Sập hầm khu thử bom hạt nhân CHDCND Triều Tiên

Thứ Ba, 07/11/2017, 11:19
Ngày 31-10 vừa qua, một số kênh truyền hình ở Nhật Bản dẫn các nguồn tin từ CHDCND Triều Tiên cho biết hơn 200 người đã chết trong các đường hầm dưới lòng đất sau khi các đường hầm tại khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên bị sập.


Tai nạn nghiêm trọng

Địa điểm thử nghiệm đã bị rung chuyển nặng nề do hậu quả của vụ thử hạt nhân lần thứ 6 ở nước này, khi Bình Nhưỡng cho nổ một quả bom hydro nặng 100 kiloton, gần gấp 7 lần so với quả bom nguyên tử của Mỹ rơi xuống Hiroshima năm 1945.

Các nguồn tin từ Triều Tiên nói với kênh truyền hình Asahi TV của Nhật rằng vụ sập xảy ra vào tháng 10 trong quá trình xây dựng một đường hầm tại khu thử nghiệm. Trong khi đó, có tin vụ sập hầm diễn ra chỉ vài ngày sau vụ thử bom hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, tức trong tháng 9.

Khu thử nghiệm hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Khoảng 100 công nhân bị mắc kẹt dưới lòng đất và một nhóm người đến giải cứu cũng bị chôn vùi sau một vụ sụp đổ khác, khiến chết khoảng 200 người.

Một loạt trận động đất quy mô nhỏ đã diễn ra sau cuộc thử nghiệm ngày 3-9 tại cơ sở này, được xây dựng phía nam núi Mantapsan, khiến nó có thể không còn đủ ổn định để tiến hành các cuộc thử nghiệm nữa.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng các đường hầm mới cho thấy Bình Nhưỡng muốn di chuyển vị trí thử nghiệm đến một phần khác của ngọn núi, vì cơ sở này sẽ không bị bỏ rơi.

“Nếu Triều Tiên cố gắng tiếp tục thử nghiệm dưới lòng ngọn núi này (chẳng hạn như trong khu vực phía đông), chúng ta sẽ thấy những đường hầm mới trong tương lai gần Cổng Bắc, vẫn nằm dưới núi Mantap”, các nhà nghiên cứu Frank Pabian và Jack Liu đã viết trong một báo cáo được công bố đầu tháng này trên trang web giám sát Triều Tiên, 38 North.

Liệu có làm gián đoạn “giấc mơ hạt nhân”?

Vụ sập hầm tại khu thử hạt nhân khiến 200 người chết liệu có khiến Bình Nhưỡng từ bỏ giấc mơ hạt nhân?

Sau một loạt thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, Triều Tiên dù vẫn giữ thái độ bình thường nhưng cho đến nay chưa phóng thêm quả tên lửa nào. Nhiều chuyên gia nghi ngờ liệu đây có phải vì vụ sụp hầm chết chóc tại khu thử hạt nhân Punggye-ri.

Các chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra vụ sập khu thử hạt nhân và nay nó đã diễn ra. Theo giới chuyên gia, những cái chết đó có thể báo hiệu sự gián đoạn của chương trình hạt nhân tại Bình Nhưỡng, vì khu thử đã quá nguy hiểm để có thể tiếp tục thử hạt nhân. Lãnh đạo Triều Tiên có lẽ sẽ rất khó khăn để tìm được một khu thử nghiệm mới an toàn hơn khu Punggye-ri.

Trước khi tin tức về vụ sập hầm được tiết lộ ra thế giới bên ngoài, nhiều chuyên gia nước ngoài đã cảnh báo khu Punggye-ri đã quá sức chịu đựng, và lo ngại nếu khu vực bị sụp đổ, phóng xạ sẽ rò rỉ ra bên ngoài gây nguy hiểm trên diện rộng.

Cho đến nay, chưa có thông tin gì về việc rò rỉ phóng xạ sau vụ sập hầm, nhưng có thể nó đã gây tổn hại nghiêm trọng khiến khu vực này không còn bảo đảm để tiếp tục thử hạt nhân nữa. Nhưng theo Express, nó cũng làm suy giảm nghiêm trọng lực lượng lao động ở khu thử hạt nhân.

Nếu Triều Tiên phải kết thúc chương trình hạt nhân chắc chắn sẽ làm giảm uy tín của chính phủ đối với người dân trong nước, nhưng sẽ làm yên lòng các nước láng giềng. Triều Tiên từng tuyên bố việc theo đuổi chương trình hạt nhân là “vấn đề sống chết” của mình.

Anh Kiệt
.
.
.