Rút quân khỏi Syria, nước cờ hiểm của Tổng thống Donald Trump?

Thứ Sáu, 11/01/2019, 15:03
Ngày 19-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhiều người bất ngờ khi tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria. Tuyên bố này ngay lập tức gây nhiều tranh cãi khi các nghị sĩ Mỹ đồng loạt lên tiếng chỉ trích và người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng tuyên bố từ chức vì bất đồng quan điểm.


Quyết định sai thời điểm?

Tờ Reuters dẫn bình luận của giới chuyên gia cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn nhưng sai cách, sai thời điểm và thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Quân đội Mỹ bắt đầu mở rộng hiện diện ở Trung Đông kể từ năm 2003. Trong đó, chiến dịch quân sự ở Iraq có thể coi là chiến dịch ngốn nhiều tiền của nhất trong lịch sử Mỹ. 

Kể từ năm 2008, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama và hiện giờ đến lượt ông Donald Trump bắt đầu quyết định để quân đội Mỹ "rút chân" khỏi chiến trường này.

Ông Obama tuyên bố chuyển hướng chính sách với việc “xoay trục” sang châu Á, tập trung kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính quyền của ông Trump năm ngoái cũng tuyên bố tiếp tục mở rộng chính sách tái cân bằng này nhằm ưu tiên kiềm chế Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xoay trục không hề dễ dàng khi Mỹ đã dấn quá sâu vào vũng lầy Iraq, Syria và Afghanistan. 

Năm 2011, ông Obama lệnh rút hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq, song điều đó đồng nghĩa với việc Washington phải "bỏ rơi" các nhóm vũ trang dòng Sunni đã giúp quân đội Mỹ đánh bại khủng bố Al-Qaeda. 

Tàn dư của Al-Qaeda sau đó đã tìm cách trỗi dậy ở Syria và dẫn đến sự ra đời của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Lực lượng này đã chiếm quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở cả Iraq và Syria. 

Chính quyền của ông Obama khi đó quyết định bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, mở đầu bằng các cuộc không kích, sau đó là đưa lực lượng trên bộ đến Syria

Trong chuyến thăm bất ngờ tới các đơn vị đang làm nhiệm vụ tại Iraq trong dịp Giáng sinh, ông Trump nói rằng sứ mệnh của quân đội Mỹ ở Syria là đánh đổ IS đã đạt được mục tiêu. IS bây giờ chỉ còn là tàn quân, vì vậy Mỹ cần rút quân khỏi Syria như đã hứa, Mỹ đến Syria là để đánh IS chứ không phải tới đó để giúp quốc gia Trung Đông này kiến thiết đất nước, khi đã đạt được mục tiêu thì những người lính “có thể về nhà”.

Bỏ rơi đồng minh?

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, quyết định rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi Syria của Mỹ là một hành động bỏ rơi đồng minh Israel, và cũng tạo cơ hội cho Iran và Nga gia tăng quyền lực trong khu vực. Phát biểu với tờ Jerusalem Post, ông Ceng Sagnic thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi, cho biết: “Sự thiếu rõ ràng quanh chính sách đối ngoại của Mỹ rất nguy hiểm đối với các đồng minh của nước này tại Trung Đông. Israel có rất nhiều mục đích cần phải thực hiện tại Syria. Thế nhưng, thật bất ngờ khi Mỹ -   đồng minh quan trọng nhất của nước này - lại tuyên bố rút khỏi Syria, khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn. Quyết định của ông Trump đã khiến Iran trở thành một trong những lực lượng nước ngoài mạnh mẽ và quan trọng nhất tại Syria, đẩy Israel vào thế bị cô lập”. 

Ông Yossi Kuperwasser, một cựu quan chức Bộ Các vấn đề chiến lược Israel, cũng có chung nhận định: “Mỹ rút quân khỏi Syria đồng nghĩa với việc các lực lượng của Tổng thống Al Assad và người Iran sẽ dễ dàng kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria. Khi đó họ sẽ cố gắng chuyển giao vũ khí từ Iran sang Iraq tới Syria và cuối cùng là Liban để hỗ trợ lực lượng Hezbollah. Sẽ chẳng có bất cứ thứ gì ngăn chặn được hoạt động này. Phía Iran sẽ ngày càng củng cố được sức mạnh và uy thế”.

