Rúng đọng kẻ bắt cóc con tin ở Australia

Thứ Sáu, 23/01/2015, 15:00
Người dân Australia vẫn chưa hết bàng hoàng bởi những tiếng súng chát chúa trong vụ bắt cóc con tin xảy ra tại một quán cà phê ở thành phố Sydney. Mặc dù hung thủ đã bị bắt giữ nhưng nỗi đau vẫn còn nhức nhối trước cái chết của những con tin và người dân vô tội.

Khoảng 2 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 16 tháng 12 vừa qua, những người dân thành phố Sydney choàng tỉnh giấc bởi những tiếng súng chát chúa vang lên. Vốn được biết đến là một thành phố thanh bình và an toàn nên khi nghe thấy những tiếng súng nổ, người dân vô cùng hoang mang và hoảng sợ. Cảnh sát đã thông báo rằng tiếng súng nổ dồn dập vang lên bên trong tiệm cà phê Lindt nằm trong khu Martin Place ở Sydney. Những tiếng súng nổ ra là do có một hung thủ đã đến quán cà phê gây rối và bắt giữ con tin. Theo nhiều nguồn tin trước khi có tiếng súng nổ thì rất nhiều con tin đã cố gắng tìm cách thoát khỏi quán cà phê Lindt. Một sự thật khiến cho cả thành phố Sydney cũng như những người dân Australia vô cùng sốc bởi họ không thể nghĩ được rằng đất nước của họ lại xuất hiện một kẻ khủng bố bắt cóc con tin. Thủ tướng Australia Tony Abbott khẳng định đây là một vụ việc không hề đơn giản bởi hung thủ đã trang bị vũ khí và đưa ra nhiều yêu cầu liên quan đến chính trị. Đây là một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất ở Australia suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, ông kêu gọi người dân bình tĩnh. "Australia là một xã hội hòa bình, cởi mở và hào phóng. Không gì thay đổi được điều đó và đấy là lý do tại sao tôi kêu gọi tất cả người dân Australia hôm nay hãy tiếp tục công việc như thường lệ".

Giải cứu

Tại quán cà phê Lindt đã xảy ra hỗn loạn ngay sau khi có một kẻ lạ mặt dùng súng đe dọa và yêu cầu không ai được rời khỏi chỗ. Hung thủ chĩa súng vào những người trong quán khiến cả quán náo loạn và chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vụ việc bắt đầu lúc 9h45 giờ địa phương ngày 15 tháng 12. Các nhân chứng tại hiện trường lúc đó cho biết họ đã nhìn thấy một người đàn ông cầm súng đi vào quán cà phê Lindt. Hắn khá cao to, tầm gần 50 tuổi, vẻ ngoài giống người Trung Đông, đầu quấn một chiếc khăn đen có chữ Ả Rập. Ban đầu mọi người nghĩ rằng đây là một vụ cướp có vũ trang. Cảnh sát được gọi đến, nhưng cửa quán cà phê đã bị khóa và các con tin bị dẫn đến bên cửa sổ với một lá cờ đen có dòng chữ Ả Rập màu trắng "Không có Chúa trời nào ngoài Thánh Allah, Muhammad là sứ giả của Thánh Allah". Lá cờ này được xác định không phải cờ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng từng được nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan khác sử dụng.

Nathan Grivas, nhân viên của quán cà phê Lindt kể rằng, anh đến muộn và thấy các đồng nghiệp bị ấn vào tường. "Quán đã bị khóa khi tôi đến. Tôi không nhìn rõ họ bên trong nhưng khi thấy súng thì tôi rời đi ngay lập tức", anh nói. Hàng trăm cảnh sát có vũ trang và đặc nhiệm chống khủng bố được điều động để thực hiện nhiệm vụ giải cứu các con tin. Số lượng các con tin vào khoảng vài chục người. Toàn bộ khu phố sầm uất xung quanh bị phong tỏa. Các chuyến tàu và xe buýt trong khu vực ngừng hoạt động. Kẻ bắt cóc đã chọn quán cà phê Lindt để thực hiện âm mưu bắt cóc con tin bởi đây là khu vực tọa lạc của nhiều trụ sở quan trọng như Tổng lãnh sự Mỹ, kênh truyền hình 7 Network, tòa án tối cao, quốc hội...Người dân được yêu cầu ở trong nhà, đóng kín cửa sổ, trong khi hàng nghìn nhân viên văn phòng ở bệnh viện, thư viện, tòa án, quốc hội gần đó đều được sơ tán. Ngay cả nhà hát Opera Sydney, cách đó 20 phút đi bộ, cũng hủy các buổi biểu diễn và tổ chức sơ tán sau khi một gói đồ khả nghi là bom được tìm thấy.

