“Rửa xe” đang dần triệt tiêu nạn tham nhũng tại Brazil?

Thứ Tư, 18/01/2017, 07:44
Việc cựu Thống đốc bang Rio de Janeiro Sergio Cabral bị bắt giữ hôm 17-11 vừa qua là vụ bắt giữ chính khách tên tuổi nhất trong những tháng gần đây trong chiến dịch điều tra những vụ tham nhũng lớn liên quan đến nhiều chính trị gia và doanh nhân nổi tiếng tại Brazil.

Trong quá khứ, các quan chức Brazil có thể phớt lờ các cuộc điều tra tham nhũng bằng cách dựa vào một hệ thống luật pháp khoan dung, một ủy ban đạo đức yếu ớt trong quốc hội và một công chúng dường như đã quen với tham nhũng. Nhưng, điều này không còn có thể tiếp diễn, kể từ khi thẩm phán liên bang Sergio Moro phát động một cuộc điều tra tham nhũng mang tên “Chiến dịch Rửa xe” (Lava Jato - LJ) hồi tháng 3-2014.

Cựu Thống đốc bang Rio de Janeiro - ông Sergio Cabral. 

Các thẩm phán, nhà điều tra và công tố viên điều hành LJ đại diện cho một thế hệ công chức mới với các giá trị mới, và họ đang sử dụng một bộ các quy tắc và chiến thuật mới, bao gồm đe dọa về bản án nghiêm khắc hay “chiếc bánh vẽ” là những thỏa thuận khoan dung, để phá vỡ sự im lặng mà các chính trị gia và doanh nhân đã duy trì trong nhiều thập kỷ. 

Một điều cũng quan trọng là, theo nghiên cứu về công luận do tổ chức thăm dò ý kiến Datafolha thực hiện, hầu hết người Brazil giờ tin rằng, tham nhũng là vấn đề lớn nhất của đất nước họ. Và trong khi các cuộc biểu tình năm 2013 chủ yếu phản đối những chi tiêu phi lý của chính phủ, người Brazil gần đây đã xuống đường chỉ để phản đối nạn tham nhũng của quan chức. 

Quay trở lại quá khứ, vào tháng 3-2014, các ủy viên công tố Brazil đã bóc trần một bê bối tham nhũng, trong đó các lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức chính phủ đã cấu kết với nhau để kiếm tiền lại quả có giá trị khoảng hai tỉ USD kể từ năm 2004 – một trong những bê bối tham nhũng lớn nhất trong lịch sử.

LJ đã phát hiện các công ty tư nhân gửi tiền cho các chính trị gia thông qua các trung gian tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil (Petrobras) để đổi lấy các hợp đồng béo bở với tập đoàn dầu mỏ này, và bà Dilma Rousseff đã lãnh đạo ban giám đốc của Petrobras trước khi trở thành tổng thống. LJ cũng phơi bày rõ kiểu tham nhũng này đã lan rộng như thế nào. 

Theo các công tố viên, vô số nhà quản lý của Petrobras là những thân hữu chính trị, những người coi công việc chính của họ là áp các loại phí bất hợp pháp vào hợp đồng với các nhà thầu khu vực tư nhân rồi sau đó chuyển các phí này tới những người ủng hộ họ trong chính phủ, tất nhiên là sau khi đã đút túi một phần cho bản thân. Đối với các nhà thầu nói trên, họ bao gồm nhiều tập đoàn hùng mạnh nhất của Brazil, trong đó có tập đoàn xây dựng Odebrecht và tổ hợp đa quốc gia Andrade Gutierrez. 

Theo ước tính của Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Brazil cho thấy, kể từ năm 1997, các công ty liên quan tới bê bối tham nhũng đã nhận được khoảng 20 tỷ USD tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Brazil, vốn được đảm bảo bằng tiền thuế của người dân. 

Để đảm bảo tiếp tục tiếp cận được mỏ vàng này, các công ty tặng quà và các lợi ích khác cho các chính trị gia hợp tác với họ và đóng góp các khoản tiền lớn, cả trong lẫn ngoài sổ sách kế toán, vào các chiến dịch tranh cử của các chính trị gia này. Tham nhũng là luật lệ, và quốc hội có những khuyến khích mạnh mẽ để đảm bảo rằng, chi tiêu công vẫn ở mức cao và không được quản lý tốt.

Một cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại Brazil.

Tất cả những phát hiện này dường như cho thấy cuộc khủng hoảng hiện nay của Brazil là sản phẩm của hành vi phạm pháp phổ biến của các chính trị gia hàng đầu của nước này. Nhưng nguồn gốc thực sự cho rắc rối nằm ở sâu hơn. Sự hỗn loạn đang khuấy động Brazil là sản phẩm của hoạt động chính trị không toàn diện chứ không phải do hành vi phạm pháp của cá nhân. 

