Rafael Correa từ đỉnh cao quyền lực tới kiếp sống lưu vong

Thứ Bảy, 11/04/2020, 17:58
Ngày 7/4, Tòa án Quốc gia Ecuador đã kết án cựu Tổng thống Rafael Correa 8 năm tù giam với tội danh tham nhũng trong một phiên tòa xét xử vắng mặt do nhà lãnh đạo cánh tả này đang định cư tại Bỉ cùng với gia đình. 


Với phán quyết trên, ông Correa cũng bị tước quyền hoạt động chính trị trong thời gian 25 năm. Cùng bị tuyên án 8 năm tù giam còn có cựu Phó Tổng thống Jorge Glas và một số quan chức khác trong chính quyền của ông Correa từ năm 2007-2017.

Từng được coi là người giải cứu đất nước khỏi khủng hoảng

Rafael Vicente Correa Delgado sinh ngày 6/4/1963 ở thành phố Guayaquil, tốt nghiệp Khoa Kinh tế Đại học Catholique de Louvain (Bỉ) và Đại học Illinois (Mỹ) năm 2001. Ông biết nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha và rành thổ ngữ Quechua vùng núi Andes. Correa là người thành lập Alianza PAIS, đảng liên minh với đảng Xã hội Ecuador.

Tổng thống Rafael Correa ăn mừng chiến thắng trước hàng ngàn người ủng hộ năm 2013.

Năm 2005, Correa trở thành Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế dưới thời Tổng thống Alfredo Palacio. Ông được bầu làm tổng thống vào cuối năm 2006 và nhậm chức tháng 1/2007 trong bối cảnh 3 người tiền nhiệm đều phải ra đi giữa những cuộc biểu tình phản đối chính phủ.

Trước khi Correa nhậm chức Tổng thống, Ecuador đối mặt với khủng hoảng kinh tế triền miên. Cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 90 của thế kỷ trước do các chủ ngân hàng gây ra khiến hàng chục ngàn người phải rời bỏ đất nước. Từ năm 2000, Ecuador không có đồng tiền nội tệ vì sử dụng đồng USD như là một biện pháp đối phó với khủng hoảng.

Sau khi Tổng thống Correa lên cầm quyền, ông cam kết cải cách hiến pháp, và điều này được hiện thực hóa vào tháng 9/2008, khi khoảng 65% người Ecuador biểu quyết trong một cuộc trưng cầu dân ý, phê chuẩn hiến pháp mới với nhiều thay đổi lớn.

Trong khuôn khổ cuộc "Cách mạng công dân", ông đã khôi phục quyền kiểm soát của nhà nước đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trước đây nằm trong tay các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là dầu khí; đàm phán giảm trả nợ nước ngoài sau khi coi các khoản nợ dưới thời các chính phủ trước là bất hợp pháp; tăng thu phí đối giấy phép hoạt động của các công ty điện thoại di động xuyên quốc gia... Những biện pháp trên cho phép nhà nước có nguồn tài chính dồi dào để cấp tín dụng sản xuất ưu đãi, và thực thi một loạt các chương trình xã hội nhằm cải thiện đời sống của người nghèo.

Nhờ có nguồn thu ngân sách tăng mạnh, Chính phủ đã quyết định trợ cấp hàng tháng 50 USD/người cho gần 2 triệu bà mẹ độc thân và người già, người tàn tật không có bảo hiểm được nhận. Chính phủ đã đầu tư cho xây dựng đường sá, bệnh viện và trường học.

Trong 6 năm (2007- 2013), Chính phủ Ecuador đã xây dựng hoặc nâng cấp khoảng 9.000 km đường, xây mới 27 bệnh viện, cải tạo gần 500 trạm xá và hàng trăm trường học, xây mới hàng trăm ngàn ngôi nhà; khoảng 2,1 triệu học sinh được ăn miễn phí tại trường học. Học sinh được cấp sách vở, dụng cụ học tập và đồng phục miễn phí. Bên cạnh đó, tất cả công dân được khám bệnh và cấp thuốc không mất tiền tại các bệnh viện công. Sự quan tâm của chính phủ đối với sức khỏe người dân khiến các bệnh liên quan tới sự đói nghèo như ho lao và sốt rét giảm mạnh.

