Sáu đời Thủ tướng Nga dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin

Thứ Năm, 31/05/2012, 16:14

Chỉ trong vòng 21 năm (1991-2012), Nga đã trải qua 13 đời thủ tướng và trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ thay đổi người đứng đầu nội các nhiều nhất trên thế giới. Điều thú vị là mỗi một Thủ tướng đều có những "cái nhất" mà không một người nào có thể thay thế.

Trong số 13 thủ tướng, đáng chú ý nhất là ông Vladimir Putin, người vừa làm lễ nhậm chức Tổng thống bởi ông là người duy nhất làm thủ tướng 2 lần. CSTC xin giới thiệu 6 đời thủ tướng dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin.

Thủ tướng đầu tiên. Trước khi trở thành Tổng thống kiêm Thủ tướng đầu tiên của nước Nga (từ 6/11/1991 đến 15/6/1992), ông Boris Yeltsin từng giữ chức Chủ tịch Thượng viện. Trong thời gian nắm quyền, ông Boris Yeltsin đã bổ nhiệm tất cả 7 Thủ tướng và những người này đều có biệt danh sau khi rời nhiệm sở. Tính tới nay ông Boris Yeltsin là Thủ tướng đầu tiên của Nga đã chết (23/4/2007) ở tuổi 76 sau một cơn đau tim nặng. Di sản được đáng giá cao nhất dưới thời ông Boris Yeltsin là đã chọn đúng người kế vị - đương kim Tổng thống Putin. Tuy ông Boris Yeltsin đã qua đời được hơn 5 năm, nhưng tới nay cuộc đời chính trị của Tổng thống kiêm Thủ tướng đầu tiên của nước Nga vẫn là đề tài gây tranh cãi của nhiều giới.

Yegor Gaidar.
Thủ tướng bị đầu độc nghiêm trọng nhất. Là quyền thủ tướng, được đánh giá là gương mặt tiêu biểu dưới thời cố Tổng thống Boris Yeltsin - tự do hoá giá bán lẻ và khởi động quá trình tư nhân hoá và điều này đã khiến cho nền kinh tế Nga phải gồng mình gánh chịu đợt lạm phát phi mã vào những năm 1992-1993. Ông Yegor Gaidar được đánh giá là Thủ tướng (từ 15/6/1992 đến 14/12/1992) bị "đầu độc" nghiêm trọng nhất. Sở dĩ nói như vậy vì cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra hung thủ đã đầu độc ông Yegor Gaidar mặc dù Tổng thống Putin đích thân ra lệnh điều tra.

Gần 6 năm trước (29/11/2006), ông Putin từng gọi điện thăm hỏi ông Yegor Gaidar khi cựu Thủ tướng phải điều trị bí mật ở thủ đô Moskva vì bị đầu độc: không cử động được chân tay, cả mũi và mồm đều thổ huyết sau bữa ăn sáng gần Dublin, Ireland. Trước khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng, ông Yegor Gaidar, con trai Đại đô đốc Timur Gaidar từng làm Bộ trưởng Kinh tế (1991-1992), Bộ trưởng Tài chính (từ tháng 2/1992 đến tháng 4/1992).

Là Tiến sỹ kinh tế nên sau khi rời ghế Thủ tướng, ông Yegor Gaidar đã tuyên bố từ biệt chính trường và thực tế đã chứng minh điều này - trở lại với công tác nghiên cứu tại Viện Khoa học & Xã hội Nga và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, Trưởng ban cố vấn kinh tế ở Moskva. Uy tín và ảnh hưởng của ông Yegor Gaidar trong giới kinh tế Nga rất lớn bởi cựu Thủ tướng đã xuất bản khá nhiều cuốn sách gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Sau khi xuất bản cuốn "Quốc gia và sự tiến hoá" (1995), đầu năm 2005, ông Yegor Gaidar lại cho ra mắt độc giả cuốn "Nước Nga trong thế giới: Tóm lược lịch sử kinh tế".

Viktor Chernomyrdin.
Thủ tướng giàu nhất và tại vị lâu nhất. Khi được hỏi tại sao lại cử một cựu Thủ tướng làm Đại sứ Nga tại Ukraine (năm 2001), ông Putin khẳng định - không ai phù hợp hơn ông Viktor Chernomyrdin trong cương vị này. Và dưới sự dàn xếp của ông Viktor Chernomyrdin, Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma đã tiếp xúc gần 40 lần. Điều này chứng tỏ quyết định bổ nhiệm ông Viktor Chernomyrdin làm Thủ tướng thứ ba (từ 14/12/1992 đến 23/3/1998 và từ 23/8/1998 đến 11/9/1998) của Tổng thống Boris Yeltsin khi đó là đúng đắn.