Kênh truyền hình Sky News đã tường thuật trực tiếp vụ việc và trong những hình ảnh ghi lại được thì có một tốp 5 con tin đã chạy thoát khỏi quán cà phê Lindt vào khoảng 2g sáng 16 tháng 12. Ngay sau đó, đội cảnh sát đặc nhiệm đã tìm cách ập vào bên trong tòa nhà để tìm cách giải cứu các con tin. Hoàng loạt tiếng súng vang lên khiến các con tin hoảng loạn. Bên trong quán, kẻ bắt cóc cũng chống trả quyết liệt khiến cảnh sát đặc nhiệm phải dùng đến lựu đạn gây lóa mắt với hy vọng sẽ giải cứu được con tin mà không để lại thương vong. Hai con tin là hai cô gái trẻ đã được đưa ra ngoài với vẻ ngoài yếu ớt và run rẩy. Ngay lập tức đội ứng cứu bên ngoài đã đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Kẻ bắt giữ con tin có đe dọa rằng hắn đã gài sẵn bom trong quán cà phê nên nếu bên ngoài manh động hắn sẽ cho nổ tung quán, chính vì vậy mà các chuyên gia phá bom đã vào vị trí cùng robot dò bom cũng đã được đưa tới hiện trường. Đến thời điểm hiện tại thì một con tin đã bị thiệt mạng và ít nhất ba người khác đang trong tình trạng nguy kịch. Nhiều nạn nhân bên trong quán đã bị trúng đạn còn kẻ bắt giữ con tin vẫn tiếp tục uy hiếp và xả súng. Tổng số các con tin bị bắt giữ tại quán cà phê đã lên tới con số 17 người trong đó đã có hai người bị thiệt mạng và còn những nạn nhân khác bị thương rất nặng. Ngoài những nạn nhân là người dân vô tội thì các cảnh sát tham gia giải cứu con tin cũng bị thương khá nặng. Cảnh sát trưởng thành phố Sydney cho biết nguyên nhân của vụ bắt giữ con tin hoàn toàn mang tính cá nhân chứ không phải do một tổ chức khủng bố nào, chính vì vậy điều đó sẽ không thể hủy hoại hoặc thay đổi được cuộc sống của những người dân Australia.

Chân dung kẻ bắt cóc

Ngay sau khi vụ xả súng kết thúc, kẻ bắt cóc đã bị bắt giữ. Mặc dù chưa nhận dạng được danh tính của hung thủ nhưng theo một số nguồn tin cho biết, hung thủ là một người tỵ nạn gốc Iran, 50 tuổi, tên là Man Haron Monis. Theo kết quả điều tra sơ bộ ban đầu thì Man Haron Monis đang trong thời gian tại ngoại sau khi bị cáo buộc có liên quan đến một vụ giết người năm 2013 mà nạn nhân chính là vợ cũ của hắn. Hồi tháng 4 năm 2013, Man Haron Monis cùng bạn gái của mình là Noleen Hayson Pal đã đâm liên tiếp 18 nhát dao và đốt xác thủ tiêu nạn nhân ở phía Tây thành phố Sydney. Mặc dù vậy nhưng tòa án địa phương lại quyết định cho hắn tại ngoại bởi bằng chứng chưa rõ ràng. Trước khi xảy ra vụ bắt cóc con tin, Man Haron Monis đã gửi rất nhiều những bức thư có lời lẽ miệt thị tới các gia đình quân nhân thiệt mạng ở chiến trường Afghanistan và đã bị phạt 300 giờ lao động công ích. Ngay sau khi xác định được danh tính của hung thủ gốc Iran, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran, ông Marzieh Afkham nói: “Việc tiến hành những hành động vô nhân đạo như vậy cũng như gây ra sự sợ hãi và hoảng loạn nhân danh đạo Hồi là hành động không thể biện minh dù theo cách nào”.  Sau vài ngày điều  tra thì Man Haron Monis là một kẻ đã từng nhiều lần bị cáo buộc tấn công tình dục. Với những gì mà Man Haron Monis đã gây ra trước khi thực hiện vụ bắt cóc con tin thì cơ quan điều tra khẳng định rằng Man Haron Monislà một kẻ có tiền sử tội phạm, tâm thần bất ổn nặng và cuồng dại với chủ nghĩa cực đoan. Quá khứ phạm tội dài dằng dặc của Monis đang dấy lên câu hỏi tại sao tên này được tự do tấn công vào một địa điểm ở trung tâm Sydney và cầm cự trong 16 giờ.

