Sát thủ “Jack xé xác” là ai?

Thứ Hai, 13/03/2017, 14:42
Một trong những sự kiện bí ẩn nhất thế giới chưa thể làm sáng tỏ, đó là câu chuyện tên sát thủ hàng loạt “Jack xé xác” từng giết 5 gái điếm ở London cách đây 124 năm.


Ngày 31-8-1888, là thời điểm “Jack xé xác” (Jack the Ripper) ra tay giết người đầu tiên Mary Ann Nichols 43 tuổi; Annie Chapman 47 tuổi bị giết ngày 8-9; Elizabeth Stride 44 tuổi bị giết ngày 30-9 và sau đó đến lượt Catherine Eddowes 46 tuổi. Cuối cùng là Mary Jane Kelly 25 tuổi bị giết ngày 9-11.

Đầu mối nghi ngờ là “Jack xé xác” bám theo các nạn nhân sau khi dò la những thủy thủ “hám gái” và nhậu nhẹt trong khu ổ chuột Whitechapel gần bến cảng London. Cách giết người của hắn là cắt cổ hoặc mổ bụng cắt bỏ bộ phận ngũ tạng (như tử cung, tim) rồi vứt thi thể nạn nhân ngoài đường.

Trước khi ra tay, “Jack xé xác” thường uống rượu rồi “săn” người, sau đó về chỗ trú ẩn.

“Cớm” phải bó tay

Thế nhưng, Cảnh sát Scotland Yard không thể tìm ra thủ phạm. Lúc đầu họ phạm nhiều sai lầm trong cuộc điều tra và thời đó kỹ thuật điều tra vẫn ở tầm cơ bản, chưa có kỹ thuật lấy dấu tay và thậm chí khoa học chưa thể phân biệt giữa máu người với máu súc vật. Kết quả là không có đủ chứng cứ để chỉ ra “Jack xé xác” là ai.

Trong số các nghi can có Công tước Clarence (cháu trai của Nữ hoàng Anh Victoria, chết trong cảnh lưu đày năm 1892) và họa sĩ Walter Sickert.

Theo báo Daily Mail, các nghi can “Jack xé xác” có cả bác sĩ sản khoa John Williams, người từng chữa trị cho Công chúa Beatrice (con gái Nữ hoàng Victoria): một trong những hậu duệ của ông là Tony Williams vào năm 2005 xuất bản cuốn sách “Bác Jack” nêu ông bác sĩ giết đàn bà để nghiên cứu chứng vô sinh.

Thanh tra cảnh sát Abberline bị nghi là “Jack xé xác”.

Hoặc “Jack xé xác” có thể là Hoàng tử Albert Victor, giết phụ nữ do bị bệnh giang mai nên phát điên (theo một bài báo đăng trên tạp chí Hình sự học năm 1970 của tiến sĩ Thomas Stowell). Hoặc William Gull, bác sĩ riêng của Nữ hoàng Victoria.

Nhà sử học Mei Trow đã cho rằng “Jack xé xác” là nhân viên nhà tang lễ Robert Mann, người rất giỏi về khoa cơ thể học dù là con nhà nghèo. Hai nạn nhân đầu tiên đã được đưa đến dịch vụ mai táng của Mann.

Luật sư Montague John Druitt cũng bị nghi ngờ là “Jack xé xác” vì ông có ý định tự tử sau vụ giết người cuối cùng. Hoặc gã điên Aaron Kosminski bị treo cổ năm 1903 vì giết cả ba bà vợ.

Bác sĩ chuyên phá thai Thomas Neill Cream cũng bị nghi là “Jach xé xác”. Có thông tin cho biết lời nói cuối cùng của ông ta là “Tôi là Jack…” trước khi bị treo cổ năm 1892 do phạm tội đầu độc 4 gái điếm ở London.

Nghi ngờ “con phe”

Sáu năm sau khi xảy ra các vụ án mạng trên, năm 1894,  một lái buôn đường thủy người Đức tên là Carl Feigenbaum đã bị xử tử trên ghế điện tại nhà tù Sing Sing (New York, Mỹ) về tội giết bà chủ nhà Juliana Hoffman 65 tuổi.

Luật sư William Lawton của Carl khẳng định hắn chính là “Jack xé xác”. Luật sư này cho biết Carl đã thú nhận hắn mắc phải một căn bệnh khiến hắn không thể kiểm soát được hành vi bản thân: phải giết và chặt chém bất kỳ người phụ nữ nào hắn gặp.

Chỉ có một ít thông tin về Carl, ngoài những thông tin do Ban quản ngục nhà tù Sing Sing cung cấp: Carl 54 tuổi, da trắng, tóc đen và thưa, mũi to và mắt sâu. Tháng 9-2011, Trevor Marriott - một chuyên gia nghiên cứu “Jack xé xác” từ năm 2003, đã cho công bố bức ảnh phác họa chân dung Carl.

Từng là cảnh sát hình sự, Marriott cho biết Carl có thể là “Jack xé xác” sau khi nghiên cứu các tài liệu về 200 nghi can “Jack xé xác”. Ông cũng xem xét các hồ sơ và phát hiện thủ phạm phải là một kẻ du hành.

