp pháp xem đi xem lại với những tốc độ khác nhau vào khoảng 200 lần. Phiên tòa xét xử khá lâu, mất hẳn 4 tuần, và trong thời gian đó, tất cả câu chuyện "chàng thiếu tá hay ho hắng" được giới truyền thông nước Anh phản ánh với tất cả chi tiết cụ thể.

Phía kết tội khẳng định rằng: vợ chồng Ingram và Whittock, giảng viên một trường đại học, đã quen nhau từ mấy tháng trước khi ghi hình cuộc chơi, tất cả thời gian đó họ thường xuyên gọi điện cho nhau, còn ở trong trường quay thì - mới lạ làm sao - lại ra vẻ lánh mặt nhau. Ba con người đó - theo các nhà điều tra - đã nghĩ ra một lộ trình đưa được Charles tới chiến thắng và sẽ dùng tiền thưởng để chia nhau - hiện chưa biết theo tỷ lệ nào.

Ban đầu, chàng thiếu tá và vị giảng viên có kế hoạch sử dụng hệ thống tín hiệu với sự trợ giúp của máy nhắn tin, nhưng trong đêm trước ngày chơi, họ từ bỏ ý định ấy, bởi vì nó có vẻ rất phiêu lưu mạo hiểm. Rốt cuộc, họ quyết định hành động theo lối cổ truyền: Whittock sẽ bật lên tiếng ho vào thời điểm cần thiết. Việc Ingram nhắc đi nhắc lại đều đều tất cả các phương án trả lời được giải thích là để chờ khi nào thì Whittock phát tín hiệu là đúng. Theo tính toán của công tố viên, tiếng ho của người đồng lõa trùng khớp với 19 lần đáp án đúng. Các chuyên gia âm thanh tính được có tất cả 192 tiếng ho khác nhau, trong đó có 36 tiếng hodo Whittock thực hiện.

Graham Whitehurst - một thành viên tham gia FFF trong quá trình quay cuộc chơi - còn cung cấp chứng cứ then chốt: anh ấy đã chú ý đến mối liên hệ giữa những cân nhắc của Charles với tiếng ho của Tecwen: "Tôi chờ đến câu hỏi cuối cùng để quan sát xem Whittock sẽ làm gì khi Ingram nói đến "googol". Tôi đã tuyệt đối tin là ông ta sẽ lại ho. Ingram một lần nữa lướt qua tất cả 4 phương án và khi đến đáp án đúng, tôi nghe thấy tiếng ho. Tôi tin 100% rằng người ho là Whittock". Chris Tarrant, người đã không hề nghi ngờ gì trong buổi quay đó nhận xét thêm: "Có giải thích điều đó là anh ta rất mê chơi những trò chơi lạ thường".

Phil Davies - quản lý trưởng trường quay - công nhận là tiếng ho có nhiều, trong số đó có thể là do Whittock, bởi vì bác sĩ của ông ta xác nhận ông ta bị dị ứng với bụi. Tuy vậy tại phiên tòa, Davies nhận xét về việc ho thông thường thì không thể có mối tương ứng gì với cuộc chơi, nhưng trong trường hợp này, mối quan hệ như thế là rất rõ rệt. Trong khi trả lời phỏng vấn báo Sky News đầu năm 2020, ông còn nói thẳng: "Ingram có tội, Whittock cũng thế, có tội".

Diana - vợ của Ingram - và Whittock thì ngay tại tòa cũng như về sau đều không đồng ý với kết luận của tòa án. Riêng Charles thì chỉ ra rằng video trường quay đã được ghép nối sao cho tiếng ho của Whittock đúng là như một lời mách khéo. Bản thân Tecwen Whittock thì cố thuyết phục rằng, từ phía mình, tham gia vào mưu đồ là ngu ngốc và để giành chiến thắng trong cuộc chơi có ai cần đến ông ta đâu.

18 tháng sau khi kết thúc cuộc ghi hình chương trình, sau hàng chục cuộc lấy lời khai và hàng trăm lượt xem lại, cả ba người đều bị kết luận là có tội gian lận. Luật sư có đề nghị gỡ tội cho Diana nhưng chánh tòa không chấp nhận và vẫn đòi phải có hình phạt với cô ta. Kết quả là cô ta và Tecwen nhận 18 tháng tù treo, còn Ingram - 20 tháng, mỗi người đều phải chịu một mức phạt tiền rất lớn. Cuối buổi, chánh án còn tuyên bố: không áp dụng mức phạt tù giam chỉ vì tất cả ba người này đều đang phải nuôi con nhỏ.