Nhiều trang mạng xã hội đã đăng tải về nguyên nhân dẫn đến vụ bắt cóc con tin là do hung thủ muốn nói chuyện trực tiếp với Thủ tướng Australia Tony Abbott và yêu cầu đưa một lá cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đến quán cà phê Lindt. Trước đó Man Haron Monis đã bắt các con tin giăng một lá cờ thể hiện đức tin của người Hồi giáo. Hắn ra yêu sách giới chức Australia phải mang cờ cho hắn, mỗi lá cờ hắn sẽ thả một con tin. Vì việc sở hữu cờ IS là phi pháp ở Australia nên Man Haron Monis đã không được đáp ứng yêu cầu. Cho dù Man Haron Monis có liên quan đến tổ chức khủng bố hay không thì hành động của hắn cũng cho thấy sự ảnh hưởng không nhỏ của nhóm người mang tư tưởng cực đoan này đối với hệ thống chính trị Australia.

Đến thời điểm này thì cũng chưa có nguồn tin chính thức khẳng định rằng nguyên nhân dẫn đến vụ xả súng bắt giữ con tin là do không được đáp ứng yêu cầu đưa ra hay là vì một lý do khác, nhưng tại cuộc họp báo tối 15 tháng 12, cảnh sát Andrew Scipione khẳng định đã có “những nhà đàm phán giỏi nhất thế giới” làm việc với tay súng trong quán cà phê. Ben Lopez, một chuyên gia trong các cuộc đàm phán bắt cóc con tin cho biết, một trong những lý do cảnh sát New South Wales không muốn truyền thông đưa tin quá nhiều về vụ này vì rõ ràng kẻ bắt giữ con tin đang rất muốn vụ việc của hắn được giới thiệu rộng rãi.

Vô tội

Rất nhiều người dân với gương mặt đẫm nước mắt và những người phụ nữ Hồi giáo mang mạng che mặt đã đổ về đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân tại hiện trường vụ bắt cóc. Họ xót thương những nạn nhân vô tội đã phải bỏ mạng dưới bàn tay của kẻ bắt cóc. Những chuyện liên quan đến khủng bố hay bắt cóc con tin chưa bao giờ xảy ra ở đất nước Australia, đây là lần đầu tiên những người dân ở đây phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng này. “Thực tế thì những chuyện như thế này chưa bao giờ xảy ra trước đó ở Australia. Nó khiến cho bạn cảm thấy rất buồn và tôi cảm thấy tiếc thương cho những con người vô tội, nhất là vào thời điểm Giáng sinh sắp đến” - Tom Harris, nhân viên văn phòng Sydney Harbour Bridge, chia sẻ. Có mặt tại nơi tưởng niệm những nạn nhân mà không ai có thể tin được tất cả những gì đã diễn ra. Họ thực sự bị sốc và choáng trước sự manh động của kẻ thù. Nhiều người đã cảm thấy bị mất lòng tin vào xã hội hiện tại, họ không biết được rồi những chuyện gì sẽ xảy ra, những chuyện gì đang đe dọa cuộc sống của họ.