Cần nhắc lại, Mỹ và Israel từ lâu đã là một đồng minh thân cận. Năm 1945, khi Chiến tranh thế giới 2 vừa kết thúc, Mỹ đã dùng hẳn con tàu Exodus đi khắp thế giới gom những người Do Thái mà Hitler chưa kịp giết để đưa về Jerusalem. Theo một số nhà quan sát, từ đó đến nay Mỹ vẫn chưa một ngày bỏ rơi Israel. Những sách lược của Mỹ gần đây như công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, hoặc rời bỏ Hội đồng Nhân quyền, hoặc UNESCO mới đây vì chống lại Israel… cho thấy nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump càng tôn trọng quan hệ với Israel hơn. Nhưng tại sao Mỹ lại rút quân khỏi Syria?

Theo một số lý giải, vì hiện nay Israel đã đủ mạnh, thậm chí là thừa sức để làm đối trọng với Iran ở Trung Đông. Trong khi đó, Mỹ đã có thể tự chủ dầu mỏ bằng công nghệ dầu đá phiến, nên cũng không cần phải phụ thuộc vào Trung Đông như trước đây. “Nếu Mỹ không lấy được dầu từ đá phiến để trở thành quốc gia nhiều dầu nhất, ngồi ở Washington cũng điều khiển được giá dầu thế giới, thì không có chuyện ông Trump rút quân khỏi Trung Đông”, một nhà phân tích nhận định.

Một lý do khác, là ông Trump đã nhìn ra việc Trung Quốc đang muốn nhảy vào Trung Đông, nên đã chọn cách rút lui để đứng ngoài cuộc xem Nga và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng với nhau. Bằng việc tuyên bố rút lui, “chú Sam” muốn để “rồng” và “gấu” thoải mái đấu với nhau, và mình làm ngư ông đắc lợi.

Xác định đối thủ chiến lược

Một nguyên nhân quan trọng hơn, theo một số nhà phân tích, là vì ông Trump nhận định rằng không phải Nga, mà Trung Quốc mới chính là đe dọa lớn nhất cho vị thế siêu cường của Mỹ. Điều này đã được Mỹ nhiều lần nhắc đến trong chiến lược của mình, và được các lãnh đạo Nhà Trắng tái khẳng định nhiều lần, trong đó nổi bật là bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence gần đây. Trong chiến lược mới của Mỹ, cả Nga và Trung Quốc đều bị liệt vào hàng đối thủ, nhưng khi đặt 2 đối thủ này lên bàn cân, ông Trump nhận ra rất nhiều thập niên nữa EU và NATO vẫn thừa sức kiềm chế Nga. Nhưng với Trung Quốc, bằng trực giác của một tỷ phú dày dặn kinh nghiệm, ông Trump cảm thấy lo ngại.

Điều đó không phải là không có cơ sở, vì Trung Quốc không hề che giấu tham vọng của mình khi đưa ra các dự án chiến lược có tính toàn cầu như “nhất đới nhất lộ”, hay “Made in China 2025”. Trong đó, “nhất đới nhất lộ” sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát các cơ sở hạ tầng, cảng biển quan trọng tại nhiều quốc gia có sáng kiến này đi qua. Theo dự kiến, “nhất đới nhất lộ” sẽ giúp Bắc Kinh chiếm lĩnh ảnh hưởng toàn bộ 68 quốc gia trong vành đai kinh tế, toàn bộ châu Phi, Nam Mỹ, châu Á ( trừ Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ) và một phần rộng lớn của châu Âu; đồng thời kiểm soát cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, “Made in China 2025” sẽ giúp Bắc Kinh thống trị về mặt công nghệ, các dịch vụ viễn thông thế hệ mới (5G). Đây chính là lý do thực sự đằng sau việc Washington “nhờ” Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu hồi tháng 12.

Việc ông Trump tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ, và việc thay Bộ trưởng Quốc phòng trước thời hạn 2 tháng, là những dấu chỉ cho thấy ông Trump đang chuẩn bị kỹ để chạy đua với Trung Quốc. Dù sức mạnh công nghệ vũ trụ của Trung Quốc hiện nay còn kém xa so với Nga và Mỹ, nhưng Washington vẫn không thể đợi nước tới chân mới nhảy. Việc thành lập Bộ Tư lệnh, tức là Mỹ đã có khả năng tác chiến trong không gian. Trong khi đó, người lên thay ông Mattis ở vị trí đứng đầu Lầu Năm Góc từ ngày 1-1 chính là một giám đốc điều hành của Tập đoàn Boeing. Có thể nói, không ai trong Lầu Năm Góc hiện nay có thể qua mặt quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan về không gian.

Vinh Trang
.
.
.