Rơi vào bẫy tội phạm buôn người vì hy vọng đổi đời

Thứ Bảy, 13/04/2019, 13:39
Theo đánh giá của Polaris Project ở Washington (Mỹ) – dự án chủ trương củng cố mạnh hơn những điều luật bang và liên bang Mỹ đối với loại tội phạm buôn người và cung cấp sự giúp đỡ những nạn nhân, bọn tội phạm kiếm được hàng tỷ USD qua hoạt động buôn người xuyên quốc gia.


Với thu nhập hàng năm ước tính 32 tỷ USD, buôn người trở thành một trong những hoạt động tội phạm phát triển nhanh nhất trên thế giới, liên kết chặt chẽ với buôn lậu vũ khí – ngành kinh doanh phạm pháp lớn hàng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau buôn lậu ma tuý.

Nathan Wilson – người thành lập Project Meridian Foundation, dự án tìm kiếm sự hỗ trợ của cơ quan thừa hành luật pháp để nhận dạng bọn buôn người và các nạn nhân của chúng – cho biết, hiện nay hoạt động tội phạm buôn người để khai thác tình dục hay cưỡng bức lao động đã lan truyền như bệnh dịch.

Phụ nữ Uganda bị lừa xuất khẩu lao động sang Iraq.

Cơ quan hải quan và nhập cư Mỹ (ICE) – cơ quan đứng đầu trong điều tra và phá vỡ những tổ chức buôn người – đánh giá, có khoảng 800.000 người bị buôn vào thị trường kinh doanh tình dục và cưỡng bức lao động trên khắp thế giới mỗi năm.

Ví dụ như tại Bolivia, hàng ngàn người thậm chí phải bán nhà để mua sự hứa hẹn việc làm lương cao ở nước ngoài. Cơ quan Thanh tra công cộng Bolivia báo cáo vấn đề buôn người là “thực tế đang bùng nổ” do “bọn mafia và tội phạm xuyên quốc gia hoạt động tại nhiều nước khác nhau” khai thác.

Theo cơ quan này, có khoảng 15.000 trẻ em bị đưa vượt biên trái phép sang Argentina vào mỗi năm với sự đồng thuận của cha mẹ chúng và sau đó trở thành nạn nhân của kỹ nghệ tình dục hay bị khai thác sức lao động. Giới chức Bolivia cũng cho biết, tại khu khai thác mỏ Potosi nước này, trẻ con bị bán cho bọn buôn người với giá… chỉ 3 USD!

Mario Videla, thành viên của tổ chức từ thiện Pastoral de Movilidad Humana của Bolivia, tin rằng, giới thanh niên Bolivia nghèo khổ dễ bị mắc lừa trước sự hứa hẹn về cuộc sống khá giả ở nước ngoài. Bolivia là quốc gia nghèo nhất ở Nam Mỹ, do đó, khi có người tỉ tê “nếu chịu đi theo chúng tôi, anh chỉ làm việc 8 giờ một ngày mà kiếm được 1.000 USD một tháng” thì đây là quả là sức hấp dẫn quá mạnh.

“Nhưng khi đến nơi, họ chỉ thấy điều kiện sống vô nhân đạo mà tiền thì chẳng thấy đâu. Nhiều người làm việc, ăn và sống chung một chỗ”, Mario Videla than thở. Một số nhà xưởng hoạt động trái phép thường xuyên được cảnh sát phát hiện ở Buenos Aires và Sao Paulo, những nơi mà công nhân Bolivia sống chui rúc như nô lệ.

Ở thủ đô La Paz của Bolivia, có rất nhiều đứa trẻ sống nương tựa trong Centro de Terapia – trung tâm phụ nữ chăm sóc trẻ em và thiếu niên được giải cứu khỏi cảnh nô lệ trong thành phố. Trong số các em có cô gái 15 tuổi sống ở thành phố Sucre, bị chở đến La Paz để làm việc nhà, bị bóc lột hết sức và thậm chí còn bị nhà chủ xâm hại tình dục. Hy vọng đổi đời ở Canada đã đẩy nhiều người rơi vào bẫy của một gia đình tội phạm người Hungary.

Tổ chức tội phạm Domotor điều hành một mạng lưới buôn người được cho là lớn nhất trong lịch sử Canada, đưa người nhập cư vào nước này và biến họ thành nô lệ làm việc không được trả lương tại những công trường xây dựng ở tỉnh Ontario, hay bán cho các gia đình giàu sang làm đầy tớ không công.

Theo luật pháp Canada, lần đầu tiên phạm vào tội buôn người vào nước này sẽ bị phạt tiền 500.000 USD và lãnh án tối đa 10 năm tù, và bất cứ ai có hành vi giúp đỡ hơn 10 người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp sẽ lĩnh án tù chung thân.

Tuy nhiên, bọn tội phạm vẫn bất chấp luật pháp khi mà mỗi đầu người đưa vào Canada có giá đến hàng chục ngàn USD. Ở Canada, loại tội phạm buôn người liên kết chặt chẽ với nhiều lĩnh vực lao động trong xây dựng và nông nghiệp, kể cả kinh doanh mại dâm.

Hoạt động tội phạm buôn người được đánh giá là đang gia tăng tại Canada và Hiệp hội những người ngăn chặn tội phạm Canada và Cơ quan an ninh công cộng Canada đã triển khai chương trình thu hút sự khai báo từ người dân để giúp chính quyền chống lại loại tội phạm đang lan tràn khắp đất nước này. Xuất khẩu lao động ra nước ngoài là nguồn chính thu ngoại tệ về cho Uganda với ước khoảng 500 triệu USD/năm.

Phần đông những lao động Uganda làm việc ở nước ngoài là nam giới, chỉ có một số ít là phụ nữ. Bộ Lao động Uganda cấp phép cho Công ty Uganda Veterans Development Ltd xuất khẩu lao động, nhưng các phương tiện truyền thông địa phương sau đó đã lên tiếng về hậu quả của ngành kinh doanh được coi là hợp pháp này.

Thời gian qua có ít nhất 100 phụ nữ Uganda xuất khẩu lao động sang Iraq vẫn đang được coi là mất tích, trong khi đó Công ty Uganda Veterans cũng không biết họ hiện đang ở đâu trên đất nước không yên ổn này.

Giới quan chức Mỹ cũng lo ngại trước khả năng lợi nhuận có được từ hoạt động buôn người có thể được dùng để tài trợ cho bọn khủng bố quốc tế.

Theo báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ, các tập đoàn tội phạm toàn cầu dính dáng đến những dịch vụ massage châu Á ở Massachusetts; mạng lưới tội phạm Ukraina khai thác người làm công ở Pennsylvania; và tội phạm Uzbek khai thác người lao động nhập cư gốc Philippines, Cộng hoà Dominican và Jamaica ở 14 bang nước Mỹ.

Cũng theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, tội phạm buôn người không có giới hạn hay đường biên giới. Bọn chúng khai thác nam giới, phụ nữ và trẻ em thuộc mọi quốc tịch trên thế giới và kiếm tiền từ việc đẩy nạn nhân vào những đồn điền, nhà xưởng, câu lạc bộ múa thoát y, nhà nghỉ ngoại ô, nhà thổ và quán bar.

Trang Thuần
.
.
.