Sập bẫy lừa đảo qua mạng vì thiếu hiểu biết

Thứ Năm, 30/03/2017, 16:14
Chỉ là những tin nhắn chát chít, rồi yêu đương hẹn hò, bỗng một ngày đẹp trời, các chị em được anh bạn ở phương trời xa xôi ngỏ lời… tặng quà. Cả đời chưa từng được tặng những món quà đắt tiền, trị giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng, một số chị đã hoa mắt và mù quáng làm theo mọi lời chỉ bảo, dẫn dắt của những gã trai Tây. Hậu quả là tiền mất và ngậm đắng nuốt cay ôm hận.


Lừa qua mạng - quá dễ?

Thời gian gần đây, tại tỉnh Nam Định bùng lên thực trạng lừa tiền qua mạng xã hội, qua mạng điện thoại viễn thông bằng những chiêu thức, thủ đoạn vô cùng đơn giản: thông báo nợ cước điện thoại; thông báo nhận quà, trúng thưởng với giá trị lớn sau đó yêu cầu nộp tiền phí... Tuy chiêu lừa này đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện báo chí nhưng vẫn có nhiều người bị sập bẫy.

Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Nam Định tiếp nhận trình báo của 2 nạn nhân về cùng một nội dung. Cả 2 nạn nhân đều bị lừa chuyển tiền qua mạng xã hội với một chiêu thức vô cùng đơn giản.

Thông qua mạng facebook, các nạn nhân được một người nước ngoài nhắn tin làm quen. Vì tò mò lại thấy ảnh đại diện là những người đàn ông nước ngoài với khuôn mặt dễ mến nên họ chấp nhận kết bạn.

Sau một thời gian trò chuyện thân tình, bạn trai ngoại quốc ngỏ ý gửi tặng một gói quà giá trị cao từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không.

Để nhận gói quà trên, người nhận phải chuyển tiền phí vào một tài khoản được định sẵn. Sau nhiều lần chuyển tiền vẫn chưa nhận được quà, nạn nhân sinh nghi thì đối tượng lừa đảo đã biệt vô âm tín. Số điện thoại rồi tài khoản facebook, zalo không thể liên lạc. Với chiêu lừa này, 2 nạn nhân mới đây nhất tại tỉnh Nam Định đã bị chiếm đoạt 209.700.000 đồng.

Qua điều tra xác minh, Công an tỉnh Nam Định phát hiện thêm 4 trường hợp cũng bị lừa tiền với thủ đoạn tương tự. Tổng số tiền bị lừa của 4 nạn nhân này là 363.600.000 đồng.

Kẻ lừa đảo gửi phiếu chuyển quà làm tin.

Năm 2016, tại tỉnh Nam Định từng có 3 nạn nhân bị lừa gần 800 triệu đồng bằng chiêu thức giả danh người của cơ quan Công an rồi lừa chuyển tiền qua điện thoại. Ở vụ việc này, các đối tượng giả danh người của cơ quan pháp luật gọi vào số điện thoại bàn, vu cho chủ thuê bao có liên quan đến một đường dây tội phạm mà hắn đang điều tra. Để chứng minh bản thân vô tội, chủ thuê bao phải chuyển tiền vào một tài khoản.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định cho biết, ngoài 2 thủ đoạn lừa tiền trên, Nam Định cũng từng xuất hiện thủ đoạn nhắn tin trúng thưởng xe máy SH và yêu cầu nộp phí.

Có nạn nhân đã chuyển tiền tới cả trăm triệu đồng, vượt quá giá trị thực của một chiếc xe máy SH mới tỉnh giấc mộng "bất ngờ trúng thưởng". Tiền mất, tâm trí suy sụp mà xe máy SH vẫn chỉ là mây khói.

Suốt quá trình thực hiện trò lừa, đối tượng yêu cầu người dân phải giữ liên lạc, không được tắt máy điện thoại và không được thông báo cho người khác biết. Bọn chúng liên tục điện thoại uy hiếp, vẽ ra những viễn cảnh ngục tù tăm tối khiến các nạn nhân hoang mang, tâm trí mất kiểm soát dẫn đến hành động ra ngân hàng chuyển tiền.

Sau khi chuyển tiền, đến thời hạn như đã hẹn, người dân không được trả lại tiền, cũng không thấy giải thưởng mới biết bị kẻ gian lừa đảo và đến Công an trình báo. Khi ấy, toàn bộ số tiền đã được bọn lừa đảo rút cạn.

Những món đồ mà kẻ lừa đảo nói sẽ gửi cho nạn nhân.

Cảnh giác để không bị lừa

Điều đáng nói ở những vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội này, đó là thủ đoạn lừa đảo của đối tượng không mới, còn "xưa như trái đất".

Thậm chí, Công an tỉnh Nam Định vẫn thường xuyên phối hợp với cơ quan viễn thông, nhắn tin cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo này đến các số thuê bao di động. Vậy nhưng vẫn có người mắc bẫy. Phải chăng người dân hiện nay đang quá cả tin?

Đặt câu hỏi này với nạn nhân của những vụ lừa qua mạng xã hội, chúng tôi nhận được một đáp án chung, đó là tâm trí mụ mị bởi quá nhiều thông tin đến cùng một lúc, lại được đối tượng hết ngon ngọt thỏ thẻ lại uy hiếp dồn dập khiến họ mất cảnh giác mà sập bẫy. Hơn nữa, trước khi tung bẫy lừa, các đối tượng đều có một thời gian dài thường xuyên nhắn tin trò chuyện với con mồi để tạo niềm tin.