Hai con tin thiệt mạng được xác định danh tính là quản lý 34 tuổi của quán cà phê Lindt Toni Johnson và nữ luật sư 38 tuổi Barrister Katrina Dawson - một người mẹ có ba con nhỏ. Có ít nhất sáu người bị thương, trong đó có ba phụ nữ bị trúng đạn. Tuy nhiên, người phát ngôn cảnh sát New South Wales Andrew Scipione cho biết cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân thiệt mạng của hai con tin. Trong lúc bắt giữ 17 con tin, hung thủ Man Haron Monis đã quay phim một số con tin. “Tôi không hiểu sao cảnh sát lại không đáp ứng yêu cầu này. Điều đó không phải là gì quá đáng” - con tin Marcia Mikhael, 42 tuổi, nói trong một đoạn phim. Báo Sydney Morning Herald cho biết tiếng súng đó là do anh quản lý Johnson, sau khi phát hiện hung thủ Monis có vẻ mệt mỏi và buồn ngủ, đã xông vào định tước lấy khẩu súng trong tay hung thủ. Cả hai vật lộn với nhau trước khi Monis nổ súng bắn chết Johnson. Chính tiếng súng này đã buộc lực lượng cảnh sát phải xông vào tấn công. “Họ đã tiến vào bên trong quán cà phê vì cho rằng tại thời điểm này nếu không tiến vào thì sẽ có thêm nhiều người thiệt mạng” - cảnh sát Scipione giải thích với báo chí.

Khủng bố?

Một câu hỏi được đặt ra ngay sau khi bắt giữ được kẻ bắt cóc con tin Man Haron Monis rằng có phải hắn là đại diện cho một tổ chức khủng bố. Mặc dù giới chức Australia cho rằng Man Haron Monis không có dính líu gì đến tổ chức khủng bố nhưng với tất cả những gì đã diễn ra thì sự hoài nghi không phải là không có căn cứ. Bởi trước khi vụ bắt cóc con tin này xảy ra thì Australia đã tiến hành một chiến dịch trên diện rộng để chống khủng bố. Trong chiến dịch chống khủng bố, cơ quan tình báo của Australia đã liên tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ tấn công của các thế lực tội phạm đang ngày một gia tăng. Chính vì vậy mà đã có rất nhiều những câu hỏi được đặt ra liệu đó có phải là một chiến dịch được báo trước trong khi Australia có khoảng 500.000 người Hồi giáo, trong đó phần lớn sống ở Sydney và Melbourne. Những người Hồi giáo sống ở Australia có rất nhiều thành phần thanh niên bất mãn. Khoảng 90 công dân Australia đã sang Iraq và Syria tham chiến với IS và những nhóm cực đoan khác, trong đó có 20 người đã thiệt mạng. Chính vì vậy mà nguy cơ có một tổ chức khủng bố được thành lập từ những nhóm người bất mãn, cực đoan này không phải là không thể xảy ra. Tất cả những gì diễn ra đều có nguyên do bởi mới hồi tháng 9, cảnh sát chống khủng bố của Australia đã đưa tin rằng, họ đã ngăn chặn được một nhóm người Hồi giáo đang có âm mưu chặt đầu một người dân bất kỳ, và chỉ sau đó vài ngày, một thiếu niên ở Melbourne bị bắn chết sau khi tấn công hai cảnh sát chống khủng bố bằng dao. Liên tiếp những vụ việc liên quan đến những người Hồi giáo cực đoan sinh sống ở Australia nên chính phủ Australia đã thông qua luật an ninh mới, trong đó có tuyên bố "vùng cấm đến" ở Syria. Bất kỳ công dân nào đi đến những khu vực này có thể lĩnh án tù 10 năm.

Nhiều câu hỏi được đặt ra, nhiều mối lo ngại và hoài nghi về nạn khủng bố có thể xảy ra trên đất nước Australia nhưng giới chức nước này luôn kêu gọi người dân hãy bình tĩnh và hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào một xã hội bình yên và an toàn.

Hà Lan
.
.
.