Tranh minh họa “Jack xé xác” giết người.

Điều trùng hợp là mỗi khi “Jack xé xác”  ra tay giết người, cũng là lúc chiếc tàu buôn Reiher (của Hãng  North Deutsche Line) cập cảng, và trong danh sách đăng ký người trên tàu luôn có cái tên Carl Feigenbaum. Hắn có thể còn có nhiều tên khác, thường đi buôn ở châu Âu và Mỹ. Nhưng nghề lái buôn của Carl khiến nhiều người không tin hắn là “Jack xé xác”.

 Vì độ chính xác của những cú “chặt thịt” của thủ phạm dẫn đến nhận định tên sát nhân rất hiểu biết về khoa cơ thể học hoặc là một bác sĩ giải phẫu giỏi. Nhưng Marriot cho rằng việc cắt lấy bộ phận ngũ tạng của các nạn nhân có thể diễn ra trong nhà xác,  và xác nạn nhân được giữ lại cho sinh viên y khoa thực hành.

Sợ lộ “chỉ điểm”

Cho đến ngày nay, Cảnh sát Anh vẫn giữ bí mật hồ sơ “Jack xé xác”, do Marriott đã bỏ ra 3 năm nỗ lực “vịn” vào Luật tự do thông tin để được xem các tài liệu này. Nhưng ông bị từ chối vì tài liệu có lý lịch của những “cộng tác viên” của cảnh sát từ năm 1888 đến 1912.

Cảnh sát cho biết việc tiết lộ thông tin có thể làm hỏng việc thu thập thông tin từ các “chỉ điểm” hiện nay, hoặc khiến người dân không dám gọi điện vào các “đường dây nóng” chống tội phạm hoặc chống khủng bố, vì họ sợ bị trả thù.

Trong nỗ lực cuối cùng, Marriott đã đâm đơn kiện Cảnh sát Anh ra tòa, vì ông tin bộ tài liệu 900 trang này có thể cung cấp chứng cứ giúp vạch mặt tên sát nhân nổi tiếng.

Theo chuyên gia Marriott, tài liệu có nhiều chứng cứ và có tên của ít nhất 4 nghi can mới: Hoàng tử Albert Victor, nhà văn Lewis Carroll, bác sĩ Francis Tumblety, người Mỹ và một phụ nữ được gọi là “Jill the Ripper”.

Vào tháng 8-2011, nhà báo Jose Luis Abad  84 tuổi, người Tây Ban Nha, viết cuốn sách “Jack the Ripper: vụ án mạng thông minh nhất thế kỷ”, khẳng định “Jack xé xác” chính là Frederick Abberline, thanh tra Cảnh sát Scotland Yard phụ trách cuộc điều tra tên sát nhân hàng loạt này!

Abad là chuyên gia nhận dạng chữ viết, đã so sánh chữ Abberline với chữ trong cuốn nhật ký được cho là của “Jack xé xác”. Nó được tìm thấy ở Liverpool hồi năm 1992 và được cho là của nhà buôn bông James Maybrick (cũng bị nghi là “Jack xé xác”).

Hoàng tử Albert Victor bị nghi là “Jack xé xác”.

Dù có một số chuyên gia nói đó là “của đểu”, Abad thì tin đó là “đồ thật” nhưng tác giả là Abberline (mất năm 1929, thọ 86 tuổi) chứ không phải Maybrick. Ông khẳng định: “Tôi đoan chắc Abberline chính là hắn. Chữ viết không biết nói dối”.

Vài phiên bản “Jack xé xác”

Vụ án “Jack xé xác” đã được  nhắc đến trong nhiều cuốn sách, được dựng nhiều  phim. Năm 2010, Stephen Griffiths, 40 tuổi, là sinh viên khoa Tội phạm học, đã thú tội đã dùng cung tên giết chết 3 gái điếm là Suzanne Blamires 36 tuổi, Shelley Armitage 31 tuổi và Susan Rushworth 43 tuổi ở miền Bắc Anh. Griffiths bị tòa kết án tù chung thân 3 lần.

Khi bị bắt, Griffiths tuyên  bố “Tao là Osama bin Laden” và có lúc hắn khoe với cảnh sát là hắn đã giết rất nhiều gái điếm.

Những vụ án do Griffiths gây ra khiến người Anh nhớ đến Peter Sutcliffe với biệt danh “Yorkshire Ripper”, dựa theo tên của tên lái phà Sutcliffe 63 tuổi bị kết án tù chung thân năm 1981 vì giết 13 người đàn bà và toan giết 7 người khác trong 5 năm vào những năm 1970 và 1980.

Gã này cũng đã tấn công các gái điếm ở miền Bắc Anh, tại nơi Griffiths sống. Nhưng Griffiths nói hắn không ghét các ả điếm và không phải là người “dọn dẹp vệ sinh đường phố” như Sutcliffe. Các bạn gái cũ của Griffiths nói hắn rất bạo lực.

Bảo Vĩnh (tổng hợp)
.
.
.