Ở trung tâm các vấn đề của Brazil với tham nhũng và sự thiếu hiệu quả là những quy tắc quản lý mối quan hệ giữa nhánh hành pháp và nhánh lập pháp của đất nước, mà chính sách khuyến khích kiểu hối lộ vụ Petrobras phơi bày. Để đưa đất nước quay trở lại ổn định chính trị, người Brazil phải thực hiện một nhiệm vụ to lớn: Thực hiện những cải cách chính trị và bầu cử sâu rộng nhằm loại bỏ những khuyến khích khiến nhiều quan chức vi phạm pháp luật ngay từ đầu.

Thực chất, nền chính trị Brazil không phải lúc nào cũng u ám như hiện nay. Trong giai đoạn 1995 – 2010, hai tổng thống theo đường lối dân chủ xã hội, Fernando Henrique Cardoso và Luiz Inácio Lula da Silva (còn được biết đến với cái tên Lula), đã giảm được lạm phát, thúc đẩy kinh tế phát triển và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. 

Nhưng ngay cả khi hai nhà lãnh đạo này đem tới một số lượng đáng kể cải cách, không ai trong họ bắt tay thay đổi nền chính trị Brazil. Thay vì giải quyết các vấn đề về cơ cấu của hệ thống, Cardoso và Lula khéo léo tránh các vấn đề này, ban hành các chính sách đem lại lợi ích cho hầu hết người dân Brazil trong khi để cho bộ máy của hệ thống bảo trợ hoạt động không bị cản trở. 

Trong một thời gian, chiến thuật này đã đem lại hiệu quả, do cả hai nhà lãnh đạo đều cẩn thận cách ly các chính sách kinh tế và xã hội ưa thích của họ khỏi áp lực từ các nhóm lợi ích và đại diện của các nhóm này trong quốc hội. Và tất nhiên, cả hai đều đã vượt qua những bê bối tham nhũng của riêng mình, nhưng các chính sách hướng tới công chúng của họ và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước đã thuyết phục cử tri bỏ qua các bê bối này. 

Tại đỉnh cao của mình, các tổng thống này được lòng dân đến mức các nhà lập pháp khó có thể công khai chống đối họ hay lấy được từ họ những nhượng bộ béo bở để đổi lấy sự ủng hộ. 

Rồi tới năm 2011, bà Dilma Rousseff lên kế nhiệm ông Lula. Vì chưa bao giờ được bầu lên nắm một chức vụ nào trước đó, nên bà Rousseff đã gặp nhiều khó khăn trong việc lèo lái tiến trình thỏa hiệp có đi có lại của hoạt động liên minh tại Brazil. Bà cũng phải vượt qua hậu quả khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và quản lý một nền kinh tế đang suy thoái, một phần do giá hàng hóa sụt giảm. 

Kiên quyết theo đuổi các học thuyết kinh tế theo chủ nghĩa trọng thương và mang tính can thiệp, bà Rousseff đã cố gắng kích thích nền kinh tế đang suy giảm của Brazil bằng cách tăng chi tiêu công. Nhưng chiến lược này cuối cùng lại trở thành một vụ cá cược tồi, vì dòng tiền mặt đã khuyến khích các thành viên quốc hội theo đuổi nhiều lợi lộc và tiền lại quả nhiều hơn.

Và cái gì phải đến đã đến. Tháng 5-2016, khi liên minh trong quốc hội đảng Lao động của bà Rousseff lãnh đạo tan vỡ, các nhà lập pháp đã bỏ phiếu đình chỉ chức vụ của bà và bắt đầu tiến hành quá trình luận tội với cáo buộc thao túng ngân sách để che giấu một mức thâm hụt lớn. 

Phó Tổng thống của bà Rousseff, ông Michel Temer đã tiếp quản với tư cách quyền tổng thống, bất chấp việc ông cũng là một mục tiêu của cuộc điều tra. 

Trước tình hình đất nước như vậy, ông Temer đã bất chấp những thiếu sót của mình, thúc đẩy để có được một mức trần đầu tiên cho đến nay của Brazil trong chi tiêu công, một biện pháp sẽ giới hạn chi tiêu chính phủ ở mức độ hiện nay trong 20 năm tới, qua đó buộc các nhóm lợi ích phải cạnh tranh cho một mức cố định nguồn lực thay vì đòi hỏi tăng thuế hay có thâm hụt lớn hơn. 

Ông đã giới thiệu các biện pháp cho phép chính phủ thưởng các công chức làm việc hiệu quả trên khắp đất nước Brazil. Và điều then chốt là ông đã đưa ra khả năng cải cách hiến pháp, mà sẽ giúp giảm số lượng đảng phái chính trị và hạn chế khả năng sáp nhập danh sách tranh cử của các đảng này. Cả hai biện pháp này sẽ khiến mọi việc dễ dàng được thực hiện hơn trong quốc hội mà không cần nhờ tới hối lộ.

Minh Nhật (tổng hợp)
.
.
.