Ông Viktor Chernomyrdin từng được ông Boris Yeltsin ban sắc lệnh đặc biệt cho phép tạm quyền Tổng thống trong vài giờ. Một trong những bí quyết khiến ông Viktor Chernomyrdin giữ được chiếc ghế Thủ tướng của mình bất chấp những thay đổi khôn lường của ông Boris Yeltsin là duy trì được mối quan hệ tốt với cả Tổng thống lẫn các phe phái trong Duma Quốc gia. Ông Victor Chernomyrdin từng được tạp chí Forbes xếp thứ 452 trong số những người giàu nhất thế giới với tổng giá trị tài sản là 1,1 tỷ USD. Tuy chỉ đứng thứ 452, nhưng ông Victor Chernomyrdin là Thủ tướng giàu nhất nước Nga kể từ trước đến nay. Ngoài ra, ông Victor Chernomyrdin còn có biệt danh "Vua khí thiên nhiên", có từ khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp khí thiên nhiên thời Liên Xô cũ.

Sergei Kiriyenko.
Thủ tướng trẻ nhất. Với sở thích thể dục thể thao, leo núi, câu cá và đi săn, cách đây hơn 14 năm (24/4/1998), ông Sergei Kiriyenko từng thốt lên rằng "Tôi không bao giờ nghĩ mình lại được Tổng thống Boris Yeltsin đề cử làm Thủ tướng". Tuy mới 35 tuổi nhưng ông Sergei Kiriyenko chỉ tại vị hơn 100 ngày (từ  24/4/1998 đến 23/8/1998) và cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á là một trong những nguyên nhân chính quật đổ vị Thủ tướng trẻ nhất nước Nga.

Sau khi rời ghế Thủ tướng, ông Sergei Kiriyenko được cử giữ chức Chủ tịch ủy ban xử lý vũ khí hoá học nhà nước, Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử Nga, là đặc sứ của Tổng thống tại khu vực Volga bởi ông Boris Yeltsin muốn duy trì mối quan hệ tốt giữa trung ương và địa phương vì đây là quê hương của cựu Thủ tướng.

 

Yevgeny Primacov.

Thủ tướng già nhất. Ngày 24/3/1999, chuyên cơ của ông Yevgeny Primakov buộc phải thay đổi tuyến bay khi bay trên Đại Tây dương vì NATO đang ném bom Nam Tư và gần 2 tháng sau (12/5/1999), vị Thủ tướng có biệt danh già nhất đã phải từ chức. Trong thời gian tại nhiệm (từ 11/9/1998 đến 12/5/1999), ông Yevgeny Primakov đã tiến hành một số cải cách nhằm giữ vững sự ổn định về chính trị cũng như kinh tế, trong đó đáng kể nhất là cải cách thuế bởi thu được thành công.

Ông Yevgeny Primacov được Tổng thống Boris Yeltsin bổ nhiệm làm Thủ tướng khi đã 69 tuổi và là Viện sỹ Viện Khoa học đầu tiên của nước Nga được bổ nhiệm vào cương vị này. Sau khi bị Tổng thống Boris Yeltsin tước bỏ ấn kiếm, ông Yevgeny Primacov được cử làm Chủ tịch đảng "Tổ quốc-toàn Nga", là Chủ tịch Hội Công thương của Nga, được coi là người đại diện, phát ngôn của các nhà doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nga. Năm 2004, ông Yevgeny Primakov được bầu là thành viên của "nhóm danh nhân" trong cải cách Liên hợp quốc.

Sergei Stepashin.
Thủ tướng đoản mệnh nhất. Mặc dù được bổ nhiệm thay thế ông Yevgeny Primakov (12/5/1999), nhưng ông Sergei Stepashin lại tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm nên đã khiến Tổng thống Boris Yeltsin không hài lòng. Ngày 9/8/1999, ông Sergei Stepashin phải ra đi và chỉ tại vị 82 ngày nên được mệnh danh là Thủ tướng đoản mệnh nhất.

Ngoài biệt danh này, ông Sergei Stepashin còn là Thủ tướng Nga duy nhất sinh ra ở Trung Quốc. Sau khi lên chấp chính, Tổng thống Putin từng bổ nhiệm ông Sergei Stepashin làm Tổng cục trưởng thẩm kế liên bang nhằm phát huy sở trưởng của người từng làm Cục trưởng Cục Phản gián liên bang, Giám đốc An ninh quốc gia, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ trưởng Nội vụ

Nguyễn Thị Lân
.
.
.