Tổng thống Ecuador Rafael Correa (giữa) sau khi được quân đội giải cứu từ bệnh viện tại Quito trong cuộc đảo chính của cảnh sát ngày 1-10-2010.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ecuador đã tăng bình quân hàng năm 4,3% trong những năm 2007-2012, cao hơn mức bình quân 3,5% của khu vực Mỹ Latinh. Dưới thời Tổng thống Correa, tỷ lệ nghèo tại Ecuador đã giảm mạnh, từ 37,6% năm 2006 xuống 25,3% năm 2012; trong khi tỷ lệ bần cùng giảm tương ứng từ 16,9% xuống 9,4%. Đặc biệt một trong những thành tựu khác của chính phủ được người dân cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao là trong giai đoạn 2006-2011 là gần 450.000 trẻ em không còn phải lao động để kiếm sống.

Với những thành công này nên tháng 2/2013, ông Correa đã tái đắc cử Tổng thống thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa với 61% phiếu bầu, trong khi ứng cử viên về thứ 2 là ông chủ nhà băng Guillermo Lasso chỉ nhận được với 21% số phiếu ủng hộ.

Tháng 2/2015, Tổng thống Correa tuyên bố Ecuador đã giảm 3% tỷ lệ người nghèo trong năm 2014, xuống mức 22,5% dân số. Tính chung trong 8 năm cầm quyền của ông, tỷ lệ người nghèo ở nước này đã giảm được 15%. Bên cạnh đó, tỷ lệ người sống dưới mức nghèo cũng hạ từ mức 16,45% năm 2007 xuống mức 7,65% năm 2014.

Tuy nhiên, trong những năm cầm quyền, Tổng thống Correa từng phải đối mặt với những vụ đảo chính. Tối 30/9/2010, đất nước Ecuador bất ngờ trước thông tin Tổng thống Rafael Correa bị lực lượng cảnh sát nước này tấn công và bao vây trong một vụ việc sau này được xác định là một cuộc đảo chính. Cảnh sát khẳng định đây chỉ là phản ứng thái quá của một nhóm cảnh sát bất bình với Tổng thống Correa, song phe cầm quyền khẳng định đây là một âm mưu được dàn dựng từ trước.

Nguyên nhân của vụ đảo chính này là do ngày 28/9, Quốc hội Ecuador thông qua Luật Dịch vụ công sau khi đã đưa vào dự luật này hầu hết những sửa đổi mà Tổng thống Correa đề nghị nhưng đã bị phủ quyết 2 lần trước đó. Văn bản này hướng tới việc cải tổ một số cơ cấu dịch vụ công của Nhà nước, với lịch sử hàng thập kỷ tham nhũng và thiếu hiệu quả, trong đó đáng chú ý là Điều khoản 160 quy định việc loại bỏ các khoản thưởng cho các thành viên lực lượng vũ trang trong các đợt thăng quân hàm, thưởng huân chương…

Chỉ một ngày sau đó, làn sóng phản đối từ một bộ phận lực lượng cảnh sát, cùng một lực lượng quân nhân nhỏ lẻ đã nổ ra và đi từ biểu tình thành bạo loạn, với việc phong tỏa sân bay và chiếm giữ trái phép một số doanh trại.

Sáng 30/9/2010, Tổng thống Correa đã trực tiếp tới doanh trại của Trung đoàn cảnh sát Kito, nơi đang bị lực lượng bất mãn lên tới hàng trăm người chiếm giữ, để đối thoại với họ. Trong tiếng la ó phản đối của những cảnh sát bạo loạn, vị Tổng thống đã lớn tiếng thách thức: "Các anh muốn sát hại Tổng thống phải không? Vậy tôi đây, các anh hãy tiến lên đi".

Đi kèm với lời thách thức mạnh bạo này, Tổng thống Correa cũng khẳng định không một hành động bạo loạn nào có thể cản trở cuộc "Cách mạng dân sự" mà ông khởi xướng. Trong lúc rời khỏi đây, ông Correa bị nhóm cảnh sát nổi loạn bao vây và trúng một trái lựu đạn hơi cay. Các vệ sĩ thân cận của Tổng thống Correa buộc phải đưa ông vào Bệnh viện Cảnh sát phía Bắc Quito, nơi ngay lập tức bị nhóm bạo loạn bao vây và yêu cầu Tổng thống phải hủy bỏ đạo luật mới.

Tuy nhiên, ông Correa đã thẳng thừng tuyên bố qua đường dây liên lạc: "Hoặc tôi sẽ rời khỏi đây với cương vị Tổng thống trong danh dự, hoặc là một xác chết, chứ tôi sẽ không lùi bước hay thỏa hiệp". Tiếp đó, ông Correa đã ra lệnh cho quân đội giải cứu mình.