Chị Nguyễn Thị An, nạn nhân mới nhất vừa sập bẫy trai Tây quen qua facebook với số tiền gần 100 triệu đồng cho biết: Thấy người bạn nước ngoài rất hào hoa, nói chuyện lại thân thiện, dễ mến nên chị rất có cảm tình. Khi người bạn nước ngoài nói sẽ gửi tặng chị một số nữ trang có giá trị qua đường hàng không, chị đã từ chối.

Đến khi có người phụ nữ gọi cho chị, xưng là nhân viên sân bay và cho biết sân bay đang giữ một gói quà gửi cho chị từ nước ngoài và yêu cầu chị nộp phí nhận quà.

Liên lạc với người bạn ngoại quốc để xác thực thông tin, chị lại bị người bạn đe dọa, nếu gói quà bị mất, chị sẽ phải đền tiền. Thậm chí người bạn này còn bảo sẽ nhờ cảnh sát quốc tế can thiệp. Hoảng quá, chị vội ra ngân hàng chuyển tiền cho người phụ nữ xưng là nhân viên sân bay. Song đã 2 lần chuyển tiền tới cả gần 100 triệu đồng mà chị vẫn chưa nhận được gói quà.

Trong khi người phụ nữ vẫn gọi điện giục chị nộp thêm 7.000 USD. Nghi ngờ mình bị lừa, chị đến Công an tỉnh Nam Định trình báo.

Còn chị Lý Thị Mai, nạn nhân của một vụ lừa tiền qua điện thoại cố định cho biết: Bỗng dưng nhận điện của một nhân viên bưu điện thông báo tiền cước điện thoại lạm thu đến cả triệu đồng do bị một tổ chức xã hội đen đánh cắp thông tin gia đình.

Sau đó lại liên tiếp nhận điện của nhóm đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, viện kiểm sát nhân dân rồi tòa án nhân dân thông báo gia đình có liên quan đến một vụ án mà họ đang bí mật điều tra và yêu cầu phải chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình cho họ xác minh.

Vốn xưa nay chưa đi đâu khỏi thành phố Nam Định nên khi vừa nghe thông tin gia đình bị một tổ chức xã hội đen lợi dụng làm việc phi pháp, chị Mai đã bủn rủn, lắp bắp không nên lời.

Valy “tài sản” ghi người nhận là chị Mai.

Chị Mai càng thêm kinh hồn bạt vía khi nghe bọn lừa đảo bảo đang xin lệnh bắt tạm giam chị để điều tra. Bỏ cả cơm trưa, chị hấp tấp ra ngân hàng chuyển hơn 400 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình vào tài khoản được chỉ định. Đến khi tĩnh tâm lại, nhận thấy gia đình không làm gì phi pháp, ra ngân hàng kiểm tra, chị Mai nhận tin sét đánh: hơn 400 triệu đồng vừa được rút cạn trước đó ít phút.

Tin rằng, những nạn nhân trong bài viết này chỉ là một số nhỏ trong nhiều trường hợp bị lừa tiền bởi thủ đoạn vô cùng tinh vi của bọn tội phạm công nghệ cao.

Để nạn nhân sập bẫy, đối tượng lừa đảo không thực hiện ngay mà thường trò chuyện, tâm tình với nạn nhân một thời gian khá dài để chiếm sự tin tưởng. Khi đã thu thập được những thông tin cần thiết về con mồi, đối tượng mới tung bẫy.

Các băng nhóm lừa đảo liên tục thay đổi chiêu thức, cộng với khả năng giỏi nắm bắt tâm lý, lại có tài thuyết phục nên người dân dễ sập bẫy. Nhưng điều mấu chốt là sự cả tin của các nạn nhân.

Chỉ qua vài cuộc điện thoại, vài lần trò chuyện qua mạng xã hội, người dân đã vội tin và sẵn sàng chuyển cho họ hàng trăm triệu đồng. Trong khi không nắm được bất cứ thông tin chính xác nào về nhân thân cũng như nơi ở của đối tượng. Đến khi mất tiền, không biết tìm ai, gặp ai để đòi, các nạn nhân mới đến trình báo cơ quan Công an.

Đơn tố cáo của nạn nhân.

Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định cho biết: Đơn vị đang tập trung điều tra xác minh, làm rõ các vụ lừa tiền qua mạng xã hội, mạng điện thoại viễn thông cũng như chiêu thức nhắn tin trúng thưởng. Dự báo thời gian tới, tình hình này sẽ còn tinh vi hơn, mức độ phức tạp hơn, Công an tỉnh Nam Định đã có sự chủ động và sắp tới sẽ thành lập bộ phận chuyên trách điều tra, xử lý các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao".

Để giúp người dân cảnh giác đối với phương thức lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng, qua điện thoại, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần phải cảnh giác, thận trọng với các thông tin trao đổi qua mạng xã hội có liên quan đến chuyển tiền hay nạp thẻ cào qua mạng hoặc các cuộc điện thoại thông báo đòi tiền không hợp lý. Nhất là, người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân, số chứng minh thư, thẻ tín dụng, số tài khoản cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.

Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân cần bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc dẫn dụ nào, nên khôn khéo tìm hiểu xem đối tượng cần gì, muốn gì để thông báo ngay đến cơ quan Công an cùng phối hợp giải quyết; không nên tự giải quyết vì sẽ dễ sập bẫy hành vi lừa đảo của tội phạm.

Đại tá Vũ Hồng Sơn, Chánh Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định cho biết: Để đấu tranh, ngoài giải pháp về công nghệ thì việc người dân tự phát hiện và báo cho cơ quan Công an ngay là rất quan trọng. Khi người dân phát hiện và trình báo kịp thời, cơ quan Công an sẽ phối hợp với ngân hàng phong tỏa tài khoản, khi ấy khả năng thu hồi lại tiền sẽ rất cao.
Nhóm PV
.
.
.