Săn lùng đồ người chết

Thứ Ba, 18/12/2012, 16:08

Tập tục chia tài sản cho người chết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên xuất phát từ quan niệm, cuộc sống có hai thế giới song song tồn tại, chết không phải là hết mà sang một thế giới khác, ở đó lại bắt đầu một cuộc sống mới. Vì muốn người thân của họ có cuộc sống mới sung sướng, đủ đầy nên họ đã chia rất nhiều tài sản quý giá cho người chết. Và cũng từ đây nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác...

Chia của cho người chết...

Theo quan niệm của người Ba Na, khi trong gia đình có người chết thì những người còn lại bắt buộc phải chia tài sản cho người chết để họ mang sang thế giới bên kia dùng. Họ có quan niệm ban ngày là thời gian dành cho sự sống, ban đêm thì dành cho cái chết. Thi hài của người chết sẽ được quấn chiếu đặt trên cáng tre do 4 người khiêng. Theo sau là thân nhân người chết và dân làng. Người chết sẽ được khiêng ra nhà mả sau đó chôn, và sau 1-2 ngày sẽ được xây mả.

Trước khi chôn, thân nhân được mở mặt người chết để xem lần cuối. Sau khi ngôi mộ của người chết được đắp xong, người ta bắt đầu việc chia của cải cho người chết bằng cách chôn nửa kín nửa hở trên mặt mộ người chết một số đồ dùng thường sử dụng khi còn sống như là: chén đồng, bộ chiêng, ghè sứ, quần áo, khung dệt vải, gùi, rìu, cuốc xẻng, chén bát, xoong nồi… Sau đó, bà con họ hàng làm cho người chết một nhà mồ tạm.

Những ngôi mộ bị đào bới để lấy tài sản.

Từ khi được chôn cất, đến khi làm lễ "Pơthi" (lễ bỏ mả, hay còn gọi là lễ đóng cửa nhà mồ) không quy định thời gian cụ thể, có khi chỉ một, hai năm, thậm chí mười đến hai mươi năm, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình. Trong thời gian đó, người sống vẫn phải chăm sóc cho người chết như ở nhà mình vậy. Cứ vào buổi sáng sớm, thân nhân người quá cố phải ra mộ nhóm lửa, đặt cơm, rau, nước cúng trên mộ.

Ở nhà người sống ăn gì thì đem cho "con ma" ăn như thế. Hằng ngày ngoài 2 lần đem cơm nước chăm sóc cho người chết, người sống còn phải thường xuyên quét dọn mồ mả cho người chết, thương xót, khóc lóc và đốt lửa cho người chết. Ngọn lửa lúc nào cũng phải ấm nóng, không được để tắt.

Mùa lễ bỏ mả thường từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch hằng năm, người sống sẽ tiến hành chặt nhiều gỗ để dựng nhà mồ và đẽo tượng cho người chết. Bao nhiêu của cải, thời gian, công sức cũng như tình cảm và tài năng của người sống hầu như đều dành hết cho người chết trong lễ bỏ mả này. Trước khi tiến hành làm lễ bỏ mả, người Ba Na thường chuẩn bị vật chất rất chu đáo, gồm: trâu, bò, heo, gà, rượu, gạo… họ đã chuẩn bị từ nhiều mùa trước. Thông thường, một lễ bỏ mả kéo dài 3 ngày 2 đêm...

Tuy mất rất nhiều công sức, của cải như vậy, thế nhưng sau khi làm lễ bỏ mả, người sống sẽ vĩnh viễn cắt đứt mọi quan hệ với người chết...

Trộm đồ của người chết

Sau lễ bỏ mả, nhiều khu nhà mộ bị bọn trộm cắp hoành hành. Thường các đối tượng săn lùng trong khu nhà mả của làng để đào bới lấy tài sản. Hầu hết các ngôi mộ sau khi đào bới lên đã bị lấy đi hết các tài sản có giá trị như quan tài bằng gỗ huỳnh đàn hay còn gọi là gỗ sưa, bộ chiêng, chén đồng, ghè sứ, xoong nồi… Kinh nghiệm của những kẻ săn lùng đồ người chết thì mộ càng xưa, càng dễ tìm đồ quý, cổ...

Già làng Đinh HMưng ở Kbang, Gia Lai cho biết: Làng Mơ H'ra có 3 khu nhà mồ nhưng có 2 khu nhà mồ bị kẻ xấu đào bới hàng trăm ngôi mộ để lấy tài sản. Hầu hết ở những khu mộ cũ, ngoài đào mộ lấy gỗ huỳnh đàn, bọn xấu còn chú ý đến những cái chén bằng đồng đen.

Theo suy nghĩ của già làng Đinh HMưng thì ngày xưa ông bà thường có những cái chén nhỏ bằng đồng đen hay dùng để uống rượu cần, để xúc gạo, hoặc một tài sản khác cũng có giá trị lớn là những chiếc ghè bằng sứ cổ ngày xưa. Loại ghè này trên thân của nó thường được chạm trổ bằng những hoa văn, mặt trăng, mặt trời, con thú… rất đẹp.

Gia đình ông Đinh Văn Nghèo ở làng Mơ H'ra, xã Kon Lơng Khơng (Kbang, Gia Lai) đã bị kẻ xấu đào mộ cha ông là ông Đinh Kọt lấy mất 2 cái ghè sứ và một số chén bát sứ cổ...Trong thời gian gần đây, người dân địa phương chống trộm bằng cách đập vỡ tài sản trước khi chia cho người chết.

Ông Đinh Gen ở An Khê tâm sự: Ngày xưa bà con dân làng có nhiều tài sản quý giá chia cho người chết hết rồi. Bây giờ chủ yếu chia ghè và các vật dụng sinh hoạt để người chết có cái để dùng. Những chiếc ghè cổ nếu được chôn theo người chết, người dân đều đập thủng đáy hết để kẻ gian không lấy. Nhưng già làng cũng bức xúc: Thế nhưng nạn săn gỗ huỳnh đàn từ những ngôi mộ của người chết những năm gần đây cũng nóng lên, vì thế có nhiều ngôi mộ cũ đã bị bới tung

N.Như -T.Tâm
.
.
.