Tổng thống Correa sau khi được quân đội giải cứu, cho biết những cảnh sát nổi loạn đã âm mưu giết hại ông khi ông ở trong bệnh viện. Giới phân tích cho rằng ông Correa có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay, nhờ sự ủng hộ của công chúng và sự thiếu đoàn kết của phe đối lập, đặc biệt là trong bối cảnh ban lãnh đạo cấp cao trong lực lượng cảnh sát không ủng hộ các cuộc biểu tình của cấp dưới.

Cuộc thanh trừng mang động cơ chính trị?

Tháng 4/2017, ông Correa rời ghế Tổng thống do Hiến pháp quy định ông không được phép tái cử, nhường lại vị trí này cho đồng minh thân cận là Phó Tổng thống Moreno. Sau khi rời ghế tổng thống, ông sang Bỉ sinh sống cùng gia đình.

Tuy nhiên, như người ta vẫn nói "cuộc đời không ai học được hết chứ ngờ". Ngày 3/7/2018, Thẩm phán Ecuador Daniela Camacho đã ra lệnh bắt tạm giam cựu Tổng thống Rafael Correa. Do cựu Tổng thống Correa đã xin tị nạn tại Bỉ từ cuối tháng 6/2018 nên Thẩm phán  Daniela Camacho sau đó đã phát lệnh truy nã đỏ cho Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).

Ông Correa bị Cơ quan công tố Ecuador cáo buộc là chủ mưu vụ bắt cóc nhắm vào một cựu chính trị gia đối lập - người khi đó bị kết án vu khống Tổng thống Correa và bỏ trốn sang Colombia - tại thủ đô Bogota năm 2012, mặc dù vụ việc này khi đó bị cảnh sát Colombia can thiệp và chặn đứng.

Trước đó, Thẩm phán Camacho đã ra lệnh cho ông Correa phải trình diện định kỳ trước tòa án tại Ecuador. Mặc dù vị cựu Tổng thống này đã thực hiện nghĩa vụ trên tại Lãnh sự Ecuador tại Bỉ nhưng bà Camacho vẫn phán quyết đây là hành động không tuân thủ và ra lệnh tạm giam sau khi từ chối yêu cầu xem xét lại các biện pháp phòng ngừa mà đội ngũ luật sư của ông Correa đệ trình.

Ông Correa luôn nói rằng, ông không liên quan gì đến vụ việc và cáo buộc người kế nhiệm ông, Lenin Moreno tìm cách bôi nhọ chính quyền của ông để giành được lợi ích chính trị. Ông Correa khẳng định đây là một âm mưu "tư pháp hóa chính trị" và bất kỳ nỗ lực nào nhằm giam giữ ông đều thất bại. Ông tuyên bố đưa vụ việc ra tòa án quốc tế vì cho rằng đây là một âm mưu của chính quyền đương nhiệm nhằm loại ông khỏi đời sống chính trị Ecuador.

Đầu tháng 12/2018, Interpol đã thông báo tới các nhà chức trách Ecuador về quyết định không phát lệnh truy nã và bắt giữ quốc tế đối với ông Rafael Correa-cựu. Interpol khẳng định các thông tin có sẵn cho thấy việc lưu giữ các số liệu về ông Correa trong Hệ thống thông tin của Interpol không tương thích với nghĩa vụ của tổ chức này về việc đảm bảo sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan công quyền trong phạm vi "tôn trọng Tuyên bố Nhân quyền Quốc tế".

Dù không bắt giữ được cựu Tổng thống, nhưng Toà án vẫn quyết định xét xử vắng mặt. Theo cáo trạng, cựu Tổng thống Correa là người đứng đầu một mạng lưới các quan chức chính quyền trong giai đoạn 2012-2016 nhận các khoản đóng góp "không phù hợp" cho Phủ Tổng thống, nhận tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử để đổi lại việc trao cho các đối tác những dự án có giá trị lớn của nhà nước.

Tổng công tố Diana Salazar cũng cáo buộc ông Correa là người đã chỉ đạo mọi hoạt động phạm pháp trên mà không cần phải tham gia trực tiếp, đồng thời yêu cầu những người bị buộc tội phải đền bù 1,1 tỷ USD vì những thiệt hại mà nhà nước phải hứng chịu trong các hợp đồng do đường dây tham nhũng này thực hiện.

Với bản án này, ông Correa sẽ phải chấm dứt con đường chính trị và kế hoạch ra tranh cử tổng thống vào năm 2021 vì Hiến pháp Ecuador không cho phép các công dân bị kết án tham nhũng và làm giàu bất hợp pháp được ứng cử trong bất kỳ cuộc bầu cử nào.

Đức Quý (tổng hợp)
.
.
.