Tháng 4-2003, hai vợ chồng Diana và Charles có trả lời phỏng vấn trên báo chí. Chàng thiếu tá nói rằng cảm thấy mình bị bôi nhọ, rằng vụ việc được điều tra có tính toán để làm lợi cho mỗi một bên. "Không ai trong chúng tôi là kẻ lừa đảo cả, đến nuôi ý định đó cũng còn chẳng dám nữa là. Phán quyết của tòa án là một sai lầm" - Charles tuyên bố và còn nhấn mạnh rằng mình là thành viên câu lạc bộ Mensa - cộng đồng gồm những người có IQ cao nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Huy hiệu của tổ chức đó đã được Charles cài trên áo veston trong thời gian ra khai trước tòa. Anh cũng cho biết trong nội bộ gia đình đã lên kế hoạch sử dụng số tiền được thưởng đó như thế nào, nhưng kết quả tiền đâu chẳng thấy. "Đối với tôi, chỉ có vợ con là quan trọng, có tiền sẽ giúp cho cuộc sống vợ con tốt hơn. Đó là điều quan trọng nhất" - Charles tuyên bố. 

Trong năm 2003 đó, Ingram bị lôi vào trách nhiệm hình sự vì lừa dối cơ quan bảo hiểm, phải sa thải khỏi quân đội nhưng vẫn còn được giữ lương hưu. Charles đã viết 2 truyện ngắn và trở thành nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết bản gốc tiếng Anh là Q & A (Hỏi và đáp) của nhà văn Ấn Độ Vikas Swarup, dựa theo đó các nhà điện ảnh Anh và Ấn Độ đã sản xuất thành bộ phim Triệu phú khu ổ chuột. 

Gia đình Ingram đã bị công nhận là phá sản, sau khi tham gia chương trình truyền hình thực tế lại bị phá sản lần nữa, từ đấy người ta thường gọi Charles là "thiếu tá hay ho hắng" và anh ta trở thành đề tài của nhiều chuyện đàm tiếu.

Đợi chờ phiên phúc thẩm

Tuy vậy cũng có những người định bảo vệ Charles, Diana và Tecwen, cho rằng 3 người không có lỗi gì và họ cố gắng chứng minh điều đó. Ví dụ như nhà báo Jon Ronson năm 2006 đã viết cho tờ The Guardian kể rằng ông có liên hệ với Ingram để tỏ ý quan tâm ủng hộ đối với công việc của anh ta. Nhà triệu phú bất thành đã chứng minh mình vô tội. 

Ronson đi sâu vào câu chuyện và đi đến kết luận rằng sự thực đúng là như thế, chủ yếu, ông căn cứ vào 2 điểm liên quan đến tiếng ho của Tecwen. Thứ nhất - ông cho rằng việc người đàn ông dị ứng với bụi lại ho vào thời điểm cần thiết trong suốt cả thời gian quay là vô nghĩa. Thứ hai - sự ho thường là một phản xạ tâm lý, trong chúng ta thấy có những người cần phải làm sạch cổ họng trước khi trả lời một câu hỏi quan trọng hay phức tạp. Ngoài ra, không hiểu sao tại tòa lại bỏ qua vấn đề Tecwen có thể biết đáp án cho tất cả các câu hỏi. Chia sẻ ý kiến này với Ingram theo thư điện tử, nhà báo còn đề nghị được tiến hành một cuộc điều tra riêng, nhưng nhận được câu trả lời: "cảm ơn, khỏi cần".

Thoạt tiên gia đình Ingram không định đề nghị phúc thẩm lại quyết định của tòa án, nhưng tháng 4-2020 xuất hiện luật sư bảo vệ mới là Rhona Friedman. Vị này tin rằng hai vợ chồng chính là nạn nhân của những sai lầm mà phiên tòa trước mắc phải trong quá trình tố tụng và đang thu thập những chứng cứ về sự vô tội của Charles để trình tòa phúc thẩm - cơ quan thứ hai trong hệ thống pháp đình Anh. Sự kiện này lại trùng với việc mới đây ITV cho phát sóng loạt chương trình "Quiz" kể về câu chuyện Charles, và khán giả hoàn toàn có thể trông chờ mùa thứ hai của chương trình này sẽ được tiếp tục.

Đăng Bẩy (theo lenta.ru)
.
.
.