Romania:

Triệt phá đường dây bắt cóc, ép trẻ em và phụ nữ làm nô lệ ở Tây Âu

Thứ Hai, 25/07/2016, 17:46
Họ bị đánh đập, lạm dụng, ép làm các công việc như khai thác gỗ bất hợp pháp, chăm sóc động vật và bị bỏ đói, cho ăn đồ thừa, theo cơ quan điều tra hình sự DIICOT của Romania.

Sinh trưởng tại một ngôi làng ở Romania, Anca từng nghĩ rằng những cô gái kể trên truyền hình việc họ bị đem bán làm nô lệ tình dục là đã được trả tiền để "phịa" ra những câu chuyện như vậy nhằm thu hút sự chú ý của khán giả truyền hình. Thế nhưng, mãi đến khi chính mình "lâm nạn" thì cô mới "ngộ" ra rằng đó hoàn toàn không phải chuyện bịa đặt.

Cảnh sát Romania hôm 17-7 đã mở cuộc bố ráp vào một ngôi làng ở miền Nam và phát hiện hàng chục thanh, thiếu niên bị bắt cóc tới đây làm nô lệ. Theo AFP, ngôi làng "nô lệ" nằm ở Berevoesti, cách thủ đô Bucharest khoảng 170 km về phía bắc. 90 nghi phạm đã bị bắt giữ trong cuộc vây bắt.

Ngôi làng "nô lệ" ở Berevoesti.

Cảnh sát còn phát hiện khoảng 40 nạn nhân là nam giới, đều là thanh, thiếu niên, "bị bắt cóc ở những nơi công cộng như nhà thờ, trạm tàu điện ngầm hoặc ở nhà riêng" từ năm 2008 đến nay.

Việc Romania và Bulgaria gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) hồi tháng 1-2007 đã khiến nhiều người lo ngại vấn nạn nô lệ tình dục ở Tây Âu sẽ bùng phát dữ dội.

Trở lại câu chuyện của Anca, cô đã được một người bạn mời đến Đức để làm nghề rửa chén tại một thị trấn gần thành phố Hamburg. Vừa mới đặt chân đến đây, cô đã bị tịch thu hộ chiếu và bị bọn "ma cô" buộc "tiếp khách".

Ba tháng sau, cô bỏ trốn bằng cách trượt xuyên qua ống thoát nước. Cô gái 20 tuổi này băng rừng một mạch 7km và cuối cùng tìm được một chiếc taxi để đến cảnh sát trình báo vụ việc. "Người bạn dụ tôi đã được trả tự do khi giới thiệu được hai cô gái khác", Anca nức nở kể lại.

Trở thành thành viên của EU, Romania và Bulgaria đã tìm cách ngăn chặn tình trạng buôn bán người và buôn lậu ma túy, một "dịch bệnh" ở vùng Biển Đen. Mỗi năm, hàng ngàn cô gái như Anca, một số chỉ mới 13 tuổi, đã bị bắt cóc hoặc "mờ mắt" trước những lời hứa hẹn công việc lương cao hoặc lấy chồng giàu có, đã bị đem bán cho các băng nhóm tội phạm. Bọn này lại đưa họ vào các hộp đêm và nhà thổ hoặc buộc họ "đứng đường".

Theo giới quan sát, số phụ nữ gặp nguy hiểm đã tăng mạnh sau khi hai nước kể trên gia nhập EU. Bọn buôn người tìm cách tăng doanh thu bằng việc tận dụng tuyến đường tiếp cận Tây Âu dễ dàng này.

"Có nhiều trường hợp bóc lột ở Romania và tôi chắc rằng số người bị bóc lột sẽ tăng lên. Ngành du lịch tình dục đã hiện hữu khắp Biển Đen", G.Stoian - Giám đốc Quỹ tài trợ Adpare, một tổ chức của Romania giúp đỡ nạn nhân của nạn buôn bán người, nhận định.

Romania và Bulgaria đã nằm trong số 11 nước bị Liên Hiệp Quốc liệt vào danh sách các nước buôn người hàng đầu. Nghèo là lý do khiến cho các băng nhóm tội phạm bùng phát và tìm kiếm "con mồi" dễ dàng. "Có nhiều gia đình nghèo. Các cô gái lại không có nền tảng vững chắc.

Bọn buôn người thường nhắm đến những em 13-14 tuổi do những đối tượng này dễ kiểm soát và ít khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ cảnh sát. Bọn trẻ nghĩ chúng có thể kiếm sống và tự lập được", I.Matei - người điều hành một tổ chức từ thiện khác của Romania -lý giải.

Địa lý cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Bulgaria và Romania là khu vực nằm trên tuyến đường Balkan vận chuyển heroin từ Afghanistan đến Tây Âu. 80% lượng heroin của Afghanistan đến người sử dụng phương Tây qua con đường trên.

Giới quan sát cho rằng, việc hai nước từ khi gia nhập EU đã thúc đẩy tình trạng buôn bán người vốn phổ biến ở Biển Đen vào Tây Âu. Chính phủ Bucharest và Sofia cho biết, họ đang tìm cách chống lại nạn buôn người và lạm dụng tình dục.

Romania đã được EU khen ngợi vì đã cải thiện việc kiểm soát biên giới, chống nạn tham nhũng và nâng cao sự hợp tác của cảnh sát. Giới chức EU quan tâm nhiều đến Bulgaria, chỉ trích Sofia không tích cực trong việc chống tội phạm có tổ chức.

Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, có đến 1.400 nạn nhân của nạn buôn người là người Romania và 200 thủ phạm đã bị bắt giữ. Đơn vị chống tội phạm có tổ chức của Bộ Nội vụ Bulgaria cho biết, 4.000-5.000 phụ nữ nước này đã bị buôn bán mỗi năm.

"Chúng tôi không thể phủ nhận nạn buôn bán người tồn tại, nhưng con số này đã sụt giảm hơn so với nhiều năm trước", một nữ phát ngôn viên của Bộ Nội vụ nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo giới quan sát, các con số kể trên chỉ là bề nổi trên tảng băng chìm...

Nguyễn Minh
.
.
.