Sát thủ mù chữ và nỗi ân hận tột cùng sau song sắt

Thứ Hai, 28/05/2012, 16:11
Nghi ngờ vợ cắm sừng, Lê Đăng Thụy (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã không ngần ngại ra tay giết vợ. Vợ chết, con thơ bơ vơ, bản thân Thụy phải nhận về cho mình mức án chung thân. Cái giá mà Thụy phải trả cho hành động nông nổi của mình là quá đắt.

Sát thủ mù chữ

Sinh năm 1980 nhưng nhìn Thụy già hơn rất nhiều so với tuổi của anh ta. Có lẽ bao trằn trọc, day dứt, nuối tiếc trong những đêm dài mất ngủ đã khiến anh ta trở nên già cỗi như vậy. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em. Bố mất sớm, mẹ một mình tần tảo nuôi 5 anh em của Thụy lớn khôn. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nên cả Thụy và bốn anh em khác của anh ta đều không một ngày được cắp sách tới trường. Họ cứ lớn lên tự nhiên như cái cây ngọn cỏ.

Thụy cũng như các anh chị em khác trong gia đình. Đến tuổi trưởng thành thì lập thành gia thất. Vợ Thụy là một phụ nữ không sắc nước hương trời nhưng ưa nhìn, tính tình thẳng thắn bộc trực lại chịu thương chịu khó. Lấy được cô ấy Thụy thấy đời vui phơi phới. Hạnh phúc càng nhân lên khi hai người sinh được một cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu.

Cuộc sống vợ buôn bán tạp hóa tại nhà, chồng đi làm thuê dù vất vả nhưng Thụy vẫn thấy ngời ngời hạnh phúc. Những tưởng bình yên cứ thế kéo dài mãi trong ngôi nhà nhỏ. Vậy mà bỗng một ngày vợ Thụy trở nên thay đổi. Cô ấy lơ đễnh công việc kinh doanh, chểnh mảng vai trò làm vợ, làm mẹ. Thụy để ý vẫn thường thấy cô ấy lén lút, thì thụt khi nói chuyện điện thoại với một ai đó. Nếu chẳng may thấy chồng đến gần, mặt cô ấy biến sắc và mất bình tĩnh trông thấy rõ.

Không chỉ thế, biết chồng mù chữ, vợ của Thụy ngang nhiên nhắn tin bất kể thời gian. Nhiều đêm khi tỉnh dậy, Thụy vẫn thấy vợ lăm lăm chiếc điện thoại trong tay để nhắn tin cho ai đó. Hỏi thì cô ấy bảo không ngủ được nên mang điện thoại ra chơi trò chơi. Vì không biết chữ nên Thụy không thể giằng lấy chiếc điện thoại mà đọc tin nhắn gửi đến cũng như tin nhắn gửi đi.

Có lần, vợ Thụy bất cẩn đã để điện thoại hớ hênh, Thụy lén lấy mang sang nhà hàng xóm rồi nhờ người ta đọc tin nhắn hộ. Và, Thụy gần như gục ngã khi biết vợ mình thực sự đang hẹn hò với một người đàn ông lạ. Bao nhiêu phỏng đoán, bao nhiêu nghi ngờ của Thụy trước đó giờ đã hai năm rõ mười. Mỗi dòng tin nhắn gửi đi của vợ với những lời lẽ yêu đương ngọt ngào tới người đàn ông kia như những nhát dao đâm vào tim anh ta.

Không thể kiềm nén được cảm xúc, Thụy phừng phừng tức giận quay trở về nhà. Nhìn thấy người đàn bà phản bội Thụy đã hét lên: “Cô còn yêu tôi nữa không? Cô còn thương con nữa không? Cô còn muốn giữ gìn cái gia đình này nữa hay không?”. Đáp lại những lời gào thét ấy của chồng, vợ Thụy nói một cách lạnh lùng: “Tôi chán tất cả rồi. Giờ chỉ muốn chết thôi. Anh muốn làm gì tôi thì làm”. Thụy bảo, không hiểu sao khi ấy lòng Thụy lại trùng xuống. Sự tức giận không còn, có chăng chỉ là sự sợ hãi. Chưa khi nào Thụy cảm thấy người đàn bà của mình xa mình đến thế. Và Thụy nghĩ nếu mình không tìm cách níu kéo, giữ cô ấy lại thì việc mất hẳn cô ấy chắc chắn chỉ diễn ra trong nay mai.

Và kể từ khoảnh khắc ấy, Thụy chuyển từ nóng giận sang dịu dàng. Thụy nói trong đau đớn: “Dù em không được đi học chữ nhưng vẫn đủ để nhận thức rằng khi người ta đã chán mình thì chỉ có cách mình phải đối tử tế hơn với người ta mới mong giữ người ta ở lại được”. Nghĩ là làm, Thụy đã coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Vẫn cố gắng giữ hòa khí, quan tâm và chăm sóc nhiều hơn tới vợ để mong vợ hồi tâm chuyển ý. Dù nghề nghiệp không ổn định, nhưng hễ đi làm, kiếm được bao nhiêu tiền Thụy đều đưa tất cho vợ để cô ấy nuôi con.

Mọi việc có vẻ tiến triển theo chiều tích cực. Vợ Thụy đã bớt nhắn tin và cũng bớt đi những cuộc điện thoại mờ ám. Có hôm cô ấy nói với Thụy rằng gia đình cô ấy có việc nên phải về đó mấy ngày. Thụy không nghi ngờ gì, vui vẻ chấp nhận cho vợ về nhà đẻ. Thế nhưng khi Thụy gọi điện về đó để hỏi xem gia đình đang xảy ra chuyện gì thì ngã ngửa khi hay tin vợ Thụy không hề về nhà mẹ đẻ.

Bao nhiêu sự kiềm nén trong lòng bấy lâu giờ như ngọn lửa được đổ thêm dầu ngùn ngụt bốc cháy. Thụy đã nghĩ, giá như cô ta ở trước mặt Thụy lúc này thì có lẽ Thụy đã giết chết cô ta rồi. Những tưởng khi về tới nhà, biết chồng phát hiện ra chuyện gian dối của mình cô ấy sẽ hốt hoảng và cuống quýt xin chồng tha thứ. Đằng này cô ấy lại tiếp tục lạnh lùng bảo rằng: “Tôi đi công chuyện của tôi. Không liên quan gì đến anh hết”. Nhưng giọt nước tràn ly, trong đầu Thụy nghĩ sẽ phải giết chết người đàn bà phản bội này để trả thù.

Giết vợ rồi tự tử

Nhà Thụy bán hàng tạp hóa nên có rất nhiều chuột và gián. Thụy bảo anh ta vẫn thường để hở một đoạn dây điện trần dưới gầm giường để bẫy mấy con đó. Buổi sáng hôm xảy ra sự việc đau lòng ấy, khoảng bốn giờ sáng vợ Thụy tỉnh dậy vì nghe thấy tiếng gọi của ai đó muốn mua hàng. Vì tiếng gọi quá to, lại trong đêm vắng nên cũng khiến Thụy tỉnh giấc.

Kể từ lúc ấy, Thụy nung nấu ý định sẽ giết vợ vì buổi chiều hôm trước hai người đã xảy ra xô xát. Thụy đã khuyên nhủ cô ấy dừng lại để giữ gia đình nhưng thái độ của cô ấy rất bất hợp tác. Uất quá, Thụy tát vợ mấy cái liền. Cô ấy đã gào lên: “Không sống được với nhau thì bỏ nhau. Tôi cũng không muốn sống với anh nữa”.

Vợ Thụy bán hàng xong lại tiếp tục vào giường đi ngủ. Đợi vợ ngủ say, Thụy lúi húi lôi từ gậm giường ra cuộn dây điện. Không đắn đo, lưỡng lự, Thụy cắm điện, dí đoạn dây trần vào người vợ rồi ôm con bỏ chạy. Biết vợ chắc chắn sẽ chết, Thụy bế con về Hà Cối (quê Thụy) bỏ trốn. Thụy gửi con cho bà hàng xóm rồi mua thuốc sâu uống tự tử. Lên tận đồi vắng để kết thúc đời mình nhưng không thành. Vì trong lúc mồm miệng Thụy đang sùi bòn bọt thì có người phát hiện ra nên đã hô hoán mọi người đưa Thụy đi cấp cứu. Thụy thoát chết nhưng không thoát được bản án chung thân dành cho mình.

Thụy nói, những ngày mới nhập trại anh ta rất hay gặp ác mộng. Hình ảnh người vợ trẻ quằn quại trong luồng điện cao thế cứ trở đi trở lại trong mỗi giấc mơ. Nhiều đêm Thụy không dám ngủ, cứ ngồi bó gối ở một xó buồng giam đợi cho tới sáng. Nhưng cũng có lần Thụy mơ thấy vợ dẫn con trai vào trại giam thăm mình. Gặp chồng, cô ấy chỉ khóc mà không nói bất kể lời nào, không giận hờn, không oán trách. Điều đó càng khiến Thụy thấy đau lòng hơn. Giá như cô ấy cứ ném tất cả sự căm thù của mình vào Thụy có lẽ Thụy sẽ thấy bớt dằn vặt, bớt đau đớn.

Ân hận vì gây ra tội ác cho vợ bao nhiêu thì Thụy lại thương và thấy có lỗi với con trai bấy nhiêu. Đang từ một đứa trẻ có đủ đầy cả cha lẫn mẹ, vậy mà chỉ vì một phút điên rồ, không kiểm soát được của Thụy, con trai Thụy bỗng chốc trở thành một đứa trẻ mồ côi. Mẹ chết, bố đi tù. Giờ nó phải về ở với bà nội.

Ngày mẹ Thụy dẫn con trai vào trại giam thăm Thụy, nhìn thấy bố nó cứ chê “sao bộ quần áo bố mặc lại xấu thế. Mai con lớn, con kiếm được tiền con sẽ mua cho bố nhiều quần áo đẹp hơn”. Rồi nó hỏi bố sao đi “làm” gì mà lâu thế không chịu về thăm nó. Nó bảo nó nhớ bố nhiều lắm. Khi bà nội dẫn nó về nó khóc ngằn ngặt không chịu, đòi bố phải về cùng. Nhìn người mẹ già dẫn đứa cháu tội nghiệp lụi cụi ra về nước mắt Thụy cứ trào ra. Tuổi bà cũng đã cao, sức cũng đã yếu. Không biết rồi sau này khi bà khuất đi nó sẽ nương tựa vào ai. Anh chị em mỗi người mỗi phận, hơn nữa ai cũng nghèo túng nên khó có thể nuôi thêm một đứa cháu mồ côi.

Nghĩ về con mà lòng Thụy đau như xát muối. Thụy tâm sự rằng: “Em chỉ sợ con em sẽ lại bất hạnh như em vì không biết chữ. Em nghĩ trên đời này nghèo không sợ, khổ không sợ. Cái đáng sợ nhất chính là mù chữ chị ạ. Nhục lắm!”

Ngọc Anh